Anh: “Tự do hàng hải biển Đông là vấn đề không thể thương lượng”
986 người bị cảnh sát Mỹ bắn chết trong năm 2015
Mỹ chỉ trích Trung Quốc vì 'nhẹ tay' với Triều Tiên
Bán đảo Triều Tiên: Mỹ chuẩn bị triển khai máy bay B-52
Venezuela: Phe đối lập chống tổng thống
Tin thế giới đọc nhanh chiều 07-01-2016
- Cập nhật : 07/01/2016
Hàn Quốc kêu gọi LHQ ‘mạnh tay’ hơn nữa với Triều Tiên
“Áp đặt các biện pháp cứng rắn đối với Triều Tiên là rất cần thiết, trong đó có các lệnh trừng phạt “mạnh tay” hơn nữa của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các liên minh, các quốc gia thân thiện” - hãng thông tấn Yonhap dẫn lời bà Park Geun-hye cho biết.
Triều Tiên đưa ra tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch khoảng một giờ sau sự kiện "động đất nhẹ" bị tình nghi là do hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng gây ra vào sáng nay (6-1).
Trước đó, Bình Nhưỡng đã ban hành một tuyên bố chính phủ giải thích rằng Triều Tiên phải phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ trước Mỹ và cam kết sẽ không bao giờ là bên sử dụng loại vũ khí này trước trừ khi chủ quyền của nước này bị xâm phạm.
Triều Tiên lần đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 2006. Cuộc thử nghiệm này bị quốc tế chỉ trích, sau đó Mỹ và Liên Hiệp Quốc nhiều lần áp đặt lệnh trừng phạt cho Bình Nhưỡng. Đến năm 2009, Triều Tiên tiếp tục vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân thứ hai và lần thứ ba là năm 2013.
Iran khoe kho tên lửa ngầm thứ hai khiến Mỹ lo ngại
Tehran công bố đoạn video dài một phút, tiếp nối một video công bố trước đó về kho tên lửa ngầm vào tháng 10 năm ngoái.
Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani (giữa) bắt tay với một binh sĩ trong lễ khánh thành kho tên lửa ngầm thứ hai. (Nguồn: Farsnews.com)
Mỹ cho rằng tên lửa Emad mà Iran thử vào tháng 10 năm ngoái có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Các quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ đáp trả đối với các vụ thử tên lửa Emad của Iran bằng các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và các công ty có liên quan tới chương trình tên lửa này.
Hành động mới nhất của Tehran được xem là một thách thức đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama khi Washington và Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch tháo dỡ gần như tất cả biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Tehran sau thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7-2015.
Iran đã tuân theo các điều khoản chính của thỏa thuận, bao gồm loại bỏ vật liệu hạt nhân có thể chế tạo vũ khí nguyên tử và đồng ý một số hạn chế khác.
Tuy nhiên vào tuần rồi, Tổng thống Iran ông Hassan Rouhani ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng của ông mở rộng chương trình tên lửa. Theo Reuters, các tên lửa của Iran hiện được phát triển với mức độ chính xác cao hơn phiên bản cũ mà các chuyên gia nhận định có thể hiệu suất sẽ được cải thiện và mang đầu đạn thông thường.
IS thề phá hủy các nhà tù Saudi Arabia
Ngày 6-1, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thề sẽ phá hủy các nhà tù ở Saudi Arabia sau vụ chính quyền Riyadh xử tử 47 người vì tội khủng bố.
Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir thông báo liên minh Hồi giáo chống khủng bố sẽ tập trung nỗ lực chống IS - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, IS khẳng định quyết tâm phá hủy các nhà tù ở Saudi Arabia, đặc biệt là hai nhà tù al-Ha'ir và Tarfiya, nơi chính quyền Saudi giam giữ nhiều kẻ ủng hộ Al-Qaeda và IS.
“IS luôn tìm cách giải phóng các tù binh, nhưng chúng tôi xác định việc chấm dứt vấn đề tù nhân không thể xảy ra nếu không tiêu diệt chế độ của các bạo chúa và phá hủy các nhà tù” - IS đe dọa chính quyền Saudi.
Dù IS và A-Qaeda đối lập nhau nhưng cả hai tổ chức khủng bố này đều chống Saudi Arabia do chính quyền nước này thân phương Tây và đang giam giữ hàng nghìn khi can khủng bố và ủng hộ khủng bố.
Giới quan sát nhận định vụ Saudi xử tử 47 tù nhân gây tranh cãi vì danh sách tử hình có giáo sĩ Hồi giáo Nimr al-Nimr, nhưng mục tiêu chính của Riyadh là gửi tín hiệu cảnh cáo đến các nhóm cực đoan Sunni.
Kể từ năm 2014, IS đã tổ chức hàng loạt vụ đánh bom và bắn giết ở Saudi khiến hơn 50 người thiệt mạng. Nhà chức trách xác định các nhóm cực đoan ủng hộ IS ở Saudi thường hoạt động độc lập, nhận sự hỗ trợ rất hạn chế từ IS, do đó khó bị phát hiện. Dù vậy, đây cũng là yếu tố khiến các nhóm này khó tấn công được những mục tiêu có giá trị cao.
Hồi tháng 7-2015, một kẻ ủng hộ IS đánh bom tự sát tại một trạm kiểm soát bên ngoài nhà tù al-Ha'ir ngay gần thủ đô Riyadh. Tháng 12-2015, nhóm Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP) cũng đe dọa sẽ “tắm máu” hoàng tộc Al-Saud ở Saudi nếu chính quyền nước này xử tử các tay tội phạm Al-Qaeda.
Anh yêu cầu thông tin về vụ mất tích bí ấn ở Hong Kong
Chính phủ Anh ngày 5-1 thúc giục Trung Quốc và Hong Kong cung cấp thông tin sau khi một công dân Anh làm việc tại nhà xuất bản Mighty Current mất tích tại Hong Kong.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond cho biết ông Lee Bo (65 tuổi) hay còn gọi là Paul Lee là một trong 5 người làm việc tại nhà xuất bản Mighty Current ở khu Causeway Bay đang bị mất tích.
Theo BBC, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh cùng người đồng cấp Vương Nghị, ông Hammond cho biết ông đang ngày càng lo lắng về việc ông Lee mất tích.
"Ông Lee Bo, một người mang hộ chiếu Anh đã mất tích và chúng tôi yêu cầu các nhà chức trách Hong Kong lẫn Trung Quốc thông tin về nơi ở của ông Lee" - ông Hammond nói.
Trong khi đó, ông Vương nói với báo giới rằng những người làm công tác xuất bản đang mất tích "trước tiên là công dân Trung Quốc" và cho rằng những nước khác "không có quyền can thiệp" vào vấn đề này.
Đáp lại, ông Hammond cho biết bất kỳ cáo buộc nào chống lại ông Lee nên được đưa ra tại Hong Kong chứ không phải tại Trung Quốc.
BBC cho biết Mighty Current chuyên in ấn và phát hành các ấn phẩm về tình hình chính trị tại Trung Quốc.
Các nhà hoạt động lo ngại 5 người này có thể bị Trung Quốc bắt giữ. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về vấn đề này.
Ông Lee là người mất tích mới nhất trong một loạt 5 vụ mất tích bí ẩn gây xôn xao dư luận Hong Kong và thế giới.
Sau khi ông Lee mất tích, hiệu sách của ông nhận được một lá thư viết tay của chính ông với nội dung ông đang du lịch Trung Quốc và vẫn bình thường.
Các nhà hoạt động tin rằng lá thư là bút tích của ông Lee nhưng ông bị cưỡng ép viết lá thư này.
Vợ của ông Lee cũng đã rút lại yêu cầu nhờ cảnh sát giúp đỡ trong việc tìm kiếm ông Lee và nói rằng ông đã liên lạc với bà. Trước đó bà Lee từng nói với BBC rằng bà "thật sự lo lắng" về nơi ông đang ở.
Kinh tế Ấn Độ sẽ qua mặt Trung Quốc
Không chỉ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2015, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ giữ vững phong độ trong 10 năm tới nhờ tăng sức xuất khẩu.
Trong dự báo mới nhất của các nhà kinh tế học thuộc Trung tâm phát triển quốc tế của Đại học Harvard (Mỹ), Ấn Độ sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm 7% đến năm 2024 và vượt qua Trung Quốc, nước đang có dấu hiệu kiệt sức sau một thập kỷ tăng trưởng thần tốc.
Theo các chuyên gia, sự đa dạng và phong phú của các sản phẩm xuất khẩu là chìa khóa thành công của Ấn Độ. Nó cũng là yếu tố thành công của Trung Quốc thời gian qua.
Các nhà kinh tế đưa ra dự báo dựa trên quan điểm nghiên cứu rằng sự thịnh vượng của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào chính sách, giáo dục hay kinh doanh mà còn ở khả năng làm được những điều các nước khác không thể.
Chẳng hạn, quốc gia có khả năng xuất khẩu các sản phẩm đa dạng từ động cơ máy bay, dược phẩm đến đậu nành sẽ được đánh giá cao hơn những nước chỉ sản xuất được vài mặt hàng phổ biến như cotton, dầu thô, hạt mè.
Với những nước có thu nhập trên đầu người tương đương nhau, họ sẽ đánh giá thêm cơ hội phát triển. Ấn Độ có thu nhập trung bình gần bằng khu vực Hạ Sahara của châu Phi, nhưng nước này có những công ty tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực dược phẩm, xe hơi, dầu khí...
Dù vậy theo Wall Street Journal, nghiên cứu của Đại học Harvard có hạn chế chỉ sử dụng dữ liệu thương mại hàng hóa. Trong khi các mảng dịch vụ như doanh nghiệp thuê ngoài, tài chính, phần mềm sẽ có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của các nước thời gian tới.