Trung Quốc thực thi chính sách 'bàn tay sắt' với bán hàng đa cấp; Vòng 5 tái đàm phán NAFTA kéo dài hơn dự kiến; LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra nạn đói nghiêm trọng tại Nam Sudan; Giá cá tra nguyên liệu tăng do nguồn cung hạn chế
Tin kinh tế đọc nhanh 06-11-2017
- Cập nhật : 06/11/2017
Vốn FDI đổ mạnh vào bất động sàn TP.HCM
Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), 10 tháng năm 2017, cả nước đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 28,24 tỷ USD, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước (10 tháng năm 2016 chỉ đạt 17,6 tỷ USD), là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Riêng TP.HCM đã thu hút được 5,03 tỷ USD nguồn vốn FDI , đứng đầu cả nước, tăng gấp 2 lần so với 10 tháng đầu năm 2016; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu, chiếm 34,5%; lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 32,9%, đứng thứ 2.
Tín hiệu tích cực nhất của dòng vồn FDI trên thị trường nghiêng về các nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó việc Công ty Nishi Nippon và Hankyu hợp tác cùng Nam Long xây dựng dự án khu dân cư Mizuki Park với diện tích rộng 26 ha tại quận Bình Chánh, TP.HCM, tổng vốn đầu tư 351 triệu USD là một minh chứng.
Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Sơn Kim (Sơn Kim Land) gần đây cũng vừa kêu gọi vốn 100 triệu USD phát triển dự án thành công từ nhà đầu tư Nhật Bản. Trong khi đó, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản Aeon Mall chính thức liên doanh cùng Tập đoàn BIM, triển khai phát triển trung tâm thương mại thứ hai của Aeon tại Hà Nội với diện tích 16,7 ha, ước tính tổng vốn đầu tư 200 triệu USD.
Tập đoàn CFLD đã thực hiện giao dịch mua lại cổ phần trong dự án Lotus đại Phước của VinaCapital với giá 65,3 triệu USD. Đại Phước Lotus là dự án khu dân cư có tổng điện tích 198,5 triệu ha thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai, giáp ranh TP.HCM.
Thêm vào đó, 65% cổ phần dự án khu phức hợp Times Square (Hà Nội) trị giá 41 triệu USD của VinaCapital cũng được chuyển nhượng sang Công ty Elite Capital Resources Limited.
Cũng theo báo cáo của HoREA, lượng kiều hối về thành phố trong 9 tháng của năm đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, có khoảng 22% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Theo HoREA, 9 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã huy động vốn ước khoảng 1,98 triệu tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng 51,6%, và yếu tố tích cực là tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm dài hạn trên 12 tháng có xu thế tăng lên, chiếm khoảng 34% tổng số tiền gửi tiết kiệm.
Đánh giá của HoREA còn cho thấy, nhờ tín dụng tăng trưởng cao, dư nợ ước hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, thành phố có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm 2017 như chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn, nhưng điểm tích cực là dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn đã tăng lên, chiếm đến 53% tổng dư nợ.
Theo thống kê, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn thành phố thường chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng dư nợ cao hơn mức dư nợ này của cả nước 6,5%. Riêng dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở cho hơn 10.000 cá nhân, hộ gia đình đạt khoảng 4.740 tỷ đồng, góp phần cải thiện nhà ở cho các đối tượng này.(CafeF)
----------------------------
Chớ để “tiền mất tật mang” với Bitcoin
Bitcoin đang ngày càng “nóng” trên thị trường thế giới, là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Giá đồng tiền ảo này cũng tăng liên tục, lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, hiện đã lên đến 7.400 USD đổi 1 Bitcoin trong khi hồi tháng 4 mới ở mức 1.000 USD.
Nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán phổ biến tuy nhiên ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu quan điểm không chấp nhận loại tiền ảo này. Tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã quy định rõ bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Dẫu vậy, một số ý kiến vẫn cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa và sự phổ biến của đồng Bitcoin về phương diện pháp lý, nên chăng Việt Nam cũng chấp nhận như một hàng hóa đặc biệt để quản lý đồng tiền này, tránh những rủi ro không đáng có khi mà bản thân nó vẫn đang được hoạt động chui ở đâu đó.
Tuy nhiên theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc sử dụng đồng tiền Bitcoin để giao dịch, đặc biệt là những giao dịch lớn, trong đó không loại trừ khả năng có những giao dịch bất hợp pháp thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi không một ai có thể kiểm soát được đồng tiền đi đâu, giá trị hàng hóa trao đổi như thế nào, chính vì vậy nó sẽ tăng nguy cơ lợi dụng lỗ hổng để vi phạm, trong đó không loại trừ khả năng rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Luật sư phân tích, bất cứ giao dịch nào liên quan đến tài sản cần phải công khai và thực hiện những quy định nhất định về thanh toán, nộp thuế, thống kê báo cáo... Chính vì vậy, nếu các giao dịch hợp pháp được thực hiện qua ngân hàng thì rất khó có thể che giấu được dấu vết, dòng tiền và rất dễ bị phát hiện nếu có giao dịch bất hợp pháp. Bởi hiện nay, các giao dịch có giá trị vài trăm triệu một ngày phải báo cáo với Chủ tịch Nước và Bộ Công an để kiểm soát, theo dõi, còn đối với bitcoin, các giao dịch có thể lên đến hàng tỷ USD mà không ai biết.
Hiện tại, Việt Nam chưa công nhận loại tiền ảo này nên chúng ta cũng chưa có hành lang pháp lý để quản lý tiền bitcoin. Song luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, chúng ta không thể kiểm soát được bitcoin vì bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau. Kể cả khi chúng ta công nhận loại tiền ảo này thì cũng chỉ với mục đích giải quyết tranh chấp khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, nó không khác nào ngoại tệ đen trôi nổi trên thị trường hiện nay.
Một chuyên gia khác về tài chính ngân hàng thì lo ngại Bitcoin cũng giống như hoạt động đa cấp, và nó có thể gây nên hậu quả kinh khủng hơn rất nhiều so với đa cấp thông thường, và ông cũng đồng tình với quan điểm không chấp nhận Bitcoin.
Ông lấy dẫn chứng, có nhiều người được cho là đại diện của Bitcoin tổ chức các buổi giới thiệu về cơ hội làm giàu bằng cách bỏ tiền thật mua tiền ảo. Họ tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại với bất cứ đối tượng nào với những lời mời gọi hấp dẫn như có thể kiếm khoản tiền rất lớn chỉ sau 24h, rồi sẽ có tiền hoa hồng 20%, 30% hoặc hơn nếu giới thiệu được thêm càng nhiều người tham gia càng tốt. Không chỉ là những khoản tiền lãi, tiền hoa hồng hấp dẫn mà những người mời gọi đầu tư Bitcoin còn đưa ra các phần thưởng hấp dẫn như túi xách, đồng hồ hàng hiệu, thậm chí xe ô-tô hạng sang mỗi khi nhà đầu tư đạt mốc doanh thu và số lượng người tuyến dưới…
Còn nhớ hồi tháng 4, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều người đã tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp Ngân hàng cộng đồng Bitcoin với số lượng khoảng 1.900 Bitcoin. Tương ứng với đó, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của người dân trong vùng. Điều đáng nói, trong số 300 người bị lừa đảo, có đến một phần ba số người không biết cách giao dịch trực tiếp mà phải nhờ người giới thiệu trung gian hoặc các đối tượng lừa đảo thực hiện. Trước đó, tháng 8/2016, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt giữ ba đối tượng và lập hồ sơ, xử lý vi phạm liên quan đến mạng đa cấp Boss-bitcoin.com...
Trở lại với vấn đề lo ngại Bitcoin có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn đa cấp, vị chuyên gia nói trên phân tích, hoạt động đa cấp hiện nay chỉ nhắm đến những hàng hóa nhất định, và là hàng hóa nhìn thấy được và nó có giới hạn về nguồn cung. Nhưng với Bitcoin thì khác, nó liên quan đến tâm lý, người này đồn người kia thổi, câu chuyện về Bitcoin có thể nhanh chóng thu hút người khác hơn khi mà giá trị của đồng tiền ảo trên thế giới liên tục bị đẩy lên cao như hiện nay. Mặt khác, Bitcoin lại là không có thực, nó là “ảo” nên không giới hạn về số lượng cũng như giá trị, nên việc nó biến động ra sao không ai có thể đoán trước được.
Không chỉ là với những người ít hiểu biết về tài chính nhưng lại ham muốn kiếm thật nhiều tiền mà nói chung trong xã hội, do đồng Bitcoin đang trở thành tâm điểm nóng của toàn thế giới và đang tác động đến nhiều đối tượng, thì theo lời khuyên của các luật sư và chuyên gia, Việt Nam cần có những hành lang pháp lý rõ ràng đối với đồng tiền này, chứ đừng chỉ dừng lại ở nghị định về quản lý tiền mặt dưới sự giám sát quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Họ đồng thời cũng nhắn gửi tới người dân và nhà đầu tư rằng hãy cẩn trọng với những hình thức đầu tư còn chưa hợp pháp và biến động khó lường, trong đó có Bitcoin, để tránh để tiền mất tật mang.(Infonet)
-----------------------
Có nên kỳ vọng vào sóng tỷ giá cuối năm?
Theo quy luật các năm trước, tỷ giá thường nóng lên vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, năm nay theo các chuyên gia, tỷ giá VND/USD đã diễn biến tích cực ngày từ đầu năm và sẽ tiếp tục ở mức ổn định.
Cuối tuần qua, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND được giao dịch ở mức 22.680- 22.750 đồng/USD thấp hơn 10 đồng so với mức giá thời điểm đầu năm (ngày 3/1).
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5% và giá USD tự do tại Hà Nội phổ biến ở mức 22.795 đồng (mua vào) và 22.815 đồng (bán ra), cao hơn giá USD bán ra niêm yết tại các ngân hàng thương mại khoảng 60-65 đồng.
Trước diễn biến này, nhiều người đã kỳ vọng vào sóng tỷ giá cuối năm bởi theo quy luật các năm trước tỷ giá thường nóng lên vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên theo các chuyên gia, tỷ giá sẽ vẫn ở mức ổn định từ nay đến cuối năm.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối quý III/2017 đã đạt mức kỷ lục là 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016. Sự thặng dư của cán cân vốn nhờ dòng vốn FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp) và FII (đầu tư nước ngoài gián tiếp) đóng vai trò chính yếu giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2017. Giải ngân vốn FDI đạt 12,5 tỷ USD, trong khi vốn FII tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam với khoảng 1,4 tỷ USD. Ngoài ra, nguồn kiều hối được nhận định vẫn duy trì ở mức khả quan, trong đó về TP HCM trong 9 tháng đầu năm đạt 3,3 tỷ USD, tạo điều kiện thuận lợi để NHNN tăng cường mua vào USD.
BVSC nhận xét mức kỷ lục mới của dự trữ ngoại hối sẽ giúp cho NHNN có thêm công cụ điều hành tỷ giá hợp lý.
Trước đó trao đổi với phóng viên Bloomberg cuối tháng 10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết với dự trữ ngoại hối 45 tỷ USD. Đại diện NHNN tin rằng có thể giữ tỷ giá sẽ ở mức ổn định. Lượng dự trữ ngoại hối cao sẽ cho phép NHNN can thiệp để ổn định thị trường tiền tệ khi cần thiết.
Sau nhiều đợt tăng tỷ giá VND/USD trong năm 2015, năm ngoái NHNN đã chuyển sang sử dụng cơ chế thiết lập tỷ giá dựa trên cơ sở các yếu tố thị trường và điều chỉnh tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Kể từ đầu năm 2017 đến nay, VND là một trong số những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ chiều 3/11, 2 tháng còn lại của năm nay, NHNN theo dõi điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và kiểm soát tốt lạm phát, không để tỷ giá ngoại hối tăng mạnh vào dịp cuối năm, tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm lãi suất cho vay.(CafeF)
------------------------------
Tín dụng mùa cuối năm: Cạnh tranh khốc liệt
Bước vào giai đoạn cuối năm, các ngân hàng từ khối quốc doanh, thương mại cổ phần và ngay cả những ngân hàng có vốn nước ngoài đều đang có một sự cạnh tranh khốc liệt từ chuyện huy động vốn đến lĩnh vực cho vay.
Cuộc đua lãi suất huy động để tìm vốn
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) tăng mạnh những tháng cuối năm nên nhiều ngân hàng hiện đang tăng lãi suất huy động để hút vốn vào. Ngoài các kỳ hạn dài, một số ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,2% - 0,4%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn ngắn 1 - 6 tháng. Chẳng hạn, tại PVcombank, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất là 7,9%/năm và khi gửi tiền tối thiểu 30 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất cộng thêm 0,4%/năm…
Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà tại các ngân hàng lớn, cạnh tranh trong huy động tiết kiệm cũng đã bắt đầu với mức lãi suất bình quân là 5,5% - 6%/năm cho kỳ hạn 1 - 6 tháng và 7% - 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng khó có khả năng mặt bằng lãi suất cho vay giảm trên diện rộng trong quý 4/2017 như mong muốn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Lý do, quý 4 là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, thanh khoản cũng thường chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, nên các ngân hàng sẽ không “mạo hiểm” giảm lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động không giảm, rất khó để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm, ngoại trừ một số ngân hàng có khả năng cắt giảm chi phí quản lý hành chính hoặc đã “nhẹ gánh” trong trích lập dự phòng xử lý nợ xấu.
Cuộc chiến thị phần
Cuộc đua cho vay giai đoạn cuối năm giờ đây không chỉ là cuộc chơi của các ngân hàng trong nước mà ngay cả các ngân hàng nước ngoài cũng không muốn đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc các ngân hàng ngoại nhảy vào mảng tín dụng và trước mắt là tín dụng cá nhân lẫn doanh nghiệp, thị phần cho vay củ các ngân hàng dự kiến sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới.
Một ngân hàng mới xuất hiện tại Việt Nam là ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) đã bắt đầu chào mời vay mua ô tô với tỷ lệ cho vay lên tới 80% giá trị xe, lãi suất 5,8%/năm trên dư nợ giảm dần và được cố định 6 tháng đầu tiên. Từ tháng thứ 7.2017 trở đi UOB áp dụng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank + biên độ 3,5%, tương đương 10%/năm cho dòng sản phẩm vay mua ô tô. Còn với vay mua nhà, khi vay lãi suất thả nổi, chỉ trả lãi suất 7,99%/năm cho năm đầu, năm thứ hai 8,24%/năm, năm thứ 3 và năm thứ 4 trở đi 8,39%/năm. Song song đó còn có gói lãi suất cố định 3 năm với số tiền vay ít nhất 800 triệu đồng tối thiểu 5 năm, chỉ trả lãi suất 3 năm đầu 8,35%/năm và từ năm thứ 4 trở đi 9,49%/năm.
Gói lãi suất cố định 3 năm với số tiền vay ít nhất 1,6 tỷ đồng tối thiểu 5 năm áp dụng lãi suất 8%/năm trong suốt 3 năm đầu và sau đó áp dụng lãi suất 9,49%/năm. Mức lãi suất này tương đương lãi suất trung và dài hạn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của các NHTM trong nước.
Ai sẽ làm chủ cuộc chơi
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối năm 2016, hệ thống các TCTD Việt Nam đã có 8 NH 100% vốn nước ngoài đã được thành lập và hoạt động, gồm ANZ Việt Nam, HSBC Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Public Bank Việt Nam, CIMB Việt Nam và Woori Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia phân tích tài chính, trước đây các NH 100% vốn nước ngoài tập trung hỗ trợ cho các DN FDI và có vẻ e ngại khách hàng trong nước, nhưng gần đây đã có sự chuyển hướng, tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách tăng trưởng tín dụng thay vì chỉ tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí. Theo đó, các NH ngoại cũng đã hái được quả ngọt từ mảng này.
Đơn cử, như trong năm 2016, một ngân hàng ngoại là HSBC Việt Nam đã ghi nhận thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay truyền thống đạt 2.307 tỷ đồng. Việc các ngân hàng ngoại triển khai và thậm chí là mua bán sáp nhập nhau cũng đang khá mạnh mẽ. Tháng 4.2017, Shinhan Bank Việt Nam cũng đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ và đang thực hiện một cuộc “mở rộng “ đánh vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam.
Một chuyên gia tài chính nhận định, trong mảng tín dụng hiện nay các NH ngoại có nhiều lợi thế hơn NH nội, bởi lãi suất cho vay khá thấp. Mặt bằng lãi suất của các NH nội đang áp dụng tùy theo lĩnh vực và đối tượng khách hàng, trừ những lĩnh vực tiên lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác khá cao. Còn các NH ngoại được hậu thuẫn vốn với chi phí thấp nên có điều kiện định lãi suất cho vay ở mức thấp hơn. Đó là lợi thế để các NH ngoại “tấn công” vào mảng tín dụng tại Việt Nam.(Laodong)