Philippines xây căn cứ quân sự ở Biển Đông cho Mỹ thuê
Nhật Bản muốn đẩy mạnh hợp tác với Đài Loan
Mỹ đưa ra biện pháp trừng phạt đầu tiên với Triều Tiên
Myanmar buộc nhà đầu tư nghiên cứu tác động môi trường
Trung Quốc lo ngại nguy cơ khủng bố vào dịp tết
Tin thế giới đọc nhanh tối 18-01-2016
- Cập nhật : 18/01/2016
Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất 12 tỷ USD mỗi năm vì trừng phạt từ Nga
Các lệnh trừng phạt từ Nga kết hợp với hậu quả của những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào ngành du lịch sẽ khiến nền kinh tế vốn đã khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên tồi tệ hơn, Sputnik dẫn lời ông Aydin Sezer, một cựu quan chức thương mại từng đại diện cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow, đánh giá.
Theo ông này, lệnh trừng phạt từ Moscow sẽ khiến Ankara thiệt hại khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, gấp 4 lần con số dự đoán trước đó. Nhận định trên càng được củng cố khi Bộ Nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước cho biết lệnh cấm nhập khẩu của Nga đối với mặt hàng thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến nước này mất khoảng 764 triệu USD.
"Nga nhập 60% hoa quả và rau củ xuất khẩu của chúng tôi", Burhan Er, chủ tịch Hiệp hội Người bán Rau quả Thổ Nhĩ Kỳ, nói. "Chúng tôi đã mất hết. Nga là một thị trường lớn đối với chúng tôi".
Ngân hàng công Is Bankasi, một trong những tổ chức tài chính lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã công bố một báo cáo về ảnh hưởng của lệnh trừng phạt Nga đối với kinh tế nước này. Theo đó, xuất khẩu, cùng với ngành xây dựng và thương mại, sẽ là "những lĩnh vực chịu tác động nặng nề hơn cả". Thổ Nhĩ Kỳ có thể thiệt hại 4,4 tỷ USD mỗi năm, thậm chí trong tình huống xấu nhất con số có khả năng lên tới 7,3 tỷ USD.
Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái bắn rơi chiến đấu cơ Nga vì cho rằng máy bay xâm phạm không phận. Nga trong khi đó khẳng định máy bay nước này chỉ hoạt động ở lãnh thổ Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, cấm các doanh nghiệp Nga thuê mới lao động Thổ Nhĩ Kỳ, dừng một số chuyến bay thuê giữa hai nước, yêu cầu công ty lữ hành Nga hạn chế bán các gói du lịch Thổ Nhĩ Kỳ...
Theo giới chuyên gia, việc mất đi các khách du lịch Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại ba tỷ USD một năm. Chỉ tính riêng trong năm 2014, có tới 4,5 triệu du khách Nga đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ - Nhật - Hàn tìm biện pháp trừng phạt hữu hiệu Triều Tiên
"Chúng tôi nhất trí gửi thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng tới Triều Tiên, thông qua các biện pháp thực chất trên tinh thần khẩn trương", Yonhapdẫn lời Thứ trưởng Hàn Quốc Lim Sung-nam nói. Nếu cộng đồng quốc tế không có hành động ngay bây giờ để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, họ sẽ phải trả giá đắt hơn sau này, ông nói thêm.
Ông Lim nói sau cuộc gặp ba bên ở Tokyo với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken và người đồng cấp Nhật Akitaka Saiki.
Đây là nhóm tham vấn cấp cao nhất của các cường quốc khu vực kể từ vụ thử hạt nhân hôm 6/1 của Triều Tiên. Bình Nhưỡng tuyên bố đây là cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang làm việc để ra nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng.
"Ba nước vừa nhất trí tập trung năng lực ngoại giao nhằm thông qua một nghị quyết mạnh mẽ và tổng thể vào một thời điểm sớm nhất", ông Lim nói.
"Nếu thiếu có biện pháp đáng kể bây giờ, đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục lặp lại những động thái này. Đây là sự đối lập với mục tiêu của chúng ta trong khu vực", ông Blinken nói.
Ba bên thống nhất kêu gọi Trung Quốc tham gia nỗ lực của họ, với tư cách một thành viên thường trực của hội đồng và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
"Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Mỹ có lợi ích sâu sắc trong sự ổn định của khu vực này", ông Blinken nói. "Chúng ta phải hành động cùng nhau".
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật cũng cho rằng nước ông hy vọng "Trung Quốc, nước có ảnh hưởng với Triều Tiên, sẽ hành động phù hợp và hợp tác nhằm thông qua nghị quyết".
Israel cảnh báo Iran vẫn có ý định tăng cường hạt nhân
"Kể cả sau khi ký thoả thuận hạt nhân, Iran vẫn chưa từ bỏ tham vọng đạt được vũ khí hạt nhân, và tiếp tục hành động nhằm làm bất ổn Trung Đông, lan truyền nỗi sợ hãi khắp thế giới khi vi phạm các cam kết quốc tế", AFP dẫn thông cáo từ văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm qua cho biết.
Thủ tướng Israel nói nước này sẽ "theo dõi việc thực thi thoả thuận và cảnh báo về bất cứ sự vi phạm nào".
Thoả thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc hôm qua bắt đầu có hiệu lực sau khi Liên Hợp Quốc xác nhận Tehran đã thu hẹp chương trình hạt nhân và lệnh trừng phạt với nước cộng hoà Hồi giáo này chuẩn bị được dỡ bỏ.
Israel là cường quốc hạt nhân duy nhất ở Trung Đông dù chưa tuyên bố. Jerusalem cố ngăn chặn thoả thuận, cho rằng nó sẽ không ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân nếu nước này muốn. Iran luôn bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang tìm cách sản xuất bom hạt nhân.
Bà Suu Kyi cảnh báo giới trẻ Myanmar phí thời gian vì internet
Giới trẻ Myanmar ngày nay dành nhiều thời gian cho máy tính, điện thoại và mạng xã hội hơn là đọc sách, bà Aung San Suu Kyi, chính trị gia được ngưỡng mộ tại Myanmar cho biết.
“Lối sống của chúng ta đang thay đổi trong thời đại này song song với sự phát triển công nghệ. Bây giờ con em chúng ta đã lãng phí thời gian cho những trò chơi trên máy tính, trên internet và mạng xã hội. Lứa trẻ đọc sách ít hơn vì công nghệ ngày càng xâm lấn”, AFP ngày 17.10 dẫn lời từ bức thư của bà Aung San Suu Kyi gửi đến những người tổ chức ngày hội văn học ở Yangon cuối tuần này.
Hồi tháng 11.2015, đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi dẫn đầu đã chiến thắng trong cuộc bầu cử lịch sử tại Myanmar. Bà được ngưỡng mộ vì công cuộc đấu tranh, thúc đẩy dân chủ ở nước này, góp công lớn chấm dứt giai đoạn chuyên chế của chính phủ do quân đội hậu thuẫn.
Trong thời gian dài quân đội nắm quyền, Myanmar đã rơi vào tình trạng gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Đây là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới việc người dân nước này ít tiếp xúc với internet. AFP cho biết ở Myanmar từng hạn chế việc truy cập internet, và mỗi chiếc điện thoại có thể có giá hàng ngàn USD.
Chỉ đến gần đây, vài năm trước khi đảng NLD chính thức chiến thắng, đất nước Myanmar mới dần nới lỏng sự ràng buộc về internet, tạo đà không nhỏ cho quá trình tự do tìm hiểu và nêu ý kiến ở nước này.
Mặc dù vậy, phản ứng ngược của một đất nước bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ từ thế cô lập sang mở cửa với thế giới chính là việc người dân bị internet thu hút mạnh mẽ. Hiện nay ở Myanmar tràn ngập điện thoại thông minh và số lượng tài khoản trên mạng xã hội như các nước láng giềng.
Ngoài ra theo bà Aung San Suu Kyi, vốn là một học giả song song vai trò chính trị gia, Myanmar cũng cần cải tổ nền giáo dục hiện tại, tránh tình trạng “học vẹt” như trước đây.
“Chúng ta hiếm khi có thư viện trong trường học và không có thêm nhiều thời gian đọc sách khi đang trên lớp. Hệ thống giáo dục của chúng ta bắt học sinh học thuộc lòng câu trả lời, hạn chế tư duy phê phán và việc đọc sách”, bà San Suu Kyi viết.
Được gỡ cấm vận, Iran tính mua 114 máy bay Airbus
Iran sẽ mua 114 máy bay chở khách từ tập đoàn Airbus sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ, The Wall Street Jounal dẫn lời Bộ trưởng Giao thông nước này, Abbas Akhoundi cho biết.
Đây được xem là động thái giao dịch đầu tiên của Iran với phương Tây sau thời gian dài chịu lệnh cấm vận kinh tế của Liên Hiệp Quốc vì lý do an toàn hạt nhân.
Tuyên bố của ông Abbas Akhoundi hôm 16.1 cho thấy nỗ lực cách tân ở lĩnh vực hàng không của họ, vốn là đối tượng bị cấm vận sau nhiều thập kỷ. Hiện tại Iran có 140 chiếc máy bay cũ kỹ cần được đổi mới, mặc dù nhiều tháng gần đây Mỹ đã cho phép bán một số phụ tùng và những tài liệu đào tạo, hướng dẫn cho Tehran, theo The Wall Street Journal.
Việc đàm phán mua máy bay Airbus từ châu Âu là bước đi đầu tiên trong việc “thay máu” cho hãng hàng không quốc gia Iran Air, theo lời ông Akhoundi nói với hãng tin Tasmin.
Theo chiều ngược lại, việc Iran tuyên bố kế hoạch mua máy bay như họ đã từng nhắc tới vài lần trước đây, cũng phản ánh những lợi ích ban đầu của Mỹ và châu Âu từ cuộc đàm phán hạt nhân Iran.
Hôm 16.1 là lúc Mỹ và Liên minh châu Âu gỡ bỏ cấm vận cho Iran, khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Tehran đã hạn chế chương trình hạt nhân theo thỏa thuận nửa năm qua.
Cuộc đàm phán hạt nhân là thỏa thuận giữa Iran và 6 cường quốc thế giới, nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc, đạt được vào tháng 7.2015. Theo đó, Iran phải công khai tài liệu về chương trình hạt nhân của mình, hạn chế làm giàu uranium theo yêu cầu của các bên. Đổi lại lệnh cấm vận kinh tế áp lên Iran sẽ được tháo gỡ.
Bloomberg hôm 17.1 dẫn lời một quan chức Iran cho hay thỏa thuận mua máy bay của Iran nêu trên sẽ bao gồm các sản phẩm mới và đã qua sử dụng thuộc dòng máy bay Airbus A320 và A340. Những cuộc giao hàng đầu tiên dự kiến sẽ thực hiện vào tháng 7.2016.
Iran từng tăng nhu cầu máy bay lên 581 chiếc trong 10 năm tới, nhiều hơn so với 400 chiếc theo dự tính trước đó, Bloomberg dẫn tin từ hãng tin Mehr cho biết.