Đài Sputnik đưa tin: tờ The Daily Beast ngày 23/8 đăng bài viết của David X - sáng lập viên blog về đề tài quân sự "War is boring" - nhận định rằng Hải quân Nga sẽ sở hữu “tàu ngầm hạt nhân bí ẩn” có khả năng đối đầu với tàu ngầm Jimmy Carter của Mỹ.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 26-02-2016
- Cập nhật : 26/02/2016
Úc tăng chi tiêu quốc phòng vì lo ngại Trung Quốc
Theo sách trắng quốc phòng Úc năm 2016 Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull công bố ngày 25-2, tổng chi tiêu quốc phòng của Úc trong 10 năm tới sẽ tăng thêm 21,5 tỉ USD so với mức hiện nay, lên đến 448 tỉ USD.
Hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn lời ông Malcolm Turnbull cho biết nội dung sách trắng được soạn thảo trong tình hình an ninh khu vực có nhiều xáo trộn, đặc biệt sự phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc và độ quan tâm của Mỹ đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sách trắng nhận định trong hai thập niên tới, nửa số tàu ngầm thế giới và ít nhất nửa số máy bay chiến đấu tiên tiến của thế giới sẽ hoạt động ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, viễn cảnh này sẽ làm phức tạp các kế hoạch an ninh và chiến lược của Úc.
25% tổng số tiền sẽ được dùng tăng năng lực hải quân Úc, để Úc có được thế hệ hải quân toàn diện nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II, theo sách trắng. Úc sẽ mua 12 tàu ngầm, chín tàu khu trục chống ngầm và 12 tàu tuần tra xa bờ mới. Riêng hạng mục 12 tàu ngầm sẽ tốn hơn 50 tỉ USD.
18% sẽ được chi mua máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, xe, trực thăng quân sự và tên lửa tầm xa. Đây là lần đầu tiên mua máy bay ném bom tàng hình, trong một động thái mà Reuters nhận định là để tăng cường bảo vệ chủ quyền hàng hải và biên giới cũng như hỗ trợ bộ binh.
Quy mô quân đội Úc sẽ tăng lên 62.400 binh sĩ, mức cao nhất kể từ năm 1993.
Sách trắng nhận định Mỹ sẽ vẫn là quyền lực quân sự toàn cầu trong hai thập niên tới và vẫn sẽ là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Úc. Sự hiện diện tích cực của Mỹ ở khu vực sẽ tiếp tục giúp củng cố ổn định khu vực.
Sách trắng của Úc cũng kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn nữa về chính sách quốc phòng. Theo sách trắng, Trung Quốc sẽ không có được sức nặng chiến lược toàn cầu như Mỹ nhưng đà mạnh lên của sức mạnh quốc gia Trung Quốc trong đó có sự hiện đại hóa quân đội cho thấy chính sách và hành động của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Úc nhận định căng thẳng ở tây Thái Bình Dương đang gia tăng vì các hành động quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc dẫn đến Mỹ gia tăng tuần tra biển Đông. Tình hình này gây lo lắng cho Úc - vốn cho phép hàng trăm lính Mỹ đồn trú ở cảng Darwin và đang muốn tăng cường quan hệ kinh tế với đối tác thương mại lớn nhất Trung Quốc.
Thời gian tới sẽ không có xung đột lớn giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng sẽ có một số va chạm nhỏ giữa hai nước trong khu vực, chủ yếu vì các bất đồng trong số các vấn đề như biển Hoa Đông, biển Đông, không phận trên các vùng biển, về vấn đề luật pháp quốc tế, về lĩnh vực mạng và không gian.
Nhà phân tích quốc phòng Andrew Davies thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định việc ưu tiên phát triển hải quân cho thấy nỗi lo lắng an ninh lớn nhất của Úc hiện tại là thái độ của Trung Quốc.
Trong khi đó, Reuters dẫn nhiều ý kiến phân tích khác cho rằng sách trắng phần nào cho thấy sự khó xử của Úc giữa Mỹ và Trung Quốc. GS James Curran tại ĐH Sydney (Úc) nhận định Úc cần phải rất khéo léo trong ngoại giao để có thể vừa làm vừa lòng đồng minh Mỹ vừa không mất lòng đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Theo ông, bây giờ thì chưa có vấn đề gì lớn nhưng tương lai Úc sẽ gặp khó khi Mỹ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn ở các đồng minh tại khu vực.
Trung Quốc đang dùng cách nguy hiểm này để trì hoãn suy thoái kinh tế
Nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế, Trung Quốc đang bơm tiền vào nơi không xứng đáng.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang là nhân tố khiến ai cũng phải lo ngại do các nhà đầu tư lo sợ về việc Trung Quốc hạ cánh cứng có thể kéo cả thế giới vào suy thoái.
Để hiểu được Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới, cần dự đoán chính xác các chủ trương của chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới. Nhằm mục đích đó, các chuyên gia phân tích của Deutsche Bank, Zhiwei Zhang và Li Zeng đã công bố một báo cáo mang tên “Rủi ro ở Trung Quốc” phân tích các chính sách địa phương của chính phủ Trung Quốc để đối phó với sự giảm tốc của nền kinh tế nước này.
Zhang và Zeng đã tập trung phân tích số liệu về vùng Đông Bắc Trung Quốc, một khu vực trên thực tế đã rơi vào suy thoái sâu. Theo ước tính của Deutsche Bank, GDP danh nghĩa của vùng này chỉ tăng trưởng 1% (nếu tính cả lạm phát thì tăng trưởng còn ở mức âm) trong năm 2015. Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định đã giảm 11,6% so với tốc độ tăng trưởng bình quân 25,5% trong 10 năm trước. Thành phần kinh tế chủ yếu của khu vực này là doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành công nghiệp nặng truyền thống hoặc sản xuất hàng hóa và năng lượng, những khu vực đang gặp khó khăn lớn trong những năm gần đây.
Bất chấp hoạt động kinh tế suy giảm mạnh, tăng trưởng tiêu dùng và thu nhập lại không giảm tương ứng. Ngoài ra, Đông Bắc Trung Quốc là nơi duy nhất trong cả nước có tăng trưởng tín dụng, tức là các ngân hàng cho vay nhiều hơn trong năm 2015 so với năm trước đó.
Ở các nước không có cấu trúc kinh tế tập trung như Trung Quốc, hiện tượng này khó có thể xảy ra. Zhang và Zeng chỉ ra rằng sự trái ngược giữa hoạt động kinh tế suy giảm và sức mua tiêu dùng tăng không chỉ do sự hỗ trực tiếp của chính phủ mà còn do “hỗ trợ gián tiếp” của các ngân hàng.
Sự tương phản sâu sắc giữa hoạt động kinh tế yếu kém và tăng trưởng tín dụng mạnh cho thấy các ngân hàng ở vùng Đông Bắc đang hỗ trợ khu vực doanh nghiệp yếu kém bất kể khả năng phục hồi, nhằm ngăn ngừa nguy cơ phá sản và nạn thất nghiệp xảy ra. Trong trường hợp này, chính phủ đã ưu tiên duy trì ổn định xã hội hơn là quan tâm đến lợi nhuận của ngân hàng.
Tuy nhiên, hỗ trợ của chính phủ chỉ có thể là giải pháp ngắn hạn thay vì triệt để khắc phục những thách thức mà vùng đông bắc đang phải đối mặt. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nói về việc xử lỷ những rủi ro của các “công ty thây ma” vào cuối năm 2015. Đây được xem là nhân tố quan trọng trong quá trình cải cách nền kinh tế. Một cách để đo lường quyết tâm của chính phủ trong cải cách là nhìn xem tăng trưởng tín dụng ở vùng đông bắc có được kiềm chế trong năm 2016 hay không.
Đây là lý do mà nhiều chuyên gia thường cảm thấy mơ hồ về kinh tế Trung Quốc. Vì chính phủ nước này có nhiều khả năng và quyết tâm để kích cầu kinh tế hơn các nước phương Tây khác, khó mà có thể dự đoán được hướng đi tương lai của kinh tế Trung Quốc.
Nhưng cho đến khi Trung Quốc giải quyết các khiếm khuyết căn bản của nền kinh tế: sự phụ thuộc quá mức vào đầu tư, xuất khẩu và nợ, nước này sẽ phải tiếp tục dựa vào các gói kích thích của chính phủ để ngăn nền kinh tế sụp đổ. Trung Quốc càng trì hoãn cải cách bao nhiêu, sự mất cân đối của nền kinh tế sẽ càng lớn bấy nhiêu.
Trung Quốc sẽ tham gia tập trận với Mỹ ở Thái Bình Dương
Một nhóm binh sĩ Trung Quốc di chuyển từ tàu Haikou (DD 171) đến tàu tuần duyên Mỹ Waesche (WMSL 751) trong một nội dung thuộc RIMPAC 2014. Ảnh: U.S Coast Guard
Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC được xem là cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới, diễn ra hai năm một lần ở Hawaii vào tháng 6 và tháng 7.
"Việc tham gia cuộc tập trận quân sự này sẽ có lợi cho việc cải thiện năng lực hải quân của Trung Quốc nhằm đối phó với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống", Reuters dẫn lời Wu Qian, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói. "Đồng thời, điều này cũng tăng cường những trao đổi về chuyên môn và hợp tác trên thực tế giữa Trung Quốc với hải quân các nước láng giềng".
Ông Wu xác nhận Trung Quốc sẽ điều tàu chiến tham gia RIMPAC nhưng không nói rõ số lượng và đó là những loại tàu gì.
Những người chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain, cho rằng Mỹ nên cấm Trung Quốc tham gia hoạt động này để thể hiện sự phản đối trước những hành động quân sự của Bắc Kinh.
Mỹ và các nước đồng minh bày tỏ mối quan ngại khi Trung Quốc củng cố quân đội và ngày càng gia tăng hành động gây hấn trên Biển Đông.
Ông Wu thừa nhận mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ "còn nhiều khó khăn và trở ngại". Ông dẫn ví dụ về các thương vụ bán vũ khí của Mỹ với Đài Loan, việc các tàu chiến Mỹ giám sát gần các đảo trên Biển Đông và việc hạn chế trao đổi quân sự song phương. Ông Wu cũng chỉ trích các cuộc tuần tra của Mỹ trên Biển Đông.
Đô đốc Mỹ Admiral Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nói rằng ông muốn xây dựng quan hệ giữa quân đội hai nước nhưng cũng chỉ trích mạnh mẽ những hành động của Trung Quốc.
Trung Quốc từng tham gia RIMPAC năm 2014 với hơn 20 nước, nhưng giới chức quốc phòng cho hay Bắc Kinh chỉ được góp mặt ở một số nội dung như cứu trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn.
Campuchia dùng chuột để dò phá bom mìn
Campuchia đã gặt hái một kết quả đáng khích lệ trong việc sử dụng loài động vật gặm nhấm có nguồn gốc châu Phi trong vấn đề xử lý bom mìn từ thời chiến tranh.
Theo CBS News, tính từ đầu tháng 2-2016, những chú chuột đã giúp dọn sạch mìn trên 2 ha đất quanh một ngôi làng ở vùng tây bắc Campuchia. Trước đó, 15 người đã thiệt mạng do mìn tại khu đất này, nhiều người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn để tìm việc làm ở nơi khác.
Các quốc gia châu Phi như Mozambique và Angola cũng từng thành công, trong việc phá mìn nhờ “biệt đội gặm nhấm” đang làm nhiệm vụ ở Campuchia.
“Dân làng bắt đầu trở nên hào hứng với việc canh tác trở lại trên mảnh đất của họ. Bạn có thể thấy ánh sáng trên gương mặt họ", Paul McCarthy, quản lý dự án Campuchia cho tổ chức phi lợi nhuận APOPO của Bỉ - tỏ ra lạc quan.
Khác với những chiếc máy dò mìn tiêu chuẩn, chuột chỉ phản ứng với những vật thể có mùi thuốc nổ TNT, nó bỏ qua những vật kim loại khác. “Tiền lương” cho chuột cũng chỉ là đậu phộng hoặc chuối.
Ông Theap Bunthourn, một người thuộc dự án, nhận xét việc mua và huấn luyện chuột cũng rẻ hơn chó, lại dễ vận chuyển. Trọng lượng mỗi con chuột cũng đủ nhẹ để không vô tình kích hoạt những quả mìn còn sót lại.
Riêng về hiệu quả công việc, mỗi con chuột có thể dọn sạch mìn trên diện tích 200m2 trong vòng 20 phút, điều mà một chuyên gia dò mìn phải mất từ 1-4 ngày để hoàn thành.
Khứu giác của chúng nhạy đến nỗi ở châu Phi người ta còn dùng chuột để phát hiện bệnh lao trong dịch đờm của người với tốc độ nhanh hơn phương pháp xét nghiệm tiêu chuẩn.
Dù vẫn còn một số ý kiến hoài nghi hiệu quả dò mìn của loài động vật gặm nhấm như chuột, các chuyên gia của APOPO vẫn lạc quan về những dữ liệu thu được. 13.000 quả mìn dọn được ở Mozambique mà không có bất cứ thương vong nào là một kết quả khả quan.
Tại Campuchia vẫn còn khoảng 6 triệu quả mìn chưa nổ vẫn còn nằm trong lòng đất từ thời chiến tranh. Cả nước có khoảng 67.000 người thiệt mạng hoặc bị thương do mìn từ năm 1979.
Brazil xây dây cáp ngầm 'khủng' né gián điệp Mỹ
Bộ trưởng truyền thông Brazil Andre Figueirdo vừa thông báo một số kế hoạch phát triển một hệ thống dây cáp tàu ngầm kết nối trực tiếp Brazil với châu Âu.
Đây được xem là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm chống lại gián điệp điện tử của Mỹ. Dự kiến kế hoạch này sẽ tiêu tốn khoảng 250 triệu USD.
Tuy nhiên, Google và Facebook có thể sẽ sẵn lòng giúp chi trả kinh phí trên. Hai “ông lớn” công nghệ này nằm trong hàng chục công ty cảm thấy ấn tượng và thích thú với dự án sử dụng cáp để bảo đảm an toàn trong vấn đề truyền tin.
Điều này báo hiệu rằng mô hình giám sát cộng đồng từ núi dữ liệu của Washington hiện đang gây phiền toái cho người dùng trên toàn cầu khiến họ luôn muốn loại bỏ.
Dự án dây cáp này được mong đợi sẽ đi vào hoạt động khoảng cuối năm 2017. Theo ông Figueiredo, tuyên bố vào thứ Ba trong cuộc phỏng vấn tại hội nghị Triển lãm Di động toàn cầu ở Barcelona rằng: “Dự án sẽ được gây quỹ từ sự thương mại hóa nằm trong sự giao thông của dây cáp”.
Ông cũng chia sẻ thêm công ty viễn thông có vốn nhà nước, Telecomunicacoes Brasileiras, thường được biết đến với tên Telebras “đã đang quảng bá dự án này đến Liên minh châu Âu và một số tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ khác”.
Bước tiến triển mới từ dự án này có thể sẽ chấm dứt mối quan hệ kinh tế của Mỹ với quyền lực đang lớn mạnh của Nam Mỹ. Bởi lẽ cáp liên kết dữ liệu trực tiếp từ Brazil tới châu Âu sẽ hoàn toàn né được Mỹ.
Hiện tại, Mỹ là đối tác chính truyền tải nốt mạng cho hệ thống Internet ở Brazil và hai quốc gia này cũng đang là đối tác kinh tế quan trọng của nhau.
Trước sự cố năm 2013, Công ty Telebras đã từng tuyên bố tiến hành những dự án xây dựng một tuyến cáp mới nối trực tiếp tới Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Brazil đã nhanh chóng ngăn cấm dự án liên kết dữ liệu Mỹ-Brazil trên mà thay vào đó, yêu cầu Telebras tìm kiếm tuyến cáp liên kết trực tiếp với châu Âu.
Các đại diện từ Google và Facebook đã từ chối bình luận về các dự án cáp giữa Brazil và châu Âu. Các công ty theo dõi an ninh ở Washington sẽ có thể để mắt tới dự án này vì nó bị xem như là một trở ngại đối với những hoạt động trí tuệ quốc tế của họ.
Nghiêm trọng hơn, sự tham gia của Google và Facebook là một thử thách trực tiếp đối với kinh tế Mỹ cũng như thể hiện mối quan tâm lớn từ hai công ty về mạng Internet lớn nhất thế giới được thành lập ngay tại thung lũng Silicon của bang California, Mỹ.