Mỹ đe dọa trừng phạt Trung Quốc vì mua dầu Iran; Khuyến mại 100%: Doanh nghiệp nội chịu được bao lăm?; Vinachem thừa nhận không bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-08-2018
- Cập nhật : 18/08/2018
Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ?
CNBC dẫn báo cáo của IHS Markit cho hay, Việt Nam và một số nước châu Á -Thái Bình Dương có thể chịu tác động từ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất của IHS Markit - công ty cung cấp thông tin toàn cầu, Trung Quốc dẫn đầu trong nhóm 6 nhà nhập khẩu châu Á hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. 5 nhà nhập khẩu còn lại gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam.
Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IHS Markit cho rằng: Khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng lira lao dốc sẽ tác động tới thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước, bởi chi phí hàng nhập khẩu bằng đồng lira sẽ tăng cao.
Đồng lira đã mất hơn 40% so với đồng USD. Điều này có thể dẫn tới hiện tượng bán tháo cổ phiếu và tiền tệ ở các thị trường mới nổi, nếu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn tình trạng mất giá.
Ông Biswas nhận định, việc bán tháo cổ phiếu và tiền tệ có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng hơn sụt giảm thương mại đối với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, bởi điều này tác động tới tâm lý lo ngại của nhà đầu tư, khiến các dòng tiền đầu tư ở các thị trường mới nổi sụt giảm.
Theo vị chuyên gia này, Ấn Độ có thể là một trong các thị trường mới nổi chịu rủi ro từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đồng rupee Ấn Độ mất giá có thể khiến các nhà đầu tư bán tháo chứng khoán và trái phiếu để cứu vãn.
Trong khi đó, các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan vẫn ổn định nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và dự trữ ngoại hối dồi dào. Nhìn chung, các quốc gia châu Á có thể khắc phục các bất ổn từ bên ngoài tác động bởi nền kinh tế của các nước này đã tốt hơn nhiều so với 5 năm trước, ông Tuan Huynh, chuyên gia quản lý tài sản của Ngân hàng Deutsche Bank ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương nhận định.
Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư vẫn có thể mua cổ phiếu các thị trường mới nổi ở châu Á trong nửa cuối năm 2018 kể cả trong tình trạng bất ổn.(VOV)
--------------------
Australia sẽ ký FTA với Indonesia và Hong Kong vào cuối năm nay
Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo ngày 17/8 cho biết chính phủ nước này dự kiến sẽ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Indonesia và Hong Kong (Trung Quốc) vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Ciobo cho rằng thỏa thuận thương mại mà Australia dự kiến ký với Indonesia và Hong Kong sẽ khép lại nhiều năm đàm phán, trong đó cuộc thương thảo về FTA với Indonesia đã được tiến hành từ năm 2010 nhưng diễn tiến ì ạch do căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước.
Mặc dù Bộ trưởng Australia Ciobo không nói rõ thời điểm ký kết nhưng thời gian đạt được FTA với Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Australia - có thể đến sớm vào tháng tới khi Thủ tướng Australia dự kiến đến thăm đất nước Đông Nam Á này.
Bộ trưởng Ciobo, người đã cùng với Peru và các nước ven Thái Bình Dương ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đầu năm nay, cho rằng chủ trương bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm nhiều nước đối tác sẵn sàng tiến hành đàm phán thương mại (với Australia) hơn.
Ông hy vọng có thể ký thỏa thuận thương mại giữa Australia với Liên minh Thái Bình Dương, một tổ chức thương mại Mỹ Latinh, và ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong lúc một thỏa thuận thương mại với Hong Kong, đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia, cũng đã được hai bên tiến hành đàm phán từ năm ngoái. Theo số liệu của Australia, thương mại hai chiều giữa Australia và Hong Kong đạt gần 16,3 tỷ đôla Australia (12 tỷ USD) trong năm ngoái, gần tương đương giá trị thương mại song phương giữa “xứ sở Chuột túi” với Indonesia.(Bnews)
-----------------------
“Điểm nóng” đất nền Củ Chi hiện giờ ra sao?
Chúng tôi có mặt tại huyện Củ Chi (TP.HCM) – một trong những điểm nóng sốt đất nền thời gian qua và chứng kiến sự biến động của thị trường nơi đây...
Giao dịch "xuống dốc"
Theo ghi nhận, làn sóng đầu cơ, lướt sóng đất nền tại Củ Chi đã giảm nhiệt rõ nét so với 2-3 tháng trước. Giá bán không giảm mạnh nhưng không còn tình trạng hét giá chênh cao ngất như trước đây.
Hiện, tại các "điểm nóng" như xã Phú Hòa Đông, Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Trung An…đã giảm nhiệt cả về giá và giao dịch, không còn tình cảnh người người kéo nhau đi săn đất như đợt trước.
Trong vai người mua, chúng tôi tiếp xúc với môi giới tên Duy, ở xã Phú Hòa Đông, anh này cho hay, hiện tại thị trường đã chững lại nhưng giá không xuống mạnh. Giá chỉ xuống ở các lô đất nhà đầu tư đang cần tiền bán ra gấp.
Theo anh Duy, giao dịch đất nền khu vực đã giảm khoảng 30-50% so với cách đây 2 tháng. Trước đó những lô đất diện tích khoảng 150-200m2 cứ hễ ra hàng là có nhà đầu tư (NĐT) mua ngay, thậm chí những lô đất diện tích lớn từ 500-1000m2 ra hàng cũng khá nhanh.
Hiện tại, những nền đất khu vực lân cận thị trấn Củ Chi như Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Tây… chào bán chậm hơn. Anh Duy cho biết, hiện có lô đất 250m2 của khách đầu tư gửi chào giá gần 2 tỉ đồng/căn nhưng hơn 1 tháng nay chưa chốt được giao dịch.
Thực tế tại đường Phạm Văn Cội (xã Phú Hòa Đông), đường Nguyễn Thị Rành (xã Trung Lập Hạ), những lô đất trống diện tích lớn còn khá nhiều, nhưng quan sát cả ngày chúng tôi không còn thấy hình ảnh khách xem đất hay môi giới dẫn khách đi xem. Tiếp xúc với một số người dân bản địa tại khu vực được biết, cách đây khoảng 2 tháng, lượng khách và môi giới đi xem đất rất nhiều, thậm chí cả buổi tối, hiện tại đã vắng hẳn.
Một môi giới tên Thành dẫn chúng tôi xem mảnh đất rộng 200m2 (trong đó có 120m2 đất thổ cư) tại đường Phạm Văn Cội và báo giá 1.5 tỉ đồng/nền. Theo anh Thành giá này đã giảm khoảng 100 triệu đồng so với tháng trước do chủ đất đang cần vốn đầu tư nên bán. Anh này cũng thừa nhận, nếu khoảng hơn 1 tháng trước, giới đầu tư từ Tp.HCM đổ về đây mua bán thì những mảnh đất như này được họ xuống tiền nhanh chóng, giờ thì lượng người đi mua ít hẳn.
"Thời điểm đất nóng sốt, một ngày có thể chốt được 1-2 nền, hiện có khi cả tháng mới bán được chừng ấy", anh Thành cho hay.
Đất nền Củ Chi quay đầu giảm giá và giao dịch
Giá có đang giảm mạnh?
Giao dịch giảm tốc rõ nét, tuy nhiên tiếp xúc với môi giới và nhà đầu tư, chúng tôi nhận được câu trả lời, giá không hề xuống mạnh mà chỉ chững lại ở giá cũ hoặc xuống nhẹ ở một số nền nhà đầu tư đang cần vốn bán ra, chủ yếu rơi vào các nền đất ven khu vực trung tâm Củ Chi.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi cả sức mua và giá bán đất nền tại đây đang có chiều hướng giảm nhiệt. Một số nơi giá đất tăng chóng mặt trong khoảng thời gian ngắn hiện đã có dấu hiệu xuống giá.
Cụ thể, giá đất nền tại Tỉnh lộ 8 cách đây 2 tháng rao bán 12 triệu đồng/m2 hiện xuống còn khoảng 9-10 triệu đồng/m2; đất thổ cư tại thị trấn Củ Chi cũng ghi nhận giảm từ 25-26 triệu đồng/m2 xuống còn 18-19 triệu đồng/m2.
Tại xã Tân Thông Hội, trước đó 2 tháng giá đất đang ở mức 10-11 triệu đồng/m2 hiện đã xuống khoảng 7-8 triệu đồng/m2, đất vườn ghi nhận cũng giảm giá khoảng 500-600 triệu đồng/m2. Ngoài ra, đất nông nghiệp ở nhiều xã trước đây bị thổi giá lên khoảng 5 triệu đồng/m2, hiện cũng quay đầu giảm giá xuống còn 2-3 triệu đồng/m2. Một số lô đất lớn trồng cây lâu năm (giá tính theo mét ngang) diện tích từ 2000-7000m2 đã từng chào giá 2-7 tỉ đồng thì hiện tại còn khoảng 2.5-6.6 tỉ đồng/mảnh.
Theo tìm hiểu, hiện tượng giảm giá rơi vào các nền của NĐT "lướt sóng" ở thời điểm sốt. Sau khi thị trường hạ nhiệt, những NĐT này bán ra để thu vốn nên chấp nhận cắt lỗ giá, chốt lời sớm. Ngoài ra, những sản phẩm diện tích lớn còn tồn lại nhiều tại khu vực rơi vào sản phẩm do NĐT ôm hàng nhưng lại chưa lên được thổ cư hoặc không được phép tách thửa theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND. Chính điều này dẫn đến hiện tượng kén khách mua và nhà đầu tư khó thoát hàng.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân đưa ra lời khuyên, đối với các nhà đầu tư khi chọn đất nền để đầu tư thì cần lưu ý nên mua những lô đất đã có sổ, pháp lý, giấy tờ rõ ràng, khu vực đã có dân cư hiện hữu. Đặc biệt, nhà đầu tư cần nâng cao kỹ năng và kiến thức để nắm bắt được thật kỹ xu hướng thị trường và sâu sát khu vực để đưa ra quyết định đầu tư tốt nhất, tránh tình trạng chạy theo đám đông.(CafeF)