Sẽ có nhiều "cá mập" đầu tư vào bán lẻ Việt Nam
Trên 51.000 tỷ đồng đầu tư vào Quảng Ninh trong năm 2015
Nhiều cơ hội giao thương với doanh nghiệp Nga
Đón đầu TPP, nhà đầu tư Đài Loan rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam
Vốn FDI Nhật Bản chảy mạnh vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-12-2015
- Cập nhật : 08/12/2015
Kinh tế Việt Nam đang tụt lại phía sau
Trên đây là nhận định của bà Victory Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam vừa diễn ra ở Hà Nội.
Theo bà Victory Kwakwa, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi đó Trung Quốc là 7%, Hàn Quốc trên 5%. Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo của Đài Loan hay Hàn Quốc.
Từ đó, bà Victory Kwakwa khuyến nghị Việt Nam cần tách bạch rạch ròi giữa hoạt động quản lý và hoạt động thương mại. Đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, cải cách hành chính công cũng như cần phải sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả nhằm thu hút lĩnh vực tư nhân.
Các đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới tham gia Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam. Ảnh: N.BẮC
Nhận định về nền kinh tế Việt Nam, ông Layton Pike - Phó Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động dưới tiềm năng với tăng trưởng năng suất ngày càng giảm. Năng lực cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện trong khi nguồn lực phân bổ không hiệu quả, nhất là trong khu vực công. Ngoài ra, khu vực tư nhân bị đè nặng với những gánh nặng quy định, sự khó tiên liệu và không nhất quán trong hệ thống pháp luật.
Trong khi đó, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phân tích: “Giống như các nước có thu nhập trung bình mới nổi khác, Việt Nam có sự chuyển tiếp những khó khăn và những ưu tiên trái chiều. Những thách thức của Việt Nam có thể sinh ra một vòng luẩn quẩn đói nghèo. Những bước tiến của Việt Nam trước kia đã có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây và tụt lại phía sau so với các nước trong khu vực Đông Á, Thái Bình Dương. “Để đối phó với những thách thức của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, việc tiến hành cuộc đổi mới lần thứ hai là rất cần thiết” - bà Pratibha Mehta gợi ý.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong năm năm tới (2016-2020), bên cạnh thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu phát triển trong năm năm tới phải lấy con người làm mục tiêu, là trung tâm của sự phát triển kinh tế đất nước. Tăng trưởng kinh tế nhưng phải phát triển văn hóa, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cũng như cải thiện đời sống người dân.
“Tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ các bước đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới. Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường và thể chế xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo đó sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường.
Xây dựng quy trình cấp bảo lãnh bất động sản
Theo đó, chủ đầu tư và NH ký thỏa thuận cấp bảo lãnh. Sau khi chủ đầu tư nhận được yêu cầu mua, thuê mua nhà cụ thể của từng khách hàng thì sẽ ký hợp đồng.
Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các NH chủ động ban hành những quy định nội bộ hướng dẫn thống nhất trong hệ thống để triển khai thực hiện thông tư số 07 về bảo lãnh đối với bất động sản.
Cụ thể, các NH chủ động xây dựng quy trình cấp bảo lãnh, hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục bảo lãnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu được bảo lãnh để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
NH Nhà nước cũng quy định các bước cần thực hiện trong quy trình bảo lãnh. Theo đó, chủ đầu tư và NH ký thỏa thuận cấp bảo lãnh. Sau khi chủ đầu tư nhận được yêu cầu mua, thuê mua nhà cụ thể của từng khách hàng thì sẽ ký hợp đồng. Trên cơ sở đó, NH phát hành cam kết bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh là người mua, thuê mua nhà.
Nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp cơ khí
Doanh nghiệp trong ngành cơ khí sẽ có cơ hội đầu tư, phát triển và tham gia sâu vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thông qua các dự án đầu tư mới.
UBND TP.HCM vừa có quyết định số 50 về việc thực hiện chương trình kích cầu đầu tư, trong đó doanh nghiệp trong ngành cơ khí sẽ có cơ hội đầu tư, phát triển và tham gia sâu vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thông qua các dự án đầu tư mới.
Quyết định mới đã nâng mức cho vay đối với công nghệ, thiết bị lên 85% (mức cũ là 70%) của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất.
Theo ông Đỗ Phước Tống - phó chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, quy định mới không quy một mối ở Sở Kế hoạch và đầu tư làm thủ tục đăng ký dự án, mà mở sang Sở Công thương - với cơ quan đầu mối là Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM - tiếp nhận hồ sơ đăng ký.
“Các cơ quan chuyên trách này sẽ nắm rõ chuyên ngành của doanh nghiệp nên hồ sơ, thủ tục sẽ giải quyết nhanh hơn” - ông Tống nhận xét.
Phúc thẩm vụ 8 ngân hàng bị lừa gần 800 tỉ
Vào tháng 8-2015, TAND tỉnh Sóc Trăng đã xét xử sở thẩm tuyên Lâm Ngọc Khuân, kế toán trưởng Công ty Phương Nam 14 năm tù, Trịnh Thị Hồng Phượng, nguyên Phó giám đốc kinh doanh Công ty này 12 năm tù. Cả hai bị tuyên phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, 25 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo nhân viên các ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang cũng bị kết án từ 2 đến 7 năm tù cùng về tội “vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Sau đó, VKSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị tăng án cho 22 bị cáo nguyên là cán bộ các ngân hàng. Hai bị cáo Phượng và Mẫn kháng cáo kêu oan, cho rằng bản thân không phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đề nghị HĐXX xem xét chuyển tội danh từ lừa đảo sang “vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”.
Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến năm 2012, ông Lâm Ngọc Khuân, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Phương Nam, TP Sóc Trăng đã chỉ đạo thuộc cấp lập nhiều báo cáo tài chính, hồ sơ khống nhầm lừa vay tiền 8 ngân hàng thương mại tại Sóc Trăng, Hậu Giang. Sau khi điều tra, cơ quan Công an xác định số tiền mà cha con ông Khuân cùng các thuộc cấp đã lừa các ngân hàng lên đến 785 tỉ đồng.
Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 258 dự án tại Lào
Thông tin tại hội đàm cho biết hiện Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 258 dự án tại Lào với tổng vốn đầu tư khoảng 5,36 tỉ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2015, Bộ KH&ĐT Việt Nam cấp mới và điều chỉnh 14 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư là 1,16 tỉ USD. Trong năm năm qua, Việt Nam đã viện trợ cho Lào 3.100 tỉ đồng. Ngoài số viện trợ chính thức, theo thống kê sơ bộ trong giai đoạn 2011-2015, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã viện trợ cho Lào khoảng 6.330 tỉ đồng.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên thống nhất tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào; triển khai đồng bộ, hiệu quả Hiệp định thương mại mới và Hiệp định thương mại biên giới; triển khai tốt Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về kết nối giao thông vận tải Việt Nam-Lào; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn…