tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 13-05-2017

  • Cập nhật : 13/05/2017

Goldman Sachs: Mỹ đang đi qua đợt tăng trưởng kinh tế dài nhất

Kể từ khủng hoảng tài chính, Mỹ chưa từng được xem là tăng trưởng mạnh mẽ song mới đây, ngân hàng Goldman Sachs cho hay hiện có thể đang là đợt tăng trưởng dài nhất lịch sử của nền kinh tế số một thế giới.

anh: afp

Ảnh: AFP

Theo CNBC, giới chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs dự báo có 31% khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 9 quý kế tiếp. Con số này đang tăng lên song đây là câu chuyện có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tin tốt là nước Mỹ có 2/3 khả năng đang đi qua đợt phục hồi kinh tế dài nhất lịch sử.

“Khả năng thời gian tăng trưởng kinh tế sẽ phá kỷ lục phù hợp với quan điểm từ lâu của chúng tôi, rằng sự kết hợp của một cuộc suy thoái sâu và sự phục hồi chậm chạp ban đầu giúp chúng ta bước vào một chu kỳ dài bất thường”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong lưu ý công bố gần đây. Đợt tăng trưởng kinh tế Mỹ kéo dài 95 tháng, và đang là đợt tăng trưởng dài thứ ba trong lịch sử 33 chu kỳ kinh tế kể từ năm 1854.

“Chỉ hai đợt tăng trưởng từ tháng 3.1991 đến tháng 3.2001 (120 tháng) và từ tháng 2.1961 đến tháng 12.1969 (106 tháng) là dài hơn đợt tăng trưởng này”, các chuyên gia cho hay. Goldman Sachs cũng cho biết nguy cơ trung hạn về một cuộc suy thoái kinh tế đang tăng lên, “chủ yếu là vì nền kinh tế đang có tình hình tuyển dụng đầy đủ và vẫn đi lên trên xu hướng”. Ngân hàng Mỹ định nghĩa suy thoái là khi một quý có tăng trưởng âm.

Các nhà kinh tế viết: “Cách rõ ràng nhất để giữ nguy cơ không tăng lên thêm là làm giảm sản lượng và tăng trưởng việc làm xuống tốc độ như xu hướng trước khi nó kéo dài quá lâu”. Điều này đòi hỏi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách hơn.

Sau một loạt dữ liệu kinh tế hạ xuống dưới mức mong đợi, báo cáo thị trường lao động khả quan hồi tuần trước là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ không đứng yên. GDP nước này chỉ tăng 0,7% trong quý 1/2017 và giới chuyên gia dự báo GDP quý 2/2017 sẽ lên đến 3% hoặc hơn.

Trong khi nhiều người mừng vì Mỹ có thêm 211.000 việc làm mới hồi tháng trước còn tỷ lệ thất nghiệp là 4,4%, Goldman Sachs cho rằng có khả năng thị trường lao động đang trở nên “quá nóng”. Ngân hàng Mỹ cho hay khả năng suy thoái của các quý trong thời gian tới được lý giải rõ qua nhiều yếu tố như tăng trưởng chậm chạp, năng suất giảm, giá nhà thay đổi, khoảng cách sản lượng, tỷ lệ nợ trên GDP và bất ổn về chính sách kinh tế.(Thanhnien)
------------------------------------

Ba vấn đề kinh tế lớn trước mắt tân Tổng thống Hàn Quốc

Tổng thống mới của Hàn Quốc Moon Jae-in, người vừa bước vào vị trí lãnh đạo còn trống sau khi bà Park Geun-hye bị luận tội tham nhũng, đang đối mặt với nhiều thách thức.

tong thong han quoc moon jae-in anh: reuters

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ẢNH: REUTERS

Theo CNN, bên cạnh việc xử lý căng thẳng với Triều Tiên, ông Moon còn gánh tiếp nhiều vấn đề kinh tế lớn. Dưới đây là ba trong số đó.

Căng thẳng với Trung Quốc

Hàn Quốc gần đây làm phật lòng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, với việc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên lãnh thổ Hàn. Trung Quốc phản ứng bằng một loạt biện pháp trả đũa kinh tế, bao gồm việc cắt giảm các chuyến du lịch, gây áp lực lên hoạt động của nhiều doanh nghiệp lớn xứ Hàn.

Ông Moon, người chỉ trích việc triển khai hệ thống phòng thủ trên, có thể là cơ hội để tái thiết quan hệ hai nước. Tân Tổng thống cho hay ông sẵn sàng đàm phán với cả Trung Quốc và Mỹ về vấn đề này.

Đe dọa thương mại từ Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang làm giới chức xứ Hàn lo ngại vì những bình luận gần đây về hiệp ước thương mại tự do giữa hai nước, mô tả đây là thỏa thuận “khủng khiếp”. Tháng trước, Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng ông có ý định tái đàm phán hoặc chấm dứt thỏa thuận vốn có hiệu lực từ năm 2012.

Các bình luận của ông Trump đến sau khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phàn nàn tại Seoul rằng doanh nghiệp Mỹ ở Hàn Quốc “phải đối mặt quá nhiều rào cản trong việc thâm nhập, những vấn đề ảnh hưởng đến sân chơi chung, gây bất lợi cho lao động và tăng trưởng Mỹ”.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng một cuộc cải cách lớn hoặc hủy bỏ thỏa thuận thương mại sẽ là cú sốc lớn đối với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp cận một cách thận trọng bất kỳ cuộc đàm phán chính thức nào vì Hàn Quốc vẫn là đồng minh quan trọng trong khu vực. Seoul cho hay sau nhận xét của ông Trump rằng họ chưa nhận được yêu cầu chính thức nào về việc tái đàm phán thỏa thuận thương mại.

Tham nhũng

Ông Moon lên cầm quyền sau vụ bê bối tham nhũng lớn khiến hàng trăm người Hàn Quốc xuống đường biểu tình còn cựu Tổng thống Park Geun-hye thì bị luận tội. Bê bối tham nhũng cũng làm điêu đứng một vài doanh nghiệp lớn nhất nước này. Ông Lee Jae-yong, người thừa kế tập đoàn Samsung, hiện còn bị truy tố về tội hối lộ và các cáo buộc tham nhũng khác.

Ông Lee bác bỏ những cáo buộc trên song vụ bê bối khiến công chúng tức giận Samsung và các tập đoàn gia đình trị lớn, hay còn gọi là chaebol. Giới chaebol còn bị cho là yếu tố tổn hại sự đổi mới và hoạt động kinh doanh của đất nước bằng cách chèn ép doanh nghiệp nhỏ hơn.

“Cải cách chaebol sẽ thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong toàn bộ nền kinh tế”, Capital Economics viết trong một nghiên cứu công bố trước cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Capital Economics cũng cảnh báo rằng quy mô và tầm quan trọng của chaebol chính là yếu tố khiến việc thay đổi đáng kể chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.(Thanhnien)
------------------------------------------

Bất động sản hạng sang Hồng Kông đứng đầu thế giới

Hồng Kông vừa vượt qua thành phố London (Anh) để trở thành thị trường nhà đất sang trọng đứng đầu thế giới. Doanh số thương vụ bất động sản từ 100 triệu USD trở lên của đặc khu vừa lên cao kỷ lục.

anh: bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, 4 trong số 10 căn nhà sang trọng được bán ra với giá như trên hồi năm ngoái là ở Hồng Kông, theo khảo sát International Real Estate của Chrisie’s.

London đứng vị trí thứ nhì trong danh sách thị trường bất động sản hạng sang hàng đầu thế giới với 2 thương vụ chốt giá từ 100 triệu USD trở lên. Đây là năm đầu tiên trong 5 năm, thủ đô Anh trượt xuống vị trí thứ nhì. New York (Mỹ) đứng hạng ba.

CEO bộ phận bất động sản của nhà đấu giá Christie’s Dan Conn cho hay việc Hồng Kông đi lên là vì môi trường ở những thị trường như Anh bất ổn hơn, nơi phải trải qua cuộc bỏ phiếu Brexit, thuế mới từ chính phủ bảo thủ và sắp tới là thêm một cuộc bỏ phiếu nữa.

Trong khi thị trường bất động sản hạng sang vẫn phát triển, doanh số bất động sản cao cấp đang bắt đầu chậm lại. Doanh số nhà ở trị giá ít nhất 1 triệu USD tăng 1% toàn thế giới hồi năm ngoái, hạ từ mức 8% năm 2015 và 16% năm 2014. Thời gian trung bình để bán một bất động sản hạng sang tăng 13% lên 220 ngày do cung vượt cầu tại một số thị trường.(Thanhnien)
----------------------------------

Bank of America Merrill Lynch giảm dự báo giá dầu trong năm 2017 và 2018

Ngân hàng Mỹ dự báo giá dầu sẽ ở mức 54 USD/thùng vào năm 2017 và 56 USD/thùng vào năm 2018, so với mức trước đó là 61 USD/thùng và 65 USD/thùng.

Giá dầu hôm thứ Năm đánh dấu mức tăng mạnh thứ hai trong tháng với khi thị trường hấp thụ thông tin về sự sụt giảm tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước.

Tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại rằng việc gia tăng sản xuất dầu của Mỹ sẽ phủ nhận những nỗ lực của OPEC nhằm cân bằng thị trường.

Dầu WTI giao tháng 6 tăng 50 xu, tương đương 1,1%, lên mức 47,83 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New. Theo dữ liệu của FactSet, đó là mức giá cao nhất kể từ ngày 1 tháng 5. Dầu Brent giao tháng 7 trên sàn giao dịch trên sàn ICE của London tăng 55 xu, tương đương 1,1%, lên 50,77 USD một thùng.

Giá dầu tăng hơn 3% hôm thứ tư sau khi dữ liệu từ Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5 tháng 5, vượt xa kỳ vọng của thị trường.

Tuy nhiên, trong một báo cáo hàng tháng được đưa ra vào thứ năm, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng dự báo rằng tăng trưởng sản xuất dầu từ các nước ngoài OPEC sẽ là hơn 60%.

Ông Tim Evans, chuyên gia phân tích năng lượng tại Citi Futures và OTC Clearing, cho biết trong một ghi chú vào thứ 5: "Ngay cả khi nguồn cung dầu từ các nước không thuộc OPEC tăng lên, thị trường vẫn sẽ bị thiếu hụt dầu  vào quý thứ ba nếu OPEC giữ nguyên chính sách hiện tại”. Ông cũng chỉ ra rằng đây là đánh giá cuối cùng của OPEC trước hội nghị thượng đỉnh vào ngày 25 tháng 5, trong đó các thành viên của khối sẽ được đưa ra quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng

OPEC, cũng như một số nước không thuộc OPEC như Nga, đã cam kết cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng giá dầu trong năm nay đã giảm hơn 10% do sản lượng của Mỹ tiếp tục tăng lên.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BOAML) hôm thứ 5 đã cắt giảm dự báo giá dầu Brent, lưu ý rằng các tồn kho dầu vẫn còn rất cao và nguồn cung dầu tại Mỹ sẽ hồi phục nhanh hơn dự kiến. BOAML dự báo giá dầu sẽ ở mức 54 USD/thùng vào năm 2017 và 56 USD/thùng vào năm 2018. Trước đó, dự báo của ngân hàng này là 61 USD/thùng vào năm 2017 và 65 USD/thùng vào năm 2018.

Trong báo cáo hàng tháng thứ ba, EIA cũng giảm triển vọng giá dầu Brent và WTI năm 2017 và tăng dự báo về sản suất dầu thô của Mỹ trong năm nay và năm tới.(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục