Trung Quốc cần dẹp công ty 'xác sống', giảm nợ để tránh khủng hoảng; Khi các đặc khu đã khởi động trên đường băng; Ba cách "kiếm tiền" của ngành dệt may; Arab Saudi bắt hàng loạt hoàng tử, cựu bộ trưởng
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 05-11-2017
- Cập nhật : 05/11/2017
Cao tốc Bắc - Nam 118 nghìn tỷ: Cần tính đến phương án 8 đến 10 làn xe
Theo tờ trình của Chính phủ, một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được thiết kết 4-6 làn xe. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai.
Ngày 3/11, Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Hà Nội và trung tâm kinh tế TP. HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đặc biệt, dự án này cũng kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Về phạm vi đầu tư, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với hướng Chính phủ đưa ra là lựa chọn theo thứ tự ưu tiên đầu tư mang tính cần thiết, cấp bách trên cơ sở nhu cầu vận tải, quy hoạch đã được phê duyệt và khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư.
Về quy mô đầu tư, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17 - 25m, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12m, nhưng yêu cầu phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, hiện đại, đồng bộ vào quá trình vận hành và quản lý Dự án, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn.
Ông Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các ý kiến này.
Về khung giá dịch vụ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý: Ủy ban Kinh tế đề xuất hai phương án:
Phương án 1, chấp thuận về nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư. Phương án 2, xác định giá theo thị trường trên cơ sở chỉ số giá xây dựng trong từng thời kỳ.
Theo ông Thanh, ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế đề nghị chọn phương án 1.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn từ năm 2017-2020; giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn sau 2025.
Giai đoạn 1 (2017-2020) dự kiến đầu tư khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành. Trong đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT, 3 dự án còn lại gồm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 theo hình thức đầu tư công.
Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu giá dịch vụ, nguồn vốn thu được sẽ nộp ngân sách Nhà nước và đầu tư các đoạn tiếp theo.
Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, tổng diện tích GPMB tái định cư khoảng 3,736 ha. Trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng cho lập thiết kế, giải phóng mặt bằng... Nguồn vốn nhà đầu tư huy động gần 64.000 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu gần 13.000 tỷ đồng, vốn vay gần 51.000 tỷ đồng.
Về mức thu phí hoàn vốn, tờ trình đề nghị mức giá khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km. Nếu các chính sách thông qua, dự án có thể khởi công ngay từ năm 2019.(bizlive)
---------------------------------
Ngân hàng cắn răng trích nửa lợi nhuận dự phòng rủi ro
Lợi nhuận của ngân hàng đang quay về thời kỳ hoàng kim, song chủ yếu đến từ tín dụng nên các ngân hàng đang phải chi rất nhiều cho trích lập dự phòng rủi ro. Tại một số ngân hàng, phần trích lập dự phòng thậm chí còn cao hơn phần lợi nhuận giữ lại.
Sau trích lập, lợi nhuận chỉ còn 1/3
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 3 quý đầu năm đang dần được lắp ghép đầy đủ với đa số mảng màu tươi sáng. Những con số kỷ lục liên tục được phá vỡ, những ngân hàng lọt vào danh sách lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng ngày càng dài thêm.
Đến thời điểm này, đã có hàng loạt ngân hàng ghi danh vào “câu lạc bộ lãi trên 1.000 tỷ đồng” như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank, Techcombank, MB, ACB, SHB, LienVietPostBank, HDBank, Sacombank. Kết thúc năm nay, có thể có thêm vài ngân hàng nữa đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, năm nay, lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng rất tốt. Những nhà băng lãi ngàn tỷ đã chiếm non nửa số ngân hàng trong toàn hệ thống. Với triển vọng kinh doanh sáng sủa, kết thúc năm nay, một số ngân hàng như Vietcombank, VietinBank có thể cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng - một con số chưa từng có.
Thế nhưng, nếu bóc tách kỹ kết quả kinh doanh, có thể thấy rằng, các ngân hàng vẫn sống dựa chủ yếu vào tín dụng. Ngân hàng càng lớn, cho vay càng nhiều thì lãi càng cao. Tuy nhiên, hệ lụy từ tăng trưởng “nóng” về tín dụng thời gian qua là rủi ro tín dụng cũng tăng lên. Do đó, dù lợi nhuận thu về rất lớn, song nhiều ngân hàng đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.
Đơn cử, nếu không tính phần trích lập dự phòng, BIDV sẽ là nhà băng dẫn đầu hệ thống về kết quả kinh doanh với lợi nhuận riêng lẻ lên tới 17.556 tỷ đồng. Tuy nhiên, gánh nặng trích lập dự phòng lên tới 11.553 tỷ đồng khiến lợi nhuận của ngân hàng chỉ còn lại hơn 1/3 (6.000 tỷ đồng). Sau khi hợp nhất, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm còn 5.550 tỷ đồng (khoản trích lập dự phòng lên tới 11.886 tỷ đồng), rơi khỏi top 3 hệ thống về lợi nhuận.
Tương tự, 3 quý đầu năm, khoản lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh hợp nhất của VietinBank lên tới 13.895 tỷ đồng, song việc phải chi gần một nửa để trích lập dự phòng (hơn 6.660 tỷ đồng) khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 7.232 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank thấp hơn hai ngân hàng trên, song khoản trích lập thấp nên lợi nhuận đã vọt lên 7.934 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống.
Với các ngân hàng khối TMCP tư nhân, rất nhiều ngân hàng cứ kiếm được 2 đồng thì chỉ được giữ lại 1 đồng lợi nhuận, phải chi 1 đồng cho trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể, VPBank lãi thuần từ hoạt động kinh doanh (hợp nhất) là 11.255 tỷ đồng thì phải trích lập dự phòng rủi ro 5.620 tỷ đồng; ACB đạt lợi nhuận 3.332 tỷ đồng, phải trích lập 1.423 tỷ đồng…
Ngân hàng lo xa hay chất lượng vay chưa ổn?
Việc nhà băng phải chi mạnh tay cho trích lập dự phòng rủi ro cho thấy hai khía cạnh. Một là, ngân hàng đang thận trọng lo xa, hai là tín dụng đang tăng nóng dẫn đến chất lượng khoản vay còn nhiều rủi ro. Đương nhiên, không phải ngân hàng nào tăng trưởng nóng cũng rủi ro.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, đến thời điểm này, tổng dư quỹ dự phòng của Vietcombank đã lên tới 136% tổng dư nợ xấu. Sở dĩ ngân hàng dành lượng lớn lợi nhuận vào trích lập dự phòng là để ngừa các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai. Dù vậy, để giảm các rủi ro về tín dụng, ngân hàng cũng chủ trương đẩy mạnh bán lẻ, tăng thu dịch vụ thay vì dựa vào tín dụng.
Trong khi đó, thừa nhận đã theo đuổi chiến lược tăng trưởng nhanh thời gian qua, song ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, ngân hàng Việt Nam muốn dẫn đầu thì phải chạy nhanh, miễn là có khả năng quản trị rủi ro tốt. “Mức trích lập dự phòng rủi ro của VPBank rất cao, cho thấy ngân hàng rất thận trọng và hoàn toàn đủ khả năng xử lý toàn bộ nợ xấu”, ông Vinh nói.
Theo vị CEO này, nếu đo lường được rủi ro, đồng thời xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro tốt, dù có nợ xấu cao, ngân hàng vẫn có thể vừa đạt hiệu quả kinh doanh cao, vừa có đủ năng lực để xử lý nợ xấu.
Một lý do nữa khiến nhiều ngân hàng cho biết phải tăng trích lập dự phòng rủi ro là dù kinh tế đang tăng trưởng tốt, song những cú sốc của nền kinh tế vừa qua buộc ngân hàng phải căn cơ hơn. Chưa kể, hiện số nợ xấu chưa được xử lý của ngân hàng tại VAMC vẫn còn rất lớn. Tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu thời gian tới.(Infomoney)
--------------------------
Đề xuất dự án cao tốc Bắc - Nam 6 tỷ USD: Khởi công năm 2019, hoàn thành sau 3 năm
Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp Quốc hội lần này, một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong năm 2019. Dự kiến hoàn thành năm 2021. Dự kiến tổng mức đầu tư cho giai đoạn đầu này gần 128.716 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, sáng 3/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộcao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo tờ trình, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh thành phố được và đầu tư theo ba giai đoạn. Quy mô từ 4-6 làn xe. Khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn thì 8 làn xe. Tốc độ từ 80-120km/h.
Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp Quốc hội lần này, một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong năm 2019. Trước đó, năm 2017-2018 sẽ là bước chuẩn bị đầu tư. Dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Giai đoạn 1 (2017-2020) dự kiến đầu tư khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành.
Cụ thể, trong giai đoạn này, ngành giao thông sẽ đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), Dầu Giây (Đồng Nai) - Nha Trang (Khánh Hòa) và cầu Mỹ Thuận 2.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn một gần 128.716 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn phải huy động đầu tư gần 64.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (2021-2025): Chính phủ đề xuất đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang, nâng cấp, đưa vào sử dụng đoạn La Sơn - Túy Loan từ 2 lên 4 làn xe.
Giai đoạn 3 sau năm 2025 sẽ đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP. Cà Mau.
Không thể trì hoãn đầu tư cao tốc Bắc - Nam
Theo tờ trình của Chính phủ, việc đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam là vô cùng cần thiết. Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, song Chính phủ cho biết hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tỷ lệ các công trình hiện đại như hệ thống được cao tốc còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, đây chính là điểm nghẽn của phát triển. Nguy cơ này cũng đã được phản ánh trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới.
Quốc lộ 1 hiện nay đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực có thể đáp ứng được khoảng 35.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm.
Tuy nhiên, theo tính toán nếu không đầu tư cao tốc Bắc - Nam, đến năm 2020, nhu cầu vận tải trên các tuyến Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa đạt trên 42.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm. Vượt quá năng lực của quốc lộ 1.
Đến năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa đạt khoảng 37.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm.
Trong khi đó, đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai ngay từ nay đến năm 2025, do vậy việc đầu tư ngay một số đoạn tuyến cao tốc phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là không thể trì hoãn.
Khó khăn huy động vốn
Trong tờ trình của Chính phủ cũng đưa ra nhiều khó khăn trong đầu thầu dự án. Cụ thể, Chính phủ cho rằng trong việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), để triển khai các dự án này thành công thì không phụ thuộc vào nhà nước mà phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường (mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, sự ổn định chính sách, sự đồng thuận của nhân dân...).
Trong thực tế, Bộ Giao thông vận tải đã đứng ra tổ chức đấu thầu dự án Dầu Giây - Phan Thiết và đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch nhưng không thành công.
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách lựa chọn nhà đầu tư, giá dịch vụ, quản lý thực hiện dự án còn nhiều bất cập. Nếu thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, dự án này chỉ có thể khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020.
Ngoài ra, khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước khó khăn. Việc huy động nguồn vốn nước ngoài cần có các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ...
Vì vậy, Chính phủ kiến nghị trong trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện giải phóng mặt bằng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017-2020.
Bên cạnh đó, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng phần vốn còn lại để đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách.(Bizlive)
--------------------------------
Khẩu vị của nhà đầu tư Nhật với thị trường tài chính Việt Nam đã thay đổi?
Tài khoản của nhà đầu tư Nhật chiếm khoảng 30% tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam nhưng số tiền đầu tư vào lại thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ ấy….
Nhà đầu tư Nhật xưa nay vẫn được đánh giá là những người kỹ tính và vô cùng cẩn trọng. Tuy nhiên họ cũng là những nhà đầu tư rất có uy tín mà nhiều doanh nghiệp Việt mong muốn được trở thành đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Có thể kể đến những định chế tài chính của Nhật đang là đối tác chiến lược với các ngân hàng lớn của Việt Nam như Mizuho sở hữu 15% vốn ở Vietcombank, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sở hữu gần 20% ở VietinBank, Credit Saison liên doanh với HDBank ở công ty tài chính khi nắm 49% vốn HD Saison, Sumi Trust hợp tác với BIDV mua 49% cổ phần công ty cho thuê tài chính…và mới đây nhất là Shinsei liên kết với MB để sở hữu 49% ở công ty tài chính Mcredit.
Ngoài việc tìm đến nhau hợp tác lâu dài trong vai trò là nhà đầu tư chiến lược thì các nhà đầu tư Nhật cũng còn hiện diện trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam ở nhiều sản phẩm dịch vụ như bảo hiểm (với điển hình là Daichi-Life), thẻ ngân hàng, các thỏa thuận ghi nhớ (MOU)… Trong bối cảnh FDI từ Nhật ngày một tăng, doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam làm ăn ngày càng nhiều thì làn sóng hợp tác dự đoán sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới.
Dẫu vậy cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, dù làn sóng đầu tư Nhật vào Việt Nam khá mạnh suốt 30 năm qua nhưng trong lĩnh vực ngân hàng, bóng dáng của nhà đầu tư Nhật nhìn chung vẫn khá vắng vẻ. Một số liệu thống kê khác còn cho thấy, tài khoản của nhà đầu tư Nhật chiếm khoảng 30% tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam nhưng số tiền đầu tư vào lại thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ ấy…
Một số ý kiến cho rằng, dường như khẩu vị của nhà đầu tư với thị trường giờ đây đã khác nên rất khó để nhìn thấy những thương vụ làm ăn lớn mà nhiều ngân hàng Việt mong muốn.
Song chia sẻ với báo giới gần đây, ông Kagita Kiroyuki, Giám đốc khối chiến lược kinh doanh của Shinsei Bank cho biết, nhà đầu tư Nhật vẫn rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Thế nhưng, với bản chất của người Nhật là rất thận trọng trong mọi việc, ngay cả khi trong nội bộ cần đưa ra quyết định nào đó cũng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, nên họ đều cần phải có thời gian nhất định để tìm hiểu. Ông lấy ví dụ việc Shinsei hợp tác với MB cũng không phải bây giờ mới bắt đầu mà đã có đến 6 năm tìm hiểu.
“Nhiều doanh nghiệp Việt có lẽ nghĩ rằng chẳng biết anh có muốn làm việc, muốn hợp tác với chúng tôi không mà phải nghĩ lâu đến thế. Nhưng doanh nghiệp nào cũng vậy thôi và không loại trừ Nhật Bản, chúng tôi làm gì cũng phải tính đến lợi nhuận. Nếu như cả hai bên hợp tác có thể sinh lời, có những tương lai tươi sáng thì đều có thể hợp tác vui vẻ với nhau” – ông Kagita nói.
Cũng theo vị giám đốc khối của Shinsei, nhà đầu tư Nhật vẫn luôn muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Ông Kagita tiết lộ, với một doanh nghiệp để trở thành đối tác của nhà đầu tư Nhật thì cần các yếu tố quan trọng như là sự am hiểu về nhau và có chung định hướng, mục tiêu phát triển (không chỉ riêng mục tiêu của bản thân doanh nghiệp mà còn cả mục tiêu phục vụ nền kinh tế).(CafeF)