Lợi nhuận đầu tư bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 6,2%; Kế hoạch khủng của The Ascott Limited tại Quảng Ninh với dự án condotel đạt chuẩn quốc tế; Tân Tạo bị nghi ngờ khả năng hoạt động; Canon 'hái quả' sau khi mua một phần Toshiba
Tin kinh tế đọc nhanh 12-05-2017
- Cập nhật : 12/05/2017
Bắt buộc dùng hóa đơn điện tử từ 2018
Theo lộ trình của Bộ Tài chính đang dự thảo, kèm theo đề cương xây dựng Nghị định về hóa đơn bán hàng, thì từ đầu năm 2018, một số lớn các doanh nghiệp (DN) sẽ dùng hóa đơn điện tử.
Trong đó, các DN mới thành lập, các DN có vi phạm hoặc bị phân loại rủi ro cao sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Các DN trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao sẽ dùng hóa đơn điện tử. DN ngoài các khu này nhưng có số vốn trên 15 tỉ đồng cũng phải dùng hóa đơn điện tử.
Theo lộ trình, từ đầu năm 2019, 30% các tổ chức, DN còn lại sẽ áp dụng hóa đơn điện tử. Từ đầu năm 2020, 80% các DN, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Cũng từ năm 2020, các hộ kinh doanh có doanh thu/năm từ 3 tỉ đồng trở lên cũng được triển khai áp dụng hóa đơn điện tử.
Theo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy như giảm chi phí giấy in, chi phí mực in, chi phí chuyển hóa đơn, giảm chi phí lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn…
DN cũng được giảm thủ tục hành chính như không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế, không phải đăng ký mẫu hóa đơn điện tử vì phần mềm điện tử đã tự động kết chuyển.(PLO)
-------------------------
Kinh doanh lữ hành: Doanh thu lớn, lãi “bèo bọt”
2016 được đánh giá là năm thành công của ngành du lịch Việt Nam. Bên cạnh việc đón được 10 triệu lượt khách quốc tế, du lịch Việt Nam cũng phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015.
Chính điều này đã mang lại niềm vui không nhỏ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành.
Là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực lữ hành, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải - Vietravel đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm vừa qua.
Năm 2016, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietravel đạt 5.263 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2015.
Mặc dù mang về cho Vietravel khoản doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận của hoạt động lữ hành chẳng đáng là bao.
Cả năm 2016, lợi nhuận của Vietravel chỉ đạt gần 42 tỷ đồng. Tức cứ 125 đồng doanh thu, Vietravel mới có được 1 đồng lãi, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận là 0,8%.
Dù vậy, kết quả kinh doanh của Vietravel vẫn đang theo chiều hướng tốt lên. Từ mức lỗ 3 tỷ đồng trong năm 2013, công ty đã có lãi 11 tỷ đồng trong năm 2014 và 22 tỷ trong năm 2015, và 42 tỷ trong năm 2016.
Nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của Vietravel rất thấp là do doanh nghiệp này thuần túy chỉ có hoạt động cung cấp dịch vụ lữ hành vốn là mảng có biên lợi nhuận rất mỏng trong cả ngành dịch vụ du lịch nói chung.
Trong khi đó, với doanh thu không được nhiều như Vietravel, nhưng đều đặn từng năm, lợi nhuận sau thuế của Công ty Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Saigontourist đều trên nghìn tỷ.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Saigontouris đạt 2.849 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 558 tỷ đồng, gấp 13 lần lợi nhuận cả năm của Vietravel.
Có được lợi nhuận đáng kể là do Saigontourist đã mang tiền đi đầu tư vào các dịch vụ khác trong ngành du lịch như đầu tư vào các khách sạn, kinh doanh nhà hàng, kinh doanh địa ốc, taxi, xăng dầu...
Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành lại có được mức lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận tốt hơn Vietravel rất nhiều nhờ đầu tư vào các ngành dịch vụ du lịch khác như sở hữu hoặc nắm cổ phần tại một số khách sạn lớn; tổ chức sự kiện, đầu tư vào bất động sản…
Chẳng hạn như Hà Nội Toserco, mặc dù doanh thu không bằng Vietravel nhưng lợi nhuận vẫn cao, đạt hơn 72 tỷ đồng; Phú Thọ Tourist đạt gần 94 tỷ đồng...
Nếu so với quy mô vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2016 lần lượt là 118 tỷ đồng và 66 tỷ đồng thì các chỉ số sinh lời trên vốn của Vietravel vẫn rất khả quan. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hiện tại của Vietravel là 35,6%.
Tuy nhiên, với quy mô vốn rất khiêm tốn trong ngành thì cơ hội đầu tư, mở rộng của Vietravel sang các dịch vụ khác trong ngành sẽ hạn chế, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp và Vietravel vẫn mãi chỉ là một doanh nghiệp bé trong ngành.(Vneconomy)
---------------------------------
Kinh doanh sa sút, nhà máy lọc dầu 3 tỷ USD mời 15 quỹ mua cổ phần
Sau gần một thập kỷ đi vào vận hành thương mại, đến nay, BSR đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa, với mục tiêu thu xếp tài chính cho các dự án đầu tư chiến lược, tăng tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, và tạo giá trị gia tăng cho các cổ đông.
Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - vừa phát hành thư mời mua cổ phần hóa gửi đến 15 quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Dự kiến cuối năm 2017, BSR sẽ chào bán cổ phiếu ra thị trường.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, được Nhà nước đầu tư và sở hữu, có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Với định hướng trở thành động lực cho kinh tế miền Trung "cất cánh", công trình này được khởi công vào cuối năm 2005 và vận hành từ 2009, với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.
Sau gần một thập kỷ đi vào vận hành thương mại, đến nay, BSR đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa, với mục tiêu thu xếp tài chính cho các dự án đầu tư chiến lược, tăng tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, và tạo giá trị gia tăng cho các cổ đông.
BSR hiện là chủ đầu tư dự án nâng cấp - mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất để nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và tiêu chuẩn môi trường cao hơn.
Tiến trình cổ phần hóa của nhà máy lọc dầu Việt Nam đầu tiên diễn ra trong bối cảnh giá dầu vẫn ở mức thấp, bản thân doanh thu và lợi nhuận của nhà máy cũng đi xuống.
Năm 2016, BSR đạt doanh thu 75.184 tỷ đồng, giảm 41,6% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế 5,007 tỷ đồng, giảm hơn 21%.
Đáng chú ý, việc đầu tư của BSR vào công ty con là Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (Bio Ethanol Dung Quất) gặp nhiều khó khăn.
Bio Ethanol Dung Quất có vốn điều lệ 1.252 tỷ đồng. Dự án xây dựng nhà máy được phê duyệt xây dựng năm 2009 tại Quảng Ngãi với vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng, sau đó bị đội vốn lên 2.100 tỷ đồng. Năm 2014, nhà máy lỗ 164 tỷ đồng.
Ba cổ đông sáng lập của Bio Ethanol Dung Quất bao gồm BSR với 60% vốn; Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) góp 30%, Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) góp 10%. Tuy nhiên, sau đó các công ty này đã lần lượt thoái vốn, hiện chỉ còn BSR là cổ đông lớn nhất.
Hiện nay nhà máy của Bio Ethanol Dung Quất đã dừng hoạt động. BSR cho biết để duy trì hoạt động tối thiểu, Bio Ethanol Dung Quất đã cắt giảm lao động, chỉ để lại nhân sự tối thiểu thực hiện quản lý, bảo đảm tài sản và bảo dưỡng sửa chữa. (Vneconomy)
-------------------------------
Chi nghìn tỷ thâu tóm, Khách sạn Kim Liên của Bầu Thụy vẫn lỗ
Bầu Thụy chi 1.000 tỷ mua 50% cổ phần Khách sạn Kim Liên trong phiên đấu giá cổ phần từ SCIC cuối năm 2015.
Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên - đơn vị sở hữu và vận hành Khách sạn Kim Liên vừa công bố doanh thu năm 2016 đạt 128,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 124,6 tỷ của năm 2015. Lợi nhuận sau thuế của Kim Liên đạt 7,4 tỷ đồng, trong khi năm 2015 doanh nghiệp này lỗ 33,78 tỷ. Dù đã lãi trở lại song công ty vẫn chưa thể xoá được khoản lỗ luỹ kế.
Tính đến 31/12/2016, Du lịch Kim Liên vẫn còn lỗ luỹ kế 26,16 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty đạt 67,5 tỷ đồng, giảm 16,1% so với năm 2015.
Đặc biệt, theo thông báo của Chi cục Thuế Quận Đống Đa (Hà Nội) ngày 14/11/2016, Công ty Du lịch Kim Liên nợ ngân sách số tiền phạt chậm nộp tiền thuê đất là 8,99 tỷ đồng. Trong đó, tiền nộp chậm năm 2016 là 817 triệu đồng và các năm trước là 8,177 tỷ đồng.
Theo công văn ngày 9/1/2017 của Bộ Tài chính, việc hạch toán bổ sung và tiền phạt chậm nộp tiền thuê đất nhưng công ty vẫn chưa ghi nhận vào chi phí sản xuất kinh doanh của từng kỳ thì phải thực hiện điều chỉnh hồi tố theo quy định của chuẩn mực kế toán.
Đối với số tiền phạt nộp chậm trong năm 2016 công ty phải ghi nhận vào chi phí kinh doanh trong kỳ phát sinh. Vì vậy công ty đã có một số điều chỉnh báo cáo tài chính để ghi nhận khoản chi phí phát sinh này.
Hiện Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty là ông Nguyễn Đức Thụy (hay còn gọi là bầu Thụy). Bầu Thụy được bầu làm Chủ tịch của công ty vào đầu năm 2016 sau thương vụ “bạo chi” để thâu tóm Khách sạn Kim Liên.
Cụ thể, Tập đoàn Thaigroup do Bầu Thụy làm chủ tịch đã vượt qua loạt đại gia xếp hàng mua khách sạn Kim Liên bằng việc chi tới 1.000 tỷ đồng để sở hữu hơn 50% cổ phần từ SCIC.
Khi mới nhậm chức, ông Thụy có chia sẻ sẽ biến Khách sạn Kim Liên sẽ được phát triển thành một điểm nhấn của Hà Nội với tổ hợp khách sạn 4 và 5 sao thương hiệu quốc tế.
Thaigroup tiền thân là Xuân Thành Group, được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Hiện công ty đang đầu tư dài hạn vào ngành sản xuất xi măng, phân bón, thủy điện. Ngoài ra, doanh nghiệp còn mở rộng đầu tư sang giáo dục, du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Công ty du lịch Kim Liên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, lưu trú ngắn ngày. Khách sạn Kim Liên có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, có vị trí rất đắc địa khi toạ lạc trên khu đất 3,5ha trên phố Đào Duy Anh (Đống Đa). Tiền thân của khách sạn Kim Liên là khách sạn Bạch Mai được thành lập năm 1961. Khách sạn hiện có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng.
Đây không phải là đất thuộc sở hữu của khách sạn Kim Liên mà là đất thuê dài hạn. Tháng 9/2014 UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho Công ty du lịch Kim Liên thuê 3,5ha đất với hạn thuê đất 50 năm kể từ năm 1993. Như vậy, thời hạn thuê đất còn tới 2043.(Vneconomy)