Scotland rục rịch trưng cầu dân ý tách khỏi Anh
Vạch trần ‘bản đồng thuận 10 điểm’ của Trung Quốc
Vì sao Anh không thể ngay lập tức rời EU
Putin và chuyến thăm Trung Quốc trước thềm phán quyết 'đường lưỡi bò'
Tên lửa Triều Tiên có thể vượt tầm phòng thủ của Hàn Quốc
Tin thế giới đọc nhanh sáng 25-06-2016: Anh rời EU-Brexit
- Cập nhật : 25/06/2016
Nỗi lo hiệu ứng domino khi Anh chọn rời EU
Theo NBC, trong cuộc trưng cầu ý kiến, người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) 28 thành viên. Một cuộc thăm dò gần đây của YouGov cho thấy, trong số 7 nước được thăm dò, thì tại 6 nước, phần lớn người dân đều cảm nhận rằng nhiều nước sẽ theo đuôi Anh, chọn rời khỏi liên minh.
69% người Thụy Điển tin rằng sẽ có thêm nhiều nước rời EU hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), 66% người Đan Mạch và 57% người Na Uy có cùng cảm nghĩ.
Stephen McGlinchey, cây bút của National Interest, cho rằng Brexit sẽ dẫn đến tranh luận về các vấn đề lớn: nguy cơ tan rã của khu vực đồng Euro, và thể là sự thu hẹp đáng kể của EU, về mặt thành viên và sức mạnh. McGlinchey cho rằng triển vọng kinh tế của châu Âu không phải là mạnh, và sự cám dỗ về viễn cảnh "bước đi một mình" hay ít nhất là xem xét nghiêm túc khả năng đó chắc chắn sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn với nhiều nước.
Không chỉ có vậy, cuộc khủng hoảng di cư đã mở ra tranh luận về một trong những trụ cột trung tâm của EU - người dân được đi lại tự do trong liên minh (với những hạn chế nhỏ trong một số trường hợp). Nếu liên minh không thể đưa ra được biện pháp hiệu quả giải quyết cuộc khủng hoảng thì trụ cột cơ bản này của EU có thể phải ra đi.
"Xét về góc nhìn của châu Âu, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý chỉ là một yếu tố, tôi nghĩ cần phải nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn là cuộc trưng cầu cho thấy đang có làn sóng phản đối EU và chủ nghĩa dân túy trên khắp lục địa. Tôi nghĩ kết quả rút ra được là những ngày các nước hợp nhất chặt chẽ với nhau về cơ bản đã chấm dứt", Carsten Nickel, một nhà phân tích rủi ro chính trị tại Teneo Intelligence, nói.
Trong khi khả năng Brexit sẽ kích thích các nước khác ở châu Âu theo chân khó là vấn đề ngay tức thì, Brexit "chắc chắn sẽ gieo hạt giống nghi ngờ", theo Paolo Dardanelli, quyền giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Liên bang tại Đại học Kent.
"Đan Mạch và Thụy Điển sẽ là những nước cần được chú ý đến", Dardanelli viết. Nickel thì cho rằng ngoài Thụy Điển và Đan Mạch, Hà Lan cũng là nước cần được theo dõi.
Ông Nickel cho rằng tại những nước này, người dân có thể nghĩ rằng "chúng tôi không muốn trả tiền cho người ở phía Nam Âu - những người không có khả năng cải cách nền kinh tế của họ".
Dardanelli thì nói rằng Brexit có thể mang đến 4 kết quả, một trong số đó là quan niệm rằng "hội nhập là số phận của châu Âu và điều đó không thể đảo ngược" sẽ bị tan vỡ.
Dardanelli cũng chỉ ra các kết quả khác, bao gồm việc các thành viên EU nhưng không sử dụng đồng Euro, như Đan Mạch và Thụy Điển sẽ bị cho "ra rìa" nhiều hơn; Ireland - một thành viên của khu vực đồng Euro nhưng gắn chặt với Vương quốc Anh lâm vào tình huống khó xử; và Đức "ở vị trí mạnh mẽ hơn trong khối nhưng cùng lúc đó mất đi một đồng minh quý giá trong các vấn đề như cải cách kinh tế, khả năng cạnh tranh, thương mại tự do và các lĩnh vực khác".
Theo Dardanelli , kết quả cuối cùng là "EU sẽ ít cạnh tranh và các nước sẽ ngả về chủ trương bảo vệ kinh tế trong nước hơn".
Donald Trump ca ngợi Anh rời khỏi EU
Trực thăng của ông Trump hạ cánh xuống câu lạc bộ golf và nghỉ dưỡng Turberry ở Scotland. Ảnh: Reuters
Tỷ phú Mỹ hôm nay đã dừng lại để trả lời một số câu hỏi của phóng viên khi trực thăng của ông hạ cánh xuống câu lạc bộ golf và nghỉ dưỡng Turberry ở Scotland.
Theo Reuters, khi nhắc đến cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi EU, ông đáp: "Họ đã lấy lại quyền kiểm soát đất nước của mình. Đó là một điều tuyệt vời".
"Người dân rất tức giận, trên toàn thế giới, họ rất giận dữ", ông nói thêm. "Họ giận dữ về những đường biên giới, họ giận dữ về những người đến đất nước và chiếm chỗ. Thậm chí chẳng ai biết đó là ai. Họ tức giận về nhiều thứ".
Khi được hỏi ông đang đề cập đến Mỹ hay Anh, ứng viên đảng Cộng hòa đáp: "Có nhiều nơi khác nữa. Đây sẽ không phải là nước cuối cùng".
Trước cuộc bỏ phiếu ở Anh, ông Trump từng cho hay sẽ nghiêng về lựa chọn rời EU."Tôi nói rằng điều đó sẽ xảy ra và tôi nghĩ đó là điều tuyệt vời", ông nói.
Ông Trump và Thủ tướng Anh David Cameron từng lời qua tiếng lại với nhau. Ông Cameron gọi chính sách chống nhập cư của tỷ phú Mỹ là sai lầm và gây chia rẽ. Ông ủng hộ Anh ở lại EU và đã tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 sau cuộc bỏ phiếu hôm nay.
Cách đây ít tháng, hơn nửa triệu người Anh đã ký đơn kiến nghị cấm ông Trump sang Anh, nơi ông có nhiều lợi ích kinh tế, sau khi ông kêu gọi tạm thời cấm người Hồi giáo đến Mỹ.
Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố từ chức sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm qua kết thúc với kết quả người dân chọn rời khỏi EU. Cameron, có lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, nói ông đã chiến đấu bằng cả con tim và khối óc nhưng người dân đã chọn hướng đi khác.
Nhà cái đoán cựu thị trưởng London là tân thủ tướng Anh
Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London ngày 23/6. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Anh David Cameron hôm nay thông báo sẽ từ chức vào tháng 10 sau khi cuộc trưng cầu dân ý hôm qua kết thúc với kết quả Anh nên rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Nhà cái Ladbrokes cho biết ông Boris Johnson, cựu thị trưởng London, người dẫn đầu chiến dịch kêu gọi Anh rời EU, khả năng cao là người kế nhiệm Thủ tướng Cameron, Reuters đưa tin.
Ladbrokes đưa ra tỷ lệ đặt cược cho ông Johnson là 1 ăn 1. Ngoài ra, nhà cái này con đưa ra hai lựa chọn khác là Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May, 1 ăn 3, và Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove, 1 ăn 5.
Ông Johnson từng là thị trưởng London trong 8 năm. Ông dẫn đầu chiến dịch rời EU với tham vọng chính trị của riêng mình.
"Thành thật mà nói, nếu đây là kết thúc với sự nghiệp chính trị của tôi... Tôi đã có 8 năm làm thị trưởng London. Tôi rất hài lòng. Đó là một đặc ân lớn", ông nói với Telegraph hồi đầu tuần.
Sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa hôm qua, ông viết trên Twitter cá nhân rằng "dân chủ đã được thực thi, đang chờ phán quyết từ người dân" và cảm ơn những người đã tham gia sự kiện.
Kết quả một cuộc thăm dò hồi tháng 3 cũng cho thấy Johnson "rõ ràng được ủng hộ để trở thành thủ tướng".
Phản ứng của Nga khi Anh rời EU
Động thái rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh chắc chắn là một “tín hiệu vui” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo hãng tin Bloomberg.
Bloomberg cho rằng nếu châu Âu chia rẽ, EU sẽ ít có khả năng tập trung vào các đối sách để đáp trả Nga liên quan đến tình hình Ukraine hoặc đề ra một chính sách năng lượng chung để giảm bớt ảnh hưởng của Moscow trên thị trường khí đốt.
Báo The Telegraph cho biết các đồng minh của Điện Kremlin ca ngợi cuộc trưng cầu dân ý tại Anh là thắng lợi cho tham vọng của Nga: Tách Mỹ khỏi châu Âu, đồng thời mở rộng phạm vi của liên minh Á-Âu, trong đó Moscow hy vọng chiếm ưu thế. "Không chỉ Anh độc lập với châu Âu mà châu Âu cũng sẽ độc lập với Mỹ" - ông Boris Titov, cố vấn của Tổng thống Putin, nói.
Ông Alexei Pushkov, Giám đốc Ủy ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Nga, cho rằng các nước EU sẽ tìm cách chống lại bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào sau vụ Brexit.
“Sau các cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan và Anh, giới cầm quyền châu Âu sẽ chống lại hoạt động này bởi quan điểm của công chúng gây nguy hiểm cho các mục tiêu chính trị của họ” – ông Pushkov viết trên Twitter.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Quốc gia Nga Vneshekonombank (VEB), Andrei Klepach, nhận định về lâu dài, EU có thể quan tâm đầu tư trở lại vào Nga sau khi Anh rời khỏi liên minh này.
“Việc Anh rời khỏi EU làm mất ổn định đồng euro và thị trường chứng khoán châu Âu, dẫn đến rối loạn tại các thị trường mới nổi. Trong bối cảnh đó, chúng ta có tiềm năng lớn để tăng trưởng thị trường chứng khoán. Và thực tế là trong năm tới, nền kinh tế của Nga, mặc dù chậm, sẽ bắt đầu phát triển” – ông Klepach nói với hãng tin Interfax.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Moiseyev khẳng định với hãng tinTASS: “Tôi không thấy bất kỳ rủi ro nghiêm trọng nào đối với Nga”. Cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin cũng tin rằng “Brexit không ảnh hưởng đáng kể tới Nga bởi Moscow có những vấn đề nhạy cảm hơn”. Ông cũng dự đoán cả EU và Anh sẽ trở nên yếu hơn về mặt kinh tế.
Ông Vladimir Zhirinovsky, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do Nga, dự báo: "Theo sau Nga,NATO, hiệp ước Schengen và đồng euro sẽ sụp đổ".
Theo báo Komsomolskaya Pravda, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul nói rằng kết quả bầu cử là “một chiến thắng vĩ đại” cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin.
Anh có dễ rời EU?
Cử tri Anh đã bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Ấu (EU) nhưng để thực sự ra đi cần một tiến trình dài hơi với nhiều thủ tục.
1. Anh thông báo với Hội đồng Châu Âu (EC)
Các bước cơ bản cho tiến trình “rút lui” được mô tả trong Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu (còn gọi là Hiệp ước Lisbon). Bước đầu tiên để khởi động tiến trình này chính là thành viên rời EU thông báo cho EC. EC bao gồm một lãnh đạo của 28 nước thành viên (có thể là thủ tướng hoặc tổng thống) và có chủ tịch riêng.
Điều 50 không ấn định cụ thể thời điểm thông báo cho EC và hiện cũng không rõ khi nào Anh bắt đầu tiến trình này. Trong bài phát biểu từ chức sáng 24-6 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ không “kích hoạt” Điều 50 mà dành nhiệm vụ đó cho người kế nhiệm.
Trong thông cáo ngày 24-6, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố cho đến khi tiến trình thương thảo chấm dứt (khoảng 2 năm), Anh vẫn là thành viên EU với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ.
Thông cáo được ký bởi Chủ tịch EC Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (chủ tịch luân phiên của EU trong năm nay).
2. Anh và EU thảo luận các điều khoản “chia tay”
Trong cả tiến trình rút lui, Anh vẫn phải tuân thủ mọi quy tắc và hoạt động định kỳ của EU. Tuy nhiên, đại diện Anh tại EC không được tham gia vào các cuộc bàn bạc hoặc bỏ phiếu liên quan đến việc ra đi của chính nước mình.
3. Hai bên đạt thỏa thuận
Bước cuối cùng là hai cơ quan ban hành chính sách của EU – bao gồm Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng Liên minh Châu Âu – bỏ phiếu về vấn đề này.
- Nghị viện châu Âu: Hơn 700 thành viên của cơ quan này (được bầu chọn từ các nước EU) phải thông qua thỏa thuận với tỉ lệ đa số. Chưa rõ các thành viên Anh trong Nghị viện Châu Âu (tính tới ngày 23-6 là 73 người) có được bỏ phiếu hay không.
- Hội đồng Bộ trưởng: Cũng bao gồm đại diện của các nước thành viên (cấp bộ trưởng) nhưng không có danh sách cố định mà thay đổi tùy theo từng khu vực chính sách. Trong trường hợp Anh, thỏa thuận “chia tay” cần 20/27 thành viên (không bao gồm Anh) bỏ phiếu tán thành.
Điều 50 không quy định nước muốn ra đi thông qua thỏa thuận này như thế nào. Trước đây, Hạ viện Anh từng nói chính phủ nước này cần đưa thỏa thuận đạt được với EU ra bàn tại Quốc hội Anh trước khi được thông qua.
4. Thời gian 2 năm
Tiến trình thảo luận giữa Anh và EU nêu trên có giới hạn thời gian là 2 năm, bắt đầu từ lúc EC được thông báo. Hạn chót có thể được kéo dài nhưng với điều kiện được EC đồng ý.
5. Mất hết quyền lợi
Anh sẽ mất toàn bộ lợi ích và trách nhiệm của một thành viên EU, bao gồm cả quyền tự do thương mại và tự do đi lại trong khối. Nếu không đạt được các thỏa thuận thương mại riêng, giao dịch với các nước EU có thể đắt đỏ hơn đối với Anh.