tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-09-2018

  • Cập nhật : 01/09/2018

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ rút khỏi WTO?

Tổng thống Donald Trump ngày 30/8 tiếp tục có động thái công kích hệ thống thương mại đa phương bằng cảnh báo sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu tổ chức này không thay đổi.

Sau khi rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và yêu cầu Canada và Mexico đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Tổng thống Donald Trump ngày 30/8 tiếp tục có động thái công kích hệ thống thương mại đa phương bằng cảnh báo sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu tổ chức này không thay đổi.

Đây không phải lần đầu ông Trump đưa ra lời đe dọa nhằm vào WTO, song trong bối cảnh vai trò của tổ chức này thời gian qua đang bị lung lay do chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, những “đòn tấn công” dồn dập kiểu như thế này càng đe dọa làm xói mòn hơn nữa hệ thống thương mại đa phương toàn cầu.

Ngay sau khi lên nắm quyền từ đầu năm 2017, ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng về WTO – cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế và được coi là trung gian hòa giải các tranh chấp thương mại.

Trong thời gian còn là ứng cử viên tổng thống, ông Trump cũng đã từng lên tiếng chỉ trích WTO là “thảm họa”, cho rằng Mỹ đã bị "đối xử bất công" trong các vụ tranh chấp thương mại tại WTO. Ông Trump nói rằng WTO được thành lập để mang lại lợi ích cho tất các nước ngoại trừ Mỹ, và Washington đã thua gần như tất cả vụ kiện ở tổ chức thương mại này.

Tổng thống Trump than phiền rằng WTO thường đưa ra quyết định bất lợi cho Mỹ, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến chính sách chống bán phá giá của nước này. Đến tháng 7 vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ đe dọa sẽ có hành động chống lại WTO, dù không nói cụ thể.

Thậm chí Mỹ cho rằng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vi phạm chủ quyền của Mỹ. Đây cũng là lý do để Mỹ đã ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán của Cơ quan Phúc thẩm (AP) của Cơ quan Giải quyết tranh chấp (DSB) thuộc WTO, gây lo ngại cơ quan này sẽ phải ngừng hoạt động trong những năm tới.

Được coi là “Liên hợp quốc” về thương mại toàn cầu, WTO ra đời từ năm 1995, với sứ mệnh là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng. WTO đã thực hiện nhiệm vụ này bằng cách thiết lập các quy tắc, giải quyết các tranh chấp và đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết những bất đồng.

Mỹ là một trong số nước góp công xây dựng lớn và củng cố các quy định thương mại trong WTO, bởi vậy việc ông Trump cảnh báo rút Mỹ khỏi tổ chức này đồng nghĩa với việc chối bỏ nỗ lực và vị thế của Mỹ trong WTO.

Trên thực tế, Tổng thống Trump từ lâu nay đã bị chỉ trích là “phớt lờ” WTO sau khi Washington thực thi chính sách bảo hộ thương mại và áp đặt hàng loạt mức thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Mexico, Canada và đồng minh Liên minh châu Âu (EU), động thái được nhìn nhận là đi ngược lại những quy tắc của WTO mà chính Mỹ từng ủng hộ.

Chuyên gia thương mại quốc tế Edward Alden thuộc Hội đồng Tư vấn Mỹ về quan hệ quốc tế đã cảnh báo ngày Mỹ đơn phương đánh thuế thép, nhôm là “ngày báo tử” của WTO, bởi thế giới sẽ bước vào một vòng xoáy trả đũa không dứt, và cho dù WTO không biến mất, thì vai trò của định chế này cũng sẽ bị sa sút nghiêm trọng.

Cho tới nay, chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ đang đẩy nước này vào “những cuộc chiến” cùng các hành động “ăn miếng trả miếng” với nhiều đối tác, đặc biệt là Trung Quốc. Mỹ cũng liên tục bị các đối tác nộp đơn kiện lên WTO.

Thái độ “thách thức” của chính quyền Mỹ đối với WTO có thể cũng xuất phát từ đây, do Washington cần sự ủng hộ và hành động của WTO trong việc áp thuế lên Trung Quốc, song phản ứng của tổ chức thương mại này chỉ dừng ở mức kêu gọi các bên ngừng các hành động trả đũa.

Tương tự trong trường hợp bị Liên minh châu Âu dọa áp thuế đối với xe nhập khẩu từ Mỹ, Tổng thống Trump đã ngầm cảnh báo “Washington sẽ làm điều gì đó” nếu WTO tiếp tục “đối xử tệ” với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Tuy vậy, hậu quả của việc Mỹ rút khỏi WTO có thể còn lớn hơn những gì mà Tổng thống Trump hình dung. Đối với Mỹ, không còn là thành viên WTO đồng nghĩa với việc nền kinh tế số 1 thế giới này, gồm các công ty trong nước, sẽ đối mặt với nhiều bất lợi.

Trong trường hợp này, các nước thành viên WTO khác có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, áp đặt những yêu cầu “phiền toái”, khiến những công ty này khó cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ không còn khả năng xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng dựa trên hệ thống xử lý tranh chấp của WTO. Theo ông Rufus Yerxa, cựu Phó Tổng giám đốc WTO, Mỹ sẽ bị cô lập trong nền kinh tế thế giới nếu rút khỏi WTO.

Đối với nền kinh tế thế giới, việc Mỹ rút khỏi WTO sẽ để lại tác động tiêu cực và nghiêm trọng, gây ra sự bất ổn ngày càng lớn đối với thương mại. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách thương mại Herbert A. Stiefel thuộc Viện Cato, ông Simon Lester, cho rằng việc Mỹ chấm dứt tư cách thành viên của WTO sẽ dẫn tới một thảm họa kinh tế.

Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ rõ ràng đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của WTO và việc nước này rút khỏi tổ chức sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn. Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế và từng là quan chức thương mại Mỹ Gary Clyde Hufbauer lo ngại chỉ riêng việc đe dọa thực hiện một động thái bảo hộ như vậy cũng đủ sức tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế "vô tội vạ" và buộc những quốc gia khác phải có những biện pháp phản ứng lại. Hệ quả là một cơn khủng hoảng toàn cầu sẽ hình thành. Ngoài ra, Mỹ có thể ra khỏi WTO và gây áp lực với các nước khác cũng có động thái tương tự, hoặc không tôn trọng các quy tắc của tổ chức này.

Tuy nhiên, việc Mỹ rời khỏi WTO không phải là điều dễ dàng bởi quyết định này phải được Quốc hội Mỹ thông qua, trong khi nhiều nghị sĩ, gồm cả nghị sĩ Cộng hòa, vẫn ủng hộ tự do thương mại. Nhà tư vấn cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu và chiến lược (CSIS) Bill Reinsch nhận định khó có thể thuyết phục các nghị sĩ Mỹ chấp nhận điều này bởi họ nhận thức rõ là WTO mang lại lợi ích gì cho nước Mỹ và hầu như Washington đều thắng kiện kể cả trong trường hợp là nguyên đơn và bị đơn.

Viện nghiên cứu Cato, tại Washington cho hay Mỹ thua tới 90% những vụ kiện nhằm vào nước này song cũng thắng đến 90% vụ kiện cho Washington khởi xướng, đồng thời là quốc gia khởi kiện nhiều nhất trong các thành viên WTO.

Một số nhà quan sát cho rằng ẩn sau các lời đe dọa chiến tranh thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chống lại WTO, là nỗ lực của Washington nhằm “cải tổ” WTO để khiến định chế này có lợi hơn cho Mỹ. Thực chất, việc cải tổ WTO trở nên cấp thiết và đã được đưa ra bàn thảo từ nhiều năm nay, song vẫn rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, đây sẽ là vấn đề rất khó khăn bởi nó động chạm tới lợi ích của 164 nước thành viên.

Dù mới chỉ dừng lại ở cảnh báo, song rõ ràng thái độ cứng rắn của Tổng thống Trump đã cho thấy Washington ngày càng củng cố chính sách bảo hộ thương mại của mình, và chắc chắn điều này gây hậu quả không nhỏ trong hoạt động giao thương toàn cầu cũng như hệ thống thương mại đa phương đang tồn tại Nó cũng là thách thức đặt ra cho chính WTO nếu tổ chức này muốn duy trì vai trò và sức mạnh của mình.(TTXVN)
------------------------

Thúc đẩy thanh toán biên mậu Việt - Trung

Việc ban hành Thông tư 19 là cần thiết nhằm mục tiêu thúc đẩy thanh toán biên mậu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 19 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12-10.

VNĐ và nhân dân tệ đều được

Theo thông tư này, đồng tiền được dùng thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân sẽ là VNĐ, nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) và ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới là VNĐ hoặc nhân dân tệ.

Thúc đẩy thanh toán biên mậu Việt - Trung - Ảnh 1.

Hàng hóa Việt Nam chuẩn bị đưa qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn để bán sang Trung Quốc Ảnh: LÊ PHONG

Phương thức thanh toán của thương nhân có thể là qua NH thương mại; thanh toán tiền mặt bằng VNĐ hoặc CNY; sử dụng tài khoản thanh toán bằng CNY tại chi nhánh NH biên giới đối với thương nhân Việt Nam hoặc sử dụng tài khoản thanh toán bằng VNĐ tại chi nhánh NH biên giới đối với thương nhân Trung Quốc.

Chẳng hạn, với phương thức thanh toán tiền mặt bằng VNĐ hoặc CNY, thương nhân Việt Nam sẽ được thu VNĐ hoặc CNY tiền mặt từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định về hoạt động thương mại biên giới và nộp vào tài khoản thanh toán mở tại chi nhánh NH biên giới (kèm theo các chứng từ theo quy định).

Đại diện NHNN cho biết Thông tư 19 được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN (tháng 6-2004) về quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.

Thực tế, cơ chế thanh toán biên mậu Việt Nam - Trung Quốc đã được triển khai từ năm 2004 trên cơ sở quy định tại Quyết định 689, góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, theo NHNN, quá trình thực hiện Quyết định 689 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định 14 giao trách nhiệm cho NHNN hướng dẫn triển khai thực hiện về thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới.

Trước đây, theo Hiệp định Thanh toán giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc và quy định tại Quyết định 689, việc thanh toán bằng đồng CNY chỉ được thực hiện qua các NH tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt - Trung.

Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh trường hợp các NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam nhưng không có chi nhánh ở biên giới để cung cấp dịch vụ thanh toán bằng CNY cho một số doanh nghiệp (DN) nội địa hoạt động thương mại biên giới. Hoặc có trường hợp NH có chi nhánh ở biên giới nhưng không thể thực hiện việc cung cấp dịch vụ thanh toán bằng đồng CNY cho khách hàng…

Do đó, Thông tư 19 đã bổ sung quy định về hoạt động ủy thác thanh toán bằng đồng CNY giữa các NH được phép và hoạt động thanh toán bằng đồng CNY trong hệ thống NH được phép có chi nhánh NH biên giới.

Kiểm soát chặt chẽ các giao dịch ngoại tệ

Theo NHNN, việc ban hành Thông tư 19 là cần thiết nhằm mục tiêu thúc đẩy thanh toán biên mậu, tạo thuận lợi cho người dân Việt Nam và Trung Quốc trong giao thương, thực hiện tốt hơn việc quản lý nhà nước về ngoại hối ở khu vực 7 tỉnh có chung đường biên giới 2 nước. "Những thay đổi trong chính sách thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới tại Thông tư 19 cũng góp phần thực thi chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại" - đại diện NHNN cho biết.

Phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối một NH cổ phần nhìn nhận việc NHNN có quy định rõ ràng, tạo hành lang pháp lý sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho các NH thương mại trong hoạt động giao dịch, thanh toán ở biên giới.

Tổng giám đốc một DN thực phẩm có hoạt động xuất khẩu với thị trường Trung Quốc đánh giá việc tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho việc thanh toán thương mại ở biên giới sẽ hỗ trợ DN xuất nhập khẩu và thương nhân 2 nước. Khi đó, các DN sẽ thanh toán trực tiếp bằng VNĐ và CNY mà không phải thông qua một đồng tiền tự do chuyển đổi khác, nên không bị tác động bởi biến động của các đồng tiền này làm ảnh hưởng giá thành sản phẩm.

Thông tư 19 cũng quy định cụ thể trách nhiệm của NHNN chi nhánh tỉnh biên giới, NH thương mại cũng như của cá nhân, thương nhân và tổ chức khác nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với hoạt động quản lý ngoại hối trong thương mại biên giới Việt - Trung.

Cụ thể, NHNN chi nhánh tỉnh biên giới phải thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới giữa 2 nước, trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm sẽ xử lý theo thẩm quyền. Với các NH được phép, cần bảo đảm việc cung ứng dịch vụ ngoại hối đúng mục đích, phù hợp quy định, niêm yết công khai tỉ giá mua bán giữa đồng CNY và VNĐ... (NLĐ)
------------------------------

Chào thầu 94.000 tấn đường trong hạn ngạch nhập khẩu năm 2018 với giá 1,4 triệu đồng/tấn

 Hội đồng đấu giá thí điểm vừa ra thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 94.000 tấn đường mang mã HS 17.01 trong năm 2018.

Theo đó, thương nhân được phép nhập khẩu 65.000 tấn đường thô và 29.000 tấn đường tinh luyện trong hạn ngạch dành cho năm 2018. Giá khởi điểm đối với mỗi tấn đường là 1,4 triệu đồng/tấn, với bước giá là 10.000 đồng/tấn.

Theo Thông tư của Bộ Công Thương, đối tượng được tham gia đấu giá là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2018 cũng được phép dự thầu.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục