Thuế nhôm, thép ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2018 của các nhà sản xuất ô tô; Việt Nam là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Singapore; Qualcomm hỏng thương vụ 44 tỷ USD vì Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-07-2018
- Cập nhật : 26/07/2018
Hàng triệu tấn thịt chất đống trong kho lạnh Mỹ vì chiến tranh thương mại
Ngày 23/7 theo giờ Washington, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố số liệu về tình hình kho đông lạnh; trong đó tổng lượng thịt gia cầm, lợn, bò…trong các kho là hơn 2 tỷ 370 triệu Pound (1.075.000 tấn), nhiều hơn lượng tồn dư 1 năm trước. Báo chí Mỹ cho rằng, đây là thể hiện xuất khẩu bị trở ngại cho chính sách thuế quan mới.
Hàng triệu tấn thịt ứ đọng trong các kho lạnh Mỹ do không xuất khẩu được.
Mặc dù một số mặt hàng như thịt lợn đông lạnh số lượng có giảm hơn so với tháng 5, theo Reuters, do mùa Hè là mùa ăn thịt nướng nên nhu cầu tiêu thụ thịt gia tăng. Tuy nhiên, dù nhu cầu trong nước tăng cũng không thể thay thế được xuất khẩu vì vậy thịt vẫn chất như núi trong các kho đông lạnh Mỹ.Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì, thịt gia cầm đông lạnh trong các kho tháng 6 có 1 tỷ 360 triệu Pound, tăng 3% so với tháng 5 và nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái 6%; các loại thịt đỏ đông lạnh có 1tỷ Pound, giảm 7% so với tháng 5 nhưng vẫn nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái 5%, trong đó thịt nầm lợn tuy ít hơn tháng trước 16% nhưng lại nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái tới 130%. Tính chung, tổng số thịt gia cầm và thịt đỏ tồn đọng trong kho lạnh lên tới 2 tỷ 370 triệu Pound.
Trước đó, ngày 22/7 tờ “The Wall Strett Journal” đã đăng bài dẫn ý kiến các chuyên gia nông nghiệp phân tích nói lượng thịt đông lạnh tồn đọng trong các kho của Mỹ đã vượt mức 2,5 tỷ Pound. Thông tin này nhanh chóng được các báo và trang tin như “The Washington Post”, “Axios”, “Russia Today” đăng lại kèm theo các bình luận như “Hậu quả chiến tranh thương mại: hàng tỷ pound thịt chất trong các kho nước Mỹ, không đưa đi đâu được” (RT), “Sản xuất gia tăng, xuất khẩu chậm chạp, 2,5 tỷ pound thịt chất đống trong kho” (The Wall Street Journal)…
Bảng kê các loại sản phẩm thịt lợn, bò tồn kho tháng 6.2018 do Bộ Nông nghiệp công bố
Các chuyên gia nông nghiệp Mỹ phân tích, nhu cầu về thịt của người tiêu dùng Mỹ đang tăng, nhưng cũng không theo kịp sản lượng kỷ lục về thịt lợn và thịt gà; điều này khiến ngành chế biến thịt của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu để tiêu thụ. Thế nhưng, từ đầu năm nay, Mỹ bắt đầu vung chiếc “dùi cui” thuế quan ra khắp thế giới khiến một số quốc gia trả đũa bằng cách tăng thuế đánh vào thịt nhập từ Mỹ, dẫn đến việc xuất khẩu thịt bị đình trệ.
Ông Ken Maschhoff, chủ một công ty chăn nuôi lợn lớn ở bang Ilinois cho báo chí biết, nếu không xuất khẩu thêm được nhiều thịt nữa sẽ sinh ra quá dư thừa; vì vậy ông đang có kế hoạch di chuyển công ty sang Đông Âu hoặc Nam Mỹ. Mới đây, công ty của ông đã ngừng lại một dự án đầu tư 30 triệu USD.
Bảng kê thịt gia cầm tồn động trong các kho lạnh tháng 6.2018
Ông John Ginzel, Phó tổng giám đốc Công ty kinh doanh hàng hóa Linn & Associates nói: “Lượng thịt lợn trữ trong kho tháng 6 giảm đi so với tháng 5 do mùa ăn đồ nướng đã tới, nhu cầu về thịt của người dân Mỹ tăng lên; tuy có giảm bớt nỗi bi quan cho giới chế biến thịt lợn, nhưng chúng ta vẫn đang tiếp tục sản xuất ra thêm rất nhiều”.
Ông Rich Nelson, chiến lược gia hàng đầu của công ty quản lý rủi ro Allendale cho rằng, xuất khẩu đã bị gây nhiễu bởi thuế quan, nhưng trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ lại không thể hiện được tính nghiêm trọng của vấn đề.
Theo dự tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2018 số lượng thịt các loại của Mỹ đạt tới 2,33 triệu tấn, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt lớn của Mỹ nhưng hồi tháng 4 họ đã áp mức thuế 25% đánh vào thịt nhập khẩu từ Mỹ, đến tháng 7 thuế suất đã tăng lên tới 62% khiến số lượng thịt xuất khẩu sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm bị giảm tới 18%. Số liệu mới nhất của bộ này cho biết, lượng thịt lợn Mỹ tiêu thụ trong mấy tuần gần đây ở Trung Quốc đã là con số “0”.(Viettimes)
----------------------
Đấu giá thành công khoản nợ xấu đầu tiên theo giá thị trường
Khoản nợ xấu này của Công ty TNHH Việt Thuận Thành (Công ty Việt Thuận Thành) tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Đây là khoản nợ đầu tiên VAMC mua theo giá trị trường và thực hiện thỏa thuận phân chia số tiền chênh lệch khi thu hồi nợ với Agribank
Mặc dù VAMC không công bố cụ thể tài sản đấu giá của khoản nợ của Việt Thuận Thành nhưng năm 2017, Agribank đã nhiều lần thực hiện đấu giá tài sản dự án V-Ikon (tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) của công ty này với giá khởi điểm lần lượt 373,5 tỉ đồng, 336,15 tỉ đồng, 319,5 tỉ đồng, gần 300 tỉ đồng nhưng không thành công. Sau đó tài sản được VAMC thực hiện đấu giá với mức khởi điểm 299,55 tỉ đồng.
Theo VAMC, có 6 khách hàng quan tâm, mua hồ sơ, tìm hiểu thông tin về tài sản đấu giá. Nhưng hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá chỉ còn 2 khách hàng là pháp nhân có trụ sở tại TP.HCM nộp tiền đặt trước, đủ điều kiện tham gia. Hai khách hàng đã trả giá so kè nhau từng bước giá và phải trả qua 5 vòng mới chọn được người trúng đấu giá. Giá trúng là 301,15 tỉ đồng, vượt 1,6 tỉ đồng so với mức giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Số tiền đấu giá cao hơn giá mua nợ 3,6 tỉ đồng. Đây là một con số vượt dự kiến ban đầu bởi trước đây Agribank đã thực hiện bán đấu giá tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu này theo ủy quyền của VAMC với giá khởi điểm bằng giá bán nợ cho VAMC 299,55 tỉ đồng nhưng không thành công.
V-Ikon được xây dựng theo ý tưởng tòa nhà thông minh, có sân đáp máy bay trực thăng, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tòa cao ốc được thiết kế với hình tượng chữ V, tượng trưng cho chủ dự án là công ty TNHH Việt Thuận Thành.
Diện tích đất của dự án rộng 1.106 m2, trong đó diện tích đất xây dựng 513 m2, tổng diện tích xây dựng 17.786 m2, có 4 hầm và 23 tầng nổi có chiều cao là 99 m.(Thanhnien)
-----------------------
Ngân hàng lãi 'khủng'
Các ngân hàng lần lượt công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận khủng.
Ngân hàng tiếp tục có lợi nhuận khủng- NGỌC THẠCH
Sáng 24.7, Techcombank công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua ở mức 5.195 tỉ đồng (tương đương 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm), lợi nhuận sau thuế 4.150 tỉ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong 6 tháng đạt hơn 5.000 tỉ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), lãi ròng từ tài sản tài chính đạt 940 tỉ đồng (tăng 58%); thu nhập khác đạt 1.488 tỉ đồng (tăng 33% ). Tổng thu nhập từ hoạt động đạt 8.659 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và dự phòng rủi ro 1.044 tỉ đồng, chi phí hoạt động (chủ yếu trả lương cho cán bộ công nhân viên) 2.419 tỉ đồng.
Trước đó, Vietcombank công bố lợi nhuận “khủng” 8.017 tỉ đồng trong 6 tháng, như vậy bình quân một tháng nhà băng này thu được hơn 1.300 tỉ đồng - hoàn thành 57% kế hoạch năm. Lãnh đạo Vietcombank còn thông tin khả năng hết năm nay sẽ vượt 14.000 tỉ đồng lợi nhuận đặt ra và có thể vượt 15.000 tỉ đồng.
MB có lợi nhuận trước thuế đạt 3.829 tỉ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ và hoàn thành 56% mục tiêu đề ra. Lợi nhuận trước thuế của VIB tăng gấp 3 lần cùng kỳ và đạt 1.151 tỉ đồng, đi được 57% kế hoạch. Sacombank dù rằng đang trong quá trình tái cấu trúc nhưng con số lợi nhuận gần 1.000 tỉ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch.
Một số ngân hàng dù chưa đạt được lợi nhuận như kế hoạch đưa ra nhưng con số cũng lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Là ngân hàng có tốc độ tăng nhanh trong vài năm qua, lợi nhuận hợp nhất nửa đầu năm 2018 của VPBank đạt hơn 4.375 tỉ đồng, tăng hơn 1.111 tỉ đồng, tương đương 34% so với nửa đầu năm 2017.
LienVietPostBank với con số lợi nhuận 6 tháng đạt 666 tỉ đồng, thấp hơn kế hoạch đề ra do ngân hàng đang dịch chuyển cơ cấu nguồn vốn, tăng tỷ lệ huy động bán lẻ, từ dân cư nhằm ổn định và tăng tính bền vững, đổi lại chi phí đầu vào cao hơn. Đồng thời 6 tháng qua ngân hàng tập trung mở rộng 130 điểm giao dịch, tăng lên 357 điểm giao dịch, chi phí nhân sự tăng lên khi ngân hàng tuyển thêm 1.000 nhân sự và trích lập dự phòng chứng khoán. Tuy nhiên điểm sáng trong kết quả kinh doanh 6 tháng qua của LienVietPostBank là lợi nhuận từ mảng địch vụ tăng 195%(Thanhnien)