tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-11-2017

  • Cập nhật : 05/11/2017

Giá quặng sắt tăng gấp rưỡi, tài sản của nữ tỷ phú giàu nhất Australia tăng gần gấp đôi sau 1 năm

Thừa hưởng công ty khai khoáng đang trên bờ vực phá sản từ cha, Gina Rinehart - còn được gọi là "nữ hoàng quặng sắt" đã vực dậy và biến nó thành một đế chế khổng lồ.

Theo Forbes, trùm khai khoáng Gina Rinehart tiếp tục là người giàu nhất Australia với tài sản tăng thêm 8,1 tỷ USD lên 16,6 tỷ USD trong một năm qua. Bà cũng xếp thứ 69 trong top 100 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Một trong những nguyên nhân chính giúp bà Rinehart kiếm bộn tiền trong năm qua là giá quặng sắt phục hồi mạnh từ 42 USD/tấn lên 62 USD/tấn.

"20 USD tăng lên đó là sự khác biệt lớn với một người bán gần 80 triệu tấn quặng sắt mỗi năm với các mỏ khổng lồ tại vùng phía tây Australia", Forbes cho biết.

Ngoài Gina Rinehart, giá quặng sắt tăng mạnh giúp tỷ phú Andrew Forrest của hãng khai khoáng Fortescue Mining "bỏ túi" thêm 3 tỷ USD, tăng từ vị trí 16 lên thứ 6 trong xếp hạng tỷ phú giàu nhất Australia của Forbes.

4 người con của bà Rinehart cũng lần đầu xuất hiện trong danh sách này và đứng trong hàng ngũ tỷ phú khai khoáng với tổng tài sản 5 tỷ USD, đứng thứ 5 trong danh sách.

Gina Rinehart cũng đứng thứ 45 trong top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới Tạp chí Forbes mới công bố.

Sinh năm 1954, Gina Rinehart là con gái độc nhất của ông trùm khoáng sản Lang Hancock, chủ tập đoàn khai thác quặng Hancock Prospecting tại bang Tây Australia. Sau một năm học kinh tế ở trường Đại học Sydney, bà nghỉ học và về làm việc cho cha mình.

Rinehart đặc biệt không thích bị gọi là người thừa kế bởi luôn xem mình là doanh nhân. Năm 1992, ở tuổi 38, bà thừa kế công ty của cha nhưng ít ai biết rằng đó lại là một đế chế đang trên bờ vực phá sản với núi nợ nần.

Bằng tài kinh doanh bẩm sinh và nỗ lực không ngừng, Rinehart - được mệnh danh là "người đàn bà thép" đã vực dậy tập đoàn này, mở rộng hoạt động khai khoáng ra tại các mỏ vàng, chì, kim cương...

Bà bắt đầu bước chân vào "câu lạc bộ tỷ phú" Australia và là nữ tỷ phú duy nhất vào năm 2006. 5 năm sau đó, bà trở thành người giàu nhất nước này và giữ vị trí này từ đó đến nay.

Tài sản của Gina Rinehart phần lớn đến từ việc khai thác hai mỏ quặng sắt khổng lồ Hope Downs và Roy Hill ở phía tây Australia.

Bà cũng là đại gia chăn nuôi gia súc lớn thứ 3 tại Australia với 23 trang trại ở phía tây Australia, vùng lãnh tổ phía Bắc Queensland, New South Wales và South Australia.

Không chỉ trong lĩnh vực khai khoáng, Rinehart cũng đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác trong đó có các tập đoàn truyền thông.(Vneconomy)
--------------------

Ông chủ sòng bạc Hồng Kông đầu tư hàng triệu USD vào dự án sòng bạc Hoiana của Việt Nam

Nhà điều hành sòng bạc Hồng Kông Suncity đang hoàn tất quá trình mua lại 34% cổ phần khu nghỉ dưỡng sòng bạc Hoiana (tên cũ: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An).

Trong giai đoạn đầu của dự án tập đoàn này cam kết đầu tư 26,2 triệu USD. 2 nhà đầu tư khác của dự án là Golden Yield Enterprise (GYE), một nhánh của tập đoàn đá quý Chow Tai Fook của Hồng Kông và quỹ VinaCapital, mỗi bên lần lượt nắm 68,09% và 31,91% cổ phần Hoiana.

Suncity sẽ mua lại 34% cổ phần của GYE, theo hồ sơ nộp trên sàn chứng khoán Hồng Kông ngày 1/11. GYE đã đầu tư 89 triệu USD vào giai đoạn 1 và một chương trình cho vay hỗ trợ trị giá 484 triệu USD cho dự án sòng bạc 4 tỷ USD này. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn đầu là 650 triệu USD và GYE cần bỏ ra thêm 77 triệu USD. Vì vậy Suncity sẽ phải đóng góp 26,22 triệu USD theo tỷ lệ sở hữu 34%.

Khu nghỉ dưỡng sòng bạc Hoiana trị giá 4 tỷ USD

"Dự án vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019", tập đoàn cho biết. Dự án này sẽ chia làm 7 giai đoạn và bao gồm một sòng bạc, khu khách sạn, 2 sân golf, nhà ở, khu mua sắm và các công trình công cộng khác.

Suncity đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh hỗ trợ du lịch của mình ở các quốc gia châu Á ngoài Trung Quốc và Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên tập đoàn này nhắm đến.

Bên cạnh đó ngành kinh doanh sòng bạc cũng được Chính phủ tạo điều kiện khi cho phép một vài Casino trong nước nhận người chơi Việt Nam trong giai đoạn thử nghiệm 3 năm.(NDH)
-------------------

Thương vụ BĐS lớn nhất thế giới trị giá 5,15 tỷ USD của tỷ phú Hồng Kông

Tỷ phú Li Ka-shing, người giàu nhất Hồng Kông, vừa bỏ túi 5,15 tỷ USD sau khi bán một tòa nhà cho Trung Quốc.

Tập đoàn của ông Li bán toà nhà The Center với giá 5,15 tỷ USD cho công ty phát triển bất động sản châu Á CHMT. Đây là thương vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới cho một tòa nhà, theo dữ liệu của công ty dịch vụ bất động sản CBRE.

Tòa nhà The Center (giữa) là một trong những tòa nhà cao nhất Hồng Kông

Khoảng 55% cổ phần CHMT là do chi nhánh Hồng Kông của tập đoàn dự trữ năng lượng và hóa học của Trung Quốc sở hữu. "Chúng tôi đang hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ để xâm nhập vào thị trường nước ngoài", Zhang Wenbin, lãnh đạo tập đoàn này cho biết.

Được biết, một trong 4 chủ sở hữu của tập đoàn này là công ty trực thuộc vụ quốc tế của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.(NDH)
--------------------------

Dệt may Việt Nam ngày càng chịu sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc, Myanmar

Điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam là chưa phát triển được chuỗi cung ứng khiến giá trị gia tăng thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia... cũng đang gia tăng áp lực cạnh tranh thị phần với Việt Nam...

Đây là nội dung được đề cập tại Hội thảo “Triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018 và tương lai chuỗi giá trị toàn cầu”, do Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại-Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/11.

 Doanh nghiệp dệt may cần tăng khả năng cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu (Ảnh minh họa: KT)

Doanh nghiệp dệt may cần tăng khả năng cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu (Ảnh minh họa: KT)

Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng của ngành dệt may, các chuyên gia trong ngành thừa nhận, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Điểm yếu nhất hiện nay là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may khiến giá trị gia tăng toàn ngành thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra những thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới, đó là áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia... Các nước này không chỉ đột phá về thị phần xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế... đều thấp hơn so với Việt Nam.

Để vượt qua được những rào cản và cạnh tranh tốt hơn, ông Hồng cho rằng, các doanh nghiệp cần khai thác đầy đủ và phát huy tay nghề của công nhân cũng như đổi mới phương thức quản lý, qua đó có thể tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động.

Ông Hồng cũng dự báo, 2018 sẽ là năm ngành dệt may có nhiều triển vọng nếu thực hiện các chiến lược một cách bài bản và đi đúng hướng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang nghiên cứu phương thức kinh doanh hiệu quả hơn, taọ ra giá trị mới nhiều hơn, ví dụ như làm FOB, ODM, tạo ra một giá trị mới và giảm bớt giá trị gia công. Theo ông Hồng, nếu làm được điều đó sẽ tạo ra được giá trị mới, năm 2018 hy vọng rằng tăng trưởng của những phương thức kinh doanh sẽ tốt hơn.

Để khắc phục hạn chế, nhằm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu, Chính phủ và các Bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.

Các giải pháp được đưa ra là, cần khai thác tối đa thị trường nội địa hơn 90 triệu dân; Bên cạnh việc duy trì và phát triển xuất khẩu vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…. cần chú trọng phát triển các thị trường khác như Asean, Liên minh Á-Âu, Ấn Độ, các nước châu Mỹ-Latinh…

Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước vào các khâu: sản xuất sợi, dệt, nhuộm, đồng thời nghiên cứu và thu hút mọi nguồn lực để phát triển các nhà máy dệt may thông minh.

9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành trên 75% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong quý 4 đạt 8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 31 tỷ USD. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…đều có mức tăng trưởng tốt.(VOV)

Trở về

Bài cùng chuyên mục