Nhóm hàng sắt thép tiếp tục là mặt hàng được Lào tăng cường nhập khẩu từ thị trường Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, tăng 19,86% về lượng và 31,2% trị giá so với cùng kỳ 2017.
Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Nga
- Cập nhật : 07/08/2017
Trong các thị trường xuất khẩu nông sản mục tiêu của Việt Nam, Liên bang Nga được đánh giá là một thị trường tiềm năng. Đây là thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta từ những năm 90 đến nay, nhất là đối với các sản phẩm như cà phê, hạt tiêu, chè, rau, quả, gạo… Ngày 29/5/2015, Việt Nam và Liên bang Nga đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA). Đây là FTA đầu tiên của EAEU, mở ra một cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Liên minh nói chung và thị trường Nga nói riêng. Phân tích thực trạng xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Liên bang Nga hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Tình hình xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Liên bang Nga
Trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Liên bang Nga với kim ngạch ở mức khá cao.
Đối với mặt hàng rau, quả
- Về dung lượng thị trường: Nga hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu rau và trái cây lớn nhất thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, dung lượng tiêu thụ rau các loại của thị trường Nga bình quân gần 15,9 triệu tấn/năm, trái cây các loại bình quân gần 10,9 triệu tấn/năm. Cùng với thực phẩm và đồ uống, nhu cầu của người tiêu dùng Nga về các loại rau, trái cây tươi ngày càng tăng (nhu cầu tiêu thụ bình quân theo đầu người tại Nga đã tăng từ 39kg/người/năm vào năm 2004 lên đến 75kg/người/năm vào năm 2013).
Hiện nay, ngành Trồng trọt nội địa của Liên bang Nga có khả năng cung ứng được 81,2% nhu cầu tiêu thụ đối với rau và 41,5% nhu cầu tiêu thụ đối với trái cây, còn lại phải nhập khẩu từ các quốc gia khác khoảng 18,8% rau các loại và 58,5% trái cây các loại.
- Về kim ngạch xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Liên bang Nga giai đoạn 2013 -2016 được thể hiện cụ thể tại Bảng 1.
- Về đối thủ cạnh tranh: Các đối tác xuất khẩu rau và sản phẩm chế biến từ rau sang Liên Bang Nga là Ecuado (chiếm 14,9% tổng nhập khẩu nhóm hàng này của thị trường Nga), tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm 14,2%), Ba Lan (chiếm 7,8%), Tây Ban Nha (chiếm 5,9%), Trung Quốc (chiếm 4,8%), Nam Phi (chiếm 4,0%), Ai Cập (chiếm 3,9%)…
Các đối tác xuất khẩu trái cây và các sản phẩm chế biến từ trái cây sang Nga là Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm 19,9% tổng nhập khẩu nhóm hàng này của thị trường Nga), tiếp theo là Trung Quốc (chiếm 13,5%), Hà Lan (chiếm 9,6%), Ba Lan (chiếm 8,7%), Israel (chiếm 8,4%), Tây Ban Nha (chiếm 8,4%), Iran (chiếm 4,0%)…
Sau sự kiện chính trị từ năm 2014, Liên bang Nga đã ban hành lệnh cấm vận áp dụng đối với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Australia và Nauy, trong đó có các sản phẩm rau, củ thuộc chương 07 (từ phân nhóm 0701 đến 0714) dưới dạng tươi, ướp lạnh như khoai tây, cà chua, cà rốt, đậu bắp, dưa chuột, củ cải…; các loại trái cây thuộc chương 08 (từ phân nhóm 0801 đến 0813) dưới dạng tươi, sấy khô, đông lạnh như các loại quả ôn đới, hàn đới (gồm táo, lê, mơ, anh đào, đào, mận…) và một số loại quả nhiệt đới (gồm chuối, dứa, bơ, ổi, cam, quýt, lê, xoài, măng cụt…).
Sau khi ban hành lệnh cấm vận, Liên bang Nga đã tăng cường nhập khẩu các loại rau từ Thổ Nhĩ Kỳ, Agentina, Chilê, Trung Quốc, Uzbekistan, Azecbaizan; các loại trái cây ôn đới, hàn đới như táo, lê, đào, dâu tây, mơ, mận từ Agentina, Chilê, Trung Quốc, Séc bi, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Azecbaizan; các loại trái cây có múi từ Ai cập, Ma rốc, Nam Phi.
- Về khả năng cung ứng sản phẩm của Việt Nam: Liên bang Nga là quốc gia thuộc khu vực khí hậu ôn đới và hàn đới, không có khả năng trồng và phát triển rau, củ và trái cây nhiệt đới. Do đó, Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này các loại trái cây nhiệt đới như dứa, chuối, bưởi, vải, chôm chôm, hồng xiêm, mãng cầu, sầu riêng… dưới dạng tươi, ướp lạnh, đóng lon, sấy khô và một số loại rau, củ như dưa chuột, cà chua, đậu bắp, ớt, khoai tây, ngô non… dưới dạng muối, dầm giấm, đóng lon. Tình hình xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Nga đã có xu hướng tăng dần, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của Việt Nam.
- Xét về góc độ cơ cấu sản phẩm: Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga các loại trái cây nhiệt đới và các loại rau trái vụ thu hoạch như dứa, bưởi, chuối, thanh long, xoài, dưa chuột, cà chua, ngô non… dưới dạng tươi, ướp lạnh, ngâm muối, dầm giấm, đóng lon, ép nước.
Lệnh cấm vận của Liên bang Nga với một số quốc gia năm 2014 chủ yếu lại là các sản phẩm ôn đới và Liên bang Nga cũng đã tăng cường nhập khẩu để thay thế thiếu hụt từ các quốc gia có nguồn cung sản phẩm ôn đới tương ứng. Như vậy, phân khúc thị trường đối với nhóm hàng này tại thị trường Nga là rõ nét.
Tuy nhiên, bối cảnh thị trường Nga tại thời điểm hiện nay vẫn đầy tiềm năng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm rau, trái cây mà Việt Nam có thế mạnh với mục tiêu tận dụng cơ hội để tăng cường giới thiệu, quảng bá và từng bước đa dạng hóa thị hiếu người tiêu dùng Nga.
Đối với mặt hàng thịt gia cầm, gia súc
- Về dung lượng thị trường: Theo số liệu của Cục Hải quan Liên bang Nga, dung lượng tiêu thụ bình quân sản phẩm thịt gia cầm, gia súc các loại của thị trường Nga hiện này là gần 10,1 triệu tấn/năm. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ thịt bò là 2,4 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất nội địa đáp ứng được hơn 72%, còn lại gần 28%phải nhập khẩu.
Tương tự, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn là 3,4 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất nội địa đáp ứng 81,9%, nhập khẩu 18,1%; nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm như gà, ngan, vịt, ngỗng… là 4,3 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất nội địa đáp ứng 87,7%, nhập khẩu 12,3%.
- Về đối thủ cạnh tranh: Các quốc gia xuất khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm sang thị trường Liên bang Nga chủ yếu gồm Brazil (chiếm 28,9% tổng nhập khẩu của thị trường Nga), Paraguay (chiếm 9,7%), Belarut (chiếm 7,9%), Đan Mạch (chiếm 6,5%), Đức (chiếm 6,4%), Hoa Kỳ (chiếm 5,3%), Canada (chiếm 3,8%), Aghentina (chiếm 2,8%), Australia (chiếm 2,8%), Tây Ban Nha (chiếm 2,7%)…
- Về khả năng cung ứng sản phẩm của Việt Nam: Hiện nay, tại Việt Nam, ngành chăn nuôi cơ bản đã đáp ứng được khoảng 97,5% thực phẩm tiêu dùng trong nước, phần còn lại là nhập khẩu. Giá thành sản xuất, chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt ở Việt Nam cao hơn so với các nước phát triển khác.
Thức ăn chiếm trên 70% chi phí chăn nuôi, trong khi phần lớn nông dân phải mua thức ăn chăn nuôi với giá cao do nguồn nguyên liệu này chủ yếu là nhập khẩu. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh về giá so với các nước khác, nhất là khi so sánh với Brazil, Paraguay, Agentina, Trung Quốc… tại thị trường Nga. Do đó, nhóm hàng này không phải là nhóm hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa
- Về dung lượng thị trường: Cùng với Trung Quốc, Nga hiện là nước nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu của Cục Hải quan Liên bang Nga, lượng tiêu thụ bình quân của thị trường Nga gần 35,8 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất nội địa đáp ứng khoảng 96,2%, còn lại 3,8% nhập khẩu từ các quốc gia khác.
- Về đối thủ cạnh tranh: Các quốc gia xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa sang thị trường Liên bang Nga gồm Belarut, Nauy, Ucraina, Agentina, Australia, Newzealand và một số nước EU như Hà Lan, Phần Lan, Đức, Bỉ, Litva, Pháp, Anh, Séc, Đan Mạch…
- Về khả năng cung ứng sản phẩm của Việt Nam: Hiện nay, mặc dù đã có một số DN Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm sữa sang hơn 28 thị trường trên thế giới với giá trị xuất khẩu khoảng từ 200 triệu -300 triệu USD mỗi năm, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 20 nước nhập khẩu sữa lớn nhất trên thế giới. Do đó, nhóm hàng này không phải là nhóm hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với mặt hàng gạo
- Về dung lượng thị trường: Mặc dù thị hiếu của người tiêu dùng Nga sử dụng lúa mỳ, ngũ cốc là lương thực chủ yếu, tuy nhiên thời gian gần đây, người tiêu dùng Nga tiêu thụ gạo ngày càng tăng. Dung lượng nhập khẩu gạo của thị trường này dao động từ 650 - 700 nghìn tấn gạo/năm. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân theo đầu người hàng năm tại Liên bang Nga khoảng 4,5 - 5,0 kg/người/năm.
Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất trồng lúa chỉ chiếm khoảng 0,25% đất trồng trọt ở Nga. Những khu vực trồng lúa chính ở Liên bang Nga gồm Bắc Capcazơ chiếm 66%, Vùng viễn Đông chiếm 11%, tỉnh Astrakhan chiếm 5%, Cộng hòa Đagestan chiếm 5%, các vùng khác chiếm 6%.
- Về đối thủ cạnh tranh: Các nước xuất khẩu gạo chủ yếu sang thị trường Nga là Ấn Độ (chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Nga), tiếp theo là Pakistan (chiếm 20,8%), Myanmar (chiếm 15,6%), tổng nhập khẩu từ các nước còn lại như Paraguay, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc… chiếm 35,6%.
- Về lợi thế đạt được từ Hiệp định Việt Nam - EAEU: Liên minh chỉ cho Việt Nam mức hạn ngạch nhập khẩu là 10.000 tấn/năm với lý do đây là mặt hàng trong nước có trồng và Chính phủ có chính sách hỗ trợ.
Khó khăn lớn nhất đối với thị trường này thời gian trước là thuế nhập khẩu gạo Việt Nam ở mức cao (15%) làm hạn chế khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam, sau khi Hiệp định EAEU có hiệu lực, mức thuế suất thuế nhập khẩu gạo từ Việt Nam sẽ là 0% cho 10.000 tấn trong hạn ngạch và không quy định mức tăng trưởng hàng năm, ngoài hạn ngạch áp dụng mức thuế MFN.
Như vậy, lợi thế từ Hiệp định đem lại với ngành gạo Việt Nam không nhiều, hơn nữa nhu cầu của khối Liên minh Kinh tế Á - Âu thay đổi tùy theo sản lượng nội địa hàng năm và không ổn định theo quy luật.
- Về khả năng cung ứng sản phẩm của Việt Nam: Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 5 thế giới, chiếm đến 8,4% thị phần thế giới sau Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ và Pakistan nhưng xuất khẩu gạo sang thị trường Nga không đáng kể so với xuất khẩu sang các thị trường khác, bình quân chỉ chiếm khoảng 0,5 - 0,8% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Gạo Việt Nam nhập khẩu vào Liên bang Nga là loại gạo trắng hạt dài 5% tấm và gạo đồ, chủ yếu phục vụ cho khách hàng thu nhập từ bậc trung trở xuống. Gạo Việt Nam được các công ty Nga nhập về đóng gói với nhãn mác của công ty Nga (tuy vẫn ghi xuất xứ từ Việt Nam), sau đó bày bán ở các chuỗi siêu thị và các cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống bán lẻ của Nga. Đây là thị trường có tiềm năng phát triển và quen thuộc với gạo Việt Nam trong những năm qua, do gạo Việt Nam có ưu thế đáp ứng nhu cầu chất lượng và giá cả hợp lý, mặc dù số lượng nhập khẩu chưa cao.
Đối với mặt hàng chè
- Về dung lượng thị trường: Liên bang Nga là một trong 10 nước tiêu dùng chè nhiều nhất thế giới và xếp ở vị trí thứ 3 về tiêu thụ chè lớn nhất thế giới. Tiêu thụ chè bình quân ở Nga hiện nay vào khoảng 1,1 kg/người/năm. Hiện nay, dung lượng tiêu thụ mặt hàng chè của thị trường Nga ước tính khoảng 170.000 -180.000 tấn/năm, trong khi, ngành sản xuất chè của Nga gần như không phát triển do thiếu nguồn nguyên liệu. Về kết quả xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam sang Liên bang Nga được thể hiện cụ thể tại bảng 3.
- Về đối thủ cạnh tranh: Thị trường Nga ưa chuộng và nhập khẩu chè từ các nước chủ yếu từ Ấn Độ, Srilanca, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia. Với lợi thế từ Hiệp định Việt Nam - EAEU, chè Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này và có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính là Indonexia, Ấn Độ, Srilanca, do các nước này chưa có đàm phán với Liên minh Hải quan.
- Khả năng cung ứng sản phẩm của Việt Nam: Việt Nam là nước đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu chè. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu chè đạt 217 triệu USD. Từ năm 1954 cho đến năm 2000, thị trường Nga nói riêng và Liên Xô cũ nói chung là thị trường tiêu thụ chè chủ yếu của Việt Nam, cả về chè xanh đóng túi nhỏ và chè đen.
Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, do Nga bảo hộ ngành đóng gói trong nước nên chè đóng túi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã giảm sút đáng kể, tỷ trọng xuất khẩu chè vào Liên bang Nga trong tổng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm dần từ năm 2009 đến nay, (từ 15,2% năm 2009 xuống còn 11,1% trong 8 tháng đầu năm 2016). Với lợi thế giảm thuế từ Hiệp định, dự kiến kim ngạch xuất khẩu chè sang Liên bang Nga thời gian tới sẽ không theo chiều hướng giảm như trong giai đoạn 2013 - 2015.
Đối với mặt hàng cà phê
- Về dung lượng thị trường: Nga là một trong những nước sử dụng nhiều cà phê trên thế giới. Ở Nga, trung bình mỗi người dùng 0,75 kg cà phê/năm. Trong những năm gần đây, nhập khẩu cà phê vào thị trường Nga có xu hướng tăng nhanh cả về khối lượng và trị giá. Năm 2012, thị trường Nga nhập khẩu 125,5 nghìn tấn cà phê với trị giá 503,4 triệu USD, năm 2013 tiêu thụ 144 nghìn tấn cà phê, trị giá 517,8 triệu USD. Bảng 4 đã thể hiện rất rõ bức tranh xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Liên Bang Nga giai đoạn 2013 -2016.
- Về đối thủ cạnh tranh: Liên bang Nga nhập khẩu cà phê nguyên liệu (hạt) và cà phê thành phẩm (cà phê hòa tan) từ nhiều nước. Theo số liệu từ ITC, năm 2015 có 71 nước xuất khẩu cà phê sang thị trường Nga. Các nước xuất khẩu cà phê chủ yếu sang Nga là Brazin chiếm 21,5%, Việt Nam chiếm 18,0%, Italia chiếm 10,6%, Indonesia chiếm 5,9%, Thụy Sĩ chiếm 4,8%, Colombia chiếm 3,2%, Ấn Độ chiếm 3,0%, Peru chiếm 2,9% và các nước khác chiếm 30,1%.
- Về khả năng cung ứng sản phẩm của Việt Nam: Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê (năm 2016 đạt 3,3 tỷ USD) chỉ sau Brazil chiếm đến 8,7% thị phần kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong giai đoạn 2013 – 2015 xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nga tăng trưởng mạnh cả về lượng và kim ngạch.
Mặc dù Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê chính vào Nga, hàng năm chiếm khoảng 15 - 20% kim ngạch nhập khẩu cà phê của Nga song cà phê xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu, cà phê thành phẩm của Việt Nam chiếm tỷ trọng không đáng kể. Nếu các DN Việt Nam duy trì tình trạng xuất cà phê nguyên liệu vào thị trường Nga, thì việc tăng kim ngạch xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường này sẽ rất khó khăn.
Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản khác là thế mạnh của Việt Nam như cao su, hạt tiêu, hạt điều cũng đã xuất khẩu sang được thị trường Nga, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và tốc độ tăng trưởng không ổn định. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thâm nhập các mặt hàng này vào thị trường Nga nhằm tận dụng tối đa lợi thế.
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Nga
Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Nga, trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Thường xuyên cập nhật thông tin về việc thực thi Hiệp định Việt Nam – EAEU; Tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cam kết của Hiệp định tới các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp (DN); Nâng cao hơn nữa vai trò của Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật; Tiếp tục đưa các nội dung hợp tác về xuất nhập khẩu cũng như sản xuất, chế biến hàng hóa trong hoạt động của Tiểu ban Thương mại - Đầu tư, Tiểu ban Công nghiệp... (thuộc Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật) cũng như Tổ công tác cấp cao Việt - Nga về các dự án ưu tiên.
Thường xuyên tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan hữu quan hai nước Việt Nam – Liên bang Nga để đánh giá, tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại. Tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại ở các cấp (cấp Bộ, cấp hiệp hội ngành hàng, cấp DN) sang Liên bang Nga, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa. Tăng cường vai trò của cơ quan đại diện trong các hoạt động giao thương, kết nối, giới thiệu hàng hóa và DN Việt Nam; xây dựng trang thông tin điện tử của Thương vụ Việt Nam tại Nga để giới thiệu DN, hàng hóa Việt Nam tới DN Nga.
Xây dựng bộ phận hỗ trợ các DN về thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu cũng như các thông tin đặc thù cần thiết để tiếp cận và mở rộng xuất nhập khẩu sang Liên bang Nga. Tăng cường nghiên cứu và dự báo thị trường đối với các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực; xây dựng chiến lược cụ thể đối với từng mặt hàng để trên cơ sở đó hoạch định và có chính sách hỗ trợ từ khâu sản xuất - chế biến - bảo quản… Hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất - xuất khẩu nông sản vào thị trường Nga phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và lợi thế của từng ngành hàng; xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư đối với Nga vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với các Hiệp hội ngành hàng và DN
Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp cụ thể, khả thi để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình tại thị trường Nga; đồng thời, chú trọng đến công tác bảo đảm uy tín và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, nghiên cứu việc kết nối với các Trung tâm thương mại của Việt kiều tại Liên bang Nga để tăng cường giới thiệu và quảng bá trực tiếp sản phẩm Việt Nam đến người tiêu dùng; Các DN xuất khẩu nông sản cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ, lâu dài với các hộ sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị nông sản và chia sẻ trách nhiệm, lợi ích; Kịp thời cập nhật và tận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu; Tích cực tham gia các hiệp hội ngành hàng để tạo vị thế cho sản phẩm nông sản trên thị trường Nga, để từ đó mở rộng hoạt động quảng bá cho các mặt hàng nông sản, mở rộng liên kết với cộng động người Việt ở Nga để mở rộng đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu; Đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu và thanh toán với các DN xuất nhập khẩu của Liên bang Nga.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu;
2. Tổng hợp các báo cáo xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương;
3. Tổng hợp các báo cáo thị trường Liên bang Nga của Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương).
DOÃN THỊ MAI HƯƠNG - ĐẠI HỌC LAO ĐỘNG – XÃ HỘI
Theo Tapchitaichinh.vn