Cảnh sát Mỹ bắt giữ hàng chục thành viên nhóm tội phạm gốc Việt
Nhật-Trung nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng tới
Nga đồng ý ngừng bắn nhân đạo 48 giờ ở Syria
Báo chí Brazil dự báo Tổng thống Rousseff sẽ bị phế truất
Tin thế giới đọc nhanh trưa 24-08-2016
- Cập nhật : 24/08/2016
Nghi phạm rửa tiền Trung Quốc chi 31 triệu USD thoát án ở New Zealand
Một doanh nhân gốc Trung Quốc chấp nhận trả 31 triệu USD cho nhà chức trách New Zealand để nước này dừng điều tra ông với cáo buộc rửa tiền.
William Yan, 45 tuổi, quốc tịch New Zealand, khẳng định ông không làm gì phi pháp.
Cảnh sát New Zealand hôm nay thông báo họ đã đóng băng số tài sản trị giá 42,85 triệu NZD (31,22 triệu USD), bao gồm xe sang, bất động sản và nhiều khoản tiền trong ngân hàng, của Yan. Họ chỉ trao trả khi tổng số tiền được thanh toán.
Cách giải quyết trên đối với Yan, vợ ông là Wei You cùng hai đồng sự được đưa ra sau cuộc điều tra phức tạp kéo dài ba năm liên quan đến cáo buộc rửa tiền có nguồn gốc từ hàng loạt vụ lừa đảo ở Trung Quốc giai đoạn 1999 - 2001. Việc này giúp Yan không phải chịu trách nhiệm hình sự hay dân sự nào.
"Kết quả điều tra phản ánh quá trình phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan hành pháp Trung Quốc và New Zealand", AFP dẫn lời Paul Hampton, quản lý đơn vị tội phạm tài chính, cảnh sát New Zealand, nói. Tòa án Tối cao đã thông qua cách giải quyết này. Số tiền phạt thu được sẽ chia cho chính phủ New Zealand và Trung Quốc.
Trung Quốc cáo buộc Yan đánh cắp 129 triệu NZD và Yan đứng thứ 5 trong danh sách truy nã của Bắc Kinh. Hiện chưa rõ Trung Quốc có tìm cách dẫn độ Yan về nước hay không.
Trung Quốc hợp tác điều tra với New Zealand trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm kiếm sự trợ giúp từ phương Tây trong chiến dịch mang tên "Chiến dịch Săn Cáo", truy lùng những nghi phạm tham nhũng đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Yan đến New Zealand năm 2001 và được cấp quyền công dân, bất chấp việc ông có nhiều danh tính. Năm 2012, Yan được tuyên trắng án liên quan đến cáo buộc sử dụng giấy tờ nhập cư và công dân giả.
Theo New Zealand Herald, Yan nói ông là doanh nhân kiếm tiền hợp pháp và hai danh tính khi đến New Zealand, Yong Ming Yan và Yang Liu, đều hợp lệ bởi ông từng được nhận nuôi. Bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi đều đăng ký cho ông với tên và ngày sinh khác nhau.(VNEX)
Triều Tiên 'rải thảm' mìn tại biên giới, ngăn lính đào tẩu
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 23-8 đưa tin Triều Tiên đã đặt mìn sát thương ở khu vực phi quân sự (DMZ) làng đình chiến Bàn Môn Điếm hiện do Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ cùng kiểm soát.
“Quân đội Triều Tiên đã được nhìn thấy đặt mìn hồi tuần trước ở phần phía bắc của cây cầu No Return” - Yonhap dẫn lời nguồn tin chính phủ Hàn Quốc giấu tên.
Hơn 4.000 quả mìn được chôn gần Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự kể từ tháng 4-2016.
Yonhap cho biết lần đầu tiên Bình Nhưỡng bị phát hiện có động thái như vậy kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên được ký kết hồi tháng 7-1953.
Nguồn tin cho biết hành động này của Triều Tiên “dường như để ngăn chặn các binh sĩ tiền tuyến đào tẩu”.
Một quan chức quân đội Hàn Quốc nhận định Triều Tiên hành động như vậy cho thấy các binh sĩ tiền tuyến của Triều Tiên đang hoang mang. Trước đây, hầu hết các binh sĩ Triều Tiên đào tẩu đều là từ các khu vực không thuộc tiền tuyến.
Các binh sĩ của Triều Tiên thường được lựa chọn kỹ lưỡng dựa vào sự trung thành vì họ thường xuyên phải đối mặt với các hoạt động chiến tranh tâm lý của quân đội Hàn Quốc dọc khu phi quân sự.
Trong khi đó, Bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc đã lên án mạnh mẽ việc Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) đặt mìn tại DMZ. "Sự hiện diện của bất cứ thiết bị hoặc đạn dược nào ở trên hoặc gần cầu No Return đều gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an toàn của người dân hai bên" - tuyên bố của Bộ viết.
Khu phi quân sự này còn là nơi tham quan của hàng ngàn du khách, thường là các em nhỏ đang tuổi đến trường.(PLO)
Trung Quốc cảnh báo tên lửa Ấn Độ đe dọa Vân Nam, Tây Tạng
Bắc Kinh cảnh báo động thái triển khai tên lửa BrahMos đến biên giới của New Delhi đe dọa nghiêm trọng đến khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Tờ PLA Daily, cơ quan phát ngôn chính của quân đội Trung Quốc, mới đây cảnh báo động thái triển khai hàng loạt tên lửa siêu thanh BrahMos của Ấn Độ tại biên giới giáp Trung Quốc vượt quá nhu cầu phòng vệ quốc gia và thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Vân Nam của nước này.
Tờ báo tuyên bố Bắc Kinh sẽ phải chuẩn bị phương án đáp trả động thái của New Delhi, từ đó gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho sự ổn định ở khu vực biên giới hai nước.
Đầu tháng 8, chính phủ Ấn Độ thông qua kế hoạch triển khai một trung đoàn tên lửa BrahMos với khoảng 100 tên lửa cùng chi phí hơn 43 tỷ rupee (hơn 640 triệu USD) tại bang miền núi Arunachal Pradesh, nơi Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ.
Tên lửa BrahMos có tầm bắn 290 km, là loại tên lửa hành trình chiến thuật phi hạt nhân được Ấn Độ hợp tác với Nga phát triển, và trở thành loại vũ khí chính xác được trang bị cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây bị tố liên tiếp có các hành động đe dọa xâm nhập nhiều trạm biên phòng Ấn Độ dọc biên giới. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư phát triển các tuyến đường và sân bay gần biên giới, khiến Ấn Độ lo ngại.
Triều Tiên yêu cầu con cái các nhà ngoại giao trở về nước
Theo Korea Times, thông tin trên được Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) tiết lộ trong cuộc họp kín của ủy ban tình báo quốc hội Hàn Quốc mới đây.
Cụ thể, Bình Nhưỡng đã ra lệnh cho con cái của tất cả nhà ngoại giao, tuổi từ 25 trở lên, phải trở về nước.
Theo tờ báo, động thái này dường như để ngăn chặn các cuộc đào tẩu tiềm năng từ các quan chức Triều Tiên sau vụ Thae Yong-ho, phó đại sứ Triều Tiên ở London (Anh), cùng gia đình bỏ trốn.
"Tuy nhiên, lệnh này được cho là không phải nguyên nhân trực tiếp khiến ông Thae đào tẩu" - nguồn tin quốc hội nói. "Thật phi logic khi nói rằng một quan chức cấp cao như thế lại đưa ra quyết định chỉ vì con cái của ông".
Nguồn tin nói thêm, nếu nói ông Thae đã tìm kiếm cơ hội để bỏ trốn trong một khoảng thời gian nào đó thì hợp lý hơn.
Ông Thae Yong-ho đào tẩu sang Hàn Quốc hồi cuối tháng trước là trường hợp đào tẩu hiếm hoi liên quan tới một nhà ngoại giao cao cấp của Triều Tiên trốn khỏi đất nước. Ông Thae được chỉ định làm công tác ngoại giao tại London được 10 năm nay.
NIS cũng tiết lộ ông Thae chỉ có hai con trai, đồng thời bác tin đồn ông bỏ lại một con gái ở Bình Nhưỡng.
Đáp lại nghi ngờ quan chức số hai của Đại sứ quán Triều Tiên tại Anh đang giữ một lượng lớn công quỹ của Triều Tiên, NIS nói ông Thae không giữ chức vụ kiểm soát tiền của Bình Nhưỡng.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc nói thêm ông Thae không phải là con trai của tướng bốn sao Thae Pyong-ryol. Đây là vị tướng từng tích cực tham gia chiến dịch chống Nhật do người lập quốc Triều Tiên - ông Kim Nhật Thành dẫn đầu. Tuy nhiên, vợ của ông Thae xuất thân từ một gia đình có mối liên hệ mật thiết với gia tộc họ Kim.
NIS còn nói thông tin một quan chức Triều Tiên khác phụ trách ngân sách ở châu Âu đã biến mất là không có căn cứ, mặc dù NIS đang cố gắng xác định nguồn gốc tin đồn.(PLO)