Forbes giải mã bí mật tâm trạng chống Nga trong truyền thông Ukraine
Trung Quốc sắp tập trận đa phương với ASEAN trên Biển Đông
Tây Ban Nha tạo được tinh trùng từ tế bào da người
Hàn Quốc ký thỏa thuận nghiên cứu vũ trụ với Mỹ
Ông Putin khiển trách Phó Thủ tướng Nga Rogozin
Tin thế giới đọc nhanh tối 28-04-2016
- Cập nhật : 28/04/2016
Mỹ có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam khi Obama đến thăm
Trong khi ông Obama chuẩn bị đến thăm Việt Nam vào tháng tới, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đang được thảo luận bởi cả hai bên, The Diplomat, tạp chí chuyên về châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Tokyo, dẫn một nguồn tin từ Việt Nam, cho biết.
Các quan chức quốc phòng Mỹ vẫn im lặng về động thái này, một phần vì việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đòi hỏi phải có quyết định chính sách từ Bộ Ngoại giao Mỹ, sau khi thảo luận liên ngành và tham khảo ý kiến với quốc hội.
Các quan chức Việt Nam và Mỹ am hiểu quan hệ quốc phòng cho biết, ngay cả khi dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận, có thể mất nhiều thời gian để hai bên tiến hành các hợp đồng quốc phòng và chuyển giao lớn, vì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, bao gồm việc Việt Nam phải làm quen với các thủ tục mua sắm từ Mỹ, tương đối khác so với các đối tác quốc phòng truyền thống như Nga.
The Diplomat đánh giá rằng, nếu khả năng này trở thành hiện thực, đây sẽ là bước đi lịch sử trong quan hệ quốc phòng nói riêng và quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ nói chung. Các quan chức Việt Nam từ lâu đã cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quan hệ hai nước đã hoàn toàn bình thường.
Quan hệ Việt - Mỹ được tăng cường dưới thời chính quyền ông Obama. Hai nước nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 10/2014 và ký kết tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015.
Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp đến Việt Nam khi còn chưa đầy một năm tại vị. Trao đổi với VnExpress vào tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng ông Obama muốn ghi dấu nhiệm kỳ tổng thống bằng chuyến thăm lịch sử này.
Mỹ, Nhật Bản và Australia “thách thức” tuyên bố vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông
Quân đội Mỹ đã triển khai thêm tàu chiến ở Biển Đông và tuyên bố thách thức những động thái của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở vùng biển này. Trong khi đó, giới chức Nhật Bản, Australia cũng bày tỏ những lo ngại về an ninh tại Biển Đông.
Hãng tin South China Morning Post ngày 26-4 cho biết, chính quyền Washington khẳng định rằng, họ sẽ thực hiện chiến dịch chống lại những tuyên bố vô lý ở Biển Đông của Trung Quốc.
Trước mắt, Mỹ sẽ điều thêm tàu chiến và máy bay quân sự tới vùng biển này, cùng với các quốc gia đồng minh trong khu vực thực hiện tập trận và các cuộc tuần tra mới trong những vùng biển quốc tế quanh Biển Đông.
Cũng theo hãng South China Morning Post thì hôm 19-4, trong một báo cáo về tình hình tranh chấp biển ở châu Á - Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc chỉ rõ rằng, quân đội Mỹ trong tài khoá 2015 đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải.
Báo cáo còn nhấn mạnh, những tuyên bố (chủ quyền) trên biển quá đáng của Trung Quốc gồm các đường ranh giới vô lý, quyền tài phán đối với không phận ở phía trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vốn rộng hơn nhiều so với lãnh hải của Trung Quốc và hạn chế máy bay nước ngoài bay qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, hải quân Mỹ sẽ được tăng cường ở khu vực này và Mỹ cũng cam kết hợp tác với Philippines trong vấn đề Biển Đông. Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris thì tiếp tục bày tỏ những quan ngại về việc Trung Quốc đang âm mưu xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Điều này, theo Đô đốc Harry Harris là không thể chấp nhận và cần phải được ngăn chặn ngay lập tức.
Trong khi đó, báo giới Mỹ và một số chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa thì cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cần phải “mạnh tay” hơn trong vấn đề Biển Đông và thách thức của Trung Quốc đối với quyền lực của Mỹ tại châu Á sẽ là phép thử của Tổng thống kế nhiệm.
Gần đây, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc quân sự hóa các đảo mà nước này chiếm đóng tại các vùng biển có tranh chấp, đặc biệt là việc cho thử nghiệm đường bay trên Đá Chữ Thập và triển khai một hệ thống tên lửa tối tân tại đảo Phú Lâm. Hành động quân sự hóa này đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh, đối tác tại khu vực Thái Bình Dương.
Một số tờ báo khác thì đăng tải thông tin rằng Trung Quốc đang có ý định xây dựng một đội tàu có chức năng như các nhà máy điện hạt nhân có khả năng di chuyển trên mặt nước ở Biển Đông và cảnh báo, việc này sẽ gây quan ngại lớn về khả năng xuất hiện tai nạn hoặc sự cố trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đẩy nhanh quá trình thành lập một tiền đồn mới ở khu vực cách bờ biển Philippines khoảng 230km trong bối cảnh Mỹ và Philippines đẩy mạnh tăng cường hợp tác quân sự cũng là một thách thức không nhỏ.
Đồng quan điểm với những lo ngại của giới chức Mỹ, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Australia Leo Davies cho rằng nước này cần nhìn nhận việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự là một “diễn biến tự nhiên”, trong bối cảnh liên minh chiến lược giữa hai nước phải đương đầu với căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong bài phát biểu trước doanh nghiệp trong nước khuyến cáo, Trung Quốc đang khiến thế giới “lo ngại” vì hành động bành trướng và tăng cường hiện diện quân sự của nước này ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Vì thế, trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 29-4, ông sẽ đối thoại thẳng thắn với lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề này.
Triều Tiên chuẩn bị diễn tập tấn công Phủ Tổng thống Hàn Quốc
CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành một cuộc diễn tập pháo binh quy mô lớn, trong đó sử dụng mô hình Phủ Tổng thống Hàn Quốc làm mục tiêu.
Binh sĩ Triều Tiên tham gia lễ kỷ niệm lần thứ 104 ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ngày 15/4. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin quân đội Hàn Quốc ngày 27/4 cho biết thông tin trên. Một quan chức của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nói rằng khoảng 30 khẩu pháo đã được đưa tới khu vực huấn luyện ngay bên ngoài Bình Nhưỡng, nơi một mô hình của Phủ Tổng thống Hàn Quốc có tỷ lệ bằng một nửa thực tế được dựng lên hồi đầu tháng 4/2016.
Quan chức này nhận định Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc diễn tập “trong tương lai gần”, nhưng hiện chưa thể xác định rõ các khẩu pháo của Triều Tiên thuộc loại gì do chúng đã bị che phủ.
Trong một loạt tuyên bố gần đây, Triều Tiên nhiều lần đe dọa sẽ tấn công vào Phủ Tổng thống và các cơ quan nhà nước của Hàn Quốc. Hôm 5/4 vừa qua, Triều Tiên công bố một đoạn băng hình dựng bằng máy tính cho thấy hình ảnh Phủ Tổng thống Hàn Quốc bị tấn công.
Cùng ngày, Yonhap dẫn một bài bình luận của nhật báo “Rodong Sinmun”, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố Mỹ sẽ phải hứng chịu đòn tấn công hạt nhân nếu Mỹ không thay đổi chính sách thù địch chống Triiều Tiên.
Theo bài viết trên, phía Triều Tiên đến nay đã đưa ra nhiều đề nghị đối thoại về việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như ký kết một hiệp định hòa bình giữa hai bên để chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Trước đó, ngày 26/4, giới chức Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa tầm trung Musudan thứ hai sau vụ phóng thất bại 11 ngày trước đó.
Triều Tiên ngày 15/4 đã phóng một quả tên lửa Musudan, có khả năng chạm tới lãnh thổ Mỹ như đảo Guam và Alaska. Quân đội Hàn Quốc cho rằng vụ phóng thử này thất bại khi tên lửa biến mất khỏi màn hình radar vài giây sau khi phóng. Dù thất bại, đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Musudan di động.
Quan ngại về việc Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân xuất hiện khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 15/3 vừa qua ra chỉ thị thử nghiệm nổ một đầu đạn hạt nhân và thử các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Mỹ cung cấp đợt khí đốt tự nhiên đầu tiên cho EU
Đêm 26/7, đợt khí đốt tự nhiên đầu tiên do Mỹ cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) đã cập cảng Sines (Bồ Đào Nha), một động thái được cho là giúp EU giảm lệ thuộc khí đốt vào Nga sau những tranh cãi giữa Nga và Ukraine liên quan tới mặt hàng này.
Galp Energia, công ty trực tiếp nhận hợp đồng ký gửi đợt hàng này, cho biết đã đặt mua một lượng khí đốt đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Bồ Đào Nha trong vòng 1 tuần, tương đương với 2% nhu cầu tiêu thụ hàng năm của quốc gia này.
Đợt hàng đầu tiên được chuyển tới giữa lúc ngành công nghiệp khai thác khí đốt từ đá phiến ở Mỹ đang nở rộ và Washington kỳ vọng đây sẽ là bước đi đầu tiên mở đường cho mặt hàng này thâm nhập thị trường châu Âu - nơi Nga đang là nhà cung cấp chính với 1/3 thị phần trong tay.
Sau Galp Energia, một số tập đoàn năng lượng châu Âu khác như EDF, Engie of France và British Gas cũng sẽ mua khí đốt từ Mỹ.
Ngành công nghiệp khai thác đá phiến ngày càng phát triển tại Mỹ đang giúp quốc gia này trở thành nhà sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới và hứa hẹn sẽ trở thành nhà xuất khẩu chủ chốt mặt hàng này.
Chỉ riêng trong giai đoạn 2010 đến 2014, sản lượng khí đốt của Mỹ đã tăng 43%. Mỹ hiện cũng đã đưa sản phẩm của mình tới các thị trường như Argentina, Brazil và Ấn Độ.
Không chỉ dừng lại ở số lượng, mặt hàng này còn có sức cạnh tranh cao về giá cả. Trong khi ở châu Âu chỉ riêng chi phí sản xuất khí đốt tự nhiên đã là 4,18 USD/ 1 triệu BTU, thì ở Mỹ tổng chi phí sản xuất cộng thêm phí vận chuyển cũng chỉ ở mức 2,5 USD cho cùng một đơn vị khí đốt.
Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tăng cường vai trò của Hạm đội 3
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift ngày 26/4 cho biết ông có kế hoạch mở rộng vai trò của Hạm đội 3 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện Hạm đội Thái Bình Dương bao gồm Hạm đội 3, có trụ sở tại thành phố San Diego (Mỹ) và Hạm đội 7, đặt tại thành phố Yokosuka (Nhật Bản).
Trong nhiều thập kỷ qua, Hạm đội 7 nhận trách nhiệm chỉ huy các tàu của Hạm đội 3 khi những tàu này vượt qua Đường đổi ngày quốc tế (IDL). Tuy nhiên, ông Swift có kế hoạch giữ nguyên quyền chỉ huy tác chiến của Phó Đô đốc Nora Tyson cũng như quyền kiểm soát của binh sỹ hạm đội đối với các tàu này trong thời gian tới.
Theo ông Swift, Hải quân Mỹ cho tới nay chưa tận dụng được toàn bộ năng lực của Hạm đội 3. Với phương án mới, trong trường hợp Nhật Bản xảy ra động đất, Hạm đội 3 có thể chịu trách nhiệm phản ứng đối phó sóng thần đại diện cho Hải quân Mỹ trong khi Hạm đội 7 tập trung vào cứu trợ thiên tai.
Theo Đô đốc Swift, bà Tyson đã bắt đầu đảm nhiệm trọng trách lớn hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như đại diện cho Hạm đội 7 tại một phiên họp của lực lượng Hải quân Nhật Bản hồi tháng 10 hay gặp gỡ với chỉ huy hải quân các nước New Zealand và Australia.
Bên cạnh đó, Hạm đội 3 sẽ đảm nhiệm vai trò tích cực hơn trong cuộc tập trận "Talisman Sabre" sắp tới - hoạt động diễn ra 2 năm một lần giữa hải quân Mỹ và Australia.
Tuy nhiên, việc mở rộng vai trò của Hạm đội 3 không đồng nghĩa với việc sẽ có thêm tàu triển khai tại khu vực.