Đầu tư bất động sản châu Á Thái Bình Dương có thể vượt 610 tỷ USD; Bộ Xây dựng cho phép làm căn hộ 25m2; Startup Việt nhận 1 triệu USD từ quỹ đầu tư của Singapore; Viettel lên kế hoạch đầu tư 2 thị trường nằm trong top 10 dân số
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-05-2017
- Cập nhật : 06/05/2017
90% cửa hàng ở Trung Quốc đóng cửa, Lotte có thể thiệt hại hơn 260 triệu USD
Gần 90% trong số 99 cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc ngừng hoạt động trong bối cảnh căng thẳng Trung - Hàn gia tăng vì việc triển khai THAAD ở Seoul.
Theo ước tính của lãnh đạo tập đoàn Lotte, doanh thu của tập đoàn Hàn Quốc này có thể bị thiệt hại 300 tỷ won (264 triệu USD) nếu các cửa hàng tại Trung Quốc tiếp tục bị đóng cửa trong ba tháng. Dự kiến, mức thiệt hại của Lotte có thể lên tới 500 tỷ won nếu tính cả tổn thất từ mảng kinh doanh thực phẩm, hàng miễn thuế,...
Tập đoàn Lotte cho biết gần 90% trong số 99 cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc ngưng hoạt động, trong đó 74 cửa hàng bị buộc đóng cửa với lý do liên quan đến vấn đề cháy nổ. Trong khi đó, 13 cửa hàng khác của Lotte bị đóng cửa tạm thời do các cuộc biểu tình liên quan đến kế hoạch bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
Nhà chức trách Trung Quốc đã chỉ thị đóng cửa các cửa hàng Lotte tại nước này sau khi tiến hành thanh tra hồi cuối tháng Hai và đầu tháng Ba vừa qua, trong bối cảnh tập đoàn Lotte đã ký thỏa thuận bàn giao một sân golf thuộc sở hữu của tập đoàn ở huyện Seongju (Đông Nam Hàn Quốc) để chính phủ sử dụng làm nơi bố trí THAAD.
Trung Quốc phản đối mạnh việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh quốc gia của mình. Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp trả đũa Hàn Quốc về kinh tế, trong đó có hạn chế hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng như cấm khách Trung Quốc du lịch đến nước này.(TTXVN)
------------------------------
Samsung Fire & Marine Insurance mua 20% cổ phần của PJICO
Công ty bảo hiểm hàng đầu Hàn Quốc là Samsung Fire & Marine Insurance Company Limited (SFMI) trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex sau khi “chốt” mua 20% cổ phần.
Chiều 5/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã chứng khoán (PGI) và SFMI đã ký Hợp đồng hợp tác chiến lược.
Ngay tại lễ ký này, SFMI và PJICO cũng ký Hợp đồng đặt mua cổ phần để chính thức nắm giữ 20% vốn cổ phần sau giao dịch của PJICO.
Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch PJICO Đinh Thái Hương cho biết, thương vụ góp vốn cổ phần của công ty bảo hiểm hàng đầu Hàn Quốc này cho thấy sức hấp dẫn của PJICO trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ nhà đầu tư chiến lược hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Thương vụ này cùng với Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Petrolimex, PJICO và SFMI sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của PJICO trong thời gian tới, ông Hương khẳng định.
Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SFMI Ahn Min Soo, tại Hàn Quốc, SFMI là doanh nghiệp trong tốp hàng đầu với mức xếp hạng năng lực tài chính A++ (theo tổ chức xếp hạng AM. Best) và AA- (theo tổ chức xếp hạng S&P). Việc hợp tác chiến lược với Petrolimex, PJICO sẽ là sự chia sẻ kinh nghiệm quý giá, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
Tại lễ ký kết, Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo, đại diện cổ đông lớn nhất của PJICO, cam kết hỗ trợ tối đa PJICO phát triển thương hiệu và năng lực phân phối sản phẩm tại hơn 2.400 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, cũng như kết hợp thế mạnh của 2 doanh nghiệp là Petrolimex và SFMI để hỗ trợ hiệu quả nhất PJICO trong xây dựng thương hiệu tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Ông Bảo hy vọng với nguồn vốn tăng thêm trong năm 2017, PJICO sẽ phát triển hiệu quả, mang lại lợi nhuận tối đa cho các cổ đông của PJICO.
PJICO có 3 cổ đông lớn nhất là Petrolimex, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia với tổng sở hữu lên tới gần 66%. Hiện PJICO có trên 100 sản phẩm cùng hệ thống mạng lưới gồm 59 công ty thành viên, gần 1.700 nhân viên và hơn 2.300 đại lý trên khắp toàn quốc.
Theo công bố mới nhất của PJICO, doanh thu bảo hiểm gốc quý 1/2017 của doanh nghiệp đạt 600 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt lợi nhuận trước thuế tăng tới 31% .(Baotintuc)
-------------------------------
Kiến nghị đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường trong quý 3/2017
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về việc xem xét cho phép tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017 trong quý 3/2017 và nhập khẩu đường hạn ngạch thuế quan năm 2017 trong quý 4/2017.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, sở dĩ VSSA đề xuất kiến nghị này là do lượng đường tồn kho của cả nước hiện nay đang ở mức cao bất thường, tiêu thụ đường gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của các nhà máy đường, sản lượng niên vụ 2016-2017 dự kiến ước đạt khoảng 1,31 triệu tấn đường, gần đạt dự kiến kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1,35 triệu tấn).
Trong khi đó, lượng tồn kho năm nay là không bình thường và quá cao so với nhiều năm trở lại đây, hiện đã trên 710.000 tấn và vẫn còn 21/38 nhà máy đang tiếp tục sản xuất.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do sản lượng tăng, thời gian vào vụ muộn và các biện pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại đường chưa đạt kết quả tốt nên đã làm tăng cung trong nước, đẩy tồn kho cao.
Do vậy, “để hỗ trợ các nhà máy đường đẩy mạnh tiêu thụ, giảm lượng đường tồn kho đang quá cao hiện nay, VSSA đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét cho phép tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm nay trong quý 3/2017 và nhập khẩu đường hạn ngạch thuế quan trong quý 4/2017”, ông Doanh cho biết.
Trước đó, vào đầu năm 2017, VSSA kiến nghị việc đấu giá nhập khẩu nên thực hiện trong quý 1/2017 để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất và kinh doanh trong năm. Tuy nhiên, với tình trạng tồn kho đường như hiện nay thì việc lùi thời gian đấu giá nhập khẩu được cho là hết sức cần thiết.
Được biết, trong năm 2017, lượng đường đấu giá (Mã HS 1701) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan là 89.500 tấn, đúng mức cam kết với WTO. Nội dung của việc đấu giá này được Bộ Công thương quy định cụ thể tại Thông tư số 05/2017/TT-BCT ban hành ngày 21/4/2017.
Năm 2016, Bộ Công Thương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường vào đầu tháng 9/2016.(TTXVN)
----------------------------------------
Ngành nuôi cá biển đặt mốc xuất khẩu 13 tỉ USD vào năm 2020
Ngành thuỷ sản Việt Nam đặt chỉ tiêu đến năm 2020 sản lượng nuôi cá biển hàng năm của cả nước sẽ đạt khoảng 1,6 triệu tấn, giá trị xuất khẩu từ 12-13 tỉ USD.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Phát triển ngành nuôi cá biển bền vững, sản lượng cao, hướng xuất khẩu ở Việt Nam" được tổ chức sáng nay (5/5) tại TP Hồ Chí Minh.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tỷ trọng sản lượng nuôi cá biển của Việt Nam hiện chỉ chiếm hơn 1%, nhuyễn thể khoảng 19%, rong biển gần 3%... chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do ngành nuôi cá biển vẫn còn thiếu kế hoạch nuôi biển quốc gia, chưa có những chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư.
Hiện có rất ít doanh nghiệp nuôi biển và các trang trại nuôi đều có quy mô nhỏ, nông hộ. Trong khi đó, rủi ro do ô nhiễm, suy giảm nguồn lợi biển cũng như việc phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm còn yếu... đã tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của ngành.
Người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khai thác những bãi cát ven biển để nuôi hải sản cho giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết đến năm 2020 sản lượng nuôi biển hàng năm như: tôm và tôm hùm đạt 700.000 tấn, nhuyễn thể đạt hơn 400.000 tấn, cá biển khoảng hơn 200.000 tấn...
Để đạt mục tiêu trên, ngành nuôi cá biển sẽ phát triển nuôi biển trên quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; xây dựng chuỗi giá trị hoàn thiện cho những sản phẩm nuôi biển, từ con giống cho đến thực phẩm tiêu dùng... Song song đó tập trung phát triển thị trường xuất khẩu và nội địa tuân thủ nghiêm tiêu chí chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc, tạo thương hiệu và đẩy mạnh những hoạt động quảng bá sản phẩm.
"Kết hợp cùng các ngành chức năng, chúng tôi đã thành lập Nhóm chỉ đạo nuôi cá biển công nghiệp, đầu tư nâng cấp nhà máy sản xuất thức ăn cá biển, thực hiện chương trình giám sát và kiểm tra môi trường nuôi biển; khảo sát, xây dựng các liên doanh sản xuất giống cá biển quy mô lớn... nhằm nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đề ra", ông Dũng nói thêm (Baotintuc)