Châu Âu và Nhật chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất lịch sử; Bán thực phẩm cận date: Mô hình kinh doanh mới lạ ở Mỹ làm thay đổi quan niệm về hạn sử dụng; Thị trường TMĐT Trung Quốc tăng trưởng 19% trong năm 2017; Thị trường bán lẻ mẹ và bé: "Đứa trẻ" 7 tỷ đô không dễ tính
Tin kinh tế đọc nhanh 24-06-2017
- Cập nhật : 24/06/2017
Chuẩn bị di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội và cảng Tân Thuận
Cảng Sài Gòn có trách nhiệm báo cáo UBND TP phương án di dời, bàn giao mặt bằng Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
Văn phòng Ủy ban nhân dân TPHCM cho biết, UBND Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án thực hiện dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, giai đoạn 2 phục vụ di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
UBND huyện Nhà Bè cần phối hợp với Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất thuộc dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, giai đoạn 2 để sớm bàn giao cho Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn triển khai xây dựng cảng mới.
Cảng Sài Gòn có trách nhiệm báo cáo UBND TP phương án di dời, bàn giao mặt bằng Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội; đồng thời bảo đảm thời gian bàn giao mặt bằng trụ sở Cảng Sài Gòn trước ngày 31/12/2018.
UBND TP cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo phương án di dời cảng Tân Thuận khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao đề xuất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với phần diện tích đất còn lại của cảng này; xem xét điều chỉnh quy hoạch 1/2000, quy hoạch sử dụng đất và phương án sử dụng đất đối với các khu đất của Cảng Sài Gòn đang quản lý thuộc phường Tân Thuận Tây, quận 7 để di dời trụ sở văn phòng làm việc của Cảng Sài Gòn và đầu tư trung tâm Logistics.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng được giao đề xuất thành lập Ban điều phối hoạt động chung của hệ thống cảng biển trên địa bàn TP, để hỗ trợ về hạ tầng giao thông kết nối các cảng, bảo đảm an toàn và tránh ùn tắc giao thông, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, phục vụ du lịch; đề xuất phương án bảo đảm an toàn, tránh ùn tắc giao thông cho các phương tiện vận tải ra vào khu cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè khi di dời các cảng tại quận 4 và quận 7 về khu vực này.(NCĐT)
------------------------------
Mỹ điều tra chống bán phá giá sợi polyester nhập từ Việt Nam
Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 64,73%, cao thứ hai trong số các nước bị điều tra, chỉ sau Trung Quốc.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 20/6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sợi polyester nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Ngoài điều tra phá giá, Trung Quốc và Ấn Độ còn bị điều tra trợ cấp.
Sản phẩm bị điều tra là xơ sợi tổng hợp, chưa chải thô, chải kỹ hay sơ chế bằng cách khác để xe chỉ, không dệt hoặc hình thức sử dụng khác, làm bằng polyester có đường kính sợi nhỏ hơn 3,3 decitex (sau đây gọi chung là xơ sợi polyester) có mã HS: 5503.20.0025.
Trước đó, ngày 31/5, DOC thông báo đã nhận được đơn kiện của ngành sản xuất nội địa đề nghị khởi xướng vụ việc nêu trên. Bên đâm đơn kiện là Tập đoàn DAK Americas, Tập đoàn Nan Ya Plastics, Công ty Augira Polymers.
Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm bị điều tra được xuất khẩu sang Mỹ với giá thấp hơn giá trị thông thường và việc bán phá giá đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Mỹ qua việc kìm giá, ép giá, suy giảm lợi nhuận, sụt giảm khối lượng bán hàng, suy giảm thị phần, suy giảm số lượng việc làm và làm giảm công suất sử dụng.
Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 64,73%, cao thứ hai trong số các nước bị điều tra, chỉ sau Trung Quốc.
Cục Quản lý cạnh tranh dẫn số liệu trong thông báo khởi xướng cho biết, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu khoảng 13 nghìn tấn mét sản phẩm bị điều tra sang thị trường Mỹ, trị giá khoảng 12,4 triệu USD, đứng thứ ba chỉ sau Trung Quốc (79,4 triệu USD) và Ấn Độ (14,7 triệu USD). (NCĐT)
-----------------------
World Bank rót thêm 300 triệu USD vào cơ sở hạ tầng Việt Nam
Khoản tài trợ 300 triệu USD mới phê duyệt sẽ giúp cải thiện kết nối giao thông với Tây Nguyên và mang lại nhiều việc làm hơn cho các tỉnh ven biển.
Ngày 22/6, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết mới phê duyệt một khoản tài trợ 300 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường kết nối giao thông ở những vùng nông thôn và bảo vệ rừng tại 8 tỉnh ven biển.
Hai dự án mới sẽ nhận khoản tài trợ này gồm Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây nguyên và Dự án hiện đại hoá ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển.
Một nửa số vốn sẽ dành cho dự án tăng cường kết nối giao thông nhằm cải tạo 142 km đường quốc lộ 19, nâng cao an toàn giao thông và khả năng ứng phó thiên tai. Khi dự án được hoàn thành người dân tại hai tỉnh Bình Định và Gia Lai sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường hơn, giảm được thời gian đi lại và tăng mức độ an toàn giao thông.
Sau khi được cải tạo, đường quốc lộ này dự kiến sẽ đủ năng lực phục vụ 6.200 xe cơ giới hạng nhẹ mỗi ngày.
Khoản 150 triệu USD còn lại sẽ giúp quản lý rừng ven biển tại các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và Hải Phòng. Công tác phục hồi và bảo vệ rừng sẽ tạo việc làm mới cho người dân tại hơn 900 cộng đồng thuộc 257 xã thuộc 8 tỉnh trong địa bàn dự án. Ngoài ra dự án cũng tạo thêm cơ hội phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thuỷ sản.
Vốn dành cho hai dự án này được vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế, là nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp của Ngân hàng Thế giới.(NCĐT)
----------------------------
Giá gạo Việt Nam tiếp tục tăng cao
Giá gạo Việt Nam và Ấn Độ tăng trong tuần này nhờ nhu cầu mạnh từ Bangladesh, mặc dù giá gạo cao của Thái Lan đang bắt đầu giảm.
Bangladesh nổi lên là một nước nhập khẩu gạo chính trong năm nay khi nước này đối mặt với lượng dự trữ cạn kiệt và giá gạo trong nước cao kỷ lục bởi đợt mưa lũ.
Nước này có thể sẽ nhập tới 1 triệu tấn gạo trong năm nay để bổ sung nguồn dự trữ, Badrul Hasan, người đứng đầu Tổng cục Thực phẩm của nước này cho hay.
Bangladesh sẽ giảm thuế nhập khẩu gạo xuống 10% từ mức 28% trong khi ngân hàng trung ương của nước này cũng yêu cầu các ngân hàng cho phép thương nhân nhập khẩu gạo mà không cần phải đóng tiền ký quỹ thư tín dụng.
Kỳ vọng về nhu cầu gạo ở Bangladesh đã đẩy giá gạo Việt Nam lên cao kể từ đầu tháng Năm. Giá gạo Việt Nam 5% tấm, FOB cảng Sài Gòn, trong tuần này giao dịch trong khoảng 400-420 USD/tấn, tăng từ mức 410 USD của tuần trước.
"Giá quá cao để bán", thương nhân tại TPHCM nói và cho biết giá sẽ còn cao bởi nhu cầu lớn từ Bangladesh.
Bangladesh sẽ mua 200.000 tấn gạo trắng của Việt Nam ở mức giá 430 USD/tấn và 50.000 tấn gạo đồ ở mức giá 470 USD/tấn theo hợp đồng chính phủ. Đây là mức giá cao hơn nhiều so với các phiên đấu giá tuần trước.
Nước này cũng đang đàm phán với láng giềng Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này cũng tăng thêm 2 USD mỗi tấn lên 424-427 USD.
Bangladesh gọi thầu quốc tế vào hôm thứ Tư gói thầu thứ tư kể từ tháng Năm, nhằm mua thêm 50.000 tấn gạo đồ.
Tuy nhiên, các thương nhân Thái Lan cho biết nhu cầu từ nước ngoài đã bắt đầu giảm khi giá quá cao, buộc người mua phải chuyển sang các đối thủ khác. Giá gạo Thái 5% tấm, FOB tại cảng Bangkok, được giao dịch ở mức 450-460 USD/tấn, tăng nhẹ so với giá 450-457 USD/tấn trong tuần trước.
"Giờ không ai mua. Họ đã chuyển sang mua của nước khác bởi giá này quá cao", thương nhân tại Bangkok nói.
Giá gạo Thái đã tăng liên tục kể từ tháng Ba, khi thương nhân bắt đầu hoạt động giao hàng, và chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2013 trong tháng này.(NCĐT)