Chủ tịch ADB bác bỏ nguy cơ chiến tranh tiền tệ
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao - Ảnh: AFP
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao cho hay việc nhân dân tệ sụt giảm gần đây không xảy ra vì “sự can thiệp nhân tạo”. Châu Á không đối mặt với cuộc chiến tiền tệ do Trung Quốc gây ra.
Theo Reuters, Chủ tịch ADB và là người từng giữ chức Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Takehiko Nakao hôm 8.1 có phát biểu tại thủ đô Manila (Philippines) cho hay các nước châu Á không đang đối mặt với một cuộc chiến tiền tệ gây ra bởi Trung Quốc. Ông Nakao cho rằng sự sụt giảm gần đây của nhân dân tệ phản ánh thị trường và không xảy ra vì “sự can thiệp nhân tạo”.
Ông Nakao nói: “Họ không can thiệp, và đó là ly do tại sao đồng tiền giảm giá nhiều hơn”. Ông cũng loại trừ khả năng tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc, cho rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang có vị trí tài chính mạnh và tình hình lạm phát ổn định, tạo điều kiện để nước này kích thích tăng trưởng.
Việc nhân dân tệ mất giá trong thời gian dài gây áp lực làm suy yếu bản tệ lên các nước châu Á khác để cạnh tranh với cỗ máy xuất khẩu của Đại lục.
“Nếu có sự mất giá nhanh chóng, nhân dân tệ có thể gây ra một số biến động trên thị trường và các quốc gia khác có thể đi theo con đường của Trung Quốc. Hiện đã có một số nước phá giá nội tệ, song tôi không nghĩ rằng đây là một cuộc chiến tranh tiền tệ”, ông Nakao cho hay.
Chủ tịch ADB tái khẳng định dự báo tăng trưởng 6,9% cho Trung Quốc trong năm 2015 và 6,7% trong năm nay. Ông cũng cho hay ADB sẽ hợp tác với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng. AIIB vốn được xem như là đối thủ của ADB do Nhật Bản khởi xướng và Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ dẫn đầu.
Ông Nakao, cựu Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, cho biết ADB và AIIB có thể công bố một số dự án hợp tác tài chính trong các lĩnh vực như giao thông, nước, năng lượng tái tạo vào giữa năm nay.
Năm 2016, xây dựng thương hiệu hàng Việt ở các thị trường mới
“Năm 2016, tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt hàng đầu trong các hoạt động xúc tiến thương mại do ITPC tổ chức trong nước”.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết tại buổi tổng kết hoạt động năm 2015 diễn ra ngày 8-1.
Cũng theo ông, năm 2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) sẽ tập trung vào các thị trường truyền thống như Campuchia, Myanmar, Lào, thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Đồng thời mở rộng một số thị trường tiềm năng như Mexico, Cuba, Bangladesh thông qua tổ chức hội chợ triển lãm, đoàn khảo sát thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt trên thị trường khu vực và thế giới.
Đối với thị trường nội địa, ITPC cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giới thiệu và trưng bày sản phẩm tại showroom xuất khẩu, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường và ngành hàng, hỗ trợ doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ DN xuất khẩu TP.HCM tham gia các hội chợ quốc tế... Bên cạnh đó ITPC cũng xúc tiến liên kết với các tỉnh, thành để cung cấp nguyên liệu công nghiệp chế biến, nguồn thực phẩm sạch, an toàn từ các tỉnh, TP trong vùng.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá các hoạt động của ITPC hỗ trợ tối đa DN tiếp cận, nắm bắt thông tin và mở rộng cơ hội kết nối giao thương trong và ngoài nước.
Đối với các chương trình xúc tiến vào thị trường Campuchia, Myanmar, Lào cần nâng cao hiệu quả về chiều sâu, làm sao tạo được chỗ đứng lâu dài cho hàng hóa Việt Nam. Đối với các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... cần đẩy mạnh thông tin về các rào cản kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng, chất lượng... để DN Việt có thể xuất khẩu hàng qua các thị trường này.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ mất niềm tin vào chứng khoán Trung Quốc
Giới đầu tư nhỏ lẻ, những người thực hiện đến 80% giao dịch trên sàn chứng khoán Trung Quốc, đang bắt đầu mất niềm tin vào thị trường. Họ từ bỏ cổ phiếu, dành thời gian rảnh để nghỉ ngơi và du lịch.
Hua Jie năm nay 56 tuổi, đã về hưu và đang sống ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Bà bắt đầu chơi chứng khoán từ hơn một thập kỷ trước, tuy nhiên, chưa khi nào bà cảm thấy thất vọng về thị trường như lúc này.
“Tôi không còn muốn chơi trò này nữa. Tôi đã mất niềm tin vào các nhà quản lý”, bà Hua, một cựu nhân viên bán hàng tại cửa hàng điện tử tiêu dùng ở thành phố Thành Đô cho hay.
Cảm xúc của bà Hua không phải là duy nhất. Sau một tuần khó khăn trong chuỗi thời gian biến động mạnh nhất của chứng khoán Đại lục, kể cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ hăng hái nhất cũng bắt đầu tỏ ra chán nản, theo Bloomberg.
Và không như các thị trường khác trên thế giới, thị trường Trung Quốc khá đặc biệt và đây chính là vấn đề: các nhà đầu tư nhỏ lẻ thực hiện đến 80% các giao dịch trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Ở Mỹ, tỷ lệ nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường chỉ là 15%.
Tuần này, chỉ số chuẩn CSI 300 giảm 9,9% và nhiều người rời bỏ thị trường. Họ nhìn thấy một trong những nỗ lực quản lý thị trường bất thành của giới chức Trung Quốc. Cơ chế “cầu chì” bị tạm ngừng sau 4 ngày áp dụng vì bị cho là khiến nhà đầu tư hoảng sợ nhiều hơn là bình ổn thị trường.
Các nhà làm luật cũng lặp lại lo ngại nói trên khi thông báo ngừng sử dụng cơ chế này. Họ cho hay cơ chế “cầu chì” đã có một “tác dụng nam châm” khi đóng cửa sớm thị trường hai lần trong tuần. Khi thị trường chạm cận ngưỡng kích hoạt tạm ngưng giao dịch, một số nhà đầu tư tiếp tục giao dịch, “đẩy nhanh sự sụt giảm và làm tăng các đợt bán tháo”.
“Sau khi cân nhắc, tác động tiêu cực hiện giờ đang cao hơn tác động tích cực”, giới chức Đại lục cho biết.
Pan Weiting, nhân viên kế toán 31 tuổi ở Thượng Hải, đã bán cổ phiếu trong những ngày vừa qua và đang có kế hoạch cắt giảm thêm nữa lượng cổ phần nắm giữ dù chỉ số CSI 300 đã phục hồi khi tăng 2% trong ngày giao dịch 8.1.
Pan cho hay có một cảm giác gia tăng cho rằng giới chức đang gây hại nhiều hơn là lợi khi cố gắng ổn định thị trường: “Có quá nhiều sự can thiệp và chúng tôi, những nhà đầu tư đôi khi cảm thấy thua lỗ và không biết phải làm sao. Phân tích kỹ thuật không cho ra kết quả ở đây, các nguyên tắc cơ bản cũng không hiệu quả ở đây”.
Biến động của CSI 300 tăng lên mức cao nhất trên toàn cầu trong tuần này, với thước đo biến động của chỉ số này trong 10 ngày qua lên mức cao nhất trong 4 tháng.
Với bà Hua, người về hưu sống ở tỉnh Tứ Xuyên, đợt bán tháo trong tuần này khiến bà và bạn bè lo lắng nhiều. Bà không nhìn thấy một viễn cảnh tươi sáng cho tình trạng hỗn loạn hiện nay. Giờ đây, khi từ bỏ cổ phiếu, bà không còn bị buộc phải ngồi trước màn hình máy tính giám sát thị trường.
“Tôi có nhiều thời gian hơn để đi du lịch. Tỉnh Vân Nam và New Zealand đang nằm trong danh sách điểm đến của tôi trong năm nay. Tôi có thể có một lối sống khỏe mạnh hơn”, bà Hua chia sẻ.
80% người mua bất động sản ở Phú Quốc là từ Hà Nội
Theo Savills Việt Nam, đa số các dự án khu dân cư tại Phú Quốc có bãi biển phía trước đẹp - Ảnh: N.N
Báo cáo nghiên cứu thị trường Phú Quốc do Savills Việt Nam công bố chiều 8.1 cho thấy, thị trường nhà ở Phú Quốc đang cực kỳ sôi động. Nếu năm 2012 chỉ tồn tại thị trường đất nền với 120 đơn vị, đến năm 2015, thị trường nhà ở tại Phú Quốc đa dạng hơn với các sản phẩm: đất nền thu hẹp lại, đất biệt thự chiếm một nửa và căn hộ với 2.500 đơn vị. Theo đánh giá của chuyên gia bất động sản Savills, Phú Quốc là một thị trường mới nổi nhưng sôi động.
Khảo sát của Savills cũng cho thấy, VinGroup là nhà đầu tư trong nước lớn nhất, dẫn đầu thị trường biệt thự với 76% thị phần.
Với 4 tiêu chí để khảo sát quyết định chọn mua của khách hàng gồm: danh tiếng của chủ đầu tư, chính sách khuyến mãi, chương trình cho thuê, cam kết lãi suất cao, theo Savills, 80% khách mua bất động sản tại Phú Quốc hiện đến từ Hà Nội, 15% người mua từ TP.HCM.
Về tình hình khách du lịch, theo Savills, trong ba năm qua, doanh thu du lịch tăng trưởng 38% hằng năm, trong khi tổng lượng khách tăng 61% hằng năm
Theo chuyên gia Savills Việt Nam, cơ sở hạ tầng của Phú Quốc trong thời gian gần đây phát triển đồng bộ. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới và trục đường xuyên đảo Bắc - Nam đã được cải tạo và nâng cấp. Cáp điện ngầm Hà Tiên - Phú Quốc đã hoàn thành từ năm 2014. Các dự án quy mô lớn đang được xây dựng ở giai đoạn đầu, bao gồm các cảng biển quốc tế ở Dương Đông, cáp treo giữa An Thới và đảo Hòn Thơm và cảng biển nước sâu.
Sản xuất của Việt Nam đã 'vượt qua điểm tệ nhất'
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Nikkei vừa công bố cho thấy tình trạng sản xuất của VN đã vượt lên 51,3 điểm trong tháng 12, so với mức 49,4 điểm của tháng 11.
Theo Nikkei, yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng chỉ số PMI là do số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 12 tăng trở lại, đặc biệt lần đầu tiên sau nhiều tháng giảm, tháng 12 số lượng đơn hàng đã được cải thiện đáng kể.
Với chỉ số PMI vượt ngưỡng 50 điểm, theo chuyên gia tại Markit, đơn vị thu thập kết quả khảo sát này, cho thấy giai đoạn yếu kém về chỉ số sản xuất gần đây của VN và các nước trong khu vực đã “vượt qua thời điểm tồi tệ nhất”.
Số lượng đơn hàng mới tăng đồng nghĩa với nhu cầu việc làm sẽ tăng trở lại vào tháng cuối năm. Nikkei cũng dự báo hy vọng chỉ số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, năng lực sản xuất dự phòng của các nhà sản xuất đã giảm lần thứ 6 trong vòng 7 tháng qua.
(
Tinkinhte
tổng hợp)