Trung Quốc có vẻ đã thất bại khi tìm cách đe dọa nhằm khiến các nước không bàn đến hành động ngang ngược của họ trên Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 08-01-2016
- Cập nhật : 08/01/2016
Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên
Đại sứ Uruguay - Elbio Rosselli, người đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng này, nhắc lại rằng hội đồng sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của LHQ bằng việc thử nghiệm một thiết bị nguyên tử.
"Cùng với cam kết và mức độ nghiêm trọng của vi phạm này, các thành viên của Hội đồng Bảo an sẽ bắt đầu thảo luận ngay lập tức các biện pháp như thế trong một nghị quyết mới" - Rosselli cho biết.
Vị phái viên không nêu rõ liệu biện pháp mới sẽ mở rộng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hay không nhưng các nhà ngoại giao khác khẳng định rằng việc thêm các đối tượng mới vào danh sách trừng phạt đang được xem xét.
Ông nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc cấm Bình Nhưỡng tham gia các hoạt động hạt nhân.
Quốc tế đồng loạt lên án
Trung Quốc, đối tác ngoại giao và kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên, đã giữ lập trường "cứng rắn" hơn các nước khác khi nói rằng nước này "kiên quyết phản đối" vụ thử nghiệm và sẽ triệu tập đại sứ của Bình Nhưỡng để yêu cầu "sự giải trình long trọng". Bắc Kinh nói thêm rằng đối thoại là biện pháp thiết thực nhất để giải quyết vấn đề liên quan.
Được biết Trung Quốc là nguồn cung cấp viện trợ và thương mại chủ chốt của Bình Nhưỡng nhưng mối quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây, một phần vì sự kiên quyết của Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân bất chấp quốc tế lên án.
"Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu phía CHDCND Triều Tiên tiếp tục thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa của nước này và dừng lại bất kỳ hành động nào mà có thể làm tình hình tồi tệ hơn" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu trong cuộc họp báo hôm 6-1.
Kênh truyền hình Yonhap News đưa tin vụ Triều Tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch hôm 6-1. Ảnh: AFP
Tại một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) hôm 6-1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói rằng vụ thử nghiệm là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.
"Vụ thử nghiệm không chỉ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi mà còn là một mối đe dọa cho tương lai của chúng tôi... và là một thách thức lớn cho hòa bình cũng như ổn định quốc tế" - bà Park nhấn mạnh và kêu gọi mạnh tay trừng phạt Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chỉ trích vụ thử nghiệm là "một mối đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của quốc gia". "Điều này rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và là một thách thức lớn đối với các nỗ lực quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân" - ông Abe nói.
Tại Washington, Nhà Trắng tuyên bố sẽ phản ứng một cách thích hợp đối với bất kỳ và tất cả hành động khiêu khích nào của Triều Tiên. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án vụ thử nghiệm và nói rằng Triều Tiên nên từ bỏ vũ khí hạt nhân. "Vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân được Triều Tiên công bố sẽ làm suy yếu an ninh khu vực và quốc tế và là một sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ" - Stoltenberg cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Nga, nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, lên án vụ thử nghiệm là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các nghị quyết hiện có của Hội đồng Bảo an LHQ. "Những hành động như vậy có thể làm trầm trọng thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nơi có khả năng rất cao xảy ra đối đầu về quân sự và chính trị" - theo Bộ Ngoại giao Nga.
Hiện nay có tổng cộng 20 thực thể và 12 cá nhân nằm trong danh sách đen trừng phạt của LHQ. Đại sứ Anh Matthew Rycroft cho biết phái đoàn của ông đang "làm việc cùng các phái đoàn khác về một nghị quyết liên quan biện pháp trừng phạt bổ sung".
Hàn Quốc nối lại tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới
Sau tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H) của Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc hôm 7-1 thông báo họ sẽ nối lại chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng bằng loa phóng thanh dọc biên giới 2 nước.
Theo Văn phòng tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, hoạt động tuyên truyền này sẽ được triển khai vào ngày 8-1 (giờ địa phương).
Seoul mô tả vụ thử bom H của Bình Nhưỡng đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận liên Triều ký tháng 8-2015, trong đó có điều khoản giảm bớt căng thẳng trong quan hệ 2 nước. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc và Triều Tiên đấu pháo qua biên giới sau khi Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul ngưng tuyên truyền bằng loa phóng thanh.
Quan chức an ninh Cho Tae-yong của Tổng thống Park Geun-hye nhấn mạnh “quân đội Hàn Quốc đã sẵn sàng chiến đấu và nếu Triều Tiên khiêu khích, họ sẽ lãnh đòn trừng phạt”.
Cùng ngày 7-1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ra lệnh hạn chế công dân nước này tới khu công nghiệp chung Kaesong ở Triều Tiên nhằm đảm bảo an toàn. Khoảng 500 người Hàn Quốc vẫn vượt qua biên giới tới Kaesong hôm 7-1 nhưng các quan chức Seoul cho biết số lượng sẽ nhanh chóng bị cắt giảm.
Theo đó, chỉ doanh nhân Hàn Quốc và những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động tại khu công nghiệp này mới được phép tới đây. Khu công nghiệp Kaesong mở cửa năm 2004, bao gồm hơn 120 công ty Hàn Quốc tạo công ăn việc làm cho khoảng 53.000 công nhân Triều Tiên.
Năm 2013, do vấn đề căng thẳng ở biên giới nên Bình Nhưỡng đóng cửa khu công nghiệp 5 tháng nhưng sau đó phải mở cửa trở lại vì mất một nguồn thu lớn.
Trong khi đó, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hôm 7-1 đưa ra tuyên bố chung về việc bắt Triều Tiên phải trả giá sau vụ thử bom H. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama đã nói chuyện riêng với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Abe cho biết họ sẽ phối hợp với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) để đối phó tình hình này một cách cứng rắn. Bên cạnh đó, ông Abe lưu ý Tokyo có thể hành động đơn phương để trừng phạt Bình Nhưỡng.
Văn phòng Tổng thống Park nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và kêu gọi cộng đồng quốc tế bắt Triều Tiên trả một cái giá tương xứng.
Ngoài ra, giới chức Hàn Quốc và Mỹ đang thảo luận biện pháp để triển khai các vũ khí quân sự chiến lược của Mỹ ở Hàn Quốc. Các khí tài có thể triển khai gồm một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, chiến đấu cơ tàng hình F-22, máy bay ném bom B-52. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể và thời điểm triển khai chưa được thống nhất.
Hiện vẫn chưa có bằng chứng quả bom Triều Tiên thử hôm 6-1 là bom nhiệt hạch hay nguyên tử.
Ít nhất 3 máy bay cất cánh từ căn cứ không quân Mỹ ở miền Nam Nhật Bản một ngày sau khi Triều Tiên nói thử bom nhiệt hạch. Một trong số này là máy bay chuyên thu thập dữ liệu quan học và điện tử từ những mục tiêu đạn đạo. Cùng ngày 7-1, Nhật Bản cho hay không có sự thay đổi nào về mức phóng xạ trong lãnh thổ nước này.
Tiêu diệt bộ trưởng chiến tranh IS
Tướng Steve Warren, phát ngôn viên liên minh do Mỹ dẫn đầu, cho biết liên minh đã tiêu diệt được 2.500 tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong các cuộc không kích ở Iraq và Syria hồi tháng 12-2015.
Theo tướng Warren, kể từ khi các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu được tiến hành vào tháng 8-2014, IS đã mất khoảng 40% phần đất chiếm đóng tại Iraq, tương đương 22.000 km2, và 10% lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở Syria, tức 2.000 km2.
Vị tướng khẳng định tổ chức cực đoan này đang rơi vào thế phòng thủ.
Các lực lượng Iraq đã tái chiếm một số trung tâm đô thị lớn, bao gồm TP Ramadi. Ông Warren cho biết một nhóm tay súng IS vẫn còn ở Ramadi nhưng quân đội Iraq đã tiêu diệt được 60 tay súng khủng bố ở thành phố này trong vòng 24 giờ qua.
Mặc dù con số tay súng IS bị tiêu diệt rất đáng kể nhưng tổ chức này đã nhanh chóng chiêu mộ nhiều tân binh, đặc biệt là những thanh niên bất mãn về các vấn đề kinh tế và chính trị tại những quốc gia Hồi giáo trong khu vực.
Mỹ ước tính có khoảng 20.000 - 30.000 tay súng IS hoạt động tại Iraq và Syria hồi năm ngoái.
Trong khi đó, liên minh chống IS vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược không kích vào các cơ sở dầu mỏ của IS ở Iraq và Syria khiến IS phải giảm sản lượng từ 45.000 thùng/ngày xuống còn 34.000 thùng/ngày, chịu thiệt hại đáng kể về tài chính để duy trì hoạt động của nhóm này.
Trong một diễn biến liên quan, các máy bay chiến đấu của Iraq đã tấn công một căn cứ khủng bố ở thị trấn Barwanah, cách thủ đô Baghdad 200 km về phía Tây Bắc, tiêu diệt bộ trưởng chiến tranh của IS, được xác định danh tính là Samer Mohammad Matloub Hussein al- Mahlawi, cùng với 3 thuộc hạ thân tín của y - theo trang tin al-Ahed của Lebanon.
Thêm vào đó, hơn 100 xe quân sự của IS bị phá hủy, bao gồm nhiều xe chở chất nổ trong cuộc tấn công ở TP Barwanah và Haditah. Hơn 250 tay súng cũng bị tiêu diệt trong cuộc không kích.
Tỉ phú Trump đem tiền ra dọa Anh
Ứng viên “lớn tiếng” nhất trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, tỉ phú Mỹ Donald Trump, sẽ rút 700 triệu bảng Anh (khoảng 1 tỉ USD) vốn đầu tư nếu Anh thông qua quyết định “cấm cửa” đối với ông.
Vào ngày 18-1, quốc hội Anh sẽ bàn luận xem có nên cấm nhập cảnh với ông Donald Trump sau khi ông này kêu gọi tạm thời cấm người Hồi giáo vào Mỹ. Đó bởi vì đơn kiến nghị kêu gọi không cho tỉ phú Trump nhập cảnh vào nước Anh nhận được hơn 570.000 chữ ký.
Tuy nhiên, quốc hội Anh không tiến hành bỏ phiếu về chuyện đó. Mọi quyết định về vấn đề của ông Trump sẽ nằm trong tay Bộ trưởng Bộ nội vụ Therasa May.
Hiện nay, ông Trump sở hữu sân gôn Turnberry ở South Ayshire và sân gôn Trump International Golf Links gần Aberdeen ở Scotland.
Theo thông báo của tổ chức Trump Organisation của tỉ phú Mỹ hôm 6-1, tổ chức này có kế hoạch đầu tư hơn 200 triệu bảng Anh tại Turnberry và hơn 500 triệu bảng Anh tại sân gôn Aberdeenshire. Bất cứ lệnh hạn chế đi lại nào phát ra từ phía Anh với ông Trump, tổ chức này cảnh báo sẽ “ngay lập tức chấm dứt tất cả những dự án đầu tư trong tương lai mà họ dự định tiến hành ở Anh”.
Tổ chức Trump Organisation cho biết: “Westminster sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cũng như đưa ra thông điệp kinh khủng với thế giới rằng Vương quốc Anh phản đối tự do ngôn luận và không quan tâm tới việc thu hút dòng vốn đầu tư. Điều này cũng làm mất đi sự ủng hộ của nhiều triệu người dân Mỹ, những người ủng hộ ông Trump hết mực và đã đưa ông trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 cho tới thời điểm hiện tại”.
Hồi tháng 12-2015, thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon là một trong những người ủng hộ việc xem xét cấm cửa ông Trump vào Anh. Thủ tướng Anh David Cameron từng xem những phát ngôn của ông Trum là “ngu ngốc, chia rẽ, sai trái” nhưng ông không ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh đối với tỉ phú Mỹ.
California ban bố tình trạng khẩn cấp vì thảm họa khí gas
Thống đốc bang California - Mỹ Jerry Brown hôm 6-1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi khí gas bị rò rỉ ở TP Los Angeles trong hơn 2 tháng qua khiến hàng ngàn người dân phải sơ tán.
Công ty khí gas miền Nam California, quản lý giếng khí metan bị rò rỉ đang cố ngăn chặn tình trạng trên bằng các khoan một giếng phụ để tiếp cận đường ống bị hư hại sau đó phun chất lỏng và bùn đặc bịt lại. Ước tính mỗi giờ có khoảng 30.300 kg khí metan bị rò rỉ.
Vụ rò rỉ khí gas được phát hiện vào ngày 23-10 tại giếng trữ khí ở vùng Aliso Canyon, thung lũng San Fernando, nơi có khoảng 30.000 người sinh sống. Hàng ngàn người đã phải rời bỏ nhà cửa và đến sống tại khu trú tạm thời của công ty khí gas miền Nam California sau khi xuất hiện nhiều triệu chứng đáng lo ngại như chảy máu mũi, buồn nôn và mắc một số bệnh khác do hít phải khí rò rỉ. Ban lãnh đạo công ty gas miền Nam California, thuộc công ty Sempra Energy, cho biết họ hy vọng sẽ ngăn chặn được vụ rò rỉ khí gas vào cuối tháng 2 đến hết tháng 3. Trung bình có khoảng 1.200 tấn khí metan phun ra mỗi ngày cùng với một số loại khí khác kể từ lần đầu tiên giếng trữ khí gas bị phát hiện rò rỉ.
Trước tình trạng trên, ông Brown kêu gọi thực hiện các biện pháp thay thế ngăn vụ rò rỉ khí gas dưới lòng đất nếu những nỗ lực hiện nay gặp thất bại. Đồng thời, vị thống đốc này cũng đưa ra các quy định khẩn cấp khác cho các cơ sở lưu trữ khí trên toàn bang California.
Ông Mitchell Englander, thành viên hội đồng TP Los Angeles, cho rằng vụ rò rỉ khí gas là “một trong những thảm họa môi trường kinh hoàng nhất trong lịch sử bang California”.
Trong khi đó, ông Dennis Arriola, chủ tịch công ty khí gas miền Nam California, tuyên bố công ty này sẽ tập trung ngăn chặn vụ rò rỉ vàgiảm thiểu thiệt hại đối với người dân. Công ty này cũng sẽ làm việc với chính quyền bang California để cải thiện những ảnh hưởng lâu dài của khí metan gây ra đối với môi trường