FPT sẽ thoái vốn đang nắm giữ tại FPT Retail xuống dưới 50%; Giao dịch bất động sản tại Hà Nội ổn định, TP. Hồ Chí Minh giảm nhẹ; Hơn 35.000 tấn tôn mạ màu nhập khẩu được miễn áp thuế tự vệ; Tạo môi trường cho dân tự bỏ vốn kinh doanh
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-04-2017
- Cập nhật : 29/04/2017
Toyota đầu tư 'khủng' vào dự án ô tô 'sạch' tại Thái Lan
Nhà sản xuất ô tô Toyota hàng đầu của Nhật Bản đã chọn Thái Lan làm trung tâm sản xuất xe ô tô thân thiện môi trường và đây sẽ là dự án có số vốn đầu tư cao nhất trong vòng 50 năm qua của Toyota này.
Những chiếc ô tô Toyota tại nhà máy sản xuất của hãng này ở Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 10/2/2014. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo truyền thông Thái Lan, Giám đốc điều hành Toyota Shinya Kotera đã thông báo thông tin trên với Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak trong cuộc gặp mới đây tại Bangkok. Phó Thủ tướng Somkid cho hay tại cuộc gặp, đại diện Toyota đã bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng của Thái Lan để trở thành trung tâm cấp khu vực chuyên sản xuất xe ô tô thân thiện môi trường cho các thị trường mới nổi. Toyota cũng cho biết có kế hoạch cam kết làm việc lâu dài với ngành sản xuất ô tô của Thái Lan.
Trước đó, Toyota đã mua lại Daihatsu để lập ra một bộ phận sản xuất ô tô cho thị trường mới nổi. Bộ phận này sẽ đặt cơ sở sản xuất tại Thái Lan để sản xuất ô tô thân thiện môi trường dành cho thị trường mới nổi, với tham vọng xa hơn là hướng đến thị trường toàn cầu. Kế hoạch này sẽ được ban lãnh đạo Toyota thông qua vào tháng Năm tới và sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp này trong vòng 50 năm qua.
Phó Thủ tướng Thái Lan cũng nói rằng Toyota cam kết sẽ hỗ trợ phát triển công nghệ và đào tạo kỹ năng cho nhân lực của ngành sản xuất ô tô Thái Lan.(TTXVN)
---------------------------------
Vinasun muốn mở dịch vụ xe ôm công nghệ
Lãnh đạo Vinasun cho biết đang cân nhắc việc phát triển dịch vụ gọi xe ôm nhằm tăng cạnh tranh, giữ chân khách hàng.
Câu chuyện cạnh tranh thị phần với các hãng taxi công nghệ tiếp tục là tâm điểm tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) vừa diễn ra sáng nay.
Bà Đặng Thị Lan Phương, Tổng giám đốc công ty cho biết hoạt động kinh doanh trong năm qua bị ảnh hưởng bởi 22 lần thay đổi giá xăng dầu, phát sinh nhiều khoản chi phí trong quá trình tái cấu trúc, chi phí lương và phúc lợi xã hội tăng thêm theo quy định hiện hành.
“Nhưng nghiêm trọng nhất là sự tham gia vào thị trường taxi với các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh của Uber và Grab, như lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trì hoãn nghĩa vụ thuế, thay đổi giá liên tục và phi lý, dùng tiền để hỗ trợ hoặc bù lỗ cho chủ xe…”, bà Phương nói và cho biết thêm tính đến cuối năm, số lượng xe hoạt động theo mô hình này khoảng 18.000 chiếc, cao gấp 3 lần đội xe Vinasun đang sở hữu.
Chủ tịch Vinasun cho biết sắp tới sẽ kêu gọi toàn bộ nhân viên ký đơn kiện Uber và Grab để tạo hiệu ứng tác động đến Chính phủ và các ban ngành liên quan.
Trước hàng loạt thắc mắc về việc công ty có chiến lược thay đổi như thế nào để sớm giải quyết triệt để vấn đề này, đại diện ban lãnh đạo công ty cho biết Vinasun sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cấp dịch vụ, chất lượng phục vụ nhưng Uber và Grab không có tinh thần này.
“Họ được rót vốn đầu tư rất lớn nên dùng tiền để gây thiệt hại cho doanh nghiệp tự doanh như chúng ta. Họ cũng hưởng nhiều quyền lợi từ chính sách quản lý không chặt, điển hình như mỗi lần Vinasun điều chỉnh giá cước rất nhiêu khê (giá cước bình quân đã bao gồm VAT năm qua giảm 386 đồng mỗi km), trong khi họ linh động thay đổi mà chưa có cơ chế xác định giá. Sắp tới, công ty sẽ kêu gọi toàn bộ nhân viên ký đơn kiện 2 doanh nghiệp này để tạo hiệu ứng tác động đến Chính phủ và các ban ngành liên quan”, ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT công ty phát biểu.
Cũng theo ông Thành, trong thời gian tới, công ty sẽ thay chiến lược kinh doanh theo hướng đa dạng hoá hình thức hợp tác với lái xe (vừa khoán xe, vừa ăn chia theo tỷ lệ) và nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến để tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.
Bên cạnh đó, công ty sẽ xem xét ý kiến đề xuất của cổ đông liên quan đến việc tìm kiếm, liên doanh với đối tác nước ngoài nhằm tăng quy mô vốn đầu tư và nâng cao năng lực quản lý.
Trao đổi với cổ đông về việc hàng loạt chi phí như quản lý doanh nghiệp, tiếp thị và bán hàng… đều tăng mạnh so với năm trước trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, đại diện ban lãnh đạo công ty cho biết trước đây, người đứng đầu công ty từng tuyên bố Vinasun sẽ rơi vào khủng hoảng vào cuối năm 2016 và một năm sau thì phá sản, dù hiện nay mỗi tháng công ty vẫn thiệt hại khoảng 6-7 tỷ đồng nhưng hiện tình hình được cải thiện và chắc chắn điều này không xảy ra. Vấn đề tài chính vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, cơ cấu nợ vay để đầu tư rất ổn định và an toàn dù tăng hơn 20% so với năm trước.
“Các anh chị muốn chúng tôi tiếp tục chiến đấu, cạnh tranh thị phần hay ngừng đầu tư, bảo đảm tài sản ngắn hạn mà hy sinh doanh thu dài hạn? Chúng ta hình thành và phát triển trên cơ sở tự doanh suốt mười mấy năm qua nên phương thức này cũng ăn sâu vào tất cả nhân viên, do vậy khi có sự chuyển hướng mô hình hoạt động thì những trúc trắc, sụt giảm ban đầu là dĩ nhiên”, lãnh đạo Vinasun giải thích.
Đại hội cổ đông năm nay cũng thông qua mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 4.256 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ công ty mẹ và hoạt động thanh lý xe cũ, quảng cáo chiếm tỷ lệ áp đảo. Tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt gần 205 tỷ đồng, giảm hơn 34,1% so với 2016. Đáng chú ý là lợi nhuận từ hoạt động vận tải hành khách dự báo giảm hơn phân nửa, từ 224,8 tỷ đồng xuống còn 105 tỷ đồng. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước bình quân mỗi km vào khoảng 15.887 đồng.
Đây là năm thứ ba liên tiếp công ty cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh. Trước đó vào năm 2015, công ty đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận giảm xấp xỉ 16,5% so với năm trước, sau một năm thì tỷ lệ này tăng lên 20%.(Vnexpress)
--------------------------------------
Tài sản các tỷ phú công nghệ Mỹ tăng mạnh
Ông chủ Amazon có thêm 3,3 tỷ USD, trong khi hai đồng sáng lập Google cũng bỏ túi hơn 1,4 tỷ USD một ngày.
Cổ phiếu Amazon tăng vọt trong phiên giao dịch thỏa thuận hôm qua đã giúp tài sản của đồng sáng lập kiêm CEO - Jeff Bezos có lúc tăng 3,3 tỷ USD. Mã này đã tăng thêm gần 50 USD lên 965 USD, sau khi Amazon công bố doanh thu tăng 23% và có lợi nhuận quý thứ 8 liên tiếp.Chốt phiên, Bezos sở hữu 79 tỷ USD. Tỷ phú 53 tuổi này đã có thêm 65,2 tỷ USD từ khi Bloomberg ra mắt chỉ số Bloomberg Billionaires Index hồi tháng 3/2012. Nếu cổ phiếu Amazon tiếp tục tăng hôm nay, tài sản của ông sẽ lần đầu lên trên 80 tỷ USD.
Hai đồng sáng lập Google - Larry Page và Sergey Brin cũng có thêm 1,4 tỷ USD mỗi người, sau khi cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ Google lên 938 USD. Báo cáo tài chính quý I cho thấy mảng quảng cáo trên smartphone giúp họ đạt doanh thu hơn 20 tỷ USD quý này.
Page hiện có tài sản 44,7 tỷ USD và Brin sở hữu 43,7 tỷ USD. Họ lần lượt nắm giữ vị trí người giàu thứ 11 và 12 thế giới.
Người giàu nhất hành tinh hiện vẫn là đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates. Ông đã đứng vững ở vị trí này từ tháng 5/2013. Dù vậy, tài sản của ông lại giảm 200 triệu USD hôm qua, xuống 87,1 tỷ USD do kết quả kinh doanh trái chiều của đại gia phần mềm trong quý I.(Vnexpress)
--------------------------
Đại gia Thái tăng sở hữu tổ hợp hóa dầu 4,5 tỷ đôla ở Vũng Tàu
Số cổ phần mà SCG nắm giữ tại dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn đã lên đến 71% sau khi nhận chuyển nhượng từ đối tác Qatar.
Cuối tháng qua, Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI), đơn vị từng giữ phần góp vốn lớn trong liên doanh Hóa dầu Long Sơn đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn lại cho Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan. Sau khi mua lại, vốn góp của SCG tại dự án này tăng từ 46% lên 71%. 29% còn lại thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)."Chúng tôi đã tăng mức đầu tư lên 71% trong dự án Hóa dầu Long Sơn. Dự án tọa lạc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với vị trí gần TP HCM và mức tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn. Hiện, tập đoàn đang bước vào giai đoạn cuối của quyết định đầu tư tài chính với đối tác Việt Nam. Thời gian xây dựng dự kiến là 5 năm và ước tính khu phức hợp sẽ hoạt động thương mại vào năm 2022”, ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG cho biết.
Được cấp phép lần đầu năm 2008, dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn trải qua khá nhiều thăng trầm trong việc tìm kiếm nhà đầu tư. Hàng loạt tên tuổi lớn từng tham gia rồi lại quyết định ra đi, như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) rút lui năm 2012, và mới nhất là Qatar Petroleum International.
Tổ hợp hóa dầu 4,5 tỷ đôla được Bộ Công Thương đánh giá là công trình trọng điểm, là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lên đến 1,6 triệu tấn olefin mỗi năm.
Với tổng diện tích 464 hécta, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 việc làm khi đi vào vận hành thương mại. Tổ hợp này cũng sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước khoảng 115 triệu đôla mỗi năm (khoảng 2.500 tỷ đồng) trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động.
Việc SGC trở thành đối tác góp vốn lớn nhất của dự án không quá bất ngờ khi tập đoàn này liên tục có động thái mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thời gian gần đây. SCG cũng vừa mua lại Công ty Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VCM), nhà sản xuất xi măng tích hợp với công suất 3,1 triệu tấn một năm tại tỉnh Quảng Bình. Trong lĩnh vực bao bì, Công ty giấy Vina Kraft thuộc tập đoàn cũng vừa hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền sản xuất mới để mở rộng công suất lên 500.000 tấn bao bì mỗi năm, giữ vị thế là nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam.
Quý I vừa qua, SCG tại Việt Nam sở hữu tổng tài sản gần 32.300 tỷ đồng, tăng 72% so với năm trước. Tập đoàn báo cáo doanh thu bán hàng quý I đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.(Vnexpress)