Vì sao Ấn Độ ngó lơ ‘đại chiến lược’ Trung Quốc? Năng suất dừa Bến Tre giảm 70%-80%; Hải quan kiến nghị tiếp tục 'cởi trói' về kiểm tra chuyên ngành; Boeing ký nhiều thỏa thuận quốc phòng và thương mại với Saudi Arabia
Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-10-2017
- Cập nhật : 25/10/2017
Giày dép Việt Nam vào Mỹ có thể được giảm thuế
Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ đang thúc đẩy một dự luật về thuế quan và nếu được thông qua, một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ có cơ hội được giảm thuế.
Ông Nate Herman, Phó giám đốc cấp cao phụ trách chuỗi cung ứng, Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA), cho biết Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ đang thúc đẩy thông qua một dự luật về thuế quan có tên Dự luật Tạm thời dừng hoặc giảm thu thuế nhập khẩu các loại (MTB).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Herman nói rằng nếu được thông qua và có hiệu lực, Dự luật sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số dòng sản phẩm nhập khẩu, trong đó có vài chục loại sản phẩm giày dép và dệt may nhập khẩu từ các nước như Việt Nam.
Theo ông Nate Herman, Dự luật này kỳ vọng sẽ được thông qua vào cuối năm 2017 và có hiệu lực từ đầu 2018 nên các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu để có chiến lược khai thác hiệu quả.
Đây được cho là yếu tố tích cực cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh Mỹ đang xem xét lại Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trong đó nhiều mặt hàng Việt Nam sẽ không còn được miễn thuế.
Ông Nate Herman cũng lưu ý rằng hiện nay các chính sách thương mại của Mỹ tập trung vào giảm thâm hụt thương mại, quản lý thương mại và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ.
Trong thời gian tới, nước này sẽ không thực hiện đàm phán song phương hay đa phương về các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bên cạnh đó, các nhà chức trách Mỹ lại có xu hướng tái đàm phán lại các FTA khác đã được ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ, vì thế hàng hóa các nước vào Mỹ sẽ gặp nhiều rào cản hơn.
"Vấn đề của các nhà cung ứng tại Việt Nam là tuân thủ tốt các quy định về an toàn sản phẩm, tuân thủ xã hội… để có thể bán hàng cho nhiều nhà bán lẻ và nhãn hàng khác nhau, và có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên toàn cầu", ông Nate Herman nói.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, để thúc đẩy xuất khẩu khi không có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cần quan tâm đến các chương trình như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)... (Tuoitre)
-----------------------
Hoàng Anh Gia Lai kiếm ngàn tỉ nhờ bán trái cây
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL -mã CK: HAG) vừa ký nghị quyết HĐQT thông qua kết quả kinh doanh 9 tháng của năm 2017 của công ty.
Theo đó, doanh thu hợp nhất của HAGL trong 9 tháng đạt 3.982 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.188 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu của quý III/2017 là 1.505 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 166 tỉ đồng.
Bầu Đức cho biết đến nay công ty ông đã trồng hơn 17.000 ha cây ăn quả và gia vị các loại như thanh long, chanh dây, chuối, xoài, bưởi da xanh, mít, bơ, sầu riêng, hồ tiêu, ớt... Một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận Global GAP.
Một số loại trái cây đã được HAGL thu hoạch như chanh dây, chuối, thanh long, hồ tiêu và phân phối qua các đối tác lớn ở Trung Quốc và Thế giới Di động của Việt Nam. Các sản phẩm này mang lại cho HAGL doanh thu tới 1.289 tỉ đồng.
Thanh long và chuối của Hoàng Anh Gia Lai được bày bán ở hệ thống Bách Hóa xanh
Các mảng kinh doanh khác của HAGL có mang lại doanh thu gồm: cao su (401 tỉ đồng), chăn nuôi (654 tỉ đồng), bất động sản (khu phức hợp tại Myanmar với 1.011 tỉ đồng) và các sản phẩm hàng hóa dịch vụ khác mang về 636 tỉ đồng.
Trong quý IV/2017, bầu Đức cho biết cây ăn quả vẫn là mảng kinh doanh chính của HAGL. Theo đó, công ty tiếp tục trồng mới 2.000ha cây ăn quả; đầu tư hệ thống kho bãi, đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật có tay nghề, hoàn thiện quy trình để nâng cao tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu... Đồng thời, đưa vào thu hoạch 3.800ha cây ăn quả các loại, với sản lượng tiêu thụ khoảng 52.000 tấn, doanh thu 1.020 tỉ đồng và lợi nhuận gộp 400 tỉ đồng.
HAGL đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận quý IV/2017 đạt 1.770 tỉ đồng và 180 tỉ đồng.
Dù có kết quả kinh doanh khả quan nhưng vài tháng gần đây cổ phiếu HAG trên thị trường vẫn rất ít tăng trưởng, thậm chí còn giảm. Hiện cổ phiếu HAG chỉ còn 7.700 đồng, thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. (NLĐ)
-----------------------
Hà Nội xin Thủ tướng xây 2,3 km đường vành đai 1 trị giá gần 7.800 tỷ đồng
Tuyến vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục kết nối 2 quận Đống Đa, Ba Đình có chiều dài 2,274 km, mặt cắt ngang 50 m sẽ được đầu tư bằng nguồn ngân sách Tp. Hà Nội.
Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Đây là công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội.
Dự án nhằm hoàn thiện đồng bộ tuyến đường Vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy theo quy hoạch, kết nối giữa các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng, tăng diện tích đường giao thông, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên mạng lưới và trong khu vực đô thị trung tâm của Thành phố.
Theo đề xuất của Hà Nội, Dự án có diện tích đất khoảng 159.424 m2 sẽ được xây dựng theo chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 1 đoạn Hoàng cầu - Voi Phục đã được UBND Tp. Hà Nội phê duyệt ngày 28/7/1999 với chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang 50m, diện tích khoảng 153.341 m2 (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh). Phần diện tích còn lại khoảrg 6.083m2 sẽ dành để xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan bao gồm vỉa hè phía Nam đường Đê La Thành.
Tính toán sơ bộ cho thấy, tổng mức đầu tư dự án: khoảng 7.779,3 tỷ đồng dự kiến được đầu tư bằng Ngân sách Thành phố và các nguồn hợp pháp khác.
Trước đó, tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 3/7/2017 của HĐND Tp. Hà Nội, Dự án này đã được đưa vào danh mục, kế hoạch vốn các dự án xây dựng cơ bản tập trung của Thành phố giai đoạn 2016-2020 (tổng mức đầu tư: 7.779 tỷ đồng), thuộc nhóm công trình trọng điểm.
Trong quá trình triển khai (2017 – 2020), ngân sách Thành phố sẽ bố trí bổ sung từ nguồn tăng thu, thường vượt thu và các nguồn sung hàng năm để hoàn thành dự án theo tiến độ).
Theo ông Nguyễn Đức Chung, UBND Thành phố dự kiến cân đối cho dự án là 3.500 tỷ đồng (năm 2018 là 500 tỷ, năm 2019 là 2.150 tỷ, năm 2020 là 800 tỷ); ngoài ra, ngân sách Thành phố dự kiến bố trí 3.500 tỷ để giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn 3.800 tỷ đồng được dụng cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng cơ bản tập trung củaThành phố.
Tuyến đường Vành đai 1 là trục giao thông chính nối khu vực Đông- Tây của Tp. Hà Nội, là một trong những tuyến đường có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn.
Hiện nay tuyến đường này chỉ còn lại đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục chưa được xây dựng, nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. (Baodautu)
-------------------------
Bộ Nông nghiệp đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh
Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.
Sáng nay (25/10), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng tổ chức họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, để thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là cải cách hành chính, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành nông sản hàng hóa xuất nhập khẩu trong các lĩnh vực quản lý được phân công, Bộ NN&PTNT xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, được chỉ đạo thường xuyên, có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể phù hợp với từng thời điểm; đồng thời phân công Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Thủ tướng kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT
Tạo thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực đa ngành với 65,49% dân số và 67,95% lao động cư trú trong khu vực nông thôn, trong đó 41,87% sản xuất nông nghiệp vào năm 2016. Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã nỗ lực, phối hợp các Bộ ngành, địa phương tái cơ cấu, tiếp tục đổi mới thể chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn phát triển sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Trong 10 tháng đầu năm 2017, Bộ đã hoàn thành 41 văn bản; còn 8 văn bản, Bộ đang xây dựng tích hợp còn 4 văn bản để sửa đổi, thay thế 8 văn bản này. Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); và cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN).
Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định, sẽ hoàn thành vào Quý II/2018. Đối với 2 Pháp lệnh, 3 Nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội.
Trong năm 2017, Bộ tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 TTHC còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5%), gồm: bãi bỏ 81 TTHC, đơn giản hóa 205 TTHC. Để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 văn bản do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 văn bản trong Quý I/2018. Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào Quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.
Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo quán triệt từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định rõ về thời gian, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện. Về cơ bản, các TTHC liên quan KTCN từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế.
Đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, việc chuyển sang phương thức kiểm tra ngay trong quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận khi doanh nghiệp có yêu cầu, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí. Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch; thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.
Hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 TTHC kiểm tra chuyên ngành gồm 32 TTHC liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 08 TTHC liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Để tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, giảm thiểu KTCN, Bộ đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 TTHC kiểm tra chuyên ngành (đạt tỉ lệ 45%). Bộ NN&PTNT đề nghị cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN theo nguyên tắc: Cắt giảm tối đa việc KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các Công ước quốc tế một cách linh hoạt, phù hợp; Quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra giảm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Bên cạnh việc giảm thiểu thủ tục, thời gian, chi phí, vẫn cần duy trì KTCN đối với nông sản hàng hóa nhập khẩu như công cụ điều tiết quan hệ thương mại quốc tế trong những trường hợp cụ thể theo thông lệ quốc tế và WTO.
Trên quan điểm này, Bộ NN&PTNT dự kiến việc cắt giảm Danh mục hàng hóa nhóm 2 như sau:
- 3 nhóm hàng không KTCN về hàng hóa khi nhập khẩu nhưng nhà nhập khẩu chỉ thực hiện việc khai báo nguồn gốc xuất xứ, gồm: giống cây trồng nông nghiệp, giống cây trồng lâm nghiệp, giống vật nuôi trên cạn.
- Cắt giảm 5 loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi Danh mục hàng hóa phải KTCN khi nhập khẩu, gồm: phụ gia, hóa chất dùng trong lâm nghiệp; dụng cụ đánh bắt thủy sản; công trình thủy lợi, công trình đê điều; máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
- Cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch thực vật ít nguy cơ chứa đối tượng kiểm dịch, gồm dăm gỗ, gỗ dán, gỗ xẻ có độ dày nhỏ hơn 6mm…, các sản phẩm đã qua chế biến sâu (chè, cà phê bột, cà phê rang xay, rau quả chế biến đóng hộp, rau quả ngâm muối, tẩm đường….).
- Cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn gồm 04 nhóm sản phẩm; cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm thủy sản gồm 09 nhóm sản phẩm.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đối với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 Bộ, đề nghị Chính phủ xem xét giao một Bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng một cơ quan kiểm tra chuyên ngành có lực lượng, điều kiện tại cửa khẩu, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Đối với 6 nhóm hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ kiên quyết bố trí hợp lý trong Quý IV/2017.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, về cơ bản, hiện nay, các loại phí, lệ phí chi cho hoạt động KTCN đã được rà soát, cắt giảm. Thực hiện Luật Phí, lệ phí 2015, phí, lệ phí KTCN nông nghiệp hiện chỉ còn 06 loại phí và lệ phí. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát để xem xét cắt bỏ 01 lệ phí: lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (tiết kiệm chi phí khoảng 9,5 tỷ đồng).
80% thủ tục giải quyết theo Cơ chế một cửa quốc gia
Trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia tổng số 107.070 hồ sơ; xử lý, giải quyết 101.656 hồ sơ (đạt tỉ lệ 95%); đang tiếp tục xử lý 5.414 hồ sơ. Mục tiêu Bộ NN&PTNT đặt ra là, đến năm 2018 cơ bản các TTHC liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh hàng hóa và khoảng 80% hồ sơ thuộc lĩnh vực Bộ NN&PTNT quản lý sẽ thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia. Tại cuộc họp, Bộ NN&PTNT đề nghị Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, bố trí đủ kinh phí cho việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN của Bộ NN&PTNT giai đoạn 2018-2020.
Bộ cũng kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện để Bộ đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động kiểm nghiệm kiểm chứng phục vụ hoạt động KTCN; nhưng cũng cần cơ cấu lại để tổ chức một trung tâm PSC quốc gia đa lĩnh vực, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; Cho ý kiến định hướng về xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi các Nghị định để thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa TTHC theo trình tự, thủ tục rút gọn để nhanh chóng đưa các đề xuất trên của Bộ Nông nghiệp và PTNT được triển khai thực hiện trong thực tiễn.
"Cắt giảm những gì cần phải cắt giảm nhất, chứ không có nghĩa là mở cửa tung ra"
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác để kiểm tra, giám sát thực thi của các thành viên Chính phủ, các địa phương, các ngành đến nay đã có hiệu quả rất rõ, không chỉ ở những đơn vị được kiểm tra mà còn có tính lan tỏa tới các đơn vị khác.
Bộ NN&PTNT nhận thấy vấn đề tiếp tục hoàn thiện thể chế, đột phá trong cải cách hành chính, đề ra các giải pháp căn cơ để phát triển cho năm 2017 và những năm tiếp theo… không chỉ là yêu cầu của Thủ tướng mà còn là nhu cầu tự thân của Bộ phải làm. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ đã ra nghị quyết chuyên đề, phân công trực tiếp một thứ trưởng phụ trách và hằng tháng đều có họp về nội dung này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, không phải chỉ cắt giảm thủ tục, mà bộ máy cũng cần chấn chỉnh lại để thích ứng với yêu cầu mới, tiếp đó mới đến công tác kỹ thuật, quản lý chuyên ngành.
Đối với hai vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ NN&PTNT về tình trạng chặt phá rừng và khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng cho rằng đây là lĩnh vực rất lớn. Do đó, toàn bộ hệ thống ngành nông nghiệp tới đây sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tham mưu để quản lý thật tốt, chặt chẽ hai lĩnh vực này.
Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao báo cáo của Bộ NN&PTNT, đồng thời tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo các bộ ngành, hiệp hội. Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm những gì cần phải cắt giảm nhất, chứ không có nghĩa là mở cửa tung ra. Những gì không bảo đảm, liên quan tới sức khỏe con người, quốc phòng an ninh, môi trường thì vẫn phải quản lý chặt chẽ. Việc đổi mới phải trên quan điểm là tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị nguyên tắc đổi mới trong thủ tục KTCN là rà soát toàn bộ danh mục hàng hóa được công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, gắn mã HS, không được để cơ quan nhà nước KTCN bằng hình thức cảm quan, tạo hiện tượng tiêu cực. Phải có quy trình và công nhận lẫn nhau, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, phải công bố kỹ hơn, rõ hơn đồng thời giảm danh mục hàng hóa và giảm cả hàng hóa phải KTCN.
Đối với những hàng hóa có sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hay giữa các đơn vị trong bộ, chỉ giao một bộ chủ trì. Về ý kiến của doanh nghiệp đối với quy định sử dụng i-ốt của Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tới để làm rõ vấn đề này.
Đối với các kiến nghị về một nghị định sửa nhiều nghị định, tăng cường kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN của Bộ NN&PTNT…, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng các kiến nghị này là “hoàn toàn trúng” và cần tập trung thực hiện. Còn việc đầu tư trung tâm kiểm nghiệm, KTCN theo hướng xã hội hóa là chính. Từ đó, sẽ có cơ chế để các cơ quan Nhà nước sử dụng các thông tin, kết quả kiểm định để cấp phép.(Baodautu)