Khi Tổng thống Putin tố Thổ Nhĩ Kỳ là "đồng lõa với khủng bố" sau vụ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga, có lẽ ông ám chỉ đến mối quan hệ phức tạp giữa Ankara với các thủ lĩnh IS.
Tin thế giới đọc nhanh 22-06-2016
- Cập nhật : 22/06/2016
Lãnh đạo Hải quân Mỹ gửi thông điệp cứng rắn về Biển Đông
Đô đốc hải quân Mỹ John Richardson ngày 20-6 nhận định, việc Mỹ điều động hai tàu sân bay đến cùng một vùng biển là điều rất hiếm khi xảy ra. Điều này thể hiện rõ sự cam kết của Mỹ đối với tình hình an ninh khu vực. Tuyên bố của ông Richardson đươc đưa ra tại hội thảo của một trung tâm cố vấn chính sách tại Washington, theo Reuters.
Hai tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan cuối tuần qua đã cùng tiến hành tập trận phối hợp ở vùng biển phía Đông Philippines. TờReuters bình luận, động thái này nhằm thể hiện lập trường của Mỹ trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) công bố phán quyết vụ kiện của Philippines về Biển Đông.
Hai tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan đã cùng được điều động đến vùng biển Tây Thái Bình Dương cuối tuần qua. Ảnh: Reuters
Vị lãnh đạo lực lượng Hải quân Mỹ hy vọng việc điều động hai tàu sân bay đến huấn luyện ở khu vực Đông Á có thể ngăn chặn các động thái gây bất ổn khu vực, đặc biệt là các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc khiến căng thẳng quân sự tăng cao.
Ông Richardson cũng nhắc đến việc Mỹ điều động thêm tàu sân bay thứ hai đến Địa Trung Hải, khu vực mà Mỹ đang ngày một lo ngại về sự tăng cườg hiện diện của Nga. "Cả tại Đông Á và Địa Trung Hai, các tàu sân bay là dấu hiệu gửi đến các nước trong khu vực rằng chúng tôi vẫn tôn trọng các cam kết. Chúng tôi sẽ sát cánh bên các đồng minh của mình. Đây là lời nhắn nhủ cho các đối tác và cả những ai muốn gây bất ổn trong khu vực".
Đô đốc Hải quân Mỹ đến thăm tàu sân bay USS John C. Stennis trong thời gian tàu tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ
Phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, ông Richardson cho biết: "Chúng tôi hy vọng thông điệp này truyền tải rõ ý nghĩa ngăn chặn bất ổn". Ông chỉ đích danh các hoạt động cải tạo đảo quy mô lớn và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ đe dọa khả năng di chuyển trong khu vực. Ông khẳng định Mỹ "buộc phải phản ứng" trước những động thái này. "Với mỗi bước phản ứng, chúng tôi nhắm đến việc biến ý định của Trung Quốc khó được hiện thực hóa hơn", ông Richardson cho biết.
Trong một diễn biến khác, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) cũng đưa ra tuyên bố trích lời Chuẩn Đô đốc Mỹ John D. Alexander, chỉ huy đội tàu sân bay Ronald Reagan, khẳng định: Đợt điều động này là cơ hội để Mỹ tập luyện các kỹ năng cần thiết để "giành thắng lợi trong các hoạt động hải chiến hiện đại".
Ông John D. Alexander tái khẳng định lập trường của Mỹ về quyền tự do đi lại trên Biển Đông: "Hải quân Mỹ đã hoạt động khắp vùng trời và vùng biển phía Tây Thái Bình Dương theo đúng luật pháp quốc tế hàng thập kỷ qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều này".(PLO)
Trưởng làng chống tham nhũng Trung Quốc thừa nhận ăn hối lộ
Theo BBC, ông Lin Zuluan, lãnh đạo được dân bầu ra của làng Wukan ở tỉnh Quảng Đông, bị bắt hôm 18/6.
Hôm nay, trên một kênh truyền hình quốc gia, ông ăn mặc khá lôi thôi, ngồi trong một căn phòng kín, trước hai người không rõ là ai. Ông cho hay mình đã nhận tiền để ký vào các hợp đồng của chính quyền và thừa nhận đó là "hành vi phạm tội lớn nhất" của bản thân.
Ông Lin bị bắt vài ngày sau khi kêu gọi các cuộc biểu tình mới quanh cáo buộc chính quyền chiếm giữ đất của người dân.
Bà Yang Zhen, vợ ông Lin, cho rằng lời thú nhận trên của chồng là bị cưỡng ép. "Ông ấy vô tội", bà nói.
Kể từ khi ông Lin bị bắt, dân làng cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối khiến giới chức phải triển khai hàng trăm cảnh sát chống bạo động vũ trang hạng nặng.Làng Wukan gây xôn xao cách đây 5 năm với một cuộc nổi dậy chống lại các quan chức tham nhũng bán đất cho các nhà phát triển mà không đền bù thỏa đáng cho người dân.
Sau nhiều tháng bất ổn, Bắc Kinh đã chấp thuận cho phép làng Wukan tự tổ chức bầu cử để chấm dứt biểu tình. Năm 2012, ông Lin, một trong những lãnh đạo của phong trào biểu tình, được bầu làm trưởng làng.(VNEX)
Triều Tiên rục rịch phóng tên lửa, Nhật - Hàn cảnh giác
Ngày 21-6, quân đội Nhật Bản được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi có tin đồn Triều Tiên đang chuẩn bị phóng một tên lửa tầm trung từ bờ biển phía đông nước này.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng đã được lệnh bắn hạ "bất kỳ vật thể bay nào bay vào lãnh thổ hoặc không phận Nhật Bản", theo đài NHK.
Tại Hàn Quốc, hãng Yonhap dẫn một nguồn tin quân sự cho biết Hàn Quốc cũng đang "theo dõi sát sao tình hình" sau khi phát hiện dấu hiệu cho thấy Triều Tiên dường như đang sắp phóng một tên lửa Musudan.
Theo nguồn tin nói trên, Bình Nhưỡng dường như đã di chuyển một bệ phóng di động mang tên lửa ra bờ biển phía đông.
Vào tháng 5 vừa qua, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa tầm trung Musudan nhưng thất bại. Tên lửa này được cho là có tầm bắn 3.000-4.000km.
Theo Seoul, Triều Tiên sở hữu khoảng 50 tên lửa Musudan. Lần đầu tiên tên lửa này được triển khai là vào năm 2007, tuy nhiên việc bắn thử chỉ mới diễn ra trong năm nay.
Seoul nói nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa Musudan, nước này sẽ vi phạm nghị quyết hiện nay của Liên Hiệp Quốc và thách thức các cảnh báo của cộng đồng quốc tế.
Bỉ bắt người mang đai bom giả nhét đầy bánh quy
ABC News dẫn tin từ văn phòng công tố viên Brussels cho hay người đàn ông được xác định với cái tên J.B đang bị thẩm vấn. Cảnh sát đang điều tra xem liệu vụ việc có dính líu tới chủ nghĩa khủng bố không hay chỉ là một trò đùa.
Trước đó, nghi phạm gọi cho cảnh sát vào lúc 5h30 sáng và thông báo rằng y bị bắt cóc, có người sắp kích nổ đai bom trên người y.
Cảnh sát có vũ trang ngay lập tức có mặt ở một trung tâm thương mại. Nơi này bị phong tỏa trong khi xe cảnh sát bao vây ở lối vào bên ngoài tòa nhà cùng các con phố xung quanh, nơi có một trong những ga tàu điện ngầm đông đúc nhất Brussels.
Đội phá bom sau đó phá hiện đai bom trên là giả và chỉ chứa muối cùng bánh quy. Sau khi xác nhận không còn mối đe dọa nào, cảnh sát đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa.
J.B gần đây cũng từng liên lạc với cảnh sát và tuyên bố rằng y đã bị kích động gia nhập nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Giới chức Bỉ cho hay sáng nay báo động khủng bố cấp 3 cho Brussels vẫn được duy trì. Bỉ vẫn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao sau các vụ đánh bom do IS tiến hành hồi tháng 3 làm 32 người thiệt mạng tại sân bay và ga tàu Brussels.
Xác định hung khí sát hại 'đối thủ chính trị' của Putin
Theo hãng tin Sputnik ngày 20-6, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết chính trị gia đối lập Boris Nemtsov đã bị giết hại bởi một khẩu súng tự chế. Khẩu súng được lắp ráp bởi các linh kiện mua từ nước ngoài.
"Hung khí này thường được các băng đảng và tổ chức tội phạm cao cấp sử dụng. Một loạt các vụ giết người từng xảy ra tại Moscow vào năm 2014, dobăng nhóm GTA tiến hành, cũng có xuất hiện loại súng này. Nó cũng được sử dụng trong vụ sát hại ông Nemtsov và ông Cheresky - thành viên chính quyền Cộng hòa Kabardino-Blakar (thuộc Nga) vào năm 2015", tuyên bố của FBS viết.
Ông Boris Nemtsov - một chính trị gia đối lập Nga - bị sát hại vào ngày 27-2-2015 tại thủ đô Moscow. Vài tháng trước khi bị sát hại, ông đã có nhiều tuyên bố rằng tính mạng ông đang bị đe dọa vì lập trường đối lập của ông đối với chính phủ của ông Putin. Ông Nemtsov cũng thường xuyên đưa ra nhiều cáo buộc ông Putin có các mối quan hệ lợi ích nhóm và lạm dụng quyền lực.
Năm người đã bị bắt giữ vì nghi ngờ tham gia trong vụ giết người, cụ thể là Hamzat Bakhayev, Tamerlan Eskerkhanov, Shadid và Anzor Gubashev và Zaur Dadayev. Ruslan Mukhudinov, người bị nghi là kẻ chủ mưu vụ ám sát, cũng đã bị bắt giữ.
Một tuyên bố mới đây của FSB cho hay khẩu súng tự chế dùng để sát hại ông Nemtsov sẽ không ảnh hưởng tới cuộc điều tra hiện nay.
“Dù gì, nguồn gốc của khẩu súng trên sẽ không tác động tới toàn bộ tiến trình điều tra. Phần lớn những nghi phạm bị giam giữ đều có liên quan tới vụ ám sát này” - Vadim Prokhorov, luật sư đại diện cho gia đình chính trị gia đối lập Nga nói. Ông cũng cho biết, hiện khẩu súng gây án vẫn chưa được tìm thấy.