Ông Putin sắp thăm Trung Quốc
Mỹ lãng phí hàng tỉ USD huấn luyện lực lượng Afghanistan
Nga không có kế hoạch tăng lực lượng quân sự ở Bắc Cực
Quốc gia duy nhất trên thế giới khiến IS phải khiếp sợ
Tướng Mỹ yêu cầu được bắn hạ máy bay Nga ở Syria
Tin thế giới đọc nhanh tối 19-06-2016
- Cập nhật : 19/06/2016
Nga, Trung Quốc có thể hợp tác về công nghệ tên lửa
Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 17/6 cho biết nước này có thể hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực quân sự.
Hãng tin Interfax dẫn lời ông Putin nói trong cuộc gặp với lãnh đạo các hãng thông tấn quốc tế bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF 2016), nêu rõ: "Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác của mình việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ tên lửa, hàng không, cũng như trong các lĩnh vực dân sự, và ứng dụng quân sự".
Ông Putin nhấn mạnh cả Moskva và Bắc Kinh đều cần các công nghệ mới và có thể bổ sung cho nhau.Tại SPIEF 2016, Tổng thống Nga đã đề xuất thiết lập quan hệ đối tác Á-Âu lớn với các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.
Trước đó, tận dụng cơ hội Mỹ sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan, Trung Quốc và Nga đã bắt tay nghiên cứu khả năng tấn công Mỹ từ vũ trụ.
Thông tin nêu trên được tờ “Bưu điện Washington” đăng tải cùng với việc cho biết đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại vệ tinh dễ trở thành đối tượng bị tấn công.
Tờ báo còn dẫn lời Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, Đô đốc Cecil D. Haney thừa nhận cho dù Mỹ đã nỗ lực rất nhiều, nhưng xung đột trong tương lai có thể bắt đầu hoặc mở rộng trong vũ trụ.
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chính sách không gian và quốc phòng Frank Ross cũng bày tỏ lo ngại về việc Nga và Trung Quốc tiếp tục tiến hành nghiên cứu vũ khí chống vệ tinh.
Tiêu chuẩn kép của NATO có thể dẫn đến chiến tranh với Nga
Lãnh đạo các nước Phương Tây nên thay đổi lập trường trong quan hệ với Nga, nếu không có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện.
Theo bài báo, các nhà lãnh đạo Phương Tây đã phớt lờ ý kiến của Moskva, thông qua quyết định triển khai thêm 4 tiểu đoàn NATO sát gần biên giới phía Tây của Nga. NATO tin chắc rằng quyết tâm hành động của họ có thể ảnh hưởng đến Moskva, nhưng, ở châu Âu và Mỹ, có rất ít người nhận thức được rằng Nga coi việc mở rộng NATO về phía Đông là sự đe dọa trực tiếp tới lợi ích an ninh quốc gia.
Tác giả bài báo cho rằng lãnh đạo các nước Phương Tây nên thay đổi lập trường trong quan hệ với Nga, nếu không thì sự lạnh nhạt trong quan hệ với Nga có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện, còn sự leo thang xung đột có thể dẫn đến cuộc chiến thực sự.
Tác giả Carpenter kết luận: "Người Mỹ cần tự đặt ra câu hỏi tại sao Ukraine, Gruzia và các nước vùng Baltic đều nằm trong những lợi ích sống còn của Washington. Có nên chấp nhận rủi ro đối đầu quân sự với Nga vì lợi ích đảm bảo an toàn cho họ hay không? Một cường quốc nên có một thái độ sáng suốt và chấp nhận các khu vực ảnh hưởng của cường quốc khác"
Ukraine bắt một nhà ngoại giao Nga
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ngày 17/6 đã tạm giữ một nhà ngoại giao Nga do tình nghi hối lộ các quan chức thực thi luật pháp luật.
SBU cho biết sau khi bị tạm giữ, người đàn ông này cho biết mình là nhân viên Tổng lãnh sự quán Nga tại Kharkov đồng thời xuất trình hộ chiếu cùng thẻ ngoại giao. Do có quyền miễn trừ ngoại giao, nên sau đó nhà ngoại giao này đã được thả. Danh tính của nhà ngoại giao này không được tiết lộ.
Ngoài ra, SBU cũng công bố đoạn video trong đó có cảnh 2 người đàn ông đưa cho nhau một phong bì, và sau đó một trong hai người bị những người mặc quân phục áp giải.
Ngành công nghiệp súng đạn Mỹ ngày càng thịnh vượng
Việc buôn bán súng ở Mỹ đang trở nên phát đạt dưới thời Tổng thống Barack Obama và nhất là sau các vụ thảm sát bởi nhiều người lo ngại các quy định sẽ bị siết chặt hơn, dù chẳng có thêm nhiều khách hàng mới.
Ngày 13/6, một ngày sau vụ thảm sát tại hộp đêm Orlando, các nhà đầu tư quay lại đặt cược vào sự thịnh vượng của công việc kinh doanh súng đạn. Các chỉ số chứng khoán của hai nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Mỹ, Smith & Wesson và Sturm Ruger đã tăng lần lượt là 6,9% và 8,5%. Hiện tượng này đã tái diễn trong những năm qua.
Số liệu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về 10 tuần có số lượng kiểm tra nhân thân người mua vũ khí cao nhất khi họ mua súng ở các cơ sở buôn bán được liên bang cấp phép đã cho thấy rõ tác động của các vụ thảm sát. Theo FBI, hai con số cao nhất là sau các vụ xả súng ở trường tiểu học Newtown thuộc bang Connecticut năm 2012 làm 26 người chết, và vụ xả súng trong bữa tiệc ngày lễ ở San Bernardino, bang California hồi tháng 12 năm ngoái làm 14 người thiệt mạng.
Trả lời phỏng vấn, ông Josh Sugarmann thuộc Trung tâm Chính sách về Bạo lực- một nhóm kiểm soát về súng đạn, nói: “Công nghiệp súng đạn và việc vận động ủng hộ vũ khí đã khai thác triệt để nỗi sợ hãi trong một bộ phận dân chúng lo sợ súng của họ sẽ bị tịch thu”. Những nỗi lo ngại này tăng cao trong 8 năm ông Obama làm tổng thống. Việc ông Obama ủng hộ thắt chặt các quy định về kiểm soát súng đạn đã khuyến khích làn sóng mua và sản xuất súng gia tăng.
Theo các con số chính thức, hơn 9 triệu khẩu súng và các loại vũ khí khác đã được sản xuất ở Mỹ trong năm 2014 so với con số 5,5 triệu vào năm 2009, khi ông Obama bắt đầu lên nắm quyền. Theo nghiên cứu của hãng IBISWorld, năm 2012 ông Obama tái đắc cử Tổng thống, đây cũng là năm kỷ lục của ngành vũ khí khi doanh thu tăng gần 19 lần. Nghiên cứu cho biết: “Nhiều khách hàng tìm mua sản phẩm do lo ngại việc mua vũ khí trong tương lai có thể khó khăn hơn”.
Động lực này vẫn đang tiếp diễn. Theo IBISWorld, kể cả đạn dược và sản phẩm quân sự khác, doanh thu của ngành công nghiệp này đã tăng trung bình 6,5% mỗi năm kể từ năm 2011 và dự kiến đạt 15,8 tỷ USD năm 2016. Điều đó có nghĩa là sẽ có 1,2 tỷ lợi nhuận trong năm nay. Một trong những nhà vận động ủng hộ vũ khí, Liên đoàn Thể thao Bắn súng Quốc gia, tính toán rằng hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp của ngành công nghiệp này là 49,3 tỷ USD mỗi năm.
Mặc dù có mức tăng trưởng mạnh và được đề cập nhiều trên truyền thông song ngành công nghiệp súng đạn chỉ chiếm một phần nhỏ trong khoảng 5.200 tỷ USD doanh số bán lẻ hàng năm ở Mỹ. Và nó đối mặt với một mối đe dọa nguy hiểm hơn khả năng xiết chặt thêm các quy định, đó là các số liệu về nhân khẩu học. Robert Spitzer, tác giả cuốn “Súng đạn trên nước Mỹ” và 4 cuốn khác về việc kiểm soát súng, nói: “Tồn tại một nỗi sợ hãi của cả người sản xuất lẫn cộng đồng được quyền mua súng xuất phát từ thực tế là nền tảng ủng hộ của họ - lớp người trung niên, nam giới da trắng - đang suy giảm”. Năm 2010, người Mỹ da trắng chỉ chiếm 72,4% dân số Mỹ so với 89,5% năm 1950. Ông Spitzer nói: “Sở hữu súng đơn thuần đã ít được mọi người quan tâm hơn so với vài thập kỷ trước”.
Kết quả là, năm 2014 có chưa tới 1/3 hộ gia đình Mỹ sở hữu tối thiểu 1 khẩu súng so với mức gần 50% năm 1980, theo như báo cáo của Đại học Chicago. Số vũ khí lưu hành ở Mỹ vẫn rất lớn, ở mức khoảng 270 triệu đến 310 triệu súng, con số gần như đủ đảm bảo mỗi người một khẩu. Thế nhưng, con số này lớn chủ yếu lại là do có những người mua nhiều súng hơn là những người lần đầu mua súng. Điều này đã được các nhà sản xuất súng lưu ý tới. Ông Jurgen Brauer, Giáo sư kinh tế Đại học Augusta hiểu rõ về bạo lực súng ống, cho biết: “Tự nhận thức được rằng thị trường ‘truyền thống’ với ‘những người đàn ông da trắng khá giả đi săn’ đã bị hạn chế, ngành công nghiệp này đang rất tích cực nghiên cứu và chào hàng tới thị trường những người nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, phụ nữ và thanh niên”.
Khó có thể biết liệu những nỗ lực này có thành công hay không. Chỉ có một số ít các nhà sản xuất súng buôn bán công khai, và do đó yêu cầu minh bạch phải được đặt lên hàng đầu.
Ba kịch bản thiết lập ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông
Tuần qua, trang mạng “seasearch.com” đăng bài viết với tiêu đề “Ba kịch bản thiết lập Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc trên Biển Đông”, đề cập tới các khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ tại vùng biển này.
Kịch bản 1: ADIZ trên Quần đảo Hoàng Sa
Năm 1996, Trung Quốc đã tuyên bố các đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Bên cạnh đó, Điều khoản 2 trong Luật Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc năm 1998 qui định rằng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của nước này kéo dài “200 hải lý tính từ đường cơ sở”.
Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP/TTXVN
Một ADIZ như thế có lẽ sẽ chồng lấn với không phận phía trên các EEZ và thềm lục địa của Việt Nam và Philippines. Đồng thời, ADIZ của Trung Quốc có thể cũng chồng lấn các Vùng thông tin bay (FIR) của Thành phố Hồ Chí Minh, Manila hay một số thành phố khác. ADIZ trên Hoàng Sa sẽ là một sự khẳng định chủ quyền phi pháp của Trung Quốc không chỉ đối với quần đảo này, mà còn đối với khu vực EEZ rộng 200 hải lý và thềm lục địa quanh Hoàng Sa, đồng thời có thể giúp Trung Quốc kiểm soát các hoạt động không lưu ở phía Bắc Biển Đông.
Kịch bản 2: ADIZ trên Quần đảo Trường Sa
Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là đối tượng tranh chấp chủ quyền của “5 nước-6 bên” (gồm 5 quốc gia Việt Nam, Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Philippines cùng với Đài Loan). Trung Quốc có thể thiết lập một ADIZ trên Trường Sa nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo này. Trong Công hàm CML/8/2011 đề ngày 14/4/2014, Trung Quốc khẳng định một cách dứt khoát rằng ADIZ sẽ giúp Trung Quốc khẳng định quan điểm đó. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải “cân nhắc điều hay lẽ dở” trước khi thiết lập một ADIZ trên quần đảo Trường Sa. Thứ nhất, một vùng nhận dạng phòng không như thế có thể chồng lấn lên FIR của Thành phố Hồ Chí Minh, Manila, Singapore và Kota Kinabalu (Malaysia), do đó có thể dẫn tới những chỉ trích mạnh mẽ từ phía Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia. Bên cạnh đó, do Trường Sa lại nằm tại một khu vực có ý nghĩa chiến lược về hàng hải và hàng không, nên ADIZ của Trung Quốc sẽ đối mặt với sự chỉ trích kịch liệt của nhiều quốc gia khác, những nước có lợi ích hàng không trong khu vực này.
Hiện cũng có một vấn đề mang tính kỹ thuật đối với việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Để thiết lập các tọa độ chính xác của ADIZ, Trung Quốc cần phải tuyên bố vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Trường Sa hoặc quanh một thực thể nào đó thuộc quần đảo này. Tuy nhiên, một tuyên bố như thế sẽ dẫn tới một cuộc tranh cãi khác sau khi đã có những chỉ trích gay gắt nhằm vào hoạt động bồi đắp và xây dựng mới đây của Trung Quốc trên các thực thể ở Trường Sa của Việt Nam. Hơn nữa, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu khu trục USS Lassen đi vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa để chứng tỏ nguyên tắc tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế.
Kịch bản 3: ADIZ trên “Đường lưỡi bò”
Trong Công hàm CML/17/2009 đề ngày 7/5/2009, Trung Quốc chính thức tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông trong “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn), được coi là cơ sở cho các ADIZ tiềm tàng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy vậy, ADIZ trên đường lưỡi bò sẽ không thích hợp bởi chính “đường 9 đoạn” là thứ mơ hồ và phi lý. Trung Quốc chưa hề giải thích các cơ sở pháp lý cho “đường 9 đoạn” và cũng không công khai các tọa độ địa lý chính xác của “đường 9 đoạn”. Nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên “đường 9 đoạn”, Bắc Kinh cần công bố các tọa độ chính xác vì máy bay nước ngoài phải tuân thủ các qui định trong ADIZ của Trung Quốc, điều mâu thuẫn với chính sách "mập mờ" của Trung Quốc. Và nếu theo tấm bản đồ “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh gửi đính kèm Công hàm CML/17/2009, một ADIZ trên “đường 9 đoạn” sẽ chồng lấn với các FIR của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hong Kong, Manila, Singapore và Kota Kinabalu (Malaysia). Do vậy, giống với ADIZ thiết lập trên quần đảo Trường Sa, ADIZ trên “đường 9 đoạn” sẽ vấp phải sự chỉ trích của những bên đang có trách nhiệm điều hành các FIR trên Biển Đông.
Thêm vào đó, “đường 9 đoạn” cũng bị chỉ trích bởi một quốc gia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như Indonesia, nên một hành động nữa liên quan tới tuyên bố chủ quyền sẽ phải đối mặt với sự lên án mạnh mẽ hơn của Jakarta. Đây sẽ là 1 thách thức pháp lý nữa đối với Trung Quốc mà Philippines sẽ đưa ra tại Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan), chiểu theo Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Cho dù Trung Quốc nhiều lần bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh sẽ không tiến hành bất kỳ hành động gây hấn mới nào liên quan tới “đường 9 đoạn”. Bất chấp lập trường của Bắc Kinh rằng phán quyết của PCA “không có tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc”, song nước này được cho là sẽ hoãn tuyên bố thiết lập ADIZ bên trên “đường 9 đoạn” cho tới khi PCA đưa ra phán quyết cuối cùng.
Tóm lại, dù Trung Quốc dường như đã sẵn sàng tuyên bố thiết lập một ADIZ trên Biển Đông, song Bắc Kinh cần cân nhắc vấn đề “thiệt-hơn” khi thiết lập. Kịch bản dễ xảy ra nhất sẽ là Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.(TTXVN)