WB và Bộ Công Thương hợp tác phát triển điện gió
Ngân hàng Thế giới - WB và Bộ Công Thương sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế về Năng lượng lần thứ 2 tại Việt Nam để thảo luận toàn diện về kế hoạch đầu tư phát triển năng lượng dài hạn của Việt Nam.
Ngày 11/8 tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã tiếp xã giao Bà Viktoria Kwakwa, Giám đốc WB, trao đổi về Chương trình Phát triển Năng lượng Tái tạo (REDP) và chương trình hợp tác với Bộ Công Thương trong lĩnh vực năng lượng.
Bà Kwakwa thông báo về kế hoạch vốn vay phân bổ của WB cho Chương trình REDP và khoản hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao WB đã hỗ trợ đẩy nhanh dự án sau khi được khởi động. Nhờ có chính sách phát triển năng lượng hợp lý về giá điện và tài chính, các nhà đầu tư nhỏ Việt Nam đã có thể tham gia vào các dự án thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo khác như điện gió, sinh khối, rác thải, mặt trời cần hỗ trợ hơn nữa từ phía Chính phủ Việt Nam và WB.
Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện chương trình nghị sự Cải cách Trợ cấp Năng lượng đã đạt được thỏa thuận về phạm vi công việc và tài chính, nâng cấp tham vấn và hỗ trợ cho các dự án năng lượng mặt trời đang thực hiện rất thành công tại miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Năng lượng tái tạo là một định hướng phát triển năng lượng của thế giới cũng như của Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu của Chiến lược Phát triển Xanh.
137 triệu USD đầu tư tuyến xe buýt nhanh tại TP.HCM
Tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 sẽ hoạt động trên tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt với chiều dài khoảng 23km, đi qua các quận 1, 2, 5, 6, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Sáng 12-8, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (UCCI) - chủ đầu tư -đã tổ chức giới thiệu dự án “Phát triển giao thông xanh TP.HCM”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết dự án này giúp hình thành một loại hình vận tải công cộng mới là tuyến xe buýt nhanh - BRT số 1 và góp phần cải thiện cuộc sống của người dân.
Sở GTVT đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị phối hợp để sớm đưa tuyến buýt nhanh vào hoạt động đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Theo ông Lương Minh Phúc - trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 sẽ hoạt động trên tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt với chiều dài khoảng 23km, đi qua các quận 1, 2, 5, 6, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Đây là tuyến xe buýt BRT đầu tiên và là một trong số sáu tuyến buýt BRT đã được quy hoạch tại TP.HCM.
Theo đó, tuyến buýt nhanh số 1 sẽ xây dựng 28 trạm dừng đón trả khách, 17 cầu đi bộ (gồm xây dựng 11 cầu đi bộ mới và cải tạo sáu cầu đi bộ hiện hữu), xây dựng một nhà ga và một bãi hậu cần kỹ thuật bảo dưỡng xe; mua 28 xe buýt BRT sử dụng nhiên liệu CNG (khí nén thiên nhiên); đầu tư cải tạo hệ thống giao thông thông minh, camera, hệ thống thông tin điện tử, hệ thống vận hành quản lý xe buýt…
Đồng thời, dự án “Phát triển giao thông xanh TP” còn nghiên cứu phát triển các hệ thống xe buýt nhanh BRT khác như nối dài tuyến BRT số 1 từ Bến Thành (Q.1) đến Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), từ vòng xoay An Lạc kết nối với bến xe miền Tây mới và tuyến xe buýt số 2.
Dự án còn nghiên cứu điều chỉnh các tuyến buýt hiện hữu kết nối vào tuyến buýt BRT số 1 để nâng cao hiệu quả và tạo thuận lợi cho người dân sử dụng xe buýt.
Hiện dự án đang trong quá trình thiết kế chi tiết và tuyển chọn nhà thầu. Dự kiến công trình thi công vào tháng 1-2017 và đưa vào vận hành cuối năm 2018. Tổng mức đầu tư dự án là 137,5 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 124 triệu USD, phần còn lại vốn đối ứng từ ngân sách TP.
7 tháng, EVN đầu tư 62.720 tỷ đồng cho xây dưng hệ thống điện
Vinanet - Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong 7 tháng đầu năm 2015, ước giá trị đầu tư xây dựng thực hiện đạt 62.720 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm 2014; giá trị giải ngân đạt 50.318 tỷ đồng.
Theo thông tin từ EVN, tháng 7/2015, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 14,72 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 93,4 tỷ kWh.
Sản lượng điện sản xuất và mua của trong tháng 7 ước đạt 14,41 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng ước đạt 90,81 tỷ kWh, tăng 11,76% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thủy điện chiếm 32,06%, nhiệt điện than chiếm 35,53%, tua-bin khí chiếm 31,01%, nhiệt điện dầu chiếm 0,26%, nhập khẩu chiếm 1,13%.
Tháng 7/2015, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 12,6 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng năm 2015, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 81 tỷ kWh, tăng 11,64% so với cùng kỳ năm 2014.
EVN cũng cho biết, tiến độ thi công của các dự án nguồn điện đảm bảo công tác chống lũ 2015 an toàn tại các công trình thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Lai Châu, Trung Sơn, Bản Vẽ.
Trong tháng này, EVN cho biết cũng hoàn thành đóng điện 18 công trình lưới điện (gồm 6 công trình 500 - 220kV và 12 công trình 110kV). Trong đó, các công trình quan trọng như: Trạm biến áp 500kV Duyên Hải, đường dây 220kV Duyên Hải - Mỏ Cày phục vụ đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, trạm biến áp 220kV Kon Tum để thu gom công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2015 hoàn thành đóng điện 111 công trình (4 công trình 500kV, 25 công trình 220kV và 82 công trình 110kV).
Tuy nhiên, một số công trình quan trọng của EVN trong thời gian qua chưa hoàn thành được trong tháng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng như các đường dây 220kV đấu nối sau Trạm biến áp 500kV Cầu Bông, Thường Tín - Kim Động, Phan Thiết - Phú Mỹ 2.
Trong tháng 7, EVN khởi công 3 công trình 500 - 220kV. Luỹ kế 7 tháng năm 2015 khởi công 26 công trình. Về giá trị đầu tư xây dựng, trong 7 tháng đầu năm 2015, ước giá trị khối lượng thực hiện đạt 62.720 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm 2014; giá trị giải ngân đạt 50.318 tỷ đồng.
Riêng về đầu tư điện nông thôn, tính đến hết quý I/2015, số liệu từ EVN cho thấy, cả nước đã có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ. Trong đó điện lưới quốc gia đã cấp cho 6/12 huyện đảo gồm: Vân Đồn, Cát Hải, Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn và Kiên Hải.
Giảm diện tích hàng loạt khu công nghiệp tại Lâm Đồng, Phú Yên
Một khu công nghiệp tại Lâm Đồng
Vinanet - Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận phương án điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng và Phú Yên đến năm 2020.
Cụ thể, với tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch các khu công nghiệp (KCN): Hòa Hiệp 2 từ 221 ha xuống còn 106 ha; Công nghệ cao từ 370 ha xuống còn 251,6 ha; An Phú từ 100 ha xuống còn 68,4 ha; đưa ra khỏi quy hoạch KCN Đa ngành 1.
Đồng thời bổ sung vào quy hoạch KCN Đông Bắc Sông Cầu - khu vực 2 với quy mô diện tích là 82 ha.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Phú Yên thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên phù hợp với quy hoạch phát triển các KCN theo quy định hiện hành; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thành lập, mở rộng KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định.
UBND tỉnh Phú Yên triển khai xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các KCN để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.
Tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch các KCN Phú Hội từ 174 ha xuống còn 109 ha; Lộc Sơn từ 185 ha xuống còn 183 ha và Tân Phú từ 415,49 ha xuống còn 328 ha; đổi tên KCN Đô thị - Tân Phú thành KCN nông nghiệp Tân Phú.
UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện quy hoạch đã được duyệt; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập KCN theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định.
Trung Quốc cứu vãn nhân dân tệ rơi tự do
Trung Quốc tìm cách hút bớt nhân dân tệ khỏi thị trường, trong khi bơm thêm USD nhằm ngăn đà mất giá của nhân dân tệ sau 2 lần điều chỉnh tỷ giá.
Thời báo phố Wall và Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đã được yêu cầu mua vào nhân dân tệ, đồng thời bán USD nhằm đưa tỷ giá về 6,43 nhân dân tệ/USD từ mức thấp nhất 4 năm ở 6,57 nhân dân tệ/USD.
Động thái trên diễn ra sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu với hai lần hạ tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với USD liên tiếp trong 2 ngày qua lần lượt là 1,9% và 1,6%. PBOC tuyên bố sẽ để các lực lượng thị trường đóng vai trò quyết định cơ chế tỷ giá của nhân dân tệ.
Mặc dù PBOC khẳng định sẽ không để nhân dân tệ rơi tự do nhưng thực tế nhân dân tệ đã xuống thấp nhất 4 năm sau 2 đợt điều chỉnh tỷ giá khi những cam kết không đủ thuyết phục để ngăn đà bán tháo nhân dân tệ của nhà đầu tư.
Tình thế này buộc PBOC phải can thiệp. Cụ thể, PBOC đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh bán USD trong 15 phút cuối cùng của ngày giao dịch hôm nay 12/8.
Nhờ đó, nhân dân tệ đã tăng 1% so với USD trong vài phút cuối cùng của phiên giao dịch lên 6,387 nhân dân tệ/USD. Biện pháp can thiệp kiểu này có lẽ không bất ngờ đối với giới đầu tư khi thị trường hiểu rằng Trung Quốc nắm trong tay vũ khí là kho dự trữ ngoại tệ lên tới 3,7 nghìn tỷ USD có thể can thiệp thị trường bất cứ khi nào.
(
Tinkinhte
tổng hợp)