Giá thuê căn hộ cao cấp ở Sài Gòn giảm mạnh; Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%; Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng nhanh và vững chắc hơn; Châu Âu hưởng lợi lớn nếu kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ?
Tin kinh tế đọc nhanh 07-05-2017
- Cập nhật : 07/05/2017
ADB không đối đầu với AIIB
Trong cuộc họp báo vào ngày đầu tiên của hội nghị thường niên lần thứ 50 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản từ 4 - 5.5, ông Nakao còn dự đoán “cơn khát” cơ sở hạ tầng của châu Á - Thái Bình Dương hứa hẹn tạo điều kiện cho những liên minh kinh tế lớn khai sinh.
“Giới truyền thông thường có xu hướng muốn mô tả cảnh đối đầu giữa ADB và AIIB (Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, do Trung Quốc khởi xướng), nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể trở thành đối tác, nhất là trong nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Á - Thái Bình Dương”, ông Nakao phát biểu. Trả lời tờ Nikkei Asian Review ngày 4.5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng VN sẽ tận dụng lợi thế từ sự “cạnh tranh tích cực” giữa ADB và AIIB để đạt được hiệu quả tốt nhất trong các dự án đầu tư.
Trong khi đó, các báo cáo tại hội nghị đều dự đoán những viễn cảnh tích cực, ít nhất là trong trung hạn, đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó ASEAN đóng vai trò góp phần dẫn dắt đà phát triển của khu vực. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á 2017 của ADB, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và VN sẽ góp phần cho phép tổng GDP châu Á - Thái Bình Dương có thể tăng được mức tích cực là 5,7% trong hai năm 2017 - 2018, chỉ giảm nhẹ so với số liệu 5,8% vào năm ngoái.
“Các nước đang phát triển tại châu Á tiếp thêm xung lực cho nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh khu vực đang phải điều chỉnh trước một nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang hướng tập trung tiêu dùng và dịch vụ trong nước”, kinh tế gia trưởng của ADB, tiến sĩ Yasuyuki Sawada phát biểu.
Do kinh tế Trung Quốc chiếm gần phân nửa trong tổng GDP của châu Á - Thái Bình Dương nên việc tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại của quốc gia này chắc chắn sẽ tác động lớn đến tổng quan cả khu vực. Tuy nhiên, ông Sawada cho rằng châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt những viễn cảnh tích cực và đa số các nền kinh tế trong trạng thái tốt, đủ sức chịu đựng những cú sốc ngắn hạn có thể xuất hiện.(Thanhnien)
--------------------------------
Sabeco đã thoái hết vốn tại Eximbank
Tính đến hết tháng 3, Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tương đương giá gốc trên 39 tỉ đồng.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính góp phần mang lại doanh thu tài chính tăng đột biến trong quý 1 của Sabeco. Trong khi đó, Sabeco vẫn còn sở hữu 2,75% vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông, tương ứng trị giá gốc 217 tỉ đồng và 0,95% vốn tại Ngân hàng TMCP Đông Á có giá gốc 136 tỉ đồng.
Hiện Sabeco phải trích lập dự phòng cho 2 khoản đầu tư này lần lượt là 154 tỉ đồng và 127 tỉ đồng. Ngoài ra, Sabeco vẫn còn nhiều khoản đầu tư tại các công ty bảo hiểm, chứng khoán như nắm giữ 0,21% vốn của PVI Sài Gòn, tương đương 51,5 tỉ đồng; nắm 10% vốn của Quỹ Đầu tư Chứng khoán Sài Gòn A2 với trị giá gốc 51,1 tỉ đồng; nắm 7,97% vốn của Quỹ Đầu tư Việt Nam có trị giá 42,3 tỉ đồng; nắm 7,2% vốn tại Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Việt có trị giá 45 tỉ đồng... Tổng cộng khoản đầu tư tài chính dài hạn của Sabeco đến hết quý 1 năm nay vẫn trên 1.932,4 tỉ đồng, chỉ giảm nhẹ 6,2 tỉ đồng so với đầu năm.
Kết quả hoạt động trong quý 1 vừa qua, Sabeco đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 7.478 tỉ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ thoái vốn Eximbank mà doanh thu tài chính đạt hơn 145 tỉ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.188 tỉ đồng, tăng 19%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 1.758 đồng.(Thanhnien)
---------------------------------------
Tài sản BIDV tiếp tục tăng 1,98%, vượt 1,026 triệu tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1.2017. Đến hết ngày 31.3.2017, hoạt động kinh doanh trong quý 1.2017 của BIDV tiếp tục ổn định, bám sát định hướng và lộ trình kế hoạch kinh doanh năm.
Đặc biệt, chỉ sau 3 tháng, tổng tài sản BIDV tiếp tục tăng 1,98%, vượt 1,026 triệu tỉ đồng.
Cụ thể, tổng tài sản BIDV đạt trên 1.026 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 1,98% so với đầu năm. Hoạt động cho vay khách hàng tính đến 31.3.2017 đạt trên 746.941 tỉ đồng, tăng trưởng 4,66% so với đầu năm, tăng nhẹ so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước; trong đó dư nợ khối bán lẻ tăng 4,3% so với đầu năm, tỷ trọng dư nợ bán lẻ/Tổng dư nợ đạt 24,2%. Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt gần 980.000 tỉ đồng, tăng trưởng 3% so với năm trước.
Tiền gửi của khách hàng tính đến ngày 31.3.2017 đạt trên 762.402 tỉ đồng, tăng trưởng 5%; trong đó HĐV bán lẻ tăng trưởng ổn định ngay từ đầu năm (↑6,34%), chiếm 56,4% tổng HĐV. Tổng nguồn vốn huy động tăng 1,6% so với đầu năm.
Tổng thu nhập hoạt động đạt 7.886 tỉ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. LNTT đạt 2.277 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 29,3% kế hoạch năm 2017. BIDV thực hiện trích đầy đủ DPRR theo phân loại nợ và trích đủ DPRR cho trái phiếu VAMC theo quy định. Các chỉ tiêu an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định.
Như vậy, hoạt động kinh doanh của BIDV quý 1.2017 diễn biến ổn định, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh quý 1 đã đề ra, tạo đà hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2017 vừa được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua.
Trước đó, ngày 22.4.2017, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Ban lãnh đạo BIDV đã báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2016 cho biết: Tính đến ngày 31.12.2016, tổng tài sản BIDV đạt 1.006.404 tỉ đồng, tăng 18,3% so với 2015, chiếm 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng; Nguồn vốn huy động đạt 940.020 tỉ đồng, tăng 21,1% so với 2015; Dư nợ tín dụng đạt 723.697 tỉ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 7.709 tỉ đồng, tăng 3,2% so với 2015. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu tối đa do ĐHĐCĐ đặt ra…
Mạng lưới kênh phân phối và nền khách hàng BIDV không ngừng được mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng sự tín nhiệm và hài lòng của khách hàng. BIDV có mạng lưới hoạt động trải rộng khắp các tỉnh/thành phố trong cả nước với 191 chi nhánh và gần 1.000 phòng giao dịch; 13 công ty trực thuộc và đơn vị liên doanh, 6 văn phòng đại diện tại nước ngoài và trên 24.000 cán bộ, nhân viên. BIDV hiện có quan hệ với gần 300 nghìn khách hàng doanh nghiệp; gần 9 triệu khách hàng cá nhân, chiếm gần 10% dân số Việt Nam; hơn 2.300 định chế tài chính hàng đầu của 117 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Năm 2017, BIDV xác định mục tiêu huy động vốn tăng trưởng 16,5%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng ≤ 16%; Lợi nhuận trước thuế 7.750 tỉ đồng; Tỷ lệ nợ xấu < 3%; Tỷ lệ chi trả cổ tức ≥ 7% và không thấp hơn lãi suất tiết kiệm 12 tháng VND...
Được biết, thương hiệu BIDV cũng đã được quốc tế và trong nước ghi nhận như: Tổ chức Brand Finance định giá BIDV là thương hiệu ngân hàng đứng đầu Việt Nam, đứng thứ 26 trong các ngân hàng ASEAN, đứng thứ 401 trong các ngân hàng toàn cầu, tăng 12 bậc so với năm 2016; Tạp chí Forbes bình chọn TOP Global 2.000 công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới; Tạp chí The Asianbanker trao tặng giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam” 3 năm liên tiếp 2015-2017 và ngân hàng có “Sản phẩm cho vay nhà ở tốt nhất Việt Nam” 2 năm liên tiếp 2016-2017; Là ngân hàng tại Việt Nam được vinh danh “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu 2016” tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2016; Ngân hàng đứng thứ nhất trong Top 10 Doanh nghiệp được nhận giải Thương mại Dịch vụ xuất sắc 2016; BIDV cũng đạt được nhiều giải thưởng trên các mặt hoạt động như thẻ, kinh doanh vốn, công nghệ thông tin...(BIDV)
-----------------------
Tencent đạt mốc 300 tỉ USD
Theo CNN, cổ phiếu Tencent vừa kết ngày giao dịch 3.5 ở mức cao kỷ lục là 248,4 đô la Hồng Kông/cổ phiếu, tương đương gần 32 USD/cổ phiếu, giúp định giá trị vốn hóa doanh nghiệp ở mức hơn 302 tỉ USD.
Tencent vừa vào cùng nhóm các doanh nghiệp lớn nhất thế giới xét theo giá trị thị trường, vốn góp mặt các hãng như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google). Đây là doanh nghiệp duy nhất ngoài nước Mỹ thuộc top 10 công ty có giá nhất thế giới. Tencent hiện chỉ đứng sau ngân hàng JP Morgan, hãng có giá trị 309 tỉ USD, một chút.
Hãng công nghệ này là doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên đạt giá trị thị trường ấn tượng. Theo tờ báo tài chính Caixin, giá trị Alibaba có thời gian ngắn vượt mốc 300 tỉ USD vào tháng 11.2014, không lâu sau khi hãng chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở New York (Mỹ). Hiện Alibaba có giá trị khoảng 295 tỉ USD.
Nằm dưới sự kiểm soát của CEO Ma Huateng, Tencent là cái tên lớn ở Trung Quốc song vẫn còn tương đối xa lạ tại Mỹ. Công ty vừa thông báo rằng họ đang lập phòng nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở thành phố Seattle (Mỹ), trở thành láng giềng của Amazon và Microsoft. Phòng nghiên cứu này được Yu Dong, nhà khoa học từng làm việc cho Microsoft, quản lý.
Hồi tháng 3, Tencent từng chi 1,8 tỉ USD để mua 5% cổ phần của Tesla. Công ty cũng là nhà phát triển trò chơi điện tử lớn nhất Đại lục, nắm miếng bánh lớn trong thị trường toàn cầu. Tencent thâu tóm doanh nghiệp Phần Lan Supercell hồi năm ngoái. Công ty châu Âu là nhà sản xuất trò chơi Clash of Clans và Clash Royale.(Thanhnien)