tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 11-01-2016

  • Cập nhật : 11/01/2016

Mỹ chê các cuộc không kích Nga ở Syria "thiếu chính xác"

Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên hôm 9-1 cho biết chỉ 1/3 số vụ không kích của Nga ở Syria là nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Phát biểu với các phóng viên tại Brussels - Bỉ, quan chức này cho biết trong số hơn 5.000 cuộc không kích của Nga ở Syria kể từ khi chiến dịch bắt đầu hôm 30-9-2015, khoảng 70% cuộc nhằm vào những lực lượng phiến quân đang tìm cách lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.

"Chúng tôi không tin vào ý định (chống khủng bố) của Nga (ở Syria). Trong một khoảng thời gian, rất ít cuộc không kích của họ nhằm vào IS. Sau khi dư luận phản ứng, họ mớ gia tăng số lượng cuộc không kích loại này" - quan chức trên cho biết.

Nga trước đó cho biết chiến dịch không kích nói trên được tiến hành để giúp đồng minh Assad đánh bại IS và những nhóm vũ trang khác.

hien truong mot vu khong kich duoc cho la do nga gay ra o thi tran anha, tinh idlib - syria vao cuoi thang 11-2015. anh: reuters

Hiện trường một vụ không kích đuôc cho là do Nga gây ra ở thị trấn Anha, tỉnh Idlib - Syria vào cuối tháng 11-2015. Ảnh: Reuters

Cũng theo quan chức Mỹ nói trên, Moscow sử dụng loại đạn dược được điều khiển chính xác với số lượng không nhiều như lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu trong chiến dịch ở Syria. Vì thế, những cuộc không kích "thiếu chính xác" của Nga đang buộc người dân chạy khỏi Syria, từ đó thúc đẩy cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu.

"Sự thiếu chính xác của các cuộc không kích của Nga gây nhiều lo ngại vì điều này có liên quan gián tiếp đến dòng người tị nạn (sang châu Âu)" - quan chức này nhận định.

Cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011 và cho đến giờ đã khiến 4,4 triệu người chạy sang những nước láng giềng. Tại đó, nhiều người trong số này đã tìm cách di cư đến châu Âu. .


Vì sao không thể xem nhẹ sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên

Cho dù chưa thể kiểm chứng tuyên bố thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, đây vẫn là hồi chuông cảnh báo về sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng.
nguoi dan binh nhuong theo doi ban tin cong bo vu thu bom nhiet hach. anh:reuters

Người dân Bình Nhưỡng theo dõi bản tin công bố vụ thử bom nhiệt hạch. Ảnh:Reuters

Theo CSM, tuyên bố thử bom nhiệt hạch hôm 6/1 của Triều Tiên - cho dù cường độ và bản chất của thiết bị nổ thực sự được sử dụng là gì - là lời nhắc nhở mới nhất rằng chính quyền Bình Nhưỡng đang tiếp tục phớt lờ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn tham vọng nguyên tử của nước này. Đồng thời, nó cũng cho thấy, không thể phủ nhận khả năng nước này trở thành quốc gia sở hữu năng lực hạt nhân, bất chấp những khó khăn trong tiếp cận công nghệ.

Sự đối lập là rất rõ ràng. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như xem vũ khí hạt nhân là công cụ đảm bảo cho sự tồn vong của chính quyền. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới, có lẽ còn bao gồm cả đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc, lại xem đó như trở lực, đang kéo lùi người dân nước này vào cô lập và nghèo đói.

Xét về mặt phát triển hạt nhân, hiện chưa hoàn toàn rõ loại thiết bị hạt nhân nào đã được Triều Tiên kích nổ tại khu thử nghiệm Punggye-ri. Bình Nhưỡng khẳng định đó là một quả bom nhiệt hạch, trong khi hầu hết các chuyên gia phương Tây lại hoài nghi. Cường độ của vụ nổ không thích hợp với cường độ của một vụ thử bom nhiệt hạch thành công.

Các phân tích dữ liệu ban đầu của chính phủ Mỹ cho thấy vụ thử "không phù hợp" với một quả bom nhiệt hạch, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết.

Với Mỹ, "bom nhiệt hạch" có nghĩa là một loại vũ khí phân hạch và tổng hợp hạt nhân hai giai đoạn, được phát triển bởi các cường quốc hạt nhân. Loại vũ khí này khó phát triển và sản xuất, nhưng có thể tạo ra uy lực hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kiloton.

Triều Tiên đã không tạo ra một vụ nổ như vậy, hoặc nếu có thì đó là một vụ thử thất bại, David Albright, chuyên gia hạt nhân và là nhà sáng lập Viện Khoa học và An ninh Quốc tế nhận định.

Có khả năng Bình Nhưỡng chỉ đang "tung đòn gió", còn thực chất chỉ sử dụng một thiết bị tương tự như đã từng thử nghiệm trước đây. Ngoài ra cũng có thể nước này đã thử thiết bị nhiệt hạch một giai đoạn, hay còn gọi là một quả bom được tăng cường uy lực.

Bom tăng cường dù có thể mạnh hơn những thiết bị Triều Tiên từng thử nghiệm, vẫn có sức công phá thấp hơn một quả bom nhiệt hạch đúng nghĩa. "Với phương pháp này, sức công phá có thể được tăng thêm nhiều lần", David Albright viết trong một phân tích kỹ thuật về vụ thử vừa qua của Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), Triều Tiên được tin là sở hữu từ 6 - 8 đầu đạn phân hạch sử dụng nhiên liệu plutonium. Ngoài ra, nước này cũng đã triển khai chương trình làm giàu uranium. Nếu Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ sản xuất uranium cấp độ vũ khí, họ có thể có đủ nhiên liệu phân hạch để sản xuất thêm 4 - 8 đầu đạn nữa.

Triều Tiên ngoài ra cũng đang phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa, cho dù kết quả thử nghiệm không hoàn toàn thành công. Gần đây nhất, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, với vụ phóng tên lửa KN-11 hồi tháng 11. "Vụ thử được giới chuyên gia xem như thất bại, bởi tên lửa đã không thể rời khỏi mặt nước", báo cáo của ACA có đoạn viết.

Tuy vậy, một vụ nổ thiết bị hạt nhân, nhất là một thiết bị được tăng cường, vẫn sẽ là một thảm kịch chưa từng có kể từ Thế chiến II, và có thể phá hủy trung tâm một thành phố.

Và đôi khi, một quốc gia hạt nhân đang phát triển có thể còn nguy hiểm hơn một cường quốc hạt nhân hiện hữu, bởi sự lo lắng của họ về an ninh hoặc sức mạnh còn hạn chế của kho vũ khí, có thể khiến các nhà lãnh đạo những quốc gia này đặt vũ khí hạt nhân trong tình trạng sẵn sàng kích hoạt.

"Những quốc gia hạt nhân nhỏ với khả năng hạn chế có thể đẩy một cường quốc hạt nhân hiện hữu vào tình thế rủi ro hơn nhiều so với các cường quốc hạt nhân khác", Anthony Cordesman, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nhận định trong một nghiên cứu mới đây về ý đồ hạt nhân của Triều Tiên.

Vậy thế giới cần phản ứng ra sao? Các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các lệnh trừng phạt quốc tế đã không thể tạo ra hiệu quả mong muốn. Vấn đề lúc này là liệu Mỹ, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc có thể đồng thuận về những hành động mạnh hơn, đủ để khiến Bình Nhưỡng bị tổn thương và thực sự thay đổi hành vi.

"Trong tương lai, mục tiêu phải là hình thành một liên minh quốc tế rộng lớn nhất có thể", Jonathan Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á, Viện Brookings, nhận định. "Liên minh này phải bắt đầu với việc có chung nhận thức rằng sự phát triển và đa dạng hóa chương trình vũ khí của Triều Tiên là mối đe dọa chung, không chỉ với một quốc gia riêng lẻ nào".


Âm mưu đánh bom liều chết tại khách sạn Ai Cập

Một nghi can nhân danh Nhà nước Hồi giáo tự xưng bắn cảnh sát Mỹ.

Ba du khách châu Âu gồm hai người Áo và một người Thụy Điển đã bị thương trong vụ tấn công khách sạn Bella Vista tại TP Hurghada bên bờ biển Đỏ ở Ai Cập.

Bộ Nội vụ Ai Cập thông báo tối 8-1, một toán có vũ trang từ phía biển vào khách sạn Bella Vista tấn công các du khách. Chúng vẫy cờ đen và hô lên “Allah Akbar” (Thượng đế vĩ đại). Cảnh sát trực gác đã nổ súng kịp thời. Hai tên bị tiêu diệt. Tên thứ ba bị bắt. Trên người hắn có đai chất nổ với ý định vào đến khách sạn sẽ kích nổ.

Cảnh sát đã sơ tán khách sạn và phong tỏa khu vực. Đội rà phá bom mìn được điều động. Quân đội đã được triển khai bảo vệ các khu du lịch và các mục tiêu chiến lược ở Hurghada. Sức khỏe ba du khách bị thương ổn định. Ngày 9-1, bộ trưởng Du lịch Ai Cập đã đến thăm họ.

Bãi tắm Hurghada ở Ai Cập rất được du khách ưu chuộng, đặc biệt là du khách đến từ Nga và các nước Đông Âu. Vụ tấn công nêu trên đã gây tổn hại nặng nề đến ngành du lịch Ai Cập vốn đã lao dốc sau sự kiện máy bay dân dụng Nga rơi trên bán đảo Sinai hồi cuối tháng 10-2015 (224 người chết).

Trong khi đó tại TP Philadelphia (Mỹ), tại cuộc họp báo, cảnh sát trưởng TP Richard Ross thông báo gần nửa đêm 7-1 (giờ địa phương), cảnh sát viên Jesse Hartnett, 33 tuổi đang dừng xe tại giao lộ. Một gã đàn ông đột ngột xuất hiện, đi bộ đến gần xe và nổ súng qua cửa sổ xe, thậm chí thò tay qua cửa sổ nã đạn. Hắn bắn tổng cộng 11 phát đạn.

Mặc dù bị trúng ba phát đạn làm gãy tay trái nhưng cảnh sát viên Jesse Hartnett vẫn ra khỏi xe bắn trả và đuổi theo hung thủ. Tên tấn công bị thương, sau đó đã bị bắt. Hình ảnh vụ tấn công đã được máy ghi hình an ninh ghi lại được (ảnh).

Hung thủ tên Edward Archer, 30 tuổi, cư trú ngoại ô Philadelphia. Hắn khai nhận đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng và hành động vì cảnh sát bảo vệ luật pháp đi ngược với đạo Hồi. Theo kết quả điều tra, hung thủ hành động một mình. Khẩu súng ngắn hắn sử dụng là súng của một cảnh sát bị mất cắp tại nhà cách đây hai năm.

Tại Pháp, liên quan đến vụ một tên tấn công cầm dao chặt thịt xông vào văn phòng cảnh sát ở quận 18 (Paris) và bị bắn chết trưa 7-1, AFP đưa tin theo lời khai nhân chứng, hung thủ tên là Tarek Belgacem, người Tunisia chứ không phải tên Sallah Ali như hắn đã tự khai trong lúc bị bắt về tội trộm cắp cách đây ba năm. Lúc hành sự hắn cũng hô lên câu “Allah Akbar”. 


Thách thức đồng minh

Quan hệ đồng minh kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Mỹ và Ả Rập Saudi đang đối mặt sức ép ngày càng lớn khi vương quốc của người Hồi giáo dòng Sunni này khơi mào cuộc “chiến tranh lạnh” với Iran - đối thủ Hồi giáo dòng Shiite hàng đầu trong khu vực.

Diễn biến trên đe dọa đến một loạt sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Trung Đông, từ chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho đến cải thiện quan hệ với Iran. Vấn đề ở đây là những nỗ lực này đều ít nhiều cần đến sự trợ giúp hoặc đồng thuận của Ả Rập Saudi.

Vì thế, một số người xem vụ hành quyết giáo sĩ Shiite Nimr al-Nimr là hành động cố ý nhằm gây khó dễ cho năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama. “Người Saudi muốn chứng tỏ họ có thể thống trị chính trường khu vực” - ông Vali Nasr, một cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định với trang tin Bloomberg.

Ngoài lo ngại về thỏa thuận hạt nhân Iran, Ả Rập Saudi còn không hài lòng khi thấy ưu tiên hàng đầu hiện nay của Mỹ ở Syria là đánh bại IS, không phải lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. “Những mâu thuẫn này càng trở thêm nghiêm trọng bởi người Saudi nghĩ rằng họ không thể dựa vào Mỹ, nhất là khi chính quyền ông Obama ngay từ đầu quyết tâm rút khỏi Trung Đông” - ông James Phillips, một chuyên gia tại tổ chức Heritage Foundation (Mỹ), nhận định.

tong thong my barack obama (phai) tiep quoc vuong a rap saudi salman bin abdulaziz tai nha trang hoi thang 9-2015 anh: abaca press

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tiếp Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz tại Nhà Trắng hồi tháng 9-2015 Ảnh: Abaca Press

Theo lý giải của ông Gregory Gause, thuộc Trường ĐH Texas A&M (Mỹ), tâm trạng trên xuất phát từ bản chất của việc làm đồng minh với một nước mạnh hơn. Người Saudi lâu nay vẫn sợ cả kịch bản “bị bỏ rơi” (Mỹ rút lại sự ủng hộ) và “bị mắc kẹt” (phải chịu những hậu quả từ những sai lầm của Washington ở Trung Đông). Điều này có nghĩa là dù Washington có làm gì thì Riyadh vẫn cứ lo lắng.

Trong quá khứ, khi quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng, Ả Rập Saudi sợ sẽ phải hứng chịu sự trả đũa từ Tehran trong trường hợp Washington tấn công nước này. Trong những năm gần đây, nước này lại lo những lợi ích của mình bị Mỹ phớt lờ khi chứng kiến chính quyền ông Obama chìa cảnh ô liu cho Iran.

Thực tế là khi lợi ích của 2 đồng minh này bị xung đột, mỗi nước thường có khuynh hướng tự làm theo ý mình. Khi tiến hành xử tử giáo sĩ Nimr, Riyadh hy vọng sẽ khơi lại tâm lý chống Shiite, đồng thời thu hút sự ủng hộ từ người Sunni trong nước và các nước Sunni tại khu vực. Theo quan điểm của Ả Rập Saudi, những lợi ích này còn quan trọng hơn quan hệ giữa họ và Iran, cũng như chính sách của Mỹ tại khu vực. Dĩ nhiên là Washington không nghĩ thế nên thái độ thất vọng của nước này đối với vụ xử tử là điều dễ hiểu.

Lịch sử ghi nhận quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi đã vượt qua không ít sóng gió, trong đó nổi bật là lệnh cấm vận dầu mà Riyadh áp đặt đối với Washington hồi năm 1973. Vì thế, câu hỏi quan trọng lúc này là liệu những lợi ích chung đang gắn kết Mỹ - Ả Rập Saudi có quan trọng hơn những bất đồng nói trên hay không? Câu trả lời sẽ quyết định mối quan hệ đồng minhlâu năm này mạnh mẽ đến đâu trong những năm tới.


Nga dội bom nhà tù al-Qaeda, gần 60 người chết

Nga đã oanh kích một nhà tù do nhánh al-Qaeda ở Syria kiểm soát khiến ít nhất 57 người chết và 30 người bị thương, trong đó đa số bị thương nặng. 

nguoi dan o idlib dua mot nguoi bi thuong ra khoi dong do nat sau cuoc oanh tac cua nga - anh: reuters

Người dân ở Idlib đưa một người bị thương ra khỏi đống đổ nát sau cuộc oanh tạc của Nga - Ảnh: Reuters

Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria (SOHR) nói cuộc không kích nhằm vào một nhà tù của Mặt trận al-Nusra hôm 9-1 gần một khu chợ đông đúc ở tây bắc tỉnh Idlib ở Syria khiến cả dân thường, phiến quân và tù nhân thiệt mạng.

SOHR nói trong số người thiệt mạng có 1 trẻ em và 2 phụ nữ cùng 23 chiến binh của al-Nusra, một nhánh của al-Qaeda ở Syria.

Theo Reuters, máy bay của Nga đã bắt đầu thực hiện các cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức khủng bố khác ở Syria từ cuối tháng 9 năm ngoái.

Tuy al-Nusra và IS đều là những tổ chức thánh chiến nhưng họ lại thù địch nhau và thường đụng độ ở Syria.

Ở Idlib, al-Nusra cũng lập liên minh với các nhóm nổi dậy, bao gồm cả phái theo đường lối cứng rắn Ahrar al-Sham.

Cuộc xung đột ở Syria nổ ra sau các cuộc biểu tình chống chính phủ vào tháng 3-2011 nhưng đã lan rộng thành một cuộc chiến khiến hơn 260.000 thiệt mạng đến nay. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục