Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai sau Hoa Kỳ. Trung Quốc là thị trường đầu tiên trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ ngoại thương đạt được quy mô kim ngạch 3 con số.
Các nhà xuất khẩu gạo của châu Á đang gây ra một cuộc chiến giá cả
- Cập nhật : 23/01/2019
Châu Á đang trải qua một cuộc đua về xuất khẩu gạo khi các nhà sản xuất lớn như Ấn Độ và Việt Nam tăng cường nỗ lực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu gạo ra nước ngoài để hỗ trợ nông dân, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất. Nhưng sự cạnh tranh này có thể làm giảm giá cả toàn cầu, và có thể gây hiệu ứng ngược lại.
Thái Lan trong hơn ba thập kỷ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giờ phải đối mặt với viễn cảnh ảm đạm khi sản lượng xuất khẩu giảm sâu. Theo Bộ Thương mại Thái Lan - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát ngành lúa gạo nước này, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm xuống còn 11 triệu tấn trong năm 2018 từ mức 11,6 triệu tấn trong năm 2017. Xuất khẩu ngũ cốc của nước này có khả năng giảm xuống còn 10 triệu tấn trong năm 2019. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan bi quan hơn về triển vọng của năm nay; họ dự kiến sẽ giảm xuống 9 triệu đến 9,5 triệu tấn, chủ yếu do các rủi ro bên ngoài.
Năm 2017, Chính phủ Thái Lan đã tìm cách tận dụng nhu cầu mạnh mẽ của thế giới và giảm lượng gạo dự trữ, đây là một di sản của chương trình trợ cấp gạo thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Sau khi bà Yingluck đắc cử Thủ tướng năm 2011, Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu mua một lượng lớn ngũ cốc từ nông dân với giá cao, sau đó dự trữ gạo để giảm nguồn cung toàn cầu và đẩy giá lên cao. Trong bối cảnh hỗn loạn về chính trị trong nước, Thái Lan đã không lường trước được sự cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác.
Ở Ấn Độ, nơi những người nông dân trở thành nhóm cử tri quan trọng, hai tháng trước khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 5, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi công bố trợ cấp gạo 5% cho xuất khẩu gạo không phải basmati loại phổ biến (gạo basmati là loại gạo dài đặc trưng của Ấn Độ và Pakistan). Chương trình này hết hạn vào cuối tháng 3, là một nỗ lực để mở rộng xuất khẩu gạo và cắt giảm hàng tồn kho bằng cách làm cho giá gạo Ấn Độ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Lợi ích của trợ cấp 5% là một phần trong Chương trình Xuất khẩu hàng hóa của Chính phủ Ấn Độ (MEIS). Các nhà cung cấp gạo nhận được một giấy chứng nhận có thể được sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ thuế đối với chính phủ. Nếu một thương nhân xuất khẩu gạo trị giá 1.000 USD, chứng chỉ MEIS 50 USD được cấp có thể được sử dụng để nộp thuế. Vào một số dịp trong năm 2018, hàng chục ngàn nông dân từ khắp đất nước đã diễu hành đến thủ đô của Ấn Độ để yêu cầu miễn nợ và giá cả tốt hơn cho cây trồng của họ. Chính phủ không thể bỏ qua sự phản ứng của người nông dân trước cuộc bầu cử quốc gia, nên đã công bố một loạt các chương trình phúc lợi cho họ ngoài việc hỗ trợ giá tối thiểu.
Tại Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2018 tăng 6% so với năm trước, lên 6,15 triệu tấn. Mặc dù tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng, những cánh đồng lúa chiếm khoảng 60% tổng diện tích đất trồng trọt của Việt Nam khi ngành sản xuất lúa gạo rất quan trọng đối với gần 9 triệu hộ nông dân trong nước. Với nhiều nước châu Á có ý định bán hàng tồn kho trên thị trường toàn cầu, một cuộc chiến tiêu thụ gạo đang hình thành. Giá xuất khẩu gạo phổ thông Thái Lan đã giảm 9% từ tháng 1 năm ngoái xuống còn khoảng 400 USD/ tấn. Các nhà xuất khẩu gạo của nước này cũng đang bị tấn công bởi sự tăng giá của đồng baht Thái. Các nhà xuất khẩu đã phải tăng giá bán đôla để tránh mất mát cho khoản thanh toán tiền baht cho nông dân. Mặc dù giá giảm năm ngoái, giá gạo trung bình phổ thông của Thái Lan vẫn cao hơn nhiều so với gạo cùng loại từ Việt Nam, đang thay đổi ở mức khoảng 380 USD/ tấn, và gạo tương tự từ Ấn Độ, có giá 372 USD.
Hơn nữa, tình hình chính trị ở Indonesia - một nước nhập khẩu gạo lớn của Thái Lan cũng đang tạo ra yếu tố chống lại các nhà xuất khẩu của Thái Lan. Năm 2018, Chính phủ Indonesia, dưới áp lực của một đảng cầm quyền về cuộc bầu cử sắp tới, đã nhập khẩu tới 3 triệu tấn gạo, trong khi thông thường chỉ nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn một năm. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, điều đó có nghĩa là Indonesia hiện đang dự trữ tốt và sẽ không mua thêm gạo trong năm nay. Với giá của các loại gạo phổ biến, các nước sản xuất gạo của châu Á đang chuyển sang các giống gạo cao cấp để đảm bảo lợi nhuận. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, sẽ không tập trung vào số lượng mà hướng vào chất lượng. Theo đó, Thái Lan sẽ không xuất khẩu gạo phổ thông nữa nhưng đặt mục tiêu thâm nhập vào thị trường cao cấp với các loại gạo cao cấp. Chính phủ đang tìm cách thúc đẩy doanh số bán gạo cao cấp của Thái Lan cho các nhà hàng cao cấp ở Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu.
Việt Nam cũng đang đi trên con đường tương tự. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 10 được tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chuyển hướng sang chất lượng và giá trị gia tăng, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sản xuất an toàn và sử dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, các chính phủ vẫn chưa đưa ra các kế hoạch cụ thể và hợp lý để đảm bảo các ngành công nghiệp gạo trong nước chuyển sang gạo chất lượng cao.
Các nhà xuất khẩu cho biết, giá gạo Thái Lan cao cấp đã tăng cao hơn trong vài năm qua do nguồn cung bị thu hẹp, vượt mức 1.000 USD/ tấn, so với khoảng 700 - 800 USD/tấn trước khi mối quan tâm đối với gạo chất lượng cao hơn giảm xuống. Gạo Thái cao cấp được quan tâm vì hạt dài, kết cấu mềm và mùi thơm dễ chịu. Nhưng chỉ có thể được trồng ở một khu vực cụ thể của vùng cao nguyên ở phía đông bắc của đất nước. Điều này cho thấy Thái Lan có lợi ích độc quyền được phản ánh thông qua giá gạo cao. Tuy nhiên, trong năm 2019 và 2020, sản xuất dự kiến sẽ giảm khi những người nông dân tìm cách khai thác mức giá cao hiện tại mà không quan tâm chất lượng hạt giống cho các mùa vụ sắp tới. Đó là điều mà Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đang lo lắng khi nó có thể mang lại vấn đề lớn hơn - phá hủy tiêu chuẩn chất lượng và gây tác dụng ngược với xuất khẩu gạo của Thái.
Nguồn: Congthuong.vn