Trên tàu ngầm hạt nhân tối tân của Mỹ, các binh sĩ hối hả luyện tập tình huống bám theo tàu Trung Quốc, tại những tuyến đường tấp nập giả định giống như Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 11-11-2015
- Cập nhật : 11/11/2015
Chủ tịch Trung Quốc dự APEC giữa căng thẳng Biển Đông
Ngày 10-11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ dự hội nghị APEC ở Philippines vào tuần tới trong thời điểm căng thẳng Biển Đông đang leo thang vì các hành vi gây hấn của Bắc Kinh.
Hội nghị APEC sẽ diễn ra tại Manila từ ngày 17 đến 19-11. Trong những ngày qua, căng thẳng trên Biển Đông liên tục leo thang do các chính sách khiêu khích của Trung Quốc. Mới đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không có kế hoạch thảo luận vấn đề Biển Đông ở APEC.
Tuy nhiên quan chức các nước và giới chuyên gia quốc tế đánh giá Biển Đông sẽ là một vấn đề nóng ở APEC sau hàng loạt động thái gây hấn của Trung Quốc thời gian qua. Tuần trước, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng đã không thể ra tuyên bố chung do Bắc Kinh phản đối đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Khi tới thăm Singapore mới đây, ông Tập lại gây xôn xao và bức xúc khi tuyên bố rằng Biển Đông “thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại”. Chính quyền Trung Quốc cũng tỏ ra “cay cú” với việc Tòa án Trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) xác định có thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện đòi hỏi chủ quyền vô lý “đường lưỡi bò”.
Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ đến Philippines trong hôm nay để thảo luận chuyến thăm của ông Tập và tìm cách cải thiện quan hệ Bắc Kinh - Manila đang căng thẳng. “Quan hệ Trung - Philippines đang gặp khó khăn” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận.
Tuy nhiên phía Bắc Kinh đổ lỗi rằng Manila phải có trách nhiệm cải thiện quan hệ song phương. Trên thực tế, không chỉ vì hành vi xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông của Trung Quốc, quan hệ Bắc Kinh - Manila đổ vỡ nghiêm trọng kể từ khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines hồi năm 2012.
Manila mô tả hành vi của Bắc Kinh là “bắt nạt” và “đạo đức giả”. Thời gian qua Philippines nỗ lực tăng cường quan hệ với Mỹ và Nhật để đối phó với các hành vi bắt nạt của Trung Quốc. Và trong khu vực không chỉ có Philippines lo ngại.
Malaysia dù có quan hệ kinh tế - thương mại rất thân cận với Trung Quốc nhưng cũng đã bắt đầu công khai chỉ trích những đòi hỏi chủ quyền vô lý và bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo nguồn tin VOA, trong bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị ASEAN, sẽ được tổ chức tại Kuala Lumpur ngày 21-11, ASEAN kêu gọi sớm thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
ASEAN kêu gọi các nước phải bảo vệ hòa bình, ổn định, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Nhưng bất chấp dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện các hành vi gây hấn trên Biển Đông.
Theo truyền thông Trung Quốc, quân đội nước này vừa triển khai nhiều máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-11BH tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đó báo chí cũng đưa tin loại máy bay này đã tập trận với tên lửa trên Biển Đông.
2 tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận Nhật Bản
Tờ The Mainichi cho biết 2 tàu tuần tra này đã đi quanh quần đảo Sensaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp rồi sau đó rời đi sau khoảng một giờ rưỡi.
Các cơ quan truyền thông Nhật Bản cho hay vụ việc xảy ra vào khoảng 10g30 sáng 9-11 (theo giờ địa phương).
Trước đó vào ngày 24-10, Trung Quốc cũng có hành động tương tự khi đưa nhiều tàu thủy đến xâm nhập vùng biển Nhật Bản, nơi có các đảo đang tranh chấp với Trung Quốc và Đài Loan.
Vụ việc chỉ xảy ra vài ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Lý Khắc Cường đạt được thỏa thuận tái thiết lập các cuộc đàm phán song phương cấp cao vào năm tới.
Đây được cho là hoạt động thường niên giữa hai bên, từng bị tạm ngừng từ năm 2010 vì tranh chấp lãnh thổ trên biển.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa khoảng 400km về phía tây.
Hiện quần đảo này đang do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay xâm nhập.
Thái Lan - Trung Quốc lần đầu tiên tập trận không quân chung
Tờ Washington Post ngày 10-11 cho biết Trung Quốc và Thái Lan sẽ tiến hành cuộc tập trận mang tên Falcon Strike (Chim ưng tấn công) vào thứ Năm tuần này (12-11).
Cuộc tập trận Falcon Strike sẽ kéo dài trong hơn hai tuần tại căn cứ không quân Hoàng gia Thái Lan ở TP Korat.
Nhật tiến gần Mỹ trên biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sắp có cuộc hội đàm với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên biển Đông.
Thông tin trên được báo Japan Times của Nhật Bản dẫn nguồn tin chính phủ tiết lộ ngày 10-11. Theo đó, ông Nakatani sẽ bày tỏ sự ủng hộ của Tokyo đối với các hoạt động của hải quân Mỹ trên biển Đông. Dư luận Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm tới vấn đề Washington có thể đề nghị Tokyo tham gia tuần tra chung trên biển Đông.
Về cuộc tuần tra của chiến hạm Mỹ USS Lassen quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông hôm 27-10, cuộc thăm dò gần đây của báo Yomiuri (Nhật Bản) cho thấy có tới 81% người được hỏi tán thành. Trong cuộc khảo sát công bố ngày 10-11 của đài NHK, 61% người được hỏi đánh giá việc Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ động thái trên của Mỹ là hợp lý.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Manila hôm 10-11 Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, hãng tin JiJi (Nhật Bản) đưa tin Thủ tướng Shinzo Abe dự định tái xác nhận quan hệ hợp tác gần gũi về tình hình biển Đông trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thủ tướng Nhật cũng sẵn sàng thảo luận thẳng thắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các cuộc gặp song phương tương tự.
Các cuộc gặp kể trên đang được chính phủ Nhật Bản sắp xếp để diễn ra bên lề hàng loạt hội nghị quốc tế quan trọng trong tháng này, bao gồm G20 (từ ngày 15 đến 16-11 tại Thổ Nhĩ Kỳ), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC, từ ngày 17 đến 19-11 tại Philippines) và Thượng đỉnh Đông Á (từ ngày 21 đến 22-11 ở Malaysia).
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ dự hội nghị cấp cao APEC. Để chuẩn bị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên đường tới Philippines ngày 10-11. Đây cũng là chuyến thăm Manila đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc trong những năm căng thẳng vì vấn đề biển Đông gần đây.
Trong khi giới quan sát chờ đợi biển Đông một lần nữa sẽ làm nóng APEC thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 10-11 tuyên bố Manila và Bắc Kinh nhất trí không thảo luận vấn đề này tại hội nghị.
Trung Quốc: Thêm một con hổ sa lưới
Phó Thị trưởng thành phố Thượng Hải, quan chức chịu trách nhiệm khu thương mại tự do, ông Nghệ Bảo Tuấn, đang bị điều tra vì tình nghi nhận hối lộ - theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ủy ban trên đã không cung cấp thêm chi tiết về cuộc điều tra ông Nghệ, quan chức cấp cao nhất trong lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành sau khi lên nắm quyền khoảng 3 năm trước.
Ông Nghệ là người tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc Trung Quốc, làm Phó Thị trưởng Thượng Hải từ tháng 12-2007.
Ông đứng đầu ủy ban điều hành khu thương mại tự do Thượng Hải từ khi bắt đầu hoạt động hồi tháng 9-2013.
Trước khi bước vào chính trường, ông Nghệ từng là giáo sư đại học và sau đó làm tổng giám đốc Tập đoàn Baosteel, nhà sản xuất thép lớn thứ hai Trung Quốc.
Ông Nghệ cũng là quan chức cao cấp nhất Thượng Hải bị điều tra tội tham nhũng kể từ khi Bí thư Thành ủy Trần Lương Vũ bị kết án 18 năm tù giam vì tội nhận hối lộ năm 2008.
Ông Đới Hải Ba, Phó Tổng Thư ký chính quyền Thượng Hải và là phó ban điều hành khu thương mại tự do Thượng Hải, cũng đã mất chức trong năm nay sau khi bị điều tra về tội tham nhũng