Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ Ngân hàng Đông Á trả tiền
Ngân hàng Nhà nước khẳng định Ngân hàng Đông Á vẫn hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo chi trả đầy đủ cho mọi khoản tiền gửi, vàng giữ hộ của khách hàng gửi tại ngân hàng.
Một chi nhánh của Ngân hàng Đông Á - Ảnh tư liệu
Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước phát đi có thông tin chính thức việc thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với NH TMCP Đông Á thì trong sáng nay 15-8 một số khách hàng tới một vài điểm giao dịch của NH Đông Á đề nghị rút tiền gửi trước hạn.
Chiều tối 15-8, trao đổi với một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Kim Anh - phó thống đốc NH Nhà nước - nói:
“Chúng tôi được biết sáng nay tại một số điểm giao dịch của NH Đông Á, một số khách hàng tới rút tiền do tâm lý lo ngại về sự an toàn của khoản tiền gửi của mình.
Về việc này, NH Nhà nước khẳng định NH Đông Á vẫn hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo chi trả đầy đủ cho mọi khoản tiền gửi, vàng giữ hộ của khách hàng gửi tại NH.
Đồng thời NH Nhà nước cũng cam kết sẽ hỗ trợ thanh khoản đầy đủ, kịp thời để đảm bảo nhu cầu chi trả tiền gửi của người dân và hoạt động bình thường của NH Đông Á”.
Ông Kim Anh cho biết việc NH Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh, đồng thời bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền cũng như các quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc thành lập ban kiểm soát đặc biệt, NH Nhà nước sẽ lựa chọn và cử những cán bộ có năng lực quản trị, trình độ chuyên môn của BIDV đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo chủ chốt để thực hiện quản trị, điều hành, kiểm soát đối với NH Đông Á, đồng thời tái cơ cấu và đưa NH này hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
Cũng theo phó thống đốc, việc đặt NH vào kiểm soát đặc biệt là một trong những biện pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Với hỗ trợ của BIDV và kiểm soát chặt chẽ của NH Nhà nước, mọi khoản tiền gửi của người dân được Chính phủ và NH Nhà nước đảm bảo.
Vì vậy, người dân hoàn toàn yên tâm và không nên rút tiền gửi trước hạn để tránh thiệt hại về mặt kinh tế không đáng có.
Gần đây, một số NH được đặt vào kiểm soát đặc biệt, tuy nhiên mọi quyền lợi của người gửi tiền đều được Nhà nước bảo đảm.
Xuất da giày vào EU, Việt Nam vươn lên thứ 3
Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba về quốc gia xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Liên minh châu Âu (EU) năm 2014, sau Trung Quốc và Ý...
Sản xuất giày tại một công ty. Ảnh: Thanh Đạm
Hiệp hội Da giày, túi xách VN (Lefaso) cho biết theo thông tin mới nhất vừa được cập nhập, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba về quốc gia xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Liên minh châu Âu (EU) năm 2014, sau Trung Quốc và Ý, với kim ngạch đạt 4,88 tỉ USD, tăng 20,5% so với năm 2013, đạt mức kim ngạch cao nhất trong giai đoạn 2010 - 2014.
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu giày dép của VN là Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha... Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp lớn nhất, đạt xấp xỉ 830 triệu USD, chiếm 16,82% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sang EU.
Theo Tổng cục Hải quan VN, sáu tháng đầu năm 2015 kim ngạch xuất khẩu da giày sang EU đạt khoảng 2 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập siêu hơn 19 tỷ USD từ Trung Quốc
Giá trị nhập siêu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ 2014 khoảng 4,5 tỷ USD.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đạt gần 28,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng chậm hơn, chỉ đạt 5% với hơn 9 tỷ USD.
Xét về cơ cấu, giá trị hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, trong khi xuất khẩu chiếm 10%. Tính chung trong 7 tháng, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 19,4 tỷ USD, cao hơn con số 14,9 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Thống kê này cũng tương đương 67% tổng mức nhập siêu từ thị trường Trung Quốc trong năm 2014.
Các mặt hàng gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc gồm nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, giày dép, vải, bông, xơ sợi dệt các loại, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng điện gia dụng, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng... Riêng ôtô, 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập hơn 18.000 chiếc từ Trung Quốc, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch đạt 696 triệu USD, chủ yếu là xe ôtô tải.
Về xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam như thủy sản, rau quả, gạo... Tổng kim ngạch các mặt hàng này trong 7 tháng đạt gần 2 tỷ USD, tương đương năm ngoái.
Tính tổng các thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 91,76 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Song, nhập khẩu tăng tới 16%, đạt 95,28 tỷ USD khiến cả nước nhập siêu 3,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Con số này bằng 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong giới hạn mà Chính phủ đặt mục tiêu (5%), trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc gấp 5,5 lần mức nhập siêu chung cả nước.
Sản xuất thép bất ngờ đạt kỷ lục trong 10 năm
Hiệp hội thép VN (VSA) cho biết ngành sản xuất thép trong nước đã có cuộc “trở mình” ngoạn mục khi lượng thép xây dựng vượt ngưỡng sản xuất hơn 600.000 tấn/tháng...
Sàn xuất thép tại một nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 7-2015, các doanh nghiệp thành viên đã sản xuất xấp xỉ 613.000 tấn/tháng, tăng đến 51,48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu so với mức bình quân sản xuất thép 7 tháng của năm 2014 là 429.000 tấn/tháng, lượng thép sản xuất bình quân 7 tháng năm 2015 của các doanh nghiệp đạt đến 514.000 tấn/tháng, mức tăng rất cao trong những năm gần đây sau một thời gian dài ngành thép rơi vào tình cảnh khó khăn do lĩnh vực bất động sản...bất động.
Đến cuối tháng 7-2015, đã có gần 3,57 triệu tấn thép xây dựng được tiêu thụ, tăng đến 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VSA, do giá thép phế liệu và phôi thép thế giới vẫn đang tiếp tục trên đà suy giảm nên giá thép trong nước cũng được điều chỉnh giảm theo.
Đặc biệt, sức ép từ thép thành phẩm lẫn phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rất cạnh tranh sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước trong thời gian tới, khi nguồn cung dư thừa thép của quốc gia này cũng ở mức báo động trong 20 năm gần đây.
(
Tinkinhte
tổng hợp)