Ngày 4-1 quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran tiếp tục căng thẳng khi nước này tuyên bố sẽ chấm dứt việc đi lại đường không và các quan hệ thương mại với cộng hòa Hồi giáo.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 04-01-2016
- Cập nhật : 04/01/2016
Triều Tiên đẩy xa tham vọng hạt nhân trong năm 2016?
Theo đài KBS đưa tin ngày 2-1, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) nhận định rằng bước sang năm 2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un sẽ thúc đẩy việc chuẩn bị thử nghiệm hạt nhân.
Bản báo cáo an ninh quốc gia của KIDA ghi rõ: “Vì việc thử tên lửa và hạt nhân sẽ có tác động lớn lên sự cân bằng lực lượng trong khu vực nên Bắc Triều Tiên có thể đã sẵn sàng và sẽ tìm thời điểm thích hợp để tiến hành trong khi vẫn tỏ ra mơ hồ về ý định thật sự của họ”.
Hãng tin Yonhap News của Hàn Quốc ngày 3-1 cũng đưa tin Triều Tiên rất có thể đang chuẩn bị thử vũ khí nhiệt hạch tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, theo nguồn tin từ một đơn vị quân đội phụ trách phòng vệ hạt nhân của Hàn Quốc.
Trong báo cáo của mình, Cơ quan chỉ huy Quốc phòng CBR (Hóa học- Sinh học- Phóng xạ) của Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã đặt những nền tảng cần thiết để phát triển vũ khí nhiệt hạch và có thể đã sản xuất cả Tritium, một đồng vị phóng xạ cần thiết để chế tạo các vũ khí hạt nhân tinh vi hơn.
Triều Tiên tính đến này đã 3 lần thử hạt nhân vào năm 2006, 2009 và 2013, tất cả đều thực hiện ở Punggye-ri. Theo thông tin hồi tuần trước đăng trên trang chủ 38 North của Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn, các hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại mới có độ phân giải cao cho thấy có thể Triều Tiên đang xúc tiến kế hoạch này với việc xây dựng khai quật một đường hầm mới ở Punggye-ri.
Trong bài phát biểu đầu năm mới 2016, ông Kim Jong Un cũng từng tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh trong trường hợp bị “xâm lược” bởi các thế lực bên ngoài. Ông phát biểu: “Nếu thế lực xâm lược xâm phạm đến chúng ta, chúng ta sẽ không tha thứ dù chỉ một chút và sẽ đáp trả bằng một cuộc thánh chiến công lý không nhân nhượng”. Tuy vậy, ông Kim cũng nói thêm rằng Bình Nhưỡng “sẽ tiếp tục kiên nhẫn để đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và ổn định khu vực”.
Trong một diễn biến khác, hôm 30-12, các hãng thông tấn Triều Tiên đã đưa tin một trợ lý thân cận của ông Kim Jong-Un là ông Kim Yang-gon, quan chức phụ trách đàm phán các vấn đề về Hàn Quốc, đã thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi, nhưng chi tiết vụ tai nạn lại không được đề cập. Khi dẫn đầu tang lễ cấp nhà nước dành cho ông Kim Yang-gon, ông Kim Jong-Un đã tỏ ra rất xúc động. Theo hãng tin KCNA, khi thăm nhà quàn của vị cố quan chức này, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã “không nén được nỗi đau”.
Ông Kim Yang Gon được xem là một nhân vật “trung thành tuyệt đối với Đảng Lao động Triều Tiên và là một “đồng chí thân cận nhất” với nhà lãnh đạo Kim Jong –Un. Trong những năm qua ông thường xuất hiện trong các sự kiện đàm phán liên Triều. Ông là một trong hai quan chức Triều Tiên tham gia đối thoại với Hàn Quốc hồi tháng 8 năm ngoái để làm giảm căng thẳng quân sự và thúc đẩy việc trao đổi công dân 2 miền Triều Tiên. Ông cũng là quan chức Triều Tiên duy nhất hiện diện khi nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-Il tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh năm 2007 với Tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc lúc đó – ông Roh Moo-Hyun.
Phần Lan siết chặt kiểm soát biên giới
Truyền thông Phần Lan cho hay nước này bắt đầu kiểm soát việc nhập cảnh đối với hành khách đi phà đến từ Đức để ngăn chặn người di cư tràn vào.
Báo Hufvudstadsbladet của Phần Lan dẫn lời Paivi Nerg - quan chức Bộ Nội vụ nước này cho biết hôm 2-1, cơ quan có thẩm quyền của nước này đã thông báo những quy định mới về kiểm soát nhập cảnh cho công ty điều hành phà Finnlines.
Theo đó, trước khi lên phà sang Phần Lan, ngoài hộ chiếu hoặc giấy chứng minh, hành khách cũng phải xuất trình các giấy tờ cần thiết khác như thị thực, giấy phép thường trú hoặc các giấy tờ liên quan.
Hãng phà Finnlines có các chuyến phà từ thủ đô Phần Lan đến Travemuende ở bắc nước Đức 6 ngày trong tuần.
Hãng tin DPA cho biết quy định mới này đã có hiệu lực từ 23-12-2015.
Finnlines nói sẽ tuân thủ các quy định của chính quyền và lượng khách của họ vẫn không bị giảm đi bởi quyết định này. Hufvudstadsbladet nói quy định mới nhằm ngăn chặn người di cư vào Phần Lan từ Đức.
Nước láng giềng Thụy Điển hồi tháng 11 cũng đưa ra biện pháp kiểm tra hộ chiếu và các giấy tờ chứng minh khác đối với người đến nước này bằng xe buýt, tàu hoặc phà.
Việc kiểm tra này sẽ được mở rộng vào ngày mai 4-1 và được nói sẽ có ảnh hưởng đến các phương tiện đi lại và tàu hỏa nối Thụy Điển và Đan Mạch.
Theo DPA, quy định của phía Thụy Điển yêu cầu các công ty phà và xe lửa cũng như xe buýt phải chịu trách nhiệm kiểm tra giấy tờ của hành khác.
Trung Quốc lại tăng báo động vì ô nhiễm
Những ngày đầu năm mới 2016 này, tình trạng khói mù tiếp tục bủa vây nhiều tỉnh thành Trung Quốc, trong đó có cả Bắc Kinh.
Theo The Economic Times, Trung tâm khí tượng quốc gia đã năng báo động khói mù từ mức vàng lên cam cho tối 2-1 và sáng 3-1. Theo thang này, đỏ là mức nặng nhất, sau đó đến cam, vàng và xanh.
Khói mù được nói trở nên dày đặc nhất ở Hà Bắc, Sơn Đông và Hà Nam với tầm nhìn dưới 200m. Tầm nhìn dưới 500m xảy ra ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Giang Tô, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam.
Cơ quan khí tượng Trung Quốc cũng cho hay tuyết sẽ rơi ở khu vực phía bắc và đông bắc, mưa sẽ rơi ở phía nam Trung Quốc vào ngày 4 và 5-1 và sẽ giúp tình trạng khói mù giảm bớt.
Người dân được khuyên nên có biện pháp bảo vệ khi hoạt động ngoài trời. Những người có bệnh về hô hấp được khuyên ở trong nhà.
Trước đó, cơ quan khí tượng đã ban hành cảnh báo vàng đối với Bắc Kinh và nhiều thành phố khác.
Ấn Độ ban bố tình trạng báo động cao
Hôm qua, chính quyền New Delhi đã ban bố tình trạng báo động cao dọc đường cao tốc Pathankot - Jammu.
Quyết định trên được ban ra sau vụ tấn công vào căn cứ không quân ở bang Punjab, miền bắc Ấn Độ, gần biên giới Pakistan
Các nguồn tin quân sự cho biết lực lượng lục quân đã được triển khai tới đường cao tốc này để đảm bảo không phiến quân nào có thể xâm nhập Jammu và Kashmir.
Theo CNN, động thái này diễn ra ngay sau khi các tay súng phiến quân được cho là có yếu tố Hồi giáo tấn công căn cứ không quân Pathanko ở bang Punjab sáng 2-1.
Theo thông tin chính thức, ít nhất 2 binh sĩ thuộc không quân Ấn Độ thiệt mạng khi đấu súng với các phần tử phiến quân cùng 6 người bị thương. Lực lượng an ninh tiêu diệt ít nhất 4 kẻ tấn công.
Có dấu hiệu cho thấy những kẻ tấn công thuộc nhóm phiến quân Jaish e Mohammed đặt cơ sở tại Pakistan.
Mỹ sẽ siết chặt việc sử dụng súng đạn
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang dự kiến đơn độc ban hành quy định mới về kiểm soát súng đạn trong tuần sau, bao gồm việc mở rộng kiểm tra thông tin người mua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó từng qua mặt quốc hội trong các vấn đề như nhập cư, biến đổi khí hậu.
Theo AP, Tổng thống Obama sẽ gặp tổng công tố Loretta Lynch ngay đầu tuần sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ để thảo luận về các biện pháp ông có thể thực hiện, và dự kiến ban hành gói các hành động hành pháp mới liên quan tới vấn đề súng đạn ngay trong tuần.
“Sự vận động hành lang súng đạn rất ầm ĩ và có tổ chức” - ông Obama nói trong bài phát biểu hằng tuần trên sóng radio. Tuy nhiên, ông cho biết ông nhận được rất nhiều thư từ của phụ huynh, giáo viên và trẻ em về “dịch bạo lực súng đạn” khiến ông không thể ngồi im không hành động.
Các biện pháp mới sẽ giúp ngăn nhiều kẻ bị cáo buộc bạo hành gia đình mua súng và buộc những người bán súng phải đăng ký giấy phép.
Một nguồn tin cho biết nó cũng sẽ đặt ra một “ngưỡng hợp lý” để buộc người bán phải kiểm tra thông tin khách hàng, nhưng không rõ ngưỡng này sẽ dựa trên số lượng hay giá trị súng giao dịch.
Ông cho biết sẽ dùng đến quyền hành pháp của tổng thống như từng làm với vấn đề nhập cư, bởi quốc hội đến nay vẫn không thể giải quyết vấn đề bạo lực liên quan đến súng đạn.
Tuy nhiên theo Wall Street Journal, ông Obama sẽ khó đẩy giới hạn súng đạn đi xa hơn nếu không có sự hậu thuẫn của quốc hội, chưa kể hành động đơn phương có thể vướng phải các rắc rối như ông từng thử hạn chế súng đạn thời gian qua.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi về tác động từ các biện pháp mới của ông Obama. Theo nhiều nhà hoạt động, nhiều người bán súng hiện không có giấy phép liên bang, đồng nghĩa với việc những kẻ bị cấm mua súng vẫn có thể sở hữu vũ khí giết người này.
Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) vốn phản đối việc hạn chế bán súng cho rằng những kẻ phạm tội thường mua súng ăn cắp, từ thị trường chợ đen hoặc bạn bè.
Bạo lực súng đạn là vấn đề nan giải mà ông Obama quyết tâm hoàn thành trong năm cuối nhiệm kỳ tổng thống sau nhiều lần thất bại. Cách đây ba năm, đạo luật yêu cầu kiểm tra thông tin người mua súng nhận được sự ủng hộ lớn, bao gồm cả NRA, nhưng bị quốc hội bác bỏ.
“Chúng ta biết rằng không thể ngăn mọi hành vi bạo lực. Nhưng nếu chúng ta cố ngăn dù chỉ một thì sao?” - ông Obama nói.