tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 05-06-2016

  • Cập nhật : 05/06/2016

Canada phản ứng vụ Ngoại trưởng Trung Quốc mắng nhà báo

Ngày 3/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Canada “không hài lòng” về việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mắng mỏ một phóng viên người Canada khi bị đặt câu hỏi về vấn đề nhân quyền.

ngoai truong trung quoc vuong nghi phan ung truoc cau hoi ve nhan quyen cua phong vien canada. anh: the canadian press

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phản ứng trước câu hỏi về nhân quyền của phóng viên Canada. Ảnh: The Canadian Press

Phát biểu với các phóng viên tại thành phố Winnipeg, ông Trudeau nói: "Tôi có thể xác nhận rằng cả Ngoại trưởng Stéphane Dion và các nhân viên Bộ Ngoại giao Canada đều bày tỏ sự không hài lòng tới Ngoại trưởng và Đại sứ Trung Quốc tại Canada. Chúng tôi không hài lòng với cách phóng viên của chúng tôi bị đối xử". Ông Trudeau cũng cho biết ông không ngần ngại nêu vấn đề nhân quyền trước các quan chức Trung Quốc.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 1/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mắng một nhà báo người Canada là "vô trách nhiệm" khi đưa ra một câu hỏi liên quan tới vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Nhà báo khiến vị Ngoại trưởng Trung Quốc nổi giận là Amanda Connolly của hãng tin Ipolitics. Câu hỏi của Connolly cũng là câu hỏi chung của một số hãng tin, tờ báo lớn khác tại buổi họp báo.


Trung Quốc và làn sóng bài giá trị phương Tây

Một nhận định chung của hầu hết các chuyên gia về Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, đó là: Trung Quốc đang ngày càng thu mình hơn trước sự xâm nhập của các giá trị nước ngoài, chủ yếu là từ Phương tây

trung_quoc_va_lan_song_bai_gia_tri_phuong_tay_34286_khong_tu_resize

Vài năm trở lại đây, thế giới ngày càng nghe nói đến việc Trung Quốc tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quyền lực mềm của mình trên toàn cầu ngày một nhiều hơn. Đó được xem như một chính sách quốc gia như một dấu hiệu của sự trỗi dậy toàn cầu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, với điển hình là các viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Việc dự án văn hóa này chưa thu được thành công, cộng với việc làn sóng các giá trị phương Tây từ kinh tế đến văn hóa đang tiếp tục tràn vào Trung Quốc, đang là những nguyên nhân khiến chính phủ nước này tiến hành một chiến dịch phản công văn hóa ngay tại đất nước của mình. Trung Quốc đang bước vào cuộc chiến chống lại làn sóng xâm nhập của các giá trị phương Tây, và mục tiêu đầu tiên được Bắc Kinh nhắm đến đang là: Disney Land.

Một nhận định chung của hầu hết các chuyên gia về Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, đó là: Trung Quốc đang ngày càng thu mình hơn trước sự xâm nhập của các giá trị nước ngoài, chủ yếu ở đây là từ phương Tây, từ kinh tế cho đến văn hóa. Tần suất các bài phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình trong đó nội dung đề cập đến vấn đề không có chỗ cho các hệ giá trị phương Tây trong xã hội và nền kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây ngày càng nhiều hơn.

Từ chỗ là chủ nhân của một chiến dịch truyền bá văn hóa ra khắp thế giới với hàng loạt các viện Khổng Tử tại hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, giờ đây Trung Quốc đang thu gọn mục tiêu truyền bá văn hóa truyền thống của mình chỉ trong phạm vi lãnh thổ nước mình mà thôi.

Sự thay đổi này đang là một dấu hiệu cho sự thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, từ chỗ tưởng rằng có thể truyền bá ảnh hưởng của văn hóa truyền thống của mình ra khắp thế giới, đến chỗ nhận ra rằng đó là điều chưa thể thực hiện được và nhất là khi mà văn hóa truyền thống Trung Quốc đang thua ngay trên sân nhà, và thậm chí là thua ngày càng nặng hơn.

Biểu tượng cho chiến thắng của các hệ giá trị phương Tây từ văn hóa đến kinh tế ở Trung Quốc thời điểm hiện tại, không gì khác ngoài Disney Land. Bất chấp việc các tên tuổi nước ngoài đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, thì hãng giải trí nổi tiếng của Mỹ này đang là một trong số ít những thương hiệu tiếp tục ăn nên làm ra.

Trong khi Apple vừa hứng đòn và bắt đầu có ý định chuyển sang thị trường Ấn Độ, thì Disney lại chuẩn bị khai trương công viên giải trí lớn nhất của mình từ trước đến nay ở Thượng Hải vào ngày 16.6 tới, đó là chưa kể hàng loạt các công viên giải trí khác của hãng này trên khắp Trung Quốc, chẳng hạn như dự án công viên Disney Land tại tỉnh Giang Tây với tổng trị giá lên tới khoảng 5,5 tỷ USD.

Dễ hiểu tại sao Disney lại mạnh tay đầu tư vào thị trường Trung Quốc đến thế, khi các công viên giải trí Disney Land của hãng này đang giữ vị trí thống trị trên thị trường các khu vui chơi giải trí tại Trung Quốc thời điểm hiện tại.

Ngành công nghiệp du lịch hiện tại của Trung Quốc đang có doanh thu hàng năm khoảng 610 tỷ USD, và theo dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020 khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Doanh thu của hãng này trong năm 2015 đạt khoảng trên 15 tỷ USD, và chắc chắn sẽ tăng lên nhiều khi hai dự án tỷ đô ở Thượng Hải và Giang Tây đi vào hoạt động.

Vì thế, Walt Disney đang thực sự là biểu tượng cho chiến thắng của hệ giá trị phương Tây, từ kinh tế đến văn hóa, ở Trung Quốc. Về văn hóa, Disney là hãng giải trí mang đậm văn hóa phương Tây, với những nhân vật như chuột Mickey, và kể cả ở những công viên Disney Land ở Trung Quốc thì cũng không có nhân vật mang màu sắc văn hóa truyền thống Trung Quốc nào.

Chiến thắng về văn hóa của Walt Disney ở Trung Quốc còn ở chỗ, gần như không có một thương hiệu công viên giải trí nội địa nào ở Trung Quốc có tên tuổi, chứ chưa nói đến việc có đủ sức cạnh tranh với Walt Disney hay không.

Theo thống kê, tính đến năm 2011, Trung Quốc có khoảng 2.500 công viên giải trí, từ các công viên nước đến các công viên vui chơi theo chủ đề riêng biệt, nhưng chỉ có 10% trong số đó là có lãi, và không có công viên giải trí nào của Trung Quốc lọt vào top 15 công viên có số khách ghé thăm lớn nhất thế giới, dù Trung Quốc đang là quốc gia đông dân nhất hành tinh.

Về kinh tế, bất kể ngành công nghiệp du lịch của Trung Quốc đang rất phát triển trong những năm qua, với tổng doanh thu lên đến hơn 600 tỷ USD, thì một thực tế có thể khiến các nhà lãnh đạo nước này phiền lòng, đó là: chưa có tên tuổi nội địa nào đáng kể hoạt động trong lĩnh vực công viên giải trí. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phần lớn lợi nhuận trong lĩnh vực này đang lọt vào tay các tên tuổi nước ngoài, mà Walt Disney là một ví dụ điển hình.

Vì thế, Walt Disney đang là đối tượng chính được nhắm đến trong cuộc chiến bài các giá trị phương Tây hiện nay ở Trung Quốc. Và đối thủ của hãng giải trí nổi tiếng này hiện tại đang là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là Vương Kiện Lâm, với khối tài sản lên tới gần 40 tỷ USD.

Sau khi thâu tóm hãng sản xuất phim Legendary Entertainment ở Hollywood, vị tỷ phú đi lên nhờ bất động sản và chuỗi các rạp chiếu phim này đang có ý định lấn sang lĩnh vực công viên giải trí. Dù thừa nhận khoảng cách giữa tập đoàn của ông này với Walt Disney trong lĩnh vực này là quá chênh lệch, khi một bên là tên tuổi hàng đầu thế giới còn một bên gần như chưa có kinh nghiệm gì, nhưng vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đang tỏ ra khá tự tin.

Chiến lược được Vương công khai để cạnh tranh với Disney Land là: “một con hổ thì không thể chống lại bầy sói”. Hiểu đơn giản, dù Disney là một tên tuổi lớn nhưng chỉ một công viên giải trí ở Thượng Hải sẽ không thể cạnh tranh được với chuối 15-20 công viên giải trí mà tập đoàn Wanda của Vương sẽ thiết lập trên khắp Trung Quốc.

Điểm đặc biệt của chuỗi 15-20 công viên giải trí khắp Trung Quốc này của Vương là, sẽ hoàn toàn mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống, và sẽ không có sự góp mặt của bất cứ yếu tố văn hóa phương Tây nào. Điều này đang đi ngược lại với cơn sốt hâm mộ những gì thuộc về văn hóa phương Tây của đại bộ phận giới trẻ Trung Quốc và cũng đồng nghĩa với những nguy cơ về mặt doanh thu và lợi nhuận, vốn là điều mà một tỷ phú doanh nghiệp như Vương Kiện Lâm không thể bỏ qua.

Việc nhấn mạnh vào các giá trị văn hóa truyền thống một cách cực đoan trong dự án chuỗi công viên giải trí này của Vương Kiện Lâm đang là một dấu hiệu cho sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc, những người đang có sự dịch chuyển trong dự án truyền bá văn hóa truyền thống của mình, từ chỗ quảng bá ra khắp thế giới với chuỗi các viện Khổng Tử, giờ đây đang chuyển sang thay thế bằng loại hình các công viên giải trí, nhưng lần này là ở trong phạm vi nội địa Trung Quốc mà thôi.


New Zealand: Trung Quốc phải giải thích chuyện xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trung Quốc cần giải thích về hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, nếu không nước này sẽ tiếp tục gây mất ổn định giữa các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại tự do, trong đó có cả các quốc gia nhỏ hơn cách xa đó nhiều dặm, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee lên tiếng mạnh mẽ bên lề Đối thoại Shangri-La.
 

trung quoc dang o at xay dao nhan tao phi phap o bien dong, bat chap su len an manh me cua cong dong quoc te (anh: csis)

Trung Quốc đang ồ ạt xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, bất chấp sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế (Ảnh: CSIS)

“Điều chúng tôi đang muốn biết từ Trung Quốc là hiểu hơn về điều mà Trung Quốc đang làm”, ông Brownlee nói, liên hệ tới các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp mà giờ tổng diện tích đã vượt trên 1.200 ha.

“Một khu vực hòa bình, các tuyến đường biển và vùng trời mở là điều đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế của cả thế giới”, Bộ trưởng New Zealand nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn ngày 3/6 bên lề Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực đang diễn ra tại Singapore.

Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á, diễn ra từ 3-5/6 tại Singapore.

Diễn đàn lần thứ 15 năm nay quy tụ bộ trưởng quốc phòng cũng như các tướng lĩnh quân đội của hơn 30 quốc gia trong khu vực, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter; Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian; Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee...

Trưởng đoàn Việt Nam tại Shangri-La 2016 là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Các vấn đề chính dự kiến được thảo luận tại diễn đàn là căng thẳng ở Biển Đông, chủ nghĩa khủng bố thánh chiến tại châu Á, các hành động quân sự của Triều Tiên và an ninh mạng.

Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc, cùng với tuyên bố đơn phương hơn 80% diện tích Biển Đông, đã gây lo ngại cho các quốc gia vốn phụ thuộc vào thương mại hàng hải qua khu vực. Bắc Kinh bao biện rằng lý do chính của việc xây đảo nhân tạo là phục vụ các mục đích dân sự như tìm kiếm và cứu hộ hàng hải.

Trung Quốc hành động mâu thuẫn với lời nói

Bộ trưởng Brownlee cho hay các hành động của Trung Quốc mâu thuẫn với khẳng định của nước này là mục đích chính của việc xây đảo nhân tạo phục vụ hòa bình. Ông nói, có lo ngại rằng Trung Quốc có thể biến thêm các bãi ngầm thành các đảo nhân tạo, và rồi sau đó tuyên bố chủ quyền hoặc thậm chí các vùng đặc quyền kinh tế quanh đó.

“Tại khu vực đó, sự quá gần nhau giữa các nước đồng nghĩa với việc đó là một tình huống rất khó giải quyết”, ông Brownlee nói. Khoảng 80% thương mại hàng năm của New Zealand đi qua Biển Đông.

Tại Shangri-La hồi năm ngoái, ông Brownlee cho hay một vị tướng của Trung Quốc đã nói với ông rằng căng thẳng ở Biển Đông không phải là một vấn đề đối với New Zealand. “Và tôi trả lời rằng, từ quan điểm của một quốc gia nhỏ hơn, chúng tôi có những lo ngại đó và tôi đã vạch ra chúng”.

Theo ông Brownlee, nhìn rộng hơn, quy mô cải tạo đất của Trung Quốc gây ra “một tình huống hoàn toàn mới trong việc áp dụng bất kỳ các luật biển, luật lãnh thổ cụ thể nào. Đó là một lo ngại, vì không có cá luật cụ thể cho tình huống đó”.

Máy bay trinh sát

Bộ trưởng Brownlee cũng nhận định rằng Trung Quốc không muốn xảy ra xung đột ở Biển Đông. New Zealand thường xuyên điều máy bay trinh sát qua Biển Đông và các máy bay này chưa từng bị Trung Quốc cản trở trực tiếp hoặc bị yêu cầu rời khu vực, ông Brownlee cho hay.

Trong khi đó, các máy bay và tàu chiến của Mỹ đã nhiều lần bị Trung Quốc yêu cầu rời khỏi khu vực.

Bộ trưởng Brownlee cũng cho rằng việc thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, cả 3 ứng viên tổng thống Mỹ hiện thời đều đều phản đối TPP, vốn cũng cần quốc hội thông qua.

Theo ông Brownlee, sẽ là đáng tiếc nếu TPP không được Mỹ thông qua và nếu vậy thì điều đó có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.


Mỹ và đồng minh quyết chặn "hầu bao" của Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ngày 3/6 nhận định Mỹ đang triển khai những bước đi cụ thể và quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của Triều Tiên, từ đó triệt phá chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.

bo truong quoc phong my ashton carter. anh: afp/ttxvn

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: AFP/TTXVN

Sở dĩ Washington lựa chọn và thúc đẩy cách tiếp cận nêu trên là bởi các nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua dường như không mấy phát huy tác dụng khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử tên lửa.

Kể từ giữa tháng 4/2016 đến nay, Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành 4 vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Theo giới phân tích, việc liên tiếp tiến hành thử tên lửa là cách mà Triều Tiên phản ứng lại các nghị quyết của HĐBA LHQ. Trong bối cảnh đó, Washington đã siết chặt hơn nữa lệnh trừng phạt về tài chính chống lại Bình Nhưỡng.

Đầu tuần này, Mỹ tuyên bố rằng Triều Tiên là "mối quan ngại toàn cầu về nạn rửa tiền". Như vậy, Mỹ đã cụ thể hóa lộ trình chính sách của họ khi Bộ Tài chính nước này xác định Triều Tiên là "mối quan ngại về nạn rửa tiền" trên phạm vi toàn cầu. Điều này có nghĩa là bất cứ định chế tài chính quốc tế nào muốn duy trì mối quan hệ với hệ thống tài chính Mỹ đều phải nói "không" với giao dịch chuyển tiền cho Triều Tiên.


Singapore, Ấn Độ: Nên giải quyết hòa bình các tranh chấp Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen hôm qua 3/6 cùng thống nhất quan điểm cho rằng các tranh chấp hàng hải trên Biển Đông nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
 

bo truong quoc phong an do manohar parrikar (trai) va nguoi dong cap singapore ng eng hen trong cuoc gap ngay 3/6/2016. (anh: facebook cua bo truong ng eng hen)

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (trái) và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen trong cuộc gặp ngày 3/6/2016. (Ảnh: Facebook của Bộ trưởng Ng Eng Hen)

Phát biểu với báo giới sau cuộc đối thoại đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Singapore - Ấn Độ bên lề Đối thoại Shangri-La 2016 vừa khai mạc tối qua 3/6 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đồng thống nhất quan điểm cho rằng các tranh chấp hàng hải trên Biển Đông nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, đồng thời cần phải đảm bảo tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết vẫn giữ nguyên lập trường của mình về tranh chấp Biển Đông, theo đó các nước liên quan phải giải quyết tranh chấp bằng thảo luận, đối thoại, chứ không phải thông qua các hành động vũ lực. Ông cũng nói thêm rằng Ấn Độ sẽ kết nối với từng nước ở phía đông thông qua chính sách Hướng đông của nước này.

Trong diễn văn khai mạc Đối thoại Shangri-La vào tối qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cũng kêu gọi các nước có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cần nhìn rộng ra ngoài các tranh chấp biên giới và tìm cách hợp tác thay vì đối đầu để giảm căng thẳng trong khu vực.

“Tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền nên tham gia vào các hành động chung, mang tính xây dựng... để các tuyên bố chủ quyền không trở thành rào cản”, ông Prayuth nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cùng Bộ trưởng Quốc phòng và tướng lĩnh quân đội của 30 quốc gia trong khu vực đang có mặt tại Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La 2016. Đối thoại Shangri-La là hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu khu vực do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London và chính phủ Singapore tổ chức thường niên.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục