Khi Mỹ chuẩn bị tăng cường không kích IS tại Syria, các đồng minh Arab từng biểu thị sự ủng hộ lớn nay dường như đã kém hào hứng và dần biến mất khỏi chiến dịch.
Tin thế giới đọc nhanh 12-11-2015
- Cập nhật : 12/11/2015
Mỹ muốn thảo luận về Biển Đông bên lề APEC
Các tàu Trung Quốc đang bồi đắp trái phép tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thường chỉ bàn về các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông có thể sẽ được đưa ra thảo luận bên lề APEC nếu nó không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm qua nói.
APEC dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 19/11 tại thủ đô Manila, Philippines. Trung Quốc trước đó thông báo nước này không biết có bất cứ kế hoạch thảo luận về Biển Đông nào tại APEC.
"Mọi người đều biết APEC chủ yếu thảo luận về hợp tác thương mại và tài chính ở châu Á - Thái Bình Dương", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông nói. Theo ông Lý, APEC năm nay "không có kế hoạch" bàn về Biển Đông.
Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, hôm qua cho biết Manila cũng sẽ không nêu vấn đề Biển Đông ra APEC do nó có liên quan đến vụ kiện "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc tại tòa Trọng tài Thường trực (PCA) và APEC "không phải diễn đàn thích hợp".
Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA ở The Hague, Hà Lan, từ tháng 1/2013 nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế. Bắc Kinh tuyên bố không công nhận quyền của tòa PCA và không tham gia vụ kiện.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua tới Philippines để thảo luận về công tác chuẩn bị cho hoạt động của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC. Ông Vương nói với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario rằng Trung Quốc muốn đưa quan hệ song phương về hướng ổn định và lành mạnh hơn bởi căng thẳng giữa hai nước hiện nay không phù hợp với lợi ích mỗi bên.
Cánh cửa đối thoại của Trung Quốc luôn rộng mở và Bắc Kinh hy vọng hai bên sẽ tìm ra giải pháp sớm nhất có thể, ông Vương cho biết thêm.
Tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 đối tác (ADMM+) tuần trước với sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc, các nước đã không ra được tuyên bố chung vì không thể nhất trí có đề cập đến tranh chấp Biển Đông hay không. Bắc Kinh được cho là đã vận động hành lang để không đề cập đến vấn đề, trong khi Mỹ cho rằng thà không có tuyên bố chung còn hơn là không nhắc đến Biển Đông.
Malaysia để ngỏ khả năng rút khỏi TPP
Trong văn kiện đàm phán bổ sung gửi cho phía Mỹ sau khi công bố toàn văn Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), giới chức Malaysia cho biết vẫn để ngỏ khả năng rút khỏi hiệp định này.
Tờ World Trade Online dẫn lời Bộ trưởng Thương mại MalaysiaMustapa Mohamed ngày 6/11 cho biết Malaysia có thể sẽ không phê chuẩn thỏa thuận cuối cùng của TPP. Tuyên bố này được nêu trong văn kiện đàm phán bổ sung gửi phía Mỹ liên quan đến các yêu cầu về chỉ dẫn địa lý khi tham gia TPP.
Mỹ cũng đã ký kết các văn kiện tương tự với Chile, Mexico và Việt Nam. Các quốc gia này đều cam kết tuân thủ các quy định về chỉ dẫn địa lý theo các thỏa thuận quốc tế từ thời điểm TPP được ký kết cho tới khi bắt đầu có hiệu lực.
Ngược lại, phía Malaysia vẫn để ngỏ khả năng sẽ không phê chuẩn TPP.
“Malaysia và Mỹ xác nhận thỏa thuận chung rằng kể từ thời điểm ký kết Hiệp định TPP cho đến khi có hiệu lực hoặc cho tới khi các bên nêu rõ ý định sẽ không trở thành thành viên của TPP, chính phủ mỗi bên cam kết sẽ không làm ảnh hưởng đến mục đích và mục tiêu của thỏa thuận TPP, trong đó bao gồm Điều 18.36 (Thỏa thuận quốc tế),” ông Mohamed viết trong văn kiện đàm phán bổ sung.
Từ lâu, giới quan sát đã đồn đoán nhiều khả năng Malaysia có thể sẽ không gia nhập TPP mặc dù được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều thứ 2 sau Việt Nam.
Cụ thể, theo Credit Suisse, Hiệp định TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10% vào năm 2025, trong khi kinh tế Malaysia có thể tăng thêm 5%.
Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington DC mới đây cũng cho rằng TPP sẽ đóng góp nhiều nhất cho kinh tế Việt Nam và tiếp theo là Malaysia.
"Malaysia đang nằm trong khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh. Để trở thành một quốc gia thương mại mạnh mẽ hơn, cần phải có nhiều vốn nước ngoài”, theo chuyên gia của Viện Kinh tế quốc tế Peterson.
Putin muốn sản xuất vũ khí xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc gặp về ngành công nghiệp quốc phòng tổ chức ở thành phố Sochi ngày 10/11. Ảnh: Reuters.
"Như đã nói nhiều lần, chúng ta sẽ tập trung... vào các hệ thống tấn công có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa", AFP dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc gặp chính phủ về ngành công nghiệp quốc phòng tổ chức ở thành phố Sochi.
Tổng thống Putin cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng vỏ bọc "đối phó các mối đe dọa tên lửa hạt nhân từ Iran và Triều Tiên" để thiết lập một hệ thống phòng thủ với "mục đích thực sự" là "vô hiệu hóa khả năng hạt nhân chiến lược của Nga".
Nhà lãnh đạo Nga còn cam kết sẽ "có biện pháp đáp trả cần thiết bằng cách tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa".
Theo RT, trong ba năm qua, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã chế tạo và thử nghiệm thành công nhiều loại vũ khí hứa hẹn có thể đối phó với hệ thống phòng thử tên lửa đa tầng. Tổng thống Putin hồi tháng 6 tuyên bố Nga sẽ bổ sung thêm 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới vào kho vũ khí hạt nhân.
NATO trong tháng 5 chỉ trích Moscow liên quan đến kế hoạch điều các tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân tới Kaliningrad, khu vực thuộc Nga nằm giữa Litva và Ba Lan, và việc nước này gia tăng số chuyến bay của máy bay ném bom. 9 nước thành viên NATO tháng trước đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis gắn trên tàu trong một cuộc tập trận ngoài khơi Scotland.
1.800 người ở Đức sơ tán vì bị dọa đánh bom
Một trụ sở của Microsoft đặt tại khu Lohhof, cách thành phố Munich 19 km về phía bắc, nhận được cuộc gọi dọa đánh bom vào khoảng 12h06, tờ báo Đức Suddeutsche đưa tin.
Toàn bộ khoảng 1.800 nhân viên đang làm việc lập tức được sơ tán khỏi tòa nhà. Cảnh sát Đức sử dụng chó nghiệp vụ để truy tìm chất nổ nếu có bên trong trụ sở Microsoft.
Cảnh sát sau đó kết luận lời đe dọa là giả và cho phép nhân viên Microsoft quay trở lại làm việc.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt 18 nghi phạm khủng bố trước thềm hội nghị G20
18 nghi phạm bị bắt gồm hai phụ nữ và một nhóm người vượt biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị thương trong giao tranh ở quốc gia láng giềng Syria,Hurriyet Daily News đưa tin.
Cảnh sát nghi những người này đang tuyển mộ phiến quân cho Mặt trận Nusra, có liên hệ với al-Qaeda. Mặt trận Nusra ở Syria được Mỹ liệt kê là một nhóm khủng bố.
Vụ việc diễn ra chỉ vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) bắt đầu. Hội nghị G20 kéo dài trong hai ngày 15 và 16/11 tại Antalya, thành phố bên bờ Địa Trung Hải, cách biên giới với Syria khoảng 800 km. Hội nghị có sự tham gia của nhiều lãnh đạo thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm nay cam kết sẽ đáp trả bằng không kích và tấn công trên bộ đối với mọi nguy cơ từ Syria. Ông thông báo đã cùng thảo luận với Tổng thống Obama về sự cần thiết có một chiến lược mới đối với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).