Puma bị phạt ở Trung Quốc vì vi phạm logo công ty nội địa; Bảo hiểm Quân đội bị phạt 125 triệu đồng do không đưa chứng khoán đã chào bán vào giao dịch; Ông Trump ký một loạt sắc lệnh phục vụ cuộc "hồi sinh kinh tế vĩ đại"; Nối gót The KAfe, chuỗi cà phê nổi tiếng thế giới Gloria Jean's cũng “lặng lẽ” đóng cửa tại Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh 22-04-2017
- Cập nhật : 22/04/2017
Quí 1-2017, Việt Nam chi tới 338 triệu đô la Mỹ nhập phân bón
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), trong quí 1-2017, Việt Nam chi 338 triệu đô la Mỹ để nhập 1,22 triệu tấn phân bón, tăng 31,5% về lượng và gần 24% về giá trị so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý là mặt hàng phân urê nhập khẩu trong quí 1 lên tới 231.000 tấn, tăng hai lần về lượng so với cùng kỳ. Vẫn như các năm trước, Việt Nam nhập phân bón nhiều nhất từ Trung Quốc.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện mỗi năm Việt Nam cần khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó, 90% là phân vô cơ. Tuy nhiên, sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa nên Việt Nam phải nhập khẩu.
Trong năm 2016, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã nhập 4,16 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 1,1 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 8% về lượng và 22% về giá trị so với năm 2015. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số một của Việt Nam vì cứ 10 đô la Mỹ bỏ ra để nhập phân bón thì có gần 4,2 đô la Mỹ là trả cho phía Trung Quốc.
Việc lượng phân bón nhập khẩu tăng mạnh trong năm nay là một trong những lý do chính để một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước gửi hồ sơ đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu có mã HS: 3105.10.10, 3105.10.20, 3105.10.90, 3105.20.00, 3105.30.00, 3105.40.00, 3105.51.00, 3105.59.00, 3105.90.00.
Đây là những sản phẩm dùng cho phân bón lót, bón thúc cho các loại cây trồng trên các loại đất khác nhau hoặc để sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại phân bón khác.
Kiến nghị trên của doanh nghiệp, nếu căn cứ theo quy định về biện pháp tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là bình thường. Theo đó, một nước nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của các điều kiện sau: thứ nhất, hàng hóa liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng; thứ hai là ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng; và thứ ba là có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên.
Nông dân sẽ chịu thiệt?
Một trong những lý do làm phân bón nhập khẩu tăng vọt, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là phân bón nhập từ Trung Quốc, là trong thời gian qua đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá so với đô la Mỹ, nên giá phân bón nhập khẩu từ quốc gia này rẻ hơn so với trong nước. Bên cạnh đó, hai trong bốn nhà máy sản xuất ure thuộc Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) sử dụng nguyên liệu đầu vào là than đá nên khi giá than tăng cũng đẩy giá thành sản xuất tăng, qua đó, giảm tính cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
Những nhà máy sản xuất phân ure được kỳ vọng sẽ thay thế hoàn toàn phân ure nhập khẩu này đã bị thua lỗ trong những năm qua, làm cho nguồn cung trong nước giảm. Do vậy, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Đơn cử như giá nhập khẩu phân ure trong tuần thứ 3 của tháng 3 tại Tân Cảng Hải Phòng có mức giá 237 đô la Mỹ/tấn, tương đương khoảng 5,4 triệu đồng/tấn; trong khi đó, giá bán trong nước từ 6,2-6,4 triệu đồng/tấn, tức cao hơn từ 14-18%.
Vì không thể cạnh tranh được về giá, một số doanh nghiệp muốn "kích hoạt" quy định của WTO về biện pháp tự vệ với hy vọng lấy lại thế cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp trong ngành nào cũng ủng hộ biện pháp này.
Giám đốc một công ty kinh doanh phân bón cho biết, nếu Bộ Công Thương áp thuế tự vệ với những sản phẩm phân vô cơ nhập khẩu thì nông dân sẽ không được mua phân bón với giá rẻ, trong khi giá phân bón trên thị trường thế giới vẫn còn ở mức thấp.
Mỗi năm Việt Nam cần đến 11 triệu tấn phân bón các loại, chủ yếu là cho cây lúa. Nếu giá phân bón trong nước tăng, đồng nghĩa với việc giá bán cho phần đông nông dân trồng lúa sẽ tăng theo, còn doanh nghiệp kinh doanh phân bón chẳng ảnh hưởng gì.
“Nếu trong trường hợp áp dụng biện pháp tự vệ, giá phân bón trong nước sẽ tăng, hệ quả là hàng triệu hộ nông dân sẽ phải trả giá cao hơn, đẩy giá thành sản xuất tăng lên. Hiện tại gạo Việt Nam xuất không được, phải hạ giá bán, nay giá phân bón tăng, ngành lúa gạo đã khó khăn sẽ còn gặp khó khăn hơn. Vì thế, trên quan điểm một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu phân bón, tôi không đồng tình với chuyện này”, ông nói. (TBKTSG)
Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến cho dự thảo về nghị định về quản lý phân bón. Theo Bộ NN&PTNT, dự thảo nghị định này sẽ đưa ra những phân cấp và gắn trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý phân bón. Hiện tại, quản lý phân bón đang thuộc quyền của hai bộ, trong đó, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ còn Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ nhưng thời gian qua, trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo nghị định, đã có ý kiến kiến nghị giao cho Bộ NN&PTNT quản lý.
---------------------------------------------------------------------------
Sẽ miễn tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó đề xuất một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của nhà nước dành cho DN.
Cụ thể DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định thì được miễn tiền sử dụng đất cho diện tích đất đó đồng thời được miễn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng.
Trường hợp DN có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư nếu được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định thì được giảm 70% tiền sử dụng đất và được giảm 70% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất.
Đối với DN có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư thì được giảm 50% tiền sử dụng đất và giảm 50% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng.
Dự thảo cũng nêu rõ DN có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động…(TN)
------------------------------------
Doanh thu Kido tăng gấp đôi nhờ thâu tóm dầu Tường An
Báo cáo quý 1/2017 của Công ty cổ phần Tập đoàn Kido cho thấy công ty đạt 1.250 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 217% so với cùng kỳ năm trước do hợp nhất Công ty cổ phần dầu ăn Tường An.
Trong đó ngành hàng lạnh tiếp tục tăng 10% so với quý 1 năm 2016, đạt trên 260 tỉ đồng, chủ yếu đến từ đóng góp doanh thu của nhà máy Bắc Ninh.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng hơn 10,4%, đạt trên 30,39 tỉ đồng. Công ty này cũng cho biết năm nay sẽ thực hiện chiến lược mở rộng của ngành hàng lạnh thông qua việc tận dụng ưu thế hệ thống phân phối lạnh sẵn có để phát triển thêm ngành hàng mới như thực phẩm đông lạnh, trong đó có khoai tây và rau củ quả đông lạnh. (thanhnien)
-----------------------------
Xuất khẩu khoáng sản: Lượng tăng gấp đôi, giá còn 1/3
Thông tin từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15.4, VN xuất khẩu 1,084 triệu tấn quặng và khoáng sản các loại, phần lớn là xuất sang Trung Quốc.
Quý 1, VN xuất khẩu sang Trung Quốc 716.032 tấn, chiếm 83% tổng sản lượng kim ngạch xuất khẩu quặng và khoáng sản của cả nước. Nếu so cùng kỳ năm 2016, VN xuất khẩu quặng và khoáng sản (chưa tính than đá, kim loại quý và đá quý) tăng đến 180%, cùng kỳ năm ngoái chỉ xuất 392.000 tấn quặng và khoáng sản các loại. Tuy lượng khoáng sản xuất khẩu tăng mạnh song giá trị thu về lại thấp hơn rất nhiều.
Cụ thể, tính đến 15.4, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoáng sản VN chỉ đạt 39,77 triệu USD, trong khi cùng kỳ là 43 triệu USD. Tính trung bình giá tới thời điểm này là 36,7 USD/tấn, chỉ bằng khoảng 33,45% giá xuất khẩu quặng và khoáng sản cùng thời điểm năm ngoái 109,7 USD/tấn. (TN)
------------------------------------------