Làng Jung Myeon (Hàn Quốc) nhỏ bé và hiu quạnh là nơi có thể cảm nhận rõ nhất mọi xung đột, căng thẳng giữa hai miền.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 11-04-2016
- Cập nhật : 11/04/2016
Tổng thống Obama thú nhận "sai lầm tồi tệ nhất"
Trong năm cuối cùng tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành phần lớn thời gian nhấn mạnh về những thành tích mà ông đạt được kể từ năm 2008.
"Có thể là thất bại trong việc lên kế hoạch cho điều mà tôi cho là đúng đắn trong việc can thiệp vào Lybia" – ông Obama cho biết.
Sự can thiệp của Mỹ vào Lybia khiến nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ, cũng như đẩy đất nước này vào tình trạng hỗn loạn. Cả ông Obama và Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton lập luận rằng việc loại bỏ ông Gaddafi không phải là nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn mà là do tình trạng thiếu vắng một chính phủ ổn định những ngày sau đó.
Nắm bắt thời cơ này, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã có thể"vươn vòi" sang Lybia.
"Đó là bài học mà giờ đây tôi đã rút ra khi được yêu cầu can thiệp quân sự. Liệu chúng ta đã có kế hoạch cho những ngày sau đó chưa?" – ông Obama trả lời trong một buổi phỏng vấn khác với BBC 2 tuần trước.
Về câu hỏi thành tựu lớn nhất đã đạt được, ông Obama tin rằng đó là những bước đi của mình ngay sau khi nhậm chức sau đợt suy thoái năm 2008, "cứu nền kinh tế khỏi một cuộc Đại khủng hoảng".
Mỹ cảnh báo nguy cơ gây nhiễu tín hiệu GPS của Triều Tiên
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 11/4 đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã đưa ra một thông báo cảnh báo các phương tiện giao thông qua lại tại các khu vực gần Bán đảo Triều Tiên về nguy cơ của các hoạt động gây nhiễu của Triều Tiên đối với tín hiệu của hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
Bản tin của Yonhap trích dẫn thông báo trên có đoạn viết: "Một loạt các vụ việc đã được ghi nhận tại khu vực Incheon của Hàn Quốc và các tỉnh lân cận là Gyeonggi và Gangwon... Bản chất của sự việc dường như là tình trạng gây nhiễu cho GPS xuất phát từ việc CHDCND Triều Tiên gây rối loạn tín hiệu cho máy bay và tàu thuyền trong khu vực này."
Thông báo lưu ý những người điều khiển phương tiện cần cẩn thận khi đi qua khu vực trên và cần phải báo lại với giới chức khi bị ảnh hưởng.
Nhiều quan chức của Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã gia tăng gây nhiễu cho tín hiệu GPS trong khoảng một tuần, đồng thời nhận định rằng mặc dù đợt hoạt động này đã chấm dứt ngày 6/4 vừa qua nhưng Triều Tiên có thể nối lại trong thời gian tới.
Một số máy bay và tàu thuyền đã bị ảnh hưởng bởi hoạt động trên nhưng đến nay chưa có thiệt hại đáng kể nào được ghi nhận.
Hồ sơ Panama: Các Thủ tướng của Malta và Pakistan bị ép từ chức
Ngày 10/4, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập tại một quảng trường lớn ở thủ đô của Malta và yêu cầu Thủ tướng Joseph Muscat từ chứ
Hiện Thủ tướng Muscat chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào về lời kêu gọi ông từ chức của những người biểu tình.
Cuộc biểu tình này được tổ chức bởi phe đối lập ngay bên ngoài Văn phòng Thủ tướng.
Trước đó, Thủ tướng Muscat cho biết ông sẽ đưa ra quyết định về tương lai của Bộ trưởng Y tế và Năng lượng Konrad Mizzi và Chánh Văn phòng Thủ tướng Keith Schembri sau khi ông thu thập được toàn bộ thông tin liên quan và dựa trên ý kiến của dư luận.
Trong một diễn biến liên quan tới vụ Hồ sơ Panama, ngày 10/4, Thủ lĩnh phe đối lập ở Pakistan, ông Imran Khan, đã kêu gọi Thủ tướng nước này, ông Nawaz Sharif, từ chức vì những thông tin rò rỉ trong Hồ sơ Panama.
Theo những thông tin này, các con trai của nhà lãnh đạo này hiện là chủ của một vài công ty "bình phong."
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở tư dinh tại thủ đô Islamabad, ông Khan cảnh báo sẽ tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài nhà riêng của ông Sharif ở phía Đông thành phố Lahore nếu ông không từ chức. Tuy nhiên, ông Khan không đưa ra thời gian cụ thể tiến hành cuộc biểu tình này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Pervaiz Rashid đã bác bỏ yêu cầu của ông Khan, đồng thời khẳng định Thủ tướng Sharif sẽ không từ chức vì "những cáo buộc vô căn cứ".
Công ty Mossack Fonseca lợi dụng ICRC để rửa tiền
Công ty luật Mossack Fonseca (MF) đã lợi dụng tên tuổi một số tổ chức cứu trợ quốc tế để che giấu những hành vi rửa tiền, trốn thuế của các công ty ma.
Cảnh sát dân sự El Salvador phong tỏa văn phòng Công ty luật Mossack Fonseca ở San Salvador phục vụ công tác điều tra ngày 8/4. Ảnh: AFP/ TTXVN
Truyền thông Đức ngày 10/4 đưa tin, công ty luật Mossack Fonseca (MF) đã lợi dụng tên tuổi một số tổ chức cứu trợ quốc tế để che giấu những hành vi rửa tiền, trốn thuế của các công ty ma.
Kênh truyền hình Đức ARD và "Nhật báo Chủ Nhật (Sonntagszeitung)" của Thụy Sĩ ngày 10/4 cho biết, trong vụ bê bối "Hồ sơ Panama", công ty MF đã lợi dụng danh tiếng của một số tổ chức quốc tế như như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để che giấu cho hoạt động phạm pháp của các công ty ma. Theo hai nguồn trên, công ty MF đã thành lập ít nhất hai quỹ riêng để che đậy hoạt động chuyển tiền cho ICRC mà uỷ ban này thực tế cũng không hề được thông báo. Hai quỹ này bao gồm "Quỹ niềm tin (Faith Foundation)" và "Quỹ anh em (Brotherhood Foundation)" được điều hành bởi các chủ sở hữu giả mạo của hàng trăm công ty ma mà thực chất là khách hàng của MF.
Trong khi công ty MF coi ICRC là bên tiếp nhận lợi ích từ các quỹ, song tiền không bao giờ đến tay tổ chức chữ thập đỏ này. Để làm được điều đó, MF đã lợi dụng lỗ hổng trong luật xã hội của Panama, quy định bên được hưởng lợi từ các quỹ không được cung cấp thông tin. Tuy nhiên, khi các ngân hàng hỏi về quan hệ của chủ sở hữu các quỹ thì MF đã chuẩn bị sẵn một giấy chứng nhận, trong đó xác nhận bên hưởng lợi là ICRC. Do vậy, với chiêu thức trên, chủ sở hữu thực sự của các công ty ma có tài khoản ngân hàng luôn được giữ trong bóng tối.
Theo các nhà điều tra, vụ "Hồ sơ Panama" còn liên quan tới nhiều tổ chức cứu trợ bị lạm dụng tên tuổi, trong đó có cả tổ chức bảo vệ thiên nhiên WWF và UNICEF.
Đại tá tình báo Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc
Một đại tá của Triều Tiên, phụ trách hoạt động tình báo, đã đào tẩu sang Hàn Quốc hồi năm 2015.
Binh sĩ Hàn Quốc dựng rào chắn trên tuyến đường dẫn tới khu công nghiệp Kaesong tại thành phố biên giới Paju của Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng thông tấn Yonhap, nguồn tin yêu cầu giấu tên trên được dẫn lời nói: “ Đây là quân nhân cao cấp nhất chạy sang Hàn Quốc và có thể được coi là một nhân vật sáng giá trong số những người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc. Ông ta được cho là đã khai báo với giới chức sở tại các chi tiết liên quan đến hoạt động chống Hàn Quốc của Tổng cục Trinh sát Triều Tiên”. Tên của người đào tẩu cũng không được tiết lộ.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hiện ở nước này có hơn 28.000 người Triều Tiên đào tẩu, trong đó con số của năm ngoái là khoảng 1.280 người. Tuần trước, một nhóm gồm 13 người Triều Tiên làm việc tại một nhà hàng ở nước ngoài đã cùng nhau đào tẩu sang Hàn Quốc.