'Mỹ không thừa nhận nếu Trung Quốc lập ADIZ trái phép ở biển Đông'
Mỹ hối thúc ông Tập Cận Bình giữ lời về biển Đông
Bắc Kinh chiêu dụ nhân tài từ Hong Kong, Macau bằng hộ khẩu
Hàn Quốc tính rải truyền đơn chống Triều Tiên
Vũ khí mới Triều Tiên đánh địch 'không còn mảnh giáp’?
Tin thế giới đọc nhanh chiều 26-02-2016
- Cập nhật : 26/02/2016
Người Việt tại Philippines phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila. Ảnh:HSVVN tại Philippines
Cuộc biểu tình do Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Philippines (ASVP) liên kết cùng Phong trào và Liên minh chống Trung Quốc gây hấn MARCHA, do cựu cố vấn an ninh quốc gia ông Roilo Golez làm chủ tịch, tổ chức.
ASVP và MARCHA đã huy động được sự tham gia đông đảo của sinh viên Việt Nam, Philippines, sinh viên quốc tế đến từ Sri Lanka, Myanmar, Campuchia, Đông Timor, Hàn Quốc, Nhật Bản… cùng một số tổ chức xã hội dân sự khác và đông đảo cộng đồng người Việt Nam. Số lượng người tham gia biểu tình lúc đông nhất lên đến khoảng 500 người.
Cuộc biểu tình diễn ra trong vòng hai giờ trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, với sự bảo vệ trật tự của hàng trăm cảnh sát địa phương. Đoàn người vừa diễu hành vừa giương cao băng rôn, biểu ngữ với những thông điệp mạnh mẽ bằng tiếng Anh như "Sinh viên quốc tế phản đối quân sự hoá Biển Đông", "Cộng đồng quốc tế đoàn kết phản đối sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông", "Trung Quốc hãy mang tên lửa ra khỏi Hoàng Sa", "Trung Quốc hãy dỡ bỏ radar khỏi Hoàng Sa"..."Sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế có mặt tại đây hôm nay để truyền đi một thông điệp đoàn kết: chúng tôi luôn tôn trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc nhưng chúng tôi kịch liệt phản đối các hành vi hiếu chiến và vi phạm luật pháp quốc tế, quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông", chủ tịch của ASVP Nguyễn Quốc Giang trong bài phát biểu khai mạc cuộc biểu tình khẳng định.
Cuộc biểu tình thu hút nhiều hãng báo chí và truyền thông lớn của địa phương và thế giới. Ảnh: HSVVN tại Philippines
Đại diện cho MARCHA, cựu cố vấn an ninh quốc gia Roilo Golez khẳng định: "Các nước cần đoàn kết để ngăn chặn việc Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo, việc Trung Quốc triển khai tên lửa ra Biển Đông để đe doạ khu vực. Chúng ta cần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hiếu chiến, trả lại vùng biển cho chúng ta, Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế".
Tham gia biểu tình lần này còn có một tổ chức Thiên chúa giáo. Nhóm này đã đồng thời tổ chức cầu nguyện cho hoà bình ở Biển Đông ngay tại buổi biểu tình.
Trung Quốc gần đây được cho là đã triển khai các tên lửa đất đối không và chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh có thể cũng đã bố trí hệ thống radar tần số cao tại đá Châu Viên, một trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép.
Những động thái này của Trung Quốc vấp phải sự phản đối của nhiều nước. Mỹ lên án Trung Quốc đang quân sự hoá Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong khi Nhật yêu cầu nước này giải thích rõ ràng về hành động điều tên lửa. Australia, New Zealand cũng đồng loạt kêu gọi Trung Quốc ngừng quân sự hoá Biển Đông.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Nga gửi Afghanistan 10.000 khẩu AK-47 ‘làm quà’
ABC News (Úc) nhận định đây là một dấu hiệu cho thấy Nga đang tăng cường can thiệp vào quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Gần như phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài, lực lượng an ninh Afghanistan đang đấu tranh để bảo vệ đất nước trong bối cảnh nhiều cuộc nổi dậy của các nhóm phiến quân.
Với việc liên quân do NATO dẫn đầu giảm dần sự hiện diện quân sự tại Afghanistan vào năm 2015, các nhà lãnh đạo nước này đã tìm đến Moscow như một nguồn cung cấp vũ khí, bao gồm các vũ khí hạng nhẹ, pháo binh và trực thăng tấn công.
"Sự ủng hộ này minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước" - cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan - ông Hanif Atmar phát biểu tại sự kiện đánh dấu việc tặng lô vũ khí. "Sự đóng góp này đến từ một người bạn quan trọng của Afghanistan vào thời điểm quyết định đối với Afghanistan và khu vực".
Đại sứ Nga tại Afghanistan - ông Alexander Mantytskiy (trái) trao một khẩu AK-47 cho cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan - ông Hanif Atmar trong buổi lễ tặng lô vũ khí. Ảnh: AFP
Vị cố vấn nói thêm rằng lô vũ khí được cung cấp theo một thỏa thuận an ninh hiện có giữa hai nước.
Phát biểu trước các sĩ quan quân đội và an ninh, đại sứ Nga tại Afghanistan - ông Alexander Mantytskiy nói rằng Moscow sẵn sàng hợp tác với Afghanistan để đối phó các vấn đề như chủ nghĩa khủng bố và ma túy.
Việc chuyển giao lô vũ khí ngày 24-2 diễn ra trong bối cảnh giới chức Nga nói rằng họ đã trở nên thiếu kiên nhẫn trước những thất bại trong chính sách của Washington tại Afghanistan.
Trong khi không phải là một thành viên của liên minh, Nga hợp tác với Mỹ trong nhiều năm qua bằng cách cho phép các thiết bị quân sự Mỹ được vận chuyển qua lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, sự hợp tác đó đã dần mất đi sau những rạn nứt về chính trị liên quan đến vấn đề Ukraine và Syria.
ABC News cho biết các quan chức hàng đầu Nga đã công khai chỉ trích sự hiện diện lâu dài của Mỹ và cho hay họ đang tìm cách thắt chặt quan hệ với chính quyền Kabul.
Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên: Tại sao không đạt thỏa thuận như với Iran?
Thỏa thuận hạt nhân mà các nước P5+1 (Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Liên minh châu Âu) đạt được với Iran năm 2015 mang lại sự lạc quan cho các cường quốc trên thế giới là có thể giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên theo cách tương tự. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra, vì các khác biệt giữa Iran và Triều Tiên, theo nhận định từ kênh tài chính CNBC (Mỹ).
Việc các cường quốc muốn chấm dứt thế bế tắc trong khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là điều dễ hiểu, đặc biệt khi Triều Tiên liên tục thách thức quốc tế bằng các vụ thử bom hạt nhân, thử tên lửa tầm xa. Thêm nữa, chính sách ưu tiên quân sự của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khiến các nước thêm lo lắng Triều Tiên có thể sẽ thực hiện tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và các nước đối đầu khác.
Hàng loạt cuộc thương lượng nhằm giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên được biết đến là đàm phán sáu bên giữa Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên đã ngưng từ năm 2009 sau khi Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Triều Tiên vì phóng tên lửa ngày 5-4-2009 dưới hình thức phóng vệ tinh. Đến năm 2012, Triều Tiên tuyên bố mình là một quốc gia hạt nhân bất kể trừng phạt quốc tế.
Chương trình hạt nhân Iran cũng gây lo ngại cho cộng đồng thế giới tương tự. Năm 2015, nhóm P5+1 giành được thắng lợi lịch sử khi đạt được thỏa thuận với Iran: Iran đồng ý ngừng tạm thời chương trình hạt nhân, đổi lại sẽ được phương Tây dỡ bỏ trừng phạt.
Vậy, nếu thỏa thuận hạt nhân có thể đạt được với Iran thì tại sao không với Triều Tiên?
Thứ nhất, vì khả năng khôi phục đàm phán sáu bên khó diễn ra, vì vướng các điều kiện các bên liên quan đưa ra, theo nhà nghiên cứu Tan Ming Hui tại ĐH Kỹ thuật Nanyang (Singapore).
Mỹ muốn Triều Tiên quay lại đàm phán và cam kết giải trừ hạt nhân trước, các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ sau, tiếp đó mới đến thương lượng một hiệp ước hòa bình liên Triều. Trong khi đó Triều Tiên muốn các nước dỡ bỏ trừng phạt và thương lượng hiệp ước hòa bình liên Triều trước, sau đó mới quay lại vòng đàm phán hạt nhân.
Hình ảnh được truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ thử bom hạt nhân ngày 7-1 của Triều Tiên. (Ảnh: INTERNET)
Gần đây Mỹ có vẻ đã có chút thay đổi trong chiến lược đàm phán với Triều Tiên. Đầu tháng 1, khi Triều Tiên đề xuất Mỹ xúc tiến thương lượng hiệp ước hòa bình liên Triều, Mỹ chỉ yêu cầu đưa chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vào nội dung thương lượng chứ không cứng nhắc buộc Triều Tiên phải giảm trừ kho vũ khí hạt nhân như một điều kiện tiên quyết mà Mỹ vốn yêu cầu trước đây. Nhưng rốt cuộc đề xuất không thành vì Triều Tiên không đồng ý yêu cầu của Mỹ. Vài ngày sau thì Triều Tiên thử bom hạt nhân, rồi tiếp đó là thử tên lửa tầm xa dưới hình thức phóng vệ tinh.
Thứ hai, các hoàn cảnh của Triều Tiên cũng khác Iran. Iran chưa đủ điều kiện để sản xuất vũ khí hạt nhân, trong khi đó Triều Tiên đã có sẵn một kho vũ khí hạt nhân - mà Triều Tiên xem đây là công cụ hiệu quả để khai thác và thu nhận hỗ trợ từ quốc tế, theo nhà nghiên cứu Tan Ming Hui.
Mặt khác, trong khi kinh tế Iran hầu như chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng thì Triều Tiên khá hơn chút ít trong thương mại nước ngoài và tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế.
Thêm nữa, Triều Tiên được Trung Quốc hỗ trợ về kinh tế, trong khi đó Iran lại trong tình huống bị cô lập.
Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên, là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn cung thực phẩm chủ yếu, do đó không khó hiểu Trung Quốc là nước duy nhất có ảnh hưởng đến Triều Tiên.
Quan hệ đặc biệt với Triều Tiên khiến Trung Quốc rơi vào thế khá miễn cưỡng với khả năng trừng phạt Triều Tiên và là nước ủng hộ khôi phục đàm phán sáu bên nhất. Sau động thái thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên ngày 7-2, Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan đối thoại, trong khi đó Mỹ lại quan tâm đến trừng phạt đơn phương.
Nhà phân tích chính trị Anh Alastair Newton nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn giữ quan điểm phản đối trừng phạt Triều Tiên và hối thúc Mỹ quay lại đàm phán sáu bên.
Tuy nhiên, theo ông, quan điểm giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên bằng giải pháp chính trị thay vì trừng phạt của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ rơi vào hư không sau khi Triều Tiên từ chối yêu cầu của Mỹ đưa chương trình hạt nhân vào nội dung thương lượng hiệp ước hòa bình liên Triều.
Theo tình hình này thì có vẻ thế bế tắc trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên sẽ rất khó giải quyết, không như với Iran.
Mỹ-Trung Quốc nhất trí nghị quyết dự thảo trừng phạt Triều Tiên
Washington và Bắc Kinh hôm 24-2 đã nhất trí nghị quyết dự thảo mở rộng các biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đối với CHDCND Triều Tiên.
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong -un dự buổi lễ hòa nhạc kỷ niệm 70 năm thành lập quân đội Nhân Dân Triều Tiên - Ảnh:Reuters
Hãng tin Reuters dẫn lời hai nhà ngoại giao giấu tên tại HĐBA LHQ cho biết dự thảo này áp đặt đối với Bình Nhưỡng do nước này không tuân thủ cam kết về chương trình hạt nhân của họ, vẫn tiếp tục cho thử bom nhiệt hạch và tên lửa trong thời gian gần đây.
“Đó là một bản dự thảo đầy đủ và chính qui mà tôi hi vọng sẽ được thông qua trong những ngày tới. Đã từng có một số điểm bế tắc giữa hai nước nhưng hiện Mỹ-Trung đã tiến tới nhất trí về gói trừng phạt này” - một nhà ngoại giao kỳ cựu trong HĐBA LHQ cho biết.
Nhà ngoại giao này từ chối tiết lộ về chi tiết của bản dự thảo. Tuy nhiê,n giới ngoại giao phương Tây cho biết việc hạn chế CHDCND Triều Tiên tiếp cận với những cảng biển quốc tế là một trong các biện pháp trừng phạt mà Washington và Bắc Kinh đưa ra trong bản dự thảo lần này.
Mỹ cũng muốn hạn chế mạnh hơn việc Bình Nhưỡng tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế.
Theo Reuters, Trung Quốc và Mỹ trước đó đã từng có những bất đồng trong việc đề ra cách phản ứng với động thái của CHDCND Triều Tiên, sau khi nước này thử hạt nhân hồi tháng 1-2016.
Washington đã đề nghị áp các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Bình Nhưỡng. Song, Bắc Kinh khi đó nhấn mạnh các bước “đối thoại và nhẹ nhàng” đối với CHDCND Triều Tiên tại Liện Hiệp Quốc .
CHDCND Triều Tiên đang vẫn phải chịu trừng phạt của LHQ từ năm 2006 vì nước này đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong thời điểm trên.
Bình Nhưỡng cũng đang chịu lệnh trừng phạt cấm vận vũ khí từ LHQ. Theo đó, quốc gia này không được xuất nhập khẩu kỹ thuật hạt nhân lẫn tên lửa. LHQ cũng cấm CHDCND Triều Tiên nhập các hàng hóa cao cấp.
Nguy cơ Trung Quốc triển khai Su-35 đến Biển Đông
Giới phân tích quốc tế cho rằng bằng động thái triển khai trái phép hệ thống tên lửa phòng không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc dường như lộ ra ý đồ rõ ràng: họ muốn thống lĩnh một vùng biển rộng để hiện thực hóa cái gọi là "đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" ôm gần trọn Biển Đông.
Trong một bài viết đăng trên National Interest, chuyên gia an ninh quốc phòng Harry J. Kazianis thuộc Viện Chính sách Trung Quốc cho rằng trọng tâm của Bắc Kinh trong thời gian tới sẽ là kiểm soát bầu trời Biển Đông. Nếu không kiểm soát được vùng trời, Bắc Kinh sẽ không thể kiểm soát được vùng biển và các thực thể bên dưới. Dù năng lực của hải quân Trung Quốc đã có những tiến bộ trong 20 năm qua, họ vẫn khó lòng tuần tra được khu vực rộng lớn như Biển Đông, ông Kazianis nhận định.
Với việc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây ba đường băng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc có thể đang phát triển các căn cứ cần thiết để phục vụ cho mưu đồ tuần tra bầu trời Biển Đông, nhằm hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền phi lý. Fox News hôm 23/2 đưa tin tình báo Mỹ ghi nhận sự hiện diện của các chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 và Tây An JH-7 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong những ngày gần đây.
Kazianis cho rằng diễn biến tiếp theo sẽ thực sự rất quan trọng. Một khả năng là Trung Quốc có thể triển khai đến các đường băng phi pháp ở Biển Đông một trong những loại máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới: tiêm kích đa nhiệm Su-35 do Nga sản xuất.
Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 24 tiêm kích Su-35 của Nga, số máy bay này sẽ được bàn giao trong vòng ba năm. Dù bố trí tất cả số máy bay này ở Biển Đông có thể vẫn chưa đủ để Trung Quốc thực thi một vùng nhận dạng phòng không, tiêm kích Su-35 tân tiến vẫn sẽ giúp Bắc Kinh có lợi thế trong mưu toan thống lĩnh khu vực. Đây là điều mà Washington và các đồng minh cần phải cảnh giác, đặc biệt khi 4 chiếc Su-35 sẽ được bàn giao cho Trung Quốc trong năm nay, Kazianis nhấn mạnh.
Su-35 là tiêm kích một chỗ ngồi thế hệ 4++, phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ đa nhiệm Su-27. Su-35 có tải trọng cất cánh tối đa 34,5 tấn, tốc độ tối đa 2.390 km/h, tầm bay 3.600 km, có thể đạt tới 4.500 km khi bay tuần tiễu mang theo thùng dầu phụ.
"Đó là một chiếc máy bay rất nguy hiểm, đặc biệt là nếu họ sản xuất số lượng lớn", một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đánh giá. "Tôi nghĩ rằng ngay cả F-15 Eagle hay F/A-18E/F Super Hornet cũng sẽ gặp khó khi đối phó với nó".
Học giả nghiên cứu Trung Quốc, Peter Wood ở Quỹ Jamestown, Mỹ đã từng chỉ ra trong một báo cáo năm 2013 rằng, một cải tiến đáng kể của máy bay Su-35 so với tiêm kích J-11B của Trung Quốc (nhái Su-27 của Nga) là khả năng mang theo các thùng dầu phụ và tiếp liệu trên không. Cải tiến này giúp Su-35 có thể mang theo nhiên liệu nhiều hơn 20% so với Su-27. Năng lực tiếp liệu trên không là yếu tố quan trọng để tăng tầm bay và thời gian quần lượn.
Thời gian quần lượn là lượng thời gian mà một máy bay có thể bay xung quanh mục tiêu ở khoảng cách gần, khác với việc bay đến một khu vực rồi quay trở về căn cứ. Thông thường, có ba cách để tăng thời gian quần lượn. Cách thứ nhất là sử dụng máy bay nhỏ và nhẹ như máy bay không người lái Predator hay Global Hawk của Mỹ, vì chúng có thể ở trên không trong nhiều giờ liền và không cần có phi công. Hai lựa chọn còn lại là sử dụng máy bay có bồn nhiên liệu lớn hoặc có khả năng tiếp liệu trên không.
Công nghệ của Su-35 sẽ khiến Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc đơn phương thi hành luật trái phép, cũng như phô diễn sức mạnh ở Biển Đông, học giả Wood đánh giá.
Ông Wood nhận định, với khả năng bay trong thời gian dài của Su-35, Trung Quốc có thể hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng cách bay tuần tra và thực thi các nhiệm vụ ngăn chặn liên tục hơn. Ông cảnh báo sự kết hợp giữa Su-35 với tiêm kích tầm ngắn, tên lửa đất đối không tiên tiến, tên lửa đạn đạo tầm xa và tên lửa hành trình có thể tạo ra nhiều lớp phòng vệ, khiến những nước bên ngoài ngại can thiệp nếu Trung Quốc theo đuổi xung đột với các quốc gia láng giềng.
Theo chuyên gia Kazianis, đánh giá của học giả Wood được viết năm 2013 nên còn nhiều điểm chưa được cập nhật. Vì những nhận định này được đưa ra trước khi Trung Quốc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông nên Wood rõ ràng chỉ đề cập đến khả năng Su-35 được bố trí ở bờ biển Trung Quốc.
Còn hiện nay, Kazianis cho rằng, nếu Trung Quốc bố trí Su-35 ở các đường băng trên các đảo nhân tạo, tác động của chúng càng mạnh hơn. Và nếu Trung Quốc nghiên cứu chế tạo "hàng nhái" của Su-35, tức là tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của Su-35 để sản xuất phiên bản tương tự của Trung Quốc với số lượng lớn như nước này từng làm với các máy bay khác của Nga, Biển Đông "có thể là một nơi rất khác với hiện giờ", Kazianis cảnh báo.
Ngày 25/2, trả lời câu hỏi của VnExpress về thông tin Trung Quốc điều chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, đặt trạm radar ở một số cấu trúc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho rằng những diễn biến gần đây ở khu vực, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy nguyên trạng khu vực đang bị phá vỡ, "đặc biệt đáng lo ngại hơn là tình trạng quân sự hoá ở Biển Đông".
"Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hoá ở Biển Đông, mà còn đe doạ đến hoà bình, ổn định ở khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.