Trung Quốc sáp nhập hàng loạt đơn vị sản xuất động cơ máy bay
Khoảng 3.500 người bị IS bắt làm nô lệ tại Iraq
Trung Quốc phải tạo dựng lòng tin
Mỹ điều siêu tàu sân bay thứ hai tới châu Á
Trung Quốc cách chức Phó Chủ tịch Thành phố Thượng Hải
Tin thế giới đọc nhanh trưa 24-05-2016
- Cập nhật : 24/05/2016
Chính trường Brazil tiếp tục rung chuyển vì vụ Petrobras
Chính trường Brazil ngày 23/5 lại tiếp tục rung chuyển sau khi tờ "Folha de Sao Paulo" của nước này đưa tin tân Bộ trưởng Kế hoạch Romero Juca tuyên bố mưu đồ lật đổ Tổng thống Dilma Rousseff nhằm ngăn cản tiến trình điều tra vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí Petrobras.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, thông tin này được đưa ra chỉ 11 ngày sau khi chính phủ của Tổng thống lâm thời Michel Temer được thành lập. Tờ báo đã đăng nội dung một đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông Juca với ông Sergio Machado, cựu Chủ tịch Công ty Transpetro, trực thuộc Petrobras, trong đó ông này cho rằng cần phải “hợp tác” kể cả với cơ quan tư pháp để ngừng ngay các cuộc điều tra tham nhũng và rằng giải pháp cho kế hoạch này là việc phế truất bà Rousseff.
Ông Juca và ông Machado đang trong diện bị điều tra do có những cáo buộc nhận tiền hối lộ trong vụ Petrobras và cũng là một trong những cái cớ mà phe đối lập sử dụng để đình chỉ người đứng đầu nhà nước từ hôm 12/5 thông qua các cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội. Trong đoạn băng, được ghi âm ít ngày trước khi Hạ viện Brazil bỏ phiếu hôm 17/4 về việc tiến hành phiên luận tội xem xét khả năng phế truất bà Rousseff, ông Juca nhấn mạnh “cần phải thay chính phủ” để có thể chấm dứt các vụ điều tra.
Cho tới nay, chính thức đã có 3 bộ trưởng trong thành phần nội các của Tổng thống lâm thời Temer bị điều tra, trong đó có ông Juca, người đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách kinh tế và ngân sách, một trong những cam kết hàng đầu của chính phủ mới.
Sau khi đoạn băng dài 75 phút được đăng tải, ông Juca tuyên bố sẽ xin nghỉ việc từ ngày 24/5 để Bộ Công cộng xem xét nội dung được công bố. Phát biểu tại buổi họp báo, ông này khẳng định những gì được công bố sẽ không làm ảnh hưởng tới chính phủ mới và ông này sẽ không từ chức. Trong khi đó, đảng Dân chủ Brazil, trong liên minh cầm quyền với chính phủ của ông Temer hiện nay, cũng đã hối thúc ông Juca phải từ chức.
Vụ bê bối Petrobras bị phanh phui từ tháng 3/2014 đã gây chấn động chính trường Brazil hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo của Petrobras.
Vụ bê bối này cũng ảnh hưởng đến uy tín của bà Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva, đều thuộc đảng Lao động (PT). Ông Lula hiện cũng đang đối mặt với nguy cơ bị điều tra do cáo buộc có liên quan đến vụ Petrobras. Tuy nhiên, bà Rouseff và PT tuyên bố những cáo buộc trên cùng những động thái đi kèm là âm mưu đảo chính.
Yemen: Đánh bom liều chết tại Aden, ít nhất 45 người thiệt mạng
Giới chức an ninh Yemen ngày 23/5 cho biết đã xảy ra hai vụ đánh bom liều chết ở thành phố cảng Aden làm ít nhất 45 người thiệt mạng.
Hai vụ đánh bom đều nhằm vào các thanh niên đang xếp hàng đăng ký gia nhập quân đội ở quận Khor Maksar thuộc thành phố trên. Một kẻ đánh bom xe liều chết lao vào hàng người ở bên ngoài trung tâm tuyển quân gần Căn cứ Badr làm ít nhất 20 người thiệt mạng. Trong khi đó, kẻ đánh bom thứ hai đã kích hoạt áo cài thuốc nổ khi đứng trà trộn vào một nhóm tân binh đang đợi ở bên ngoài ngôi nhà của một chỉ huy quân đội cũng ở quận trên, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng.
Aden đang là nơi đặt trụ sở chính phủ của Tổng thống Yemen Abedrabbo Mansour Hadi. Hiện, nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng thừa nhận tiến hành các vụ tấn công này. Trong một tuyên bố được đăng tải trên các trang mạng xã hội, IS cho biết, một trong số phiến quân của chúng đã kích hoạt đai thuốc nổ ở giữa nhóm "các binh sĩ bội giáo" tại một trung tâm tuyển quân. IS cũng nêu đích danh thủ phạm đánh bom liều chết là Abu Ali al-Adeni. Vụ này xảy ra ngay sau một vụ đánh bom tại cổng vào căn cứ quân sự Badr thuộc quận Khormaksar, thành phố Aden.
Theo số liệu thống kê của LHQ, cuộc nội chiến ở Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.800 người, một nửa trong đó là dân thường và khoảng 35.000 người bị thương, đồng thời buộc hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Máy bay chở khách Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa đánh bom
Một máy bay chở khách thuộc hãng hàng không Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23/5 bị đe dọa đánh bom, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên máy bay phải sơ tán xuống sân bay Ataturk tại thành phố Istanbul của nước này.
“Phi hành đoàn đã thông báo với cơ quan an ninh sân bay rằng một mảnh giấy có ghi chữ “bom” đã được phát hiện trong phòng vệ sinh trên máy bay. Máy bay dự kiến khởi hành vào lúc 15h50 (theo giờ địa phương) từ Istanbul tới Kayseri (miền trung Thổ Nhĩ Kỳ)”, thông cáo của hãng hàng không Turkish Airlines cho biết.
Vào thời điểm phát hiện ra mảnh giấy có nội dung đe dọa đánh bom, máy bay đang đỗ tại sân bay quốc tế Ataturk, sân bay chính của thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị cất cánh. 134 người bao gồm cả hành khách và phi hành đoàn đang có mặt trên máy bay lúc đó. Tất cả đã được các nhà chức trách yêu cầu sơ tán ngay lập tức.
Xe cứu thương cùng lực lượng cảnh sát và các chuyên gia về bom mìn đã được điều động tới hiện trường để điều tra. Tuy nhiên, các nhà chức trách không phát hiện thấy thiết bị nổ nào sau đó.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu hàng loạt vụ đánh bom trong những tháng gần đây, trong đó phải kể tới các vụ đánh bom lớn xảy ra tại các khu vực đô thị. Hồi đầu tháng 5, một xe ô tô đã phát nổ gần doanh trại quân đội tại thành phố Istanbul, còn trước đó 2 tháng, 37 người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom gần bến xe bus công cộng tại thủ đô Ankara.
Mỹ, Nga nảy sinh mâu thuẫn về chiến dịch chung ở Syria
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington sẽ không thảo luận về chiến dịch chung ở Syria với Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) tại một cuộc họp báo ở trụ sở LHQ, New York, Mỹ ngày 30/9/2015. Ảnh: Reuters/TTXVN
Tuyên bố trên của Mỹ được đưa ra ngày 23/5 khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, trong đó thảo luận về đề xuất của Moskva liên quan tới việc tiến hành chiến dịch chung để đối phó với các nhóm phiến quân không tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Syria.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Kerry đã kêu gọi Nga gây sức ép để Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngừng không kích nhằm vào lực lượng đối lập tại Aleppo và ngoại ô Damascus.
Theo bộ trên, Washigton cũng hối thúc chính quyền Assad ngừng gây leo thang các cuộc tấn công nhằm vào Aleppo và Daraya.
Giới chức Ai Cập bị “tố” che giấu thông tin vụ máy bay EgyptAir
Những thông tin liên quan đến vụ việc chuyến bay MS804 của hãng hàng không EgyptAir mất tích trước và sau không thống nhất làm dấy lên nghi ngại rằng giới chức Ai Cập có thể đang che giấu thông tin.
Giới chức Ai Cập đang đối mặt với những câu hỏi liên quan đến việc xử lý vụ việc máy bay MS804 mất tích hôm 19/5 sau khi chính phủ nước này và hãng hàng không EgyptAir đưa ra những thông tin trái chiều.
Người phát ngôn của EgyptAir nói rằng cơ trưởng của máy bay đã thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp về mặt đất. Tuy nhiên, sau đó quân đội Ai Cập đã phủ nhận thông tin này và chỉ vài phút sau đó EgyptAir cũng rút lại tuyên bố. Về phần mình, Bộ trưởng hàng không dân dụng Ai Cập Sherif Fathy bác bỏ thông tin rằng phi công MS804 đã có cuộc gọi khẩn cấp về mặt đất. “Đó là sai sót của một quan chức. Ông ấy nói về tín hiệu khẩn cấp từ máy bay nhưng vài phút sau đó ông ý rút lại và xin lỗi”, ông Fathy nói.
Những ngày sau đó, EgyptAir cũng không làm sáng rõ vấn đề liên quan đến cuộc gọi khẩn cấp nói trên và bác bỏ thông tin từ truyền thông Pháp.
kênh truyền hình M6 của Pháp ngày 22/5 cho biết, Mohamed Said Shoukair, cơ trưởng 37 tuổi của máy bay MS804, đã liên lạc với cơ quan kiểm soát không lưu về việc khói bốc lên ở khu vực buồng lái và buộc phải hạ độ cao khẩn cấp. Nguồn tin khẳng định, cuộc hội thoại giữa viên cơ trưởng và cơ quan không lưu kéo dài vài phút trước khi máy bay mất tích.
Trước đó, trang tin Aviation Heral chuyên về ngành hàng không cho biết, khoảng 4 phút trước khi mất tích, hệ thống liên lạc tự động của máy bay EgyptAir gặp nạn đã truyền thông tin cảnh báo khói về mặt đất. Theo đó, khói bốc lên lúc 2h26' sáng 19/5 theo giờ Cairo tại khu vực nhà vệ sinh của máy bay. Khoảng một phút sau đó thì có cảnh báo khói. Tín hiệu cuối cùng từ ACARS là vào lúc 2h29', và máy bay biến mất khỏi màn hình radar khoảng 4 phút sau đó, nghĩa là vào 2h33.