Đông Á sẽ nhiều biến động trong năm 2016
Trong năm 2016, Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu tuần tra xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông - Ảnh: Reuters
Ngày 2.1, website Stratfor.com của Công ty phân tích chiến lược hàng đầu thế giới Stratfor (Mỹ) đưa ra dự báo tình hình Đông Á trong năm 2016 với nhiều nội dung đáng chú ý.
Biển Đông vẫn nóng
Theo Stratfor, Biển Đông vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các bên sẽ tăng cường những động thái của mình. Trong đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục có hành động gây quan ngại để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, còn Mỹ tiến hành thêm nhiều cuộc tuần tra xung quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở khu vực, đồng thời mở rộng hợp tác quân sự với các nước ven biển.
Căng thẳng ở Biển Đông có thể sẽ leo thang vào thời điểm Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan ra phán quyết cuối cùng cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Dù không tham gia vụ kiện và không công nhận quyền xét xử của PCA, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng làm phức tạp thêm tình hình.
Bên cạnh đó, Mỹ đã dành ngân sách cho việc đẩy mạnh chương trình hợp tác huấn luyện liên quan đến an ninh - quốc phòng với các nước ASEAN trong năm 2016 và sẽ mở rộng hợp tác quốc phòng với Nhật Bản và Úc. Về phần mình, Nhật sẽ tiếp tục cân nhắc liệu có sẵn sàng tham gia tuần tra ở Biển Đông hay không. Tuy nhiên, Stratfor dự đoán Tokyo có thể nghiêng về khả năng tuần tra do thám trên không hơn là triển khai tàu tuần tra trên biển.
Mỹ cũng sẽ thúc giục Úc có vai trò tích cực hơn nữa ở Biển Đông. Ngoài ra, dù Mỹ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông và tiến hành bán gói vũ khí mới cho Đài Loan, Trung Quốc sẽ khó mà cắt đứt quan hệ quân sự song phương. Tuy nhiên, có thể nước này sẽ phần nào nhượng bộ về việc phân giới trên biển với Hàn Quốc nhằm phân rẽ liên minh Mỹ - Nhật - Hàn.
Tình hình kinh tế Đông Nam Á
Cũng theo Stratfor, việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản và tình trạng kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại sẽ tạo áp lực lên các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nước ASEAN điều chỉnh cân bằng lại chính sách và tiến hành tái cơ cấu.
Năm 2016 là năm đầu tiên hiệp hội chính thức thực hiện các bước hợp tác và liên kết trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN mới ra đời với tác động sâu rộng. Những nỗ lực thiết lập hoặc thực hiện các hiệp định kinh tế - thương mại khu vực cũng sẽ được tăng cường trong năm 2016.
Nhiều quốc gia sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi một số nước khác sẽ đề nghị gia nhập. Các bên liên quan cũng sẽ đẩy mạnh đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, còn Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc xúc tiến các bước thành lập một hiệp định thương mại 3 bên. Stratfor nhận định những diễn biến này sẽ không làm thay đổi triệt để tình hình kinh tế khu vực nhưng sẽ tạo ra nhiều thách thức và cơ hội mới.
Bên cạnh đó, Nhật Bản được cho là sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với Đông Nam Á. Nước này sẽ tích cực cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua giành những gói thầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nước ASEAN khi mỗi nước đều đang tìm kiếm thêm cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế và nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng.
Ukraine sẽ hạn chế hàng nhập khẩu từ Nga
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk hôm 2-1 cho hay chính phủ nước này sẽ phê chuẩn việc cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Nga vào tuần sau.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định “sẵn sàng trả giá” cho việc ký hiệp định thương mại tự do với EU - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, đây được coi là một động thái trả đũa của Kiev đối với Matxcơva trong bối cảnh hai nước có bất đồng sâu sắc trong những năm qua.
Phát biểu trên truyền hình, ông Yatseniuk cho biết thêm chính phủ nước này cũng sẽ điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng khác của Nga nhập vào nước này nhưng không nói rõ chi tiết.
“Đối với mỗi hành động của Nga, Ukraine sẽ có hành động và biện pháp đáp trả” - ông Yatseniuk nói.
Căng thẳng thương mại giữa hai nước bắt đầu hồi đầu năm nay sau khi điện Kremlin nói đình chỉ hiệp định thương mại tự do với Ukraine vì “những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh kinh tế” của Nga, ý nói đến việc Kiev ký thỏa thuận thương mại tự do với EU.
Matxcơva cho rằng hiệp định thương mại tự do EU-Ukraine, có hiệu lực trong tháng tới sẽ dẫn đến việc hàng hóa châu Âu tràn vào Nga và biến xuất khẩu của Nga vào Ukraine kém cạnh tranh hơn.
Bộ kinh tế Ukraine hôm 30-12-2015 nói lệnh cấm hàng chục mặt hàng của Nga từ thức ăn cho chó cho đến đầu máy xe lửa sẽ bị cấm từ 10-1.
Các mặt hàng khác cũng bị cấm bao gồm thịt và các sản phẩm thịt, thực phẩm cho trẻ em, sô cô la, cá, phô mai, cà phê, bia, thuốc lá, rượu, thiết bị đường sắt, v.v…
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói ông lấy làm tiếc về quyết định của Nga chấm dứt thương mại tự do với Kiev nhưng ông khẳng định ông “sẵn sàng trả giá” cho việc ký hiệp định thương mại tự do với EU.
Người Hồi giáo Shi'ite giận dữ sau vụ hành quyết của Saudi Arabia
Đại sứ quán Saudi Arabia tại Iran bị tấn công bằng bom xăng trong cơn bão giận dữ của người Hồi giáo Shi’ite tại Trung Đông.
Người Hồi giáo Shi’ite tại Saudi tuần hành phản đối vụ hành quyết giáo sĩ Nimr al Nimr (Ảnh: AFP)
Theo Sky News, đoạn video đăng trên mạng xã hội Twitter quay cảnh bom xăng được ném vào tòa đại sứ Saudi Arabia tại Tehran, những bức ảnh khác cho thấy tòa nhà đang bốc hỏa. Saudi Arabia bị chỉ trích dữ dội sau vụ hành quyết 47 tù nhân trong đó có giáo sĩ Shi’ite Nimr al Nimr.
Nimr al Nimr, 56 tuổi, là một nhân vật quan trọng đằng sau các cuộc biểu tình chống chính phủ ở miền đông Saudi vào giai đoạn phong trào mùa xuân Ả Rập năm 2011. Saudi Arabia thống trị bởi người Hồi giáo Sunni, trong khi tại Iran là người Shi’ite.
Các vụ biểu tình khác cũng nổ ra ở Bahrain và thành phố miền đông Iran Mashhad. Tòa lãnh sự Saudi Arabia chính là mục tiêu của đám đông. Các bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy Saudi Arabia điều binh lính đến các khu vực của người Shi’ite thiểu số tại nước này để canh chừng bạo động.
Mỹ trước đó cảnh báo Saudi Arabia rằng việc hành quyết giáo sĩ Nimr al Nimr sẽ dẫn đến nguy cơ chia rẽ tôn giáo thêm trầm trọng.
Các báo cáo về việc Saudi Arabia đã hành quyết Ali al Nimr, cháu trai của Nimr al Nimr, cũng khiến thế bất bình. Anh này chỉ mới 17 tuổi khi bị bắt năm 2012. Lãnh đạo Đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn đã viết thư cho Thủ tướng David Cameron đề nghị can thiệp vụ này.
Tất cả 47 người bị hành quyết lần này, trừ một người quốc tịch Ai Cập và một người Chad, đều là công dân Saudi Arabia. Các vụ xử tử diễn ra tại 12 thành phố, bốn nơi xử bắn, còn lại đều chọn cách chặt đầu.
Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo Saudi Arabia sẽ “trả một giá đắt”, trong khi giáo sĩ Iran Ayatollah Ahmad Khatami dự báo các đòn trả thù sẽ “quét sạch” hoàng gia Saudi khỏi lịch sử. Cựu thủ tướng Iraq Nouri al Maliki cũng cho rằng cái chết của giáo sĩ Nimr sẽ “lật đổ chế độ Saudi”.
Tại Anh, chính trị đảng Lao động Hilary Been nói vụ xử tử giáo sĩ Nimr là “hoàn toàn sai lầm”. Một cuộc tuần hành cũng diễn ra bên ngoài đại sứ quán Saudi Arabia tại London.
Ấn Độ thử thành công tên lửa Pinaka II phóng hàng loạt
Quân đội Ấn Độ cùng Viện nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa phóng hàng loạt Pinaka II chế tạo trong nước, Times of India ngày 3.1 đưa tin.
“Cuộc thử nghiệm được tiến hành trong ba ngày tại Pokaran, bang Rajasthan, trước sự chứng kiến của đại diện phía đặt hàng”, DRDO cho biết trong thông cáo báo chí.
Theo báo Times of India, hệ thống tên lửa Pinaka II đã được sản xuất trên quy mô công nghiệp và bắt đầu đưa vào phục vụ quân đội Ấn Độ từ cuối tháng 12.2015, có tầm bắn 60 km, xa hơn so với phiên bản Pinaka I trước đó đến 20 km.
Pinaka đang phóng thử - Ảnh: indias-defence.blogspot.com
Hệ thống tên lửa phóng hàng loạt trong mọi thời tiết Pinaka lần đầu tiên được quân đội Ấn Độ sử dụng vào năm 1999. Pinaka được thiết kế để tiêu diệt bệ phóng tên lửa của đối phương, chống xe tăng, xe bọc thép, phá hủy các trung tâm chỉ huy quân sự, cơ sở hậu cần, quét phá các phương tiện chống tăng và các bãi mìn.
Một dàn phóng Pinaka đặt trên xe tải mang 12 tên lửa với đầu đạn nặng 100 kg, có thể phóng loạt 12 quả trong 44 giây, vô hiệu hoá 1 khu vực rộng gần 4 km2.
Triều Tiên chuẩn bị thử vũ khí nhiệt hạch
Triều Tiên được cho đang chuẩn bị thử vũ khí nhiệt hạch - Ảnh minh họa: AFP
Cơ quan phụ trách quốc phòng hạt nhân của Hàn Quốc đưa ra một bản báo cáo cho biết Triều Tiên đang chuẩn bị cho một đợt thử vũ khí hạt nhân, đây được cho là loại vũ khí nhiệt hạch có sức công phá lớn được tạo ra từ những phản ứng siêu nhiệt.
Vụ thử vũ khí sẽ tiến hành ở khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, phía bắc Triều Tiên, theo Yonhap ngày 3.1.
Cơ quan chỉ huy quốc phòng phóng xạ và hóa sinh (CBR) Hàn Quốc nói rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng các cơ sở hạ tầng để phát triển vũ khí nhiệt hạch và có thể sản xuất ra tritium, một đồng vị phóng xạ cần thiết cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân tinh vi.
Nhận định này được CBR đưa ra dựa vào những nghiên cứu trong quá khứ và những dữ liệu hiện có. Tuy nhiên, cơ quan này chưa xác định được khi nào Triều Tiên sẽ thử vũ khí nhiệt hạch cũng như khả năng có thể tạo ra loại vũ khí lợi hại này của Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi không thể biết mức độ khởi động của hệ thống thử nghiệm hạt nhân ở khu Punggye-ri”, CBR, trực thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định. “Dựa vào những nghiên cứu về công nghệ hạt nhân của Triều Tiên và những thử nghiệm trong lịch sử, chúng tôi cho rằng Bình Nhưỡng có đủ cơ sở để thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch”, CBR nói tiếp.
Ở khu thử nghiệm Punggye-ri thuộc tỉnh Bắc Namyong, Triều Tiên từng thực hiện những cuộc thử nghiệm hạt nhân vào những năm 2006, 2009 và 2013.
Tuần trước, viện nghiên cứu 38 North của Mỹ dựa trên những hình ảnh theo dõi từ vệ tinh cho rằng Bình Nhưỡng đang khởi động lại hệ thống thử nghiệm ở khu Punggye-ri. Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc cũng dự báo Triều Tiên sẽ thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư. Tuy nhiên, cũng chưa rõ liệu vụ thử nghiệm hạt nhân tiếp theo sẽ diễn ra khi nào.
Hồi tháng 12.2015, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiết lộ Triều Tiên đang phát triển bom H (hay bom khinh khí), tuy nhiên nhiều chuyên gia quốc tế, kể cả Hàn Quốc nghi ngờ về khả năng này của Bình Nhưỡng vì cho rằng người Triều Tiên mất nhiều thời gian hơn nữa mới có thể thành công trong việc phát triển bom H.
(
Tinkinhte
tổng hợp)