Tổng thống Philippines cảnh báo chiến tranh đẫm máu nếu Trung Quốc xâm phạm biển đảo
Tổng thống Philippines khẳng định quân đội nước này sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ nếu những nỗ lực hòa bình với Trung Quốc thất bại.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
"Tôi đảm bảo (với Trung Quốc), nếu các anh vào đây thì giao tranh sẽ rất đẫm máu. Chúng tôi sẽ không dễ dàng nhượng bộ. Các binh sĩ và thậm chí cả tôi sẽ sẵn sàng hy sinh", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố khi nhận xét về tranh chấp chủ quyền của nước mình với Trung Quốc, trong một bài phát biểu trước binh lính ở doanh trại quân đội phía đông Manila.
Theo AP, ông Duterte nói rằng Trung Quốc có tinh thần hòa giải và ông không muốn bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra. "Chúng tôi không muốn có một cuộc cãi vã. Tôi rất nỗ lực thúc đẩy hòa bình cho tất cả mọi người", ông nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông bằng "đường lưỡi bò" tự vẽ ra, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng. Trong phán quyết ngày 12/7 đối với vụ kiện của Philippines, Tòa Trọng tài cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò".
Người tiền nhiệm của ông Duterte, Benigno Aquino III, đã khởi xướng vụ kiện. Ông Duterte chưa thúc ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết và không có kế hoạch nêu vấn đề này tại hội nghị thường niên của các lãnh đạo Đông Nam Á với Trung Quốc tại Lào vào tháng tới.
Tuy nhiên, ông Duterte nhấn mạnh rằng "cho dù chúng ta có thích hay không, không chỉ Philippines mà các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đều phải thúc đẩy để phán quyết được tuân thủ", để cho Trung Quốc thấy họ cần tiến hành các bước giải quyết vấn đề chủ quyền vào bây giờ, khi điều kiện còn thuận lợi.
"Chúng tôi chưa làm căng, nhưng sẽ đến lúc chúng tôi phải xem xét đến khả năng này", ông Duterte nói.(Vnexpress)
Triều Tiên có thể triển khai đầy đủ SLBM vươn tới Nhật Bản vào 2020
Một vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Theo Kyodo, ngày 24/8 (theo giờ Mỹ), Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều (USKI) thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) cho biết việc Triều Tiên mới thử thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) cho thấy Bình Nhưỡng có thể triển khai đầy đủ một hệ thống SLBM có khả năng vươn tới Nhật Bản vào năm 2020.
Trên trang web 38 North, USKI nhận định vụ phóng SLBM rạng sáng 24/8, tên lửa bay khoảng 500 km và đi vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản, là một vụ thử thành công nhất cho tới nay.
USKI lưu ý: "Trong khi Triều Tiên vẫn đang đối mặt với những thách thức đáng kể về công nghệ, trong đó có việc đóng một tàu ngầm lớp mới mang tên lửa, thì Bình Nhưỡng cũng đang trên lộ trình phát triển năng lực tấn công các mục tiêu ở khu vực - trong đó có Nhật Bản - vào năm 2020."
Trong khi Triều Tiên triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong với tầm bắn 1.300 km có thể vươn tới Nhật Bản, SLBM di động có thể tạo ra thách thức đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.(TTXVN)
Nguy cơ xảy ra chiến tranh điện tử Mỹ - Trung trên Biển Đông
Việc Trung Quốc xây các trạm radar phi pháp khi Mỹ điều động nhiều thiết bị công nghệ cao đến Biển Đông có thể làm nổ ra chiến tranh điện tử trên biển.
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông trong kịch bản bị gây nhiễu điện tử mạnh ngày 1/8. Ảnh: AP
Hồi đầu tháng, hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn trên biển Hoa Đông với sự tham gia của hàng trăm tàu chiến và tàu ngầm trong tình huống giả định bị gây nhiễu và chế áp điện tử mạnh, theoRT.
Chuyên gia Brendan Thomas-Noone thuộc trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Đại học Sydney cho rằng cả cuộc tập trận trên là một động thái chuẩn bị và phô diễn lực lượng của Trung Quốc nhằm đối phó với nguy cơ nổ ra chiến tranh điện tử với Mỹ trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, Biển Đông có thể là "đấu trường" nơi Mỹ và Trung Quốc phô diễn khả năng tác chiến điện tử của mình, khi cả hai cường quốc đều hiểu rằng việc sử dụng biện pháp quân sự khác đều dẫn đến kết cục hủy diệt lẫn nhau.
Một dấu hiệu chuẩn bị cho chiến tranh điện tử của Trung Quốc ở Biển Đông là Bắc Kinh đã xúc tiến xây dựng các trạm radar ở hầu hết các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), các trạm radar này có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ dân sự sang quân sự một cách nhanh chóng, và một số trạm có thể phục vụ cả hai mục đích.
Chẳng hạn như các trạm radar trên đá Chữ Thập và đá Subi có thể dùng để hỗ trợ các chuyến bay dân sự từ các đường băng tại đây. Nhưng khi kết hợp với nhau, chúng sẽ mở rộng đáng kể khu vực nhận dạng phòng không theo thời gian thực và tăng cường năng lực tình báo, trinh sát, giám sát (ISR) của quân đội Trung Quốc (PLA) trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.
Khi kết hợp với mạng lưới vệ tinh quân sự và tình báo đang phát triển của Trung Quốc, các trạm radar này có thể giúp Bắc Kinh theo dõi tàu và các phương tiện quân sự khác trong khu vực theo thời gian thực tốt hơn.
Thomas-Noone cho rằng có nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy Bắc Kinh cũng đang triển khai các trang thiết bị kết nối vệ tinh trên các đảo nhân tạo, giúp tăng cường năng lực khóa mục tiêu ngoài đường chân trời cho các tên lửa đạn đạo diệt hạm, mở rộng phạm vi đe dọa cho khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD).Quân đội Trung Quốc cũng bắt đầu lắp thiết bị kết nối với hệ thống định vị Bắc Đẩu cho hạm đội tàu cá và cả lực lượng dân quân biển, giúp Bắc Kinh có thể đảm bảo huy động lực lượng này đến nơi cần tăng cường hiện diện.
Tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.
Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc cũng đang tích cực triển khai và đầu tư cho việc nghiên cứu nhiều công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến, bắt đầu ở cấp chiến thuật trên Biển Đông.
Điển hình nhất là việc hải quân Mỹ điều động 4 tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler đến Philippine tháng 6 vừa qua. Các tiêm kích Growler này hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động trinh sát và tình báo tín hiệu (SIGNT) ở Biển Đông.
Tiêm kích EA-18G Growler Mỹ cũng có khả năng gây nhiễu các trạm radar phi pháp của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo. Điều đó có thể dẫn tới kịch bản các phương tiện tác chiến điện tử Mỹ tập trung nhắm vào các trạm radar Trung Quốc trên Biển Đông, còn PLA sẽ tìm cách phát triển năng lực tấn công và phòng thủ điện tử nhằm bảo vệ các cơ sở này.
Trong trường hợp chiến tranh điện tử nổ ra, cả hai bên có thể huy động nhiều hơn các loại phương tiện, khí tài tác chiến điện tử đến Biển Đông để giành quyền kiểm soát hoặc vô hiệu hóa vùng cảnh báo sớm của đối phương.
"Loại hình tác chiến điện tử sẽ phát triển trong tương lai, đặc biệt khi các trạm radar của PLA trên các đảo nhân tạo sẽ vận hành đẩy đủ hơn, các phương tiện không quân Trung Quốc sẽ hoạt động nhiều hơn trong khu vực. Kịch bản này có thể làm gia tăng căng thẳng và tiềm ẩn rủi ro leo thang ở Biển Đông", Thomas-Noone nhấn mạnh.(Vnexpress)
Mỹ khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới với Syria
Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ trong chiến dịch chống IS tại khu vực Jarabulus ngày 24/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 24/8, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Mỹ khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới với Syria.
Đây là tuyên bố của Washington khi bình luận về sự xâm nhập quy mô lớn lần đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ do Mỹ hậu thuẫn vào bên trong quốc gia láng giềng phía Nam cùng ngày.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Josh Earnest nêu rõ: "Mỹ đã khuyến khích người Thổ Nhĩ Kỳ vài lần rằng phải có hành động dứt khoát áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, đặc biệt là khu vực biên giới này."
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington tin tưởng mạnh mẽ rằng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ phải được kiểm soát bởi Thổ Nhĩ Kỳ, và không nên có sự chiếm đóng bởi bất kỳ nhóm nào khác, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington sẽ tiếp tục yểm trợ trên không cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.
Trước đó cùng ngày, hơn 10 xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào lãnh thổ Syria để tham gia chiến dịch nhằm đánh bật phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi thị trấn Jarablus, dưới sự yểm trợ từ các máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Trong khi đó, theo AFP, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, đồng thời cảnh báo căng thẳng gia tăng liên quan đến việc Ankara nhằm vào những chiến binh thuộc lực lượng dân quân tự vệ người Kurd ở khu vực biên giới.
Trong một tuyên bố, Bộ trên nêu rõ: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những gì đang xảy ra ở khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ."
Tuyên bố cũng cảnh báo điều này có thể khiến "tình hình trở nên tồi tệ hơn nữa trong vùng xung đột" và "làm bùng lên những căng thẳng sắc tộc giữa người Kurd và người Arab".(TTXVN)
(
Tinkinhte
tổng hợp)