Các lãnh đạo G7 dự hội nghị sẽ bàn luận những vấn đề liên quan trực tiếp đến Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đứng ngồi không yên.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 25-05-2016
- Cập nhật : 25/05/2016
Trung Quốc tập trung giải quyết nợ xấu
Chính quyền Bắc Kinh đang tăng tốc cuộc chiến chống lại nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc với việc tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch chuyển đổi nợ xấu sang cổ phần.
Giải pháp này được áp dụng từ đầu tháng 3/2016, theo đó Trung Quốc tuyên bố thực hiện kế hoạch chuyển đổi nợ xấu lấy cổ phần đối với ngành Ngân hàng, qua đó đổi khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (155 tỷ USD) nợ xấu sang cổ phần của các công ty vay nợ.
Trên thực tế, sau 2 tháng triển khai tính đến thời điểm cuối tháng 4/2016, tổng số nợ xấu của các NHTM được chuyển đổi thành cổ phần đã lên đến con số 220 tỷ USD, cao hơn rất nhiều con số 120 tỷ USD hồi đầu tháng 3 và cũng cao hơn con số dự tính ban đầu 155 tỷ USD.
Như vậy, cùng với chương trình đổi nợ xấu thành trái phiếu được triển khai từ cuối năm trước, Trung Quốc vẫn đang rất tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để xử lý khối nợ xấu gia tăng nhanh chóng thời gian gần đây.
Việc thực hiện bán nợ lấy cổ phần không phải là một giải pháp mới, mà từ năm 1997, khi đối diện với hoạt động thua lỗ trầm trọng của hệ thống DN nhà nước và nguy cơ phá sản của nhiều NHTM, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp này.
Tuy nhiên, trong thời điểm đó, giải pháp này bị đánh giá “chỉ là biện pháp bút toán” và không cải thiện được hiệu quả của DN sau khi chuyển đổi các khoản nợ, từ đó cũng không giảm được áp lực thực sự cho NHTM. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy giảm như hiện nay, việc áp dụng lại một biện pháp cũ cũng đang tiếp tục bị đặt nhiều dấu hỏi.
Thứ nhất, trong bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp đang khó khăn, việc áp dụng biện pháp này có thể biến nợ xấu ngân hàng thành “cổ phần xấu” vì nó sẽ chuyển áp lực từ các DN làm ăn kém hiệu quả sang các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả.
Thứ hai, biện pháp này sẽ làm gia tăng ràng buộc ngân sách mềm và rủi ro đạo đức. Việc chuyển nợ thành cổ phần có thể làm sạch nợ xấu ở cả bảng cân đối tài sản của NHTM và DN, nhưng với DN điều này sẽ kích thích hoạt động vay nợ trong tương lai. Với tâm lý sẽ được “chuyển nợ thành cổ phần”, các khoản vay mạo hiểm sẽ nhiều hơn.
Và do đó, không chỉ ngân sách mềm mà cả rủi ro đạo đức cũng gia tăng. Ngoài ra, thực hiện chuyển nợ thành cổ phần không nâng cao được hiệu quả quản trị công ty, vì vậy không cải thiện được tình trạng kinh doanh của DN
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa phát hành một báo cáo cảnh báo Bắc Kinh cần hành động một cách thận trọng, áp dụng các giải pháp tối ưu và toàn diện hơn hiện nay để xử lý nợ, nếu không sẽ phản tác dụng, để các DN “ma” tồn tại và xung đột với lợi ích của các ngân hàng. Nếu không giải quyết được vấn đề cơ bản của các DN, việc cơ cấu lại nợ của bất kỳ tổ chức tài chính nào cũng sẽ dẫn đến thiệt hại lớn hơn trong tương lai.
Tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2011
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm nay (25/5) đã cắt giảm mạnh tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với USD xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2011 trong bối cảnh đồng USD đang mạnh lên.
Theo đó, hôm nay tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với USD đã được cắt giảm 0,3% xuống còn 6,5693 nhân dân tệ/USD. Nguyên nhân chủ yếu do đồng bạc xanh đã tăng lên cao nhất trong hai tháng qua khi mà giới đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất.
Trên thị trường Hong Kong, đồng nhân dân tệ giảm gần 0,1% xuống còn 6,5680 nhân dân tệ/USD thời điểm 09h27 sáng nay (giờ Hong Kong).
Đồng USD phục hồi mạnh đang đe dọa đến mục tiêu mà PBoC theo đuổi trong 3 tháng qua đó là duy trì sự ổn định của nhân dân tệ so với đồng USD, kết hợp với mất giá so với các đồng tiền chính khác.
Hiện giới đầu tư đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 7 sau khi hàng loạt các quan chức Fed bày tỏ quan điểm ủng hộ việc tăng lãi suất, trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang cho thấy sự phục hồi vững chắc.
"Việc làm này có thể là do các nhà chức trách muốn giảm bớt một số áp lực mất giá (của đồng nhân dân tệ - PV) trước khi quyết Fed quyết định tăng lãi suất trong tháng 6", Christy Tân - Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của National Australia Bank Ltd tại Hong Kong cho biết. "Nếu có dấu hiệu tăng đột biến nhu cầu mua vào USD, PBOC sẽ ra tay can thiếp".
Tuy nhiên, trên thị trường nội địa, đồng nhân dân tệ ít biến động, hiện đang được giao dịch ở mức 6,5589 nhân dân tệ/USD.
Đôla Úc giảm mạnh do lo ngại NHTW nước này có thể giảm tiếp lãi suất
Đồng đôla Úc giảm xuống thấp nhất trong 2,5 tháng trong phiên gioa dịch hôm nay do lo ngại Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) có thể cắt giảm lãi suất một lần nữa trong năm nay sau khi Thống đốc RBA cho biết việc RBA quyết tâm theo đuổi lạm phát mục tiêu.
Đây là phát biểu công khai đầu tiên của Thống đốc RBA Glenn Stevens kể từ sau cuộc họp chính sách tháng 5 của RBA, khi mà cơ quan này đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1,75%, với lý do lạm phát thấp ngoài mong đợi.
Đồng đôla Úc đã giảm 0,8% xuống còn 1 AUD ăn 0,7162 USD trong phiên hôm nay sau phát biểu của ông Glenn Stevens. Đây là mức thấp nhất của đồng đô la Úc kể từ đầu tháng 3 mà nguyên nhân một phần cũng bởi sự sụt giảm của giá dầu kéo theo sự giảm giá của các đồng tiền hàng hóa.
Đôla New Zealand, cũng có xu hướng đi theo đồng tiền của Úc khi giảm 0,7% xuống mức thấp nhất 2 tháng là 1 NZD ăn 0,6706 USD; đồng đôla Canada – một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác – cũng rơi xuống thấp nhất 7 tuần so với USD.
Trong khi đó, đồng đôla Mỹ tiếp tục củng cố sức mạnh, tăng 0,2% so với rổ tiền tệ chính đạt 95,433 điểm, sau lời bình luận vào cuối ngày thứ hai (23/5) của các quan chức Fed. Hiện đồng bạc xanh đang tiệm cận gần mức đỉnh 2 tháng đạt được trong tuần trước là 95,502 điểm.
Theo đó, Chủ tịch Fed San Francisco John Williams cho biết, Fed đang trên đà tăng lãi suất trong tháng 6 hoặc tháng 7 bất chấp rủi ro của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về số phận của quốc gia này tại Liên minh châu Âu thành viên, và sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới do kinh tế Mỹ vẫn phục hồi vững chắc.
Đồng USD nối đà tăng trước phát biểu của quan chức Fed
Đồng USD tăng 0,7% so với euro lên 1,1141USD/EUR.
Đồng USD tăng 0,6% so với yen lên 109,9720JPY/USD.
Chỉ số Wall Street Journal Dollar Index, theo dõi tỷ giá USD với 16 đồng tiền chủ chốt, tăng 0,2%.
Chỉ số ICE Dollar đo tỷ giá của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ, lên cao nhất 8 tuần ở 95,647 điểm.
Trong một loạt phát biểu gần nhất của các quan chức Fed, Chủ tịch Fed Philadenphia Patrick Harker cho rằng Fed có thể nâng lãi suất 2-3 lần trong năm nay và tăng ngay trong phiên họp tháng Sáu
Đà tăng của USD được tiếp sức khi số liệu của Bộ Thương mại cho thấy, doanh số bán nhà mới xây tại Mỹ trong tháng Tư tăng 16,6% lên 619.000 căn, tốc độ nhanh nhất trong hơn 8 năm qua và cao hơn nhiều so với dự đoán.
Số liệu tích cực củng cố quan điểm cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất trong phiên họp tháng 6.
Theo số liệu của CME Group, tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất vào tháng Sáu đạt 38% vào thứ Ba, tăng so với 30% hôm thứ Hai.
IMF: Hy Lạp cần được các chủ nợ châu Âu giảm nợ trong dài hạn
Báo cáo đưa ra ngày 23/5 kể trên dự đoán những gì cần làm để hỗ trợ Hy Lạp kiểm soát được tình hình tài chính và khôi phục tăng trưởng kinh tế dài hạn, trái với quan điểm do Đức chủ trương cho rằng Hy Lạp sẽ phải cam kết tăng cường cải cách cơ cấu và ngân sách công nếu các chủ nợ EU đồng ý giảm nợ cho Hy Lạp.
Báo cáo trên được công bố một ngày trước khi bộ trưởng tài chính các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về vấn đề giảm nợ cho Hy Lạp và giải ngân nguồn vốn mới cho nước này.