Vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào TP Hồ Chí Minh
Thái Lan, Malaysia điều tra tôn bán phá giá từ VN
Nhiều doanh nghiệp đăng ký bán hàng đa cấp
TP.HCM: Đất nền quận 9 tăng có nguy cơ bị thổi giá
Doanh nghiệp Mỹ dự định đầu tư lớn vào hạ tầng đường sắt VN
Tin kinh tế đọc nhanh 20-09-2015
- Cập nhật : 20/09/2015
Kiểm soát, giám sát chặt các lô hàng than xuất khẩu
Đó là nội dung công văn mà Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cục hải quan tỉnh, thành phố.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Giám sát quản lý về hải quan chủ động rà soát các quy định, chính sách, quy trình thủ tục liên quan đến xuất khẩu than để kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện đúng chính sách, quy trình nghiệp vụ hải quan; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng than xuất khẩu. Trong đó, đặc biệt lưu ý kiểm tra kỹ giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành và hóa đơn, chứng từ đối với các lô hàng xuất khẩu, tránh để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng than qua biên giới, gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế…
Lực lượng điều tra chống buôn lậu hải quan chủ động phối hợp với các cục hải quan tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ hiệu quả công tác chống buôn lậu khoáng sản.
Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, tập trung vào các đối tượng trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép than nghiêm trọng, phức tạp trên phạm vi toàn quốc
(Tuổi Trẻ)
Ấn Độ áp thuế tự vệ 20% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu
Các nhà sản xuất đứng trong đơn khiếu nại chiếm trên 50% tổng sản lượng trong nước đối với các mặt hàng này.
Cơ quan Thuế và Hải quan Ấn Độ thông báo áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép tấm cán nóng phi hợp kim và thép hợp kim dạng cuộn với chiều rộng 60cm trở lên.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu 20.875 tấn sắt thép các loại trị giá 20,5 triệu USD, và trong 7 tháng đầu năm 2015 đã xuất khẩu 6.650 tấn trị giá 7,68 triệu USD.
Tự vệ là một biện pháp phòng vệ thương mại được Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép nhằm bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng sản xuất trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu.
Lào Cai cần hơn 36.000 tỷ đồng mở rộng khu kinh tế
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai cho biết tổng số tiền trên dành cho việc đầu tư các hạng mục theo Đề án mở rộng, phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trong tổng số hơn 36.000 tỷ đồng này, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chỉ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, còn nguồn vốn ngân sách Trung ương là trên 7.600 tỷ đồng (năm 2016 là 600 tỷ, 2017-2020 là hơn 7.000 tỷ), vốn ODA 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn khác từ doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia đầu tư tại khu kinh tế là hơn 26.800 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, dù đã từng bước được đầu tư mở rộng lên 7.917 ha vào năm 2003 nhưng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai so với thực tế phát triển hiện nay còn chưa tương xứng và chưa thể hiện đúng vai trò, vị thế.
Đặc biệt, đối với việc thực hiện vai trò trung chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics sau khi hệ thống giao thông kết nối hoàn thiện đồng bộ. Trong tương lai, khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) được Chính phủ hai nước phê duyệt và xây dựng, thì tốc độ phát triển của khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sẽ có những bước đột phá mạnh mẽ.
UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến hết năm 2014, khu kinh tế Lào Cai có 232 dự án đầu tư và 47 dự án đang lập hồ sơ xin cấp phép, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 426 triệu USD. Trong đó, chỉ có 15 dự án FDI, còn lại là dự án đầu tư trong nước.
Nhật xem xét nhập xoài, thanh long ruột đỏ của Việt Nam
Thoả thuận nêu trên được đưa ra tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật - Yoichi Miyazawa với Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng ngày18/9. Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài câu chuyện về nông sản, các vấn đề liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng cũng là nội dung được hai bộ trưởng bàn thảo nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Phía Nhật cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại 2 khu công nghiệp chuyên sâu ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Hải Phòng, hợp tác trong lĩnh vực đất hiếm. Trong khi đó, với lĩnh vực năng lượng, Nhật sẽ hợp tác tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Cũng trong ngày 18/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự diễn đàn hợp tác đầu tư, thương mại, lao động Việt Nam - Nhật Bản. Tổng bí thư khẳng định Việt Nam mong muốn đưa quan hệ hợp tác với Nhật Bản tiếp tục đi vào chiều sâu, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế.
Tính đến hết năm 2014, Nhật là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc), là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam.
Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 9,4% so với 2013, trong đó Việt Nam xuất siêu 1.8 tỷ USD. Ước tính 9 tháng năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 21,3 tỷ USD.
Đầu tư 5,1 tỉ USD, tàu khách Bắc - Nam chạy 95,7 km/h
Cục Đường sắt VN (Bộ Giao thông vận tải) công bố quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.726km từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn qua 21 tỉnh, TP.
Ngày 18-9 tại TP.HCM, Cục Đường sắt VN (Bộ Giao thông vận tải) công bố quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo đơn vị tư vấn, các nhóm giải pháp về hạ tầng, phương tiện khai thác đến năm 2020 đạt mục tiêu “theo phương án cơ sở” gồm: cải tạo các nút cổ chai trên tuyến đường, xây hầm Khe Nét, hầm Hải Vân, di dời ga Đà Nẵng ra khỏi TP; cải tạo cục bộ 91 vị trí với chiều dài 44,11km ở đường cong nhỏ ảnh hưởng đến tốc độ; nâng cấp cải tạo cầu yếu, xây dựng hệ thống hàng rào đường gom...
Sau năm 2020 đến 2030 trên cơ sở kế thừa các giải pháp “theo phương án cơ sở”, đầu tư thực hiện tiếp các giải pháp để đạt “phương án cao”. Trong đó nâng cao tốc độ chạy tàu như cải tạo tuyến đường cong đầu bắc ga Thanh Hóa, cải tạo tuyến đường sắt qua Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt, đường nội thị ở khu vực đông dân cư; xây dựng các tuyến nhánh kết nối với cảng biển, khu du lịch; mua sắm 14 đầu máy kéo tàu khách, 24 đầu máy kéo tàu hàng...
Theo đơn vị tư vấn, tổng mức phương án đầu tư của “phương án cơ sở” là 85.214 tỉ đồng (3,96 tỉ USD). Theo đó, tốc độ chạy tàu khách đến năm 2020 sẽ tăng lên 84,4 km/h và tàu hàng là 55,7 km/h. Tổng mức đầu tư của “phương án cao” là 110.873,7 tỉ đồng (5,15 tỉ USD). Cụ thể, đến năm 2020 tốc độ bình quân chạy tàu khách là 95,7 km/h và tàu hàng là 63,1 km/h. Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu, ODA (vốn vay chính phủ nước ngoài), BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao), BT (đầu tư, chuyển giao) hoặc vốn từ các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khai thác vận tải.
Tại buổi công bố quy hoạch, một số câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo Cục Đường sắt VN như việc hiện đại hóa ngành đường sắt nhưng không xây dựng cầu vượt trên nhiều tuyến đường ngang thì khó tăng tốc độ chạy tàu và khó kéo giảm tai nạn đường sắt.
Đồng thời, đề nghị ngành đường sắt cho biết cụ thể thời gian nào mới đầu tư xây dựng đường sắt trên cao đoạn từ Trảng Bom (Đồng Nai) về đến ga Sài Gòn. Đại diện UBND Q.Thủ Đức còn đề nghị ngành đường sắt cần cụ thể thời gian triển khai quy hoạch mở rộng ga Bình Triệu để người dân sớm ổn định xây dựng nhà cửa trong khu quy hoạch “treo”.
Ông Vũ Quang Khôi - cục trưởng Cục Đường sắt VN - cho biết nội dung quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu vực TP.HCM thực chất là kế thừa quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Trong đó, đề xuất ưu tiên sớm triển khai xây dựng đường sắt Trảng Bom - ga Hòa Hưng nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị nhưng chưa thể xác định thời gian nào triển khai vì còn đang tìm nguồn vốn đầu tư. Tương tự, ông Khôi cũng cho biết chưa biết thời gian nào thực hiện quy hoạch mở rộng ga Bình Triệu cũng vì lý do chưa có vốn đầu tư.