FDI đổ về, giá thuê đất khu công nghiệp 'sốt xình xịch'; Đầu tư FDI vào năng lượng xanh đạt 778 triệu USD; Nhật thiệt hại hơn 626 tỉ USD do thảm hoạ Fukushima
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-05-2017
- Cập nhật : 12/05/2017
FamilyMart thua lỗ ở Việt Nam, xem xét hợp tác với CP Group
"Nếu có thể củng cố lại các cửa hàng này thì chúng tôi sẽ làm, nhưng chúng tôi không thể tiếp tục rót thêm vốn", Chủ tịch FamilyMart nói.
Trong khi thu được lợi nhuận từ thị trường Đài Loan và Trung Quốc, FamilyMart đang xem xét lại các hoạt động kinh doanh thua lỗ tại Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. "Nếu có thể củng cố lại các cửa hàng này thì chúng tôi sẽ làm, nhưng chúng tôi không thể tiếp tục rót thêm vốn", Chủ tịch FamilyMart Koji Takayanagi nói với hãng tin Reuters.
Vốn là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ hai tại Nhật Bản, FamilyMart cũng đang cân nhắc việc hợp tác với CITIC (Trung Quốc) và Charoen Pokphand Group (Thái Lan) trong một dự án kinh doanh mới, ông Koji cho biết. Trước đây, ông Koji từng là giám đốc bộ phận thực phẩm của công ty giao dịch Itochu.
Theo ông Koji, công ty đang tìm kiếm một số cơ hội khác ngoài lĩnh vực cửa hàng tiện lợi. Hãng này hiện cũng đang quản lý hệ thống siêu thị và cửa hàng tổng hợp.
FamilyMart UNY Holdings được thành lập từ thương vụ sáp nhập với Uny Group để trở thành doanh nghiệp cửa hàng tiện lợi lớn thứ hai Nhật Bản sau Seven & i Holdings, chủ sở hữu chuỗi 7-Eleven. Chuỗi này dự báo lợi nhuận hoạt động sẽ tăng hơn gấp đôi lên 1.000 tỷ yen (8,79 tỷ USD) trong ba năm tới, từ mức 412 tỷ yen trong năm tài khóa hiện tại.
Để làm được điều này, hãng sẽ chuyển đổi các cửa hàng Circle K và Sunkus thành các cửa hàng FamilyMart, vốn thu được nhiều lợi nhuận hơn. Đồng thời hãng cũng dự kiến doanh thu sẽ tăng từ 10-15%, ông Takayanagi nói.
"Vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng", vị lãnh đạo FamilyMart nói. Dù vậy, trong khi đối thủ Seven & i Holdings bành trướng mạnh mẽ ra nước ngoài, thì FamilyMart vẫn chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa Nhật Bản, Koji cho biết.(NCĐT)
----------------------------------------
Parkson tiếp tục thua lỗ lớn tại Việt Nam
Báo cáo quý mới nhất cho thấy doanh thu của các trung tâm Parkson tại Việt Nam tiếp tục sụt giảm mạnh.
Mới đây, tập đoàn bán lẻ Parkson của Malaysia vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 của năm tài chính 2016-2017. Theo đó, hãng này cho biết tình hình kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn do "thị trường bán lẻ ngày càng chật chội".
Trong 9 tháng đầu năm tài chính 2016-2017, kết thúc vào ngày 31/3/2017, Parkson đã ghi nhận mức lỗ trước thuế là 3,02 triệu đôla Singapore (2,14 triệu USD) tại Việt Nam, tăng gần gấp đôi so với mức lỗ 1,68 triệu đôla Singapore của 6 tháng đầu năm.
Nếu so với mức lỗ 9 tháng đầu năm tài chính 2015-2016 tại Việt Nam của Parkson là 5,22 triệu đôla Singapore, thì mức lỗ cùng kỳ năm nay đã giảm mạnh. Tuy nhiên, doanh thu cũng giảm theo, từ 26,1 triệu đôla Singapore xuống còn 23,2 triệu.
Trong 4 thị trường chính mà Parkson đang hoạt động thì chỉ có mỗi sân nhà Malaysia là có lãi, còn 3 nước còn lại là Việt Nam, Indonesia và Myanmar đều ghi nhận lỗ trước thuế.
Trong quý vừa qua, các siêu thị Parkson ở Việt Nam cũng ghi nhận mức doanh thu cùng cửa hàng (SSS) giảm tới 18,2%, so với mức giảm 8,2% của cùng kỳ năm ngoái. Còn nếu tính cả 9 tháng đầu năm tài chính 2016-2017 thì SSS giảm 13,4%, so với mức giảm 2,6% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời gian gần đây, Parkson đã cho đóng cửa 3 trung tâm tại Việt Nam, và hiện còn 7 trung tâm tại 3 thành phố TPHCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Không còn một trung tâm Parkson nào hoạt động tại Hà Nội, sau khi Parkson Viet Tower đóng cửa ngày 15/12 năm ngoái.(NCĐT)
--------------------------------
Carlsberg vẫn muốn mua thêm cổ phần Habeco
Carlsberg đã tỏ ý quan tâm đến việc mua lại 61,79% cổ phần của Habeco cũng như chào mua thêm 20% cổ phần trong các đợt đấu giá tương lai.
Tập đoàn bia Carlsberg (Đan Mạch) vẫn đang "săn đón" cổ phần của Tổng Công ty CP Bia - Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), CEO Cees 't Hart của hãng này đã nói như vậy với nhà đầu tư trong một cuộc hội thảo gần đây.
Carlsberg hiện nắm giữ 17,5% cổ phần Habeco, sau khi công ty này được cổ phần hóa vào năm 2008.
Habeco đã được niêm yết từ tháng 1/2017. Giá khởi điểm của cổ phiếu này là 135.000 đồng (khoảng 5,9 USD) nhưng đã giảm kể từ đó trở đi, và gần đây nhất đóng cửa ở mức 83.500 đồng/cp vào cuối ngày 9/5.
Carlsberg, dù mong muốn tăng cổ phần tại Habeco lên mức đa số, đã tuyên bố vào tháng 11 năm 2016 rằng giá của Habeco trên thị trường OTC hiện quá cao do yếu tố đầu cơ.
Ông Tayfun Uner, Giám đốc điều hành của Carlsberg Việt Nam, nói với giới truyền thông vào thời điểm đó rằng 48.000 đ/cp là mức giá hợp lý.
Ông Cees 't Hart, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Carlsberg, đã miêu tả việc chào mua đa số cổ phần của Habeco tới các nhà đầu tư là một quá trình "nóng, khá phức tạp và rườm rà". Nhưng ông khẳng định công ty vẫn "theo đuổi việc này".
Ông nói: “Trong sáu tuần qua, tôi đã đến Việt Nam ba lần. Nó cho thấy sự quan tâm của chúng tôi”.
Chính phủ Việt Nam hiện chưa phản hồi đề nghị này và Carlsberg không thể xác nhận thời gian cụ thể.
Carlsberg đã tỏ ý quan tâm đến việc mua lại 61,79% cổ phần của Habeco cũng như chào mua thêm 20% cổ phần từ đấu giá trong tương lai, vì chính phủ Việt Nam có kế hoạch thoái vốn toàn bộ khỏi tập đoàn bia rượu lớn thứ nhì cả nước này.
Chính phủ cũng đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi Sabeco, công ty bia rượu lớn nhất Việt Nam, vốn đã được niêm yết sớm hơn Habeco một tháng.
Hart nhận xét: "Có vẻ như họ đã muốn thoái vốn ở Habeco trước, nhưng đã có một số thay đổi sau đó, vẫn chưa biết là họ muốn thực hiện thoái vốn ở Sabeco hay Habeco trước".
Các tập đoàn bia lớn của thế giới như Heineken, AB-Inbev, Singha, Thai Beverage, Asahi Group và San Miguel đều được cho là có quan tâm đến việc thâu tóm cổ phần tại Sabeco.
Việt Nam là một trong 10 thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới năm 2016, với mức tiêu thụ 3,7 tỷ lít, tăng 54% so với năm 2015. Và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 4 tỷ lít vào năm 2017.
Carlsberg cho biết họ có quan tâm lớn đến các nước như Lào, Nepal và Việt Nam. Thị trường quốc tế đóng góp lớn vào của tăng trưởng doanh số của công ty này, vốn tăng 16% trong quý 1/2017. Chỉ riêng doanh thu thuần tại thị trường Châu Á đã tăng 6%.(NCĐT)
----------------------------
Xe dưới 24 chỗ khi bán ra vẫn phải kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời một số doanh nghiệp xung quanh việc áp dụng thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ nhập khẩu từ 1/7/2016 và bán ra sau ngày này.
Theo đó, trả lời chung cho các doanh nghiệp (Công ty TNHH vận tải Trang Hà, Công ty TNHH TM DV XNK Hoàng Phước Minh, Công ty TNHH thương mại dịch vụ MT,...) cùng vướng mắc về thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho biết, việc các doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ quy định tại Khoản 3, Điều 2, Thông tư số 130/2016/TT-BTC là không phù hợp với quy định của Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
Cụ thể tại Khoản 1, Điều 2 Luật số 106 quy định, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra
Trường hợp hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết thì giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ phần trăm so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính phủ.
Luật 106 cũng quy định từ 1/7/2016, xe ô tô dưới 24 chỗ khi bán ra phải kê khai nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt theo mức thuế suất quy định của Luật này.
Căn cứ các quy định trên, Bộ Tài chính khẳng định, quy định tại Khoản 3, Điều 2, Thông tư số 130/2016/TT-BTC là phù hợp với Luật số 106. Chính vì vậy, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ trước ngày 1/7/2016 và bán ra sau ngày này vẫn phải thực hiện kê khai nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt.(TTXVN)