Theo một báo cáo mới từ Standard Chartered, thị trường dầu mỏ nên được cân bằng trong năm nay, mặc dù “rủi ro chính sách” sẽ là một yếu tố lớn hơn cho giá dầu so với các yếu tố cơ bản.
Cách nào nâng giá trị cho gạo Việt ?
- Cập nhật : 09/01/2019
Giải quyết được các bất cập trong chuỗi sản xuất lúa gạo sẽ giúp hạt gạo Việt Nam có đầu ra ổn định, giá trị cao hơn, từ đó mang về nguồn thu nhập ổn định hơn cho người trồng lúa cũng như các thành phần khác trong chuỗi.
Khả năng cạnh tranh còn thấp
Từ năm 1995 đến nay, diện tích, năng suất và sản lượng của ngành lúa gạo liên tục tăng trưởng. Diện tích gieo trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng từ 3,2 triệu ha lên 4,3 triệu ha, năng suất lúa cũng tăng từ 40,2 tạ/ha vào năm 1995 lên 6,7 tấn/ha vào vụ Đông Xuân năm 2018. Sản lượng lúa ĐBSCL cũng chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, nhờ đó đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội vùng ĐBSCL. Lúa gạo cũng góp phần quan trọng trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Hiện nay, lúa gạo của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 150 nước, trong đó thị trường chính là Trung Quốc chiếm 38%, Philippines 9%, Malaysia 9% và một số nước khác như Indonesia, Singapore…
Dù có nhiều thành tựu khá tích cực nhưng sản xuất lúa gạo của ĐBSCL hiện vẫn còn nhiều tồn tại. Cụ thể là hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo còn thấp, chủ yếu do tỷ lệ thất thoát cao, ở mức 13,7%, trong khi các nước khác như Thái Lan chỉ có 6,1%, Ấn Độ 6%... Khả năng cạnh tranh thương mại và hội nhập quốc tế của sản phẩm lúa gạo cũng còn hạn chế, thị trường tiêu thụ lúa gạo thiếu tính ổn định. Nếu so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… thu nhập của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL còn thấp hơn nhiều. Cụ thể, ở ĐBSCL, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa/năm chỉ thu được lợi nhuận khoảng 35-40 triệu đồng/ha. Con số này thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, thấp hơn 1,5 lần so với Indonesia…
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của những tồn tại này là do quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ, nên cơ giới hoá khó khăn, tốc độ hình thành mối liên kết giữa DN và nông dân trong tiêu thụ sản phẩm còn chậm khiến việc thu mua và kiểm soát chất lượng gạo còn lỏng lẻo. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến nông sản của ta còn thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản…
TS. Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cũng đánh giá, nếu so với những tiềm năng và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì các DN xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL còn rất nhiều hạn chế như: Quy mô của các DN xuất khẩu gạo nhỏ, các DN xuất khẩu gạo còn gặp khó khăn về vốn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, trong khi trình độ công nghệ còn thấp. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu thị trường, quảng cáo, xây dựng thương hiệu chưa được các DN quan tâm đúng mức, tình trạng tranh mua tranh bán giữa các DN với nhau vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chế biến đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái tự nhiên và đời sống của người dân. Vì vậy, để hội nhập với kinh tế quốc tế, các DN xuất khẩu gạo ĐBSCL phải có chiến lược phát triển dài hạn, bền vững, khắc phục những yếu kém, tồn tại của mình nhằm nâng cao năng lực kinh doanh, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với người trồng lúa.
Chấp nhận giảm lượng để tăng chất
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chỉ ra rằng, do năng suất chưa đủ cao nên người nông dân phải làm lúa 3 vụ, từ đó dẫn tới chất lượng thấp và hầu như không có giá trị gia tăng; nếu khu vực công nghiệp hoặc phi công nghiệp phát triển mạnh hơn nữa thì người nông dân sẽ tự lựa chọn bỏ không làm lúa vụ 3 nữa. “Chúng ta đang xuất khẩu một lượng gạo rất lớn nhưng trong giá thành gạo xuất khẩu của Việt Nam lại có phần trợ cấp của xã hội. Ví dụ như phí dịch vụ về thủy lợi, phí về đất đai được nhà nước hỗ trợ rất nhiều, làm cho giá gạo bán ra thế giới có giá rẻ nhờ những khoản trợ cấp đó. Vô hình trung chúng ta đang trợ cấp cho thế giới trong vấn đề lương thực, trong khi Việt Nam là nước nghèo. Đây là một nghịch lý” – ông Thành nói.
Theo đó, với việc giảm số vụ lúa trong năm, sản lượng có thể giảm nhưng chất lượng tăng lên và tạo ra nhiều giá trị hơn. Để có giá trị gia tăng cao hơn, người trồng lúa phải đảm bảo được quy trình sản xuất sạch và đạt tiêu chuẩn chứng nhận. Nhiều DN sản xuất, kinh doanh gạo cho hay, hiện người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm gạo. Hiện nay, khi chọn mua gạo, người tiêu dùng có xu hướng tìm hiểu khá kỹ lưỡng các thông tin trên bao bì sản phẩm như thương hiệu, tiêu chuẩn, quy trình canh tác… Theo đó, các loại gạo đạt tiêu chuẩn an toàn, gạo hữu cơ… đang ngày càng được quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.
Ngoài ra, ông Thành cũng lưu ý các DN cần chú trọng hơn trong công tác truyền thông, quảng cáo. “Tuy tốn kém nhưng nếu không truyền thông thì người tiêu dùng không thể biết và vẫn nghĩ rằng gạo nước ngoài tốt hơn gạo Việt dù thực tế chưa hẳn là như vậy” – ông Thành khuyến cáo các DN.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để tăng tỷ trọng xuất khẩu gạo có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ngành lúa gạo cần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị gia tăng, khai thác lợi thế cạnh tranh để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả xuất khẩu trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, thực hiện chính sách ưu đãi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Doanh nghiệp bắt buộc phải nâng cao năng lực
Các thị trường ngày càng có xu hướng bảo hộ rõ rệt. Với mặt hàng gạo, ngoài thuế quan, các thị trường còn dựng lên các hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, mỗi thị trường tự đưa ra tiêu chí riêng. Trong các hiệp định thương mại tự do đã ký, dù Việt Nam đạt được những dòng thuế khả quan, nhưng tuỳ thị trường mà có những quy định riêng. Như với thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu mặt hàng gạo xuất khẩu phải theo hạn ngạch. Các thị trường khác lại có những tiêu chuẩn riêng đối với sản phẩm gạo. Vậy nên, để đáp ứng quy định của các nước, DN bắt buộc phải nâng cao các năng lực về sản xuất, xay xát, đảm bảo chất lượng sản phẩm gạo.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách: Phải xây dựng thương hiệu ngay chính thị trường nội địa
Thị trường nội địa có tiềm năng vô cùng to lớn đối với mặt hàng gạo. Bởi đây là thị trường có quy mô rất lớn với gần 100 triệu dân, lại rất bền vững vì người dân có thói quen ăn gạo hàng ngày, trong khi vấn đề thương hiệu vẫn chưa được quan tâm nhiều. Chỉ có người ăn chọn lọc nhất mới bắt đầu để ý đến thương hiệu gạo, còn đại đa số vẫn chưa quan tâm. Theo đó, cần phải xây dựng thương hiệu, hình ảnh gạo ngay chính tại thị trường nội địa. Hiện tại, chúng ta thấy trong phân khúc gạo đắt nhất, ngon nhất, người tiêu dùng có thu nhập cao lại thường chọn gạo nhập từ Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia. Nâng cao thương hiệu gạo Việt Nam không phải chỉ hướng ra ngoài mà phải hướng đến thị trường trong nước nữa.
TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL: Để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững
ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, nhưng nơi này hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, phải đối mặt với nhiều thách thức như nguồn nước thay đổi, năng lực cạnh tranh thị trường chưa cao, việc khai thác và sử dụng tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả… Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất tăng lên, chất lượng lúa bị giảm sút, giảm giá bán, tăng chi phí thu hoạch…, đặc biệt do xâm nhập mặn, năng suất, sản lượng lúa có thể bị giảm từ 30% - 50%. Để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, người nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý phải thực sự "thông minh" trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, phải lựa chọn giống lúa phù hợp, phát triển sản phẩm và lợi thế sinh thái qua liên kết vùng, tiểu vùng, nâng cao kỹ thuật sản xuất. Ngoài ra, tổ chức lại sản xuất phù hợp; tiết kiệm nước trong sản xuất; ứng dụng công nghệ xanh, giảm khí thải nhà kính; lồng ghép các cơ chế, chính sách hiệu quả.
Nguồn: Khải Kỳ/Hải quan