(Tin kinh te)
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) hồi tuần trước đã cho công bố báo cáo đánh giá về các kịch bản “sụp đổ” ở Nga.
Báo cáo do chuyên gia thỉnh giảng Nikolay Petrov soạn thảo kết luận, hệ thống chính trị tại Nga đã “không còn khả năng cải cách, phải đối mặt với những khó khăn kinh tế ngày một lớn, cùng với cơ sở hạ tầng xuống cấp và giới tinh anh chuyển sang hướng đối lập”.
Sự kết hợp giữa giá dầu thấp cùng với lệnh cấm vận chống Moskva được dựng lên sau vụ Crimea sáp nhập vào Nga đã gây ra những hệ lụy tiêu cực ngày một lớn đối với quốc gia này, làm dấy lên những nghi ngại về khả năng trụ vững của thể chế dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin. Lấy hình ảnh nước Nga tựa một chiếc máy bay đang lộn nhào trên không theo hướng cắm đầu, ông Petrov định ra 3 kịch bản có thể xảy ra đối với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Một là, kéo đà để “máy bay” vọt lên: Đà này sẽ xuất hiện khi giá dầu tăng mạnh hoặc là qua bước hàn gắn quan hệ với phương Tây. Điều kiện thứ nhất không thuộc quyền kiểm soát của Nga, khi mà dầu tăng giảm thất thường, phụ thuộc quá nhiều nhân tố. Thế nhưng điều kiện thứ hai thì hoàn toàn có thể, phụ thuộc vào khả năng của ông Putin trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng (ví như nội chiến Syria), kết hợp với việc bắn tín hiệu sắn sàng phát động những chương trình cải cách kinh tế tự do trong nước, giảm giọng điệu bài phương Tây, đẩy một số nhân vật theo đường hướng cải cách vào những vị chí chủ chốt trong chính quyền.
Hai là, “thay phi công”: Nói cách khác, đây là kịch bản thoát, gắn với sự ra đi của ông Putin, thay vào đó là một nhân vật lên nắm quyền thông qua bầu cử. Mới nhìn qua, đường hướng này có vẻ thực tế hơn so với với kịch bản thứ nhất, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện hố ngăn cách lớn giữa ông Putin và phương Tây, cùng với đó là việc Nga đang lâm vào “bẫy chính danh” khi liên tục phải gồng sức cho quân sự để có được uy tín và chiến thắng.
Thế nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Putin đã sẵn sàng cho bước thoái lui này. Giới phân tích phương Tây nhìn nhận, việc Điện Kremlin mới đây ra sắc lệnh thành lập lực lượng Vệ binh Quốc gia với quy mô 400.000 lính cho thấy, ông Putin vẫn đang tập trung củng cố, giữ chắc quyền lực, không để một cuộc “đảo chính nào” có thể xảy ra.
Ba là, “máy bay chúi đất”: Ở kịch bản này, máy bay sẽ cắm xuống đất, đồng nghĩa với sự sụp đổ của thể chế ở Nga. Nó sẽ xảy ra khi hội tụ các yếu tố tiêu cực ở cùng một thời điểm, nhất là khi giá dầu thấp, lệnh cấm vận chống Moskva kéo dài. Thay đổi thể chế kéo theo thay đổi về các thiết chế và giới lãnh đạo, đẩy Nga lâm vào tình cảnh một xã hội “bất tuân” pháp luật, có sự chia rẽ trong nội bộ giới tinh anh.
Quyền lực sau đó sẽ được tái phân phối qua nhiều thiết chế, ví như các cơ quan chính phủ, các tập đoàn lớn và thậm chí là tình trạng cát cứ khu vực. Sự sụp đổ cũng đưa tới một cuộc chiến mới giữa các nhóm tài phiệt liền sau đó. Sẽ không xuất hiện một “người kế nhiệm” có đủ sức mạnh và quyền lực thay thế ông Putin. Một thể chế mới dẫu có được thiết lập sau sụp đổ cũng chưa thể cải thiện được tình hình, vì còn thiếu những thiết chế mạnh, những rạn nứt, chia rẽ trong xã hội.
Chưa biết báo cáo của ECFR tung ra nhằm mục đích gì, nhưng giới chức Điện Kremlin gần đây liên tục đề cập đến cuộc chiến truyền thông nhằm vào Nga. Mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ngày 27/4 bình luận, phương Tây đang triển khai cuộc chiến tranh thông tin chống Nga ở cấp độ “chưa từng thấy. “Chiến tranh thông tin ác liệt, ở cấp độ chưa từng thấy. Đó là những tuyên bố vẽ ra về ‘mối đe dọa Nga’ đối với các nước châu Âu, rằng cần có răn đe quân sự nhằm đất nước chúng ta”, ông Shoigu phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Mosva lần thứ 5.
Hoài Thanh
(Theo ECFR.eu, Sputniknews, Báo Tin Tức)