tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 23-05-2016

  • Cập nhật : 23/05/2016

Algeria tiêu diệt và bắt giữ 38 phần tử khủng bố

Bộ Quốc phòng Algeria ngày 22/5 cho biết trong các chiến dịch truy quét khủng bố trên toàn quốc kể từ tháng 4 đến nay, quân đội nước này đã tiêu diệt 31 kẻ khủng bố và bắt giữ 7 phần tử.

cac binh si algeria trong mot dot truy quet khung bo. anh: afp

Các binh sĩ Algeria trong một đợt truy quét khủng bố. Ảnh: AFP

Bộ trên cho biết thêm chỉ riêng tại tỉnh Bouira, cách thủ đô Algiers 70 km về phía Đông Nam, quân đội nước này đã tiêu diệt 20 tên khủng bố và bắt giữ 2 phần tử. Hiện nay, hơn 4.000 binh sỹ đã được huy động tới tỉnh này để truy quét các phần tử khủng bố còn ẩn náu tại đây.

 
Các tỉnh Tizi Ouzou, Boumerdes và Bouira vẫn là những khu vực có nhiều phần tử khủng bố hoạt động nhất. Quân đội Algeria cũng bắt giữ 70 phần tử hỗ trợ khủng bố, đồng thời thu giữ một số lượng lớn vũ khí của những kẻ khủng bố như 1 bệ phóng tên lửa, 10 súng cối, 15 súng trường, các loại súng tiểu liên, một số lượng lớn đạn dược, mìn tự tạo... 
 
Quân đội Algeria đã tiêu diệt và bắt giữ 157 phần tử khủng bố trong năm 2015 và hơn 100 tên từ đầu năm 2016 đến nay. Theo Bộ Chỉ huy các hoạt động chống khủng bố thuộc quân đội Algeria, hiện có 304 phần tử khủng bố đang hoạt động trên lãnh thổ nước này.

Tư lệnh Mỹ ở Trung Đông bí mật đến Syria

Tướng Votel đến Syria để kiểm tra tình hình binh sĩ Mỹ và có đánh giá về cuộc chiến chống IS. Tháp tùng ông có nhà báo của AP và hai hãng tin lớn.

Ngày 21-5, Tướng Lục quân Joseph Votel - Tư lệnh quân đội Mỹ ở Trung Đông đã bí mật đến Syria, theo hãng tin AP (Mỹ).

 Tháp tùng Tướng Votel đến Syria gồm có nhà báo của AP và hai hãng tin lớn khác. Nơi đến cụ thể của Tướng Joseph Votel không được tiết lộ vì lý do an ninh, cho đến sau khi ông rời khỏi Syria cùng ngày.

Máy bay chở Tướng Votel cùng báo chí hạ cánh xuống một khu trại của các binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ huấn luyện các tay súng Ả Rập tại Syria, cách nơi đang xảy ra giao tranh gần nhất khoảng 80 km. Sau đó, Tướng Votel đã tách khỏi báo chí đi thăm một số địa điểm bí mật ở Syria, sau đó quay lại khu trại và rời khỏi Syria.

Tại Syria, tướng Joseph Votel gặp mặt các binh sĩ Mỹ, nói về việc củng cố hợp tác với các nhóm dân quân người Ả Rập và người Kurd ở Syria chống IS. Mỹ đang có khoảng 200 binh sĩ tại Syria. Ngày trước đó Tướng Joseph Votel đến Iraq và đã có cuộc gặp với các tư lệnh Mỹ và Iraq.

tuong votel tra loi bao chi tai mot dia diem bi mat o syria ngay 21-5. (anh: ap)

Tướng Votel trả lời báo chí tại một địa điểm bí mật ở Syria ngày 21-5. (Ảnh: AP)

Trả lời phỏng vấn báo chí tại Syria sau khi đến đây 11 tiếng, tướng Votel cho biết ông thấy mình có trách nhiệm phải vào vùng chiến tranh Syria để kiểm tra tình hình binh sĩ và có đánh giá về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

“Tôi chịu trách nhiệm về nhiệm vụ này, tôi chịu trách nhiệm với các binh sĩ đã được gửi đến Syria. Vì thế tôi cần thiết phải đến để đánh giá và chia sẻ những rủi ro họ đang phải đối mặt.”

Mỹ đang nỗ lực huấn luyện các tay súng Ả Rập để chiếm lại TP Raqqa - căn cứ địa của IS tại Syria. Theo tướng Votel, chuyến thăm củng cố niềm tin rằng Mỹ đã và đang đi đúng hướng trong việc phát triển các lực lượng địa phương chống IS.

Tướng Votel nói ông cho phép báo chí tháp tùng vì “Chúng tôi không có gì phải giấu. Tôi không muốn mọi người phải đồn đoán xung quanh lý do tại sao. Người Mỹ có quyền biết được những gì quân nhân Mỹ làm ở Syria.”

Tướng Votel chỉ mới nhậm chức Tư lệnh Mỹ ở Trung Đông 7 tuần trước, là tướng quân đội cấp cao nhất của Mỹ trước nay đến Syria kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống IS năm 2014.

Theo AP, điều này khá khác thường vì Mỹ không có đơn vị chiến đấu nào ở Syria, không có quan hệ ngoại giao với Syria và hoạt động của quân đội Mỹ ở Syria luôn được giữ kín trong 2 năm qua.

Trước ông Votel, quan chức cấp cao Mỹ tới Syria gần đây nhất là ông Brett McGurk, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Obama tại liên quân chống IS do Mỹ lãnh đạo.


Châu Á- TBD theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững

Giới chức cấp cao nhiều châu Á - Thái Bình Dương khẳng định theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuyên bố ngày 22/5 của Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết kết thúc kỳ họp lần thứ 27 kéo dài 5 ngày vừa qua, Ủy ban kinh tế​-xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc đã phê chuẩn nghị quyết về phát triển kinh tế biển và khai thác bền vững các nguồn lực đai dương. Đại diện và các phái đoàn 53 nước tham dự kỳ họp đã thảo luận về hợp tác và hội nhập khu vực, xem xét các thách thức mà châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững. 

Trong những năm gần đây, châu Á-Thái Bình Dương nổi lên là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, tuy nhiên tốc độ phát triển nóng này đang kéo theo sự mất cân bằng xã hội, kinh tế, gây ảnh hưởng đến môi trường… Khu vực hiện được xem là dẫn đầu thế giới về thương mại và phát triển và đang tập trung hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong lộ trình thực hiện từ năm 2016 đến 2030, với cơ cấu: đa lĩnh vực, đa ngành nghề, đa dạng hóa các tổ chức thực hiện. 

SDGs là chương trình toàn diện được lãnh đạo các nước trên thế giới cam kết ủng hộ nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo và cho phép người dân được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản. Đây là một cơ hội chưa từng có để các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn phát triển tích hợp, đảm bảo phát triển cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường bền vững. 

Việc tập trung phát triển bền vững vào thời điểm này đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương là rất cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại, khoảng cách xã hội gia tăng, hiện vẫn có hơn 1,4 tỷ người phải sống trong cảnh nghèo đói, thiếu nước sạch, không có điện sinh hoạt và hàng loại nguy cơ khác trong cuộc sống. 

Theo các chuyên gia, để thực hiện được chương trình SDGs cần có một nguồn kinh phí đáng kể. Các nước châu Á-Thái Bình Dương cần đầu tư khoảng 2.500 tỷ USD/năm để phát triển cơ sở hạ tầng, đả bảo các nhu cầu về y tế, giáo dục, an sinh xã hội cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Việc tìm kiếm các nguồn tài chính không chỉ tập trung vào các chính phủ mà còn từ các doanh nghiệp tư nhân. Việc triển khai nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng cần phải được quan tâm, thúc đẩy. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã đầu tư hơn 650 tỷ USD vào nghiên cứu khoa học-công nghệ. 

Mặt khác, các nước châu Á-Thái Bình Dương cũng cần có cách tiếp cận tích hợp, quan tâm hơn đến việc cải thiện khả năng quản lý. Cần phải có sự hợp tác phát triển đa phương - không chỉ ở cấp quốc gia, giữa các bang và chính quyền địa phương với các thành phố, mà còn hợp tác trong khu vực và trên toàn cầu, đồng thời củng cố các tổ chức tài chính để tập trung các nguồn lực cho sự phát triển.

Chương trình SDGs của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang được ESCAP đặc biệt quan tâm. Năm 2014, ESCAP đã khai mạc Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện chương trình này đang được quan tâm đẩy mạnh để đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành hiện thực. Theo kế hoạch, trong năm 2016, Diễn đàn sẽ thảo luận về cách thức cụ thể thực hiện SDGs đối với các nước thành viên.

IS kêu gọi tấn công phương Tây trong tháng Ramadan

Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm nay tung ra đoạn băng ghi âm được cho là từ phát ngôn viên Abu Mohammed al-Adnani, kêu gọi tổ chức thêm các cuộc tấn công vào phương Tây.
phien quan nha nuoc hoi giao (is). anh: news4jax

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Ảnh: news4jax

Theo CNN, đoạn ghi âm thúc giục những người ủng hộ tiến hành các vụ tấn công trong suốt tháng Hồi giáo Ramadan bắt đầu vào đầu tháng 6 tới.

Thông điệp dài nửa giờ bằng tiếng Arab này thừa nhận những thiệt hại của IS thời gian qua nhưng khẳng định nhóm cực đoan vẫn sẽ thắng thế về lâu dài.

Nó được phát đi hai ngày sau khi chuyến bay MS804 của EgyptAir rơi ở Địa Trung Hải với các chuyên gia nghi ngờ do bị tấn công khủng bố, nhưng đoạn ghi âm không đề cập gì đến thảm kịch này.

Các nhà điều tra không phát hiện nguy cơ an ninh nào liên quan đến tổ bay hay các hành khách. Giới chức tuyên bố không loại trừ giả thiết nào.

Lời kêu gọi trên được đưa ra theo sau các cuộc tấn công lấy cảm hứng từ IS nhằm vào các mục tiêu phương Tây, từ Brussels, Bỉ, đến San Bernardino, Mỹ, cho thấy phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng lớn của IS.

Từ khi tuyên bố thành lập vào tháng 6/2014, IS đã tiến hành hoặc kích động ít nhất 90 vụ tấn công khủng bố ở 21 nước ngoài Iraq và Syria, làm ít nhất 1.390 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương.


Ông Obama trách Nga thiếu quan tâm trong vấn đề giải trừ hạt nhân

Trả lời phỏng vấn NHK, Tổng thống Mỹ Obama trách Nga "thiếu quan tâm" trong vấn đề giải trừ hạt nhân.

tong thong my barack obama. anh: ap

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP

"Nga tỏ ra thiếu quan tâm trong công việc giải trừ vũ khí hạt nhân" là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình NHK (Nhật Bản) trước chuyến thăm chính thức Nhật Bản, nơi sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ngày 26-27/5.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhắc  rằng trong thời gian ông làm Tổng thống Mỹ, nước này đã ký kết với Nga bản Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công (START-3), văn kiện cho phép cắt giảm tiềm năng hạt nhân của cả hai nước. 

"Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đi xa hơn trong việc giảm thiểu vũ khí, thế nhưng cho đến nay Nga vẫn không thể hiện quan tâm đầy đủ để làm được nhiều hơn", ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ cũng khẳng định sẽ không xin lỗi về vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima. "Mỗi nhà lãnh đạo đều thông qua những quyết định rất khó khăn, đặc biệt là trong thời chiến", ông Obama nhấn mạnh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục