Mỹ nói tàu ngầm Triều Tiên mất tích
‘Thế giới cần thận trọng trước khả năng hạt nhân của Triều Tiên’
Cuba và EU nối lại quan hệ sau nhiều năm căng thẳng
Nhật khoe tàu ngầm với Úc trong tập trận chung
Đức bắt người đàn ông nghi mang bom vào Đại sứ quán Mỹ
Tin thế giới đọc nhanh sáng 26-06-2016:
- Cập nhật : 26/06/2016
Indonesia quyết vung gươm với Trung Quốc ở Biển Đông
Tàu chiến KRI Imam Bonjol-363 của Indonesia bắt giữ tàu cá vi phạm của Trung Quốc hôm 21/6. Ảnh: Jakarta Post
Thứ 6 tuần trước, tàu chiến của hải quân Indonesia đã phải nổ súng để bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Natuna của Indonesia. Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích tàu hải quân Indonesia đã "quấy nhiễu tàu cá Trung Quốc hoạt động ở ngư trường truyền thống", và lu loa rằng một ngư dân của họ "bị bắn bị thương".
Bắc Kinh cũng lập tức gửi kháng thư phản đối tới Jakarta theo đường ngoại giao, cáo buộc rằng phía Indonesia đã "sử dụng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và DOC". Trung Quốc cho rằng hành động của Indonesia đã "phức tạp hóa tranh chấp, làm tổn hại hòa bình và ổn định" trong khu vực.
Theo NYTimes, dư luận Trung Quốc cũng đã sôi sục vì sự kiện này. Một người dùng mạng xã hội Weibo viết: "Anh tự gọi mình là quốc gia hùng mạnh, thế sao một nước nhỏ như Indonesia lại dám tát vào mặt anh?" Một người khác thì đặt câu hỏi: "Phe diều hâu trong quân đội đâu? Đã đến lúc các người xuất đầu lộ diện rồi đấy".
Điều trớ trêu là vào năm 2015, Bắc Kinh đã thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Jakarta với quần đảo Natuna, nơi có 70.000 công dân Indonesia sinh sống, khi nói rằng "phía Trung Quốc không phản đối chủ quyền của Indonesia với quần đảo này". Theo quy định của UNCLOS, quần đảo với 272 hòn đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ), và bất cứ hành động đánh bắt trộm nào của tàu cá nước ngoài trong khu vực này đều là phạm pháp và có thể bị nhà chức trách Indonesia xử lý.
Vậy nhưng Trung Quốc lại dùng khái niệm "ngư trường truyền thống" để biện minh cho hành vi xâm nhập của các tàu cá nước này vào EEZ của Indonesia, dù khái niệm không hề được UNCLOS thừa nhận.
Theo giới phân tích, đây là một trường hợp điển hình cho thấy Trung Quốc đang ngày càng tìm cách củng cố, mở rộng sự hiện diện của mình trên Biển Đông, sẵn sàng va chạm với cả những quốc gia vốn từ trước tới nay cố giữ lập trường ôn hòa nhất về các tranh chấp ở khu vực như Indonesia. Thực tế buộc Indonesia phải có những hành động quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để bảo vệ lợi ích của mình trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Sau sự kiện tàu hải cảnh khổng lồ của Trung Quốc can thiệp, giải cứu một tàu cá vi phạm của nước này ngay trước mũi tàu cảnh sát biển Indonesia hồi tháng ba, Jakarta đã điều động tàu chiến, chiến đấu cơ đến tuần tra vùng biển Natuna, tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực gần đó, và sẵn sàng nổ súng cảnh cáo nếu tàu cá Trung Quốc tìm cách bỏ chạy.
Gary Sands, chuyên gia phân tích cấp cao tại tổ chức tư vấn Wikistrat, kiêm giám đốc Nhóm Tư vấn Highway West Capital, cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Jakarta thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của nước này đối với Trung Quốc.
Trong những sự kiện tương tự xảy ra vào năm 2010 và 2013, chính phủ Indonesia đã tìm cách làm giảm bớt căng thẳng, với lo ngại Trung Quốc sẽ cắt nguồn đầu tư lớn vào nước này, bởi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Jakarta.Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức, Indonesia đã quyết tâm xây dựng lực lượng hành pháp trên biển mạnh, sẵn sàng xử lý kiên quyết hành vi đánh bắt trái phép trên biển từ năm 2014. Bà Susi Pudjiastuti, bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp và Hàng hải, đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận vì những tuyên bố hùng hồn về việc trừng phạt hành động đánh bắt trộm, và sẵn sàng công khai các vụ việc với báo chí và trên mạng xã hội.
Giới phân tích cho rằng đây là cú "vung gươm" của Indonesia ở Biển Đông, khi họ nhận ra rằng những cuộc xâm nhập ngày càng tăng của tàu cá Trung Quốc không chỉ vì mục đích đánh bắt hải sản, mà còn phục vụ cho một mưu đồ sâu xa hơn, đó là củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trong "đường lưỡi bò" trên Biển Đông.
'Vung gươm'
Mới đây, chuẩn đô đốc Achmad Taufiqoerrochman, tư lệnh Hạm đội Tây Indonesia, tuyên bố rằng Bắc Kinh đã "dung túng" cho những cuộc xâm nhập "có hệ thống" của tàu cá nước này vào vùng biển của Indonesia, phục vụ cho tham vọng chủ quyền của họ trên Biển Đông.
"Việc tàu cá Trung Quốc đi kèm tàu hải cảnh là một xu hướng đáng lo ngại, được sử dụng như một cách để tuyên bố chủ quyền không phù hợp", một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.
Trong một động thái hiếm thấy nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền trên biển của mình, Tổng thống Widodo đã chủ trì cuộc họp nội các ngay trên một chiếc tàu chiến đang tuần tra gần quần đảo Natuna vào hôm qua. Cuộc họp được tờ Jakarta Post gọi là "một thông điệp rõ ràng" gửi tới Trung Quốc, rằng Indonesia "rất nghiêm túc trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền của mình".
"Trong lịch sử, chúng ta chưa từng thể hiện sự cương quyết đến vậy với Trung Quốc. Điều này cũng minh chứng rằng Tổng thống không hề coi nhẹ vấn đề", bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Tư pháp và An ninh Luhut Pandjaitan nói.
Ông Luhut cho biết Indonesia đã thể hiện lập trường của mình với Trung Quốc, nhưng họ muốn nhấn mạnh nó một lần nữa tại Natuna, rằng nước này "không chấp nhận đường 9 đoạn và tuyên bố về ngư trường truyền thống" của Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc ông Widodo họp nội các trên tàu chiến ở Natuna là "sự thể hiện chủ quyền trực quan" thách thức những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo.Eka Sjarief, chuyên gia Trường Luật Quốc tế, Đại học Padjajaran, cho rằng thông điệp mà ông Widodo muốn phát đi tới Trung Quốc là "Natuna là chủ chúng tôi, và chúng tôi muốn Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của mình".
Theo chuyên gia Sands, Indonesia đang có lợi thế rất lớn trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của mình trước các hành động xâm nhập của Trung Quốc lợi dụng cái gọi là "ngư trường truyền thống", bởi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết cuối cùng về "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông, liếm cả vào EEZ của Indonesia.
Nếu phán quyết của PCA cho rằng mọi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông phải tuân theo quy định của UNCLOS, đường 9 đoạn của Trung Quốc đương nhiên sẽ vô hiệu, và các quốc gia khác trong khu vực sẽ được quyền hoạt động bên trong EEZ và thềm lục địa của mình mà không bị Trung Quốc quấy nhiễu. Các chuyên gia pháp lý cho rằng phán quyết của PCA nhiều khả năng sẽ gây ra rất nhiều bất lợi cho Trung Quốc.
Trong trường hợp Trung Quốc thua trong vụ kiện của Philippines, nếu tàu cá nước này vẫn tiếp tục xâm nhập vào các "ngư trường truyền thống" nằm trong EEZ của Indonesia, Jakarta rất có thể sẽ thực hiện một vụ kiện tương tự lên tòa quốc tế, khiến lập trường pháp lý của Bắc Kinh đối với "đường lưỡi bò" sụp đổ hoàn toàn. "Dù sao, cuộc chiến giành công lý ở tòa quốc tế vẫn tốt hơn là đấu nhau trên biển cả", Sands nhấn mạnh.(VNEX)
Người Anh sục sạo Google tìm hiểu về EU sau khi bỏ phiếu rời khối
Washington Post dẫn báo cáo của Google cho biết, khoảng 8 giờ sau khi kết thúc cuộc trưng cầu dân ý, các cụm từ khoá "điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta rời EU" được tìm kiếm nhiều gấp ba lần.
Tuy nhiên, người Anh không chỉ mơ hồ về điều sẽ xảy ra nếu họ ra khỏi EU, nhiều người dường như còn không biết EU là gì.
"'EU là gì?' là câu được hỏi nhiều thứ hai ở Anh về EU, kể từ khi kết quả trưng cầu dân ý chính thức được công bố", Google Trends báo cáo hôm 24/6.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 của Anh cho cho thấy có 48% người ủng hộ ở lại, trong khi 52% người muốn ra khỏi EU, với tỷ lệ người đi bầu 72%. Kết quả làm đồng bảng Anh sụt giá xuống mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ và làm chao đảo Phố Wall cùng các thị trường chứng khoán trên thế giới. Kết quả cũng khiến Thủ tướng David Cameron từ chức trong một quyết định gây sốc.
Một số người Anh đi bầu nói giờ họ hối tiếc khi bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU. "Dù tôi đã bầu để rời khỏi EU, sáng nay tôi tỉnh dậy và thực tế thực sự giáng xuống đầu tôi", ITV News dẫn lời một phụ nữ nói. "Nếu có cơ hội bỏ phiếu lần nữa, tôi sẽ bầu để ở lại".
Bắc Kinh ngừng cơ chế liên lạc với Đài Loan
Ngày 25-6, chính quyền Bắc Kinh thông báo đã tạm ngừng hoạt động một cơ chế liên lạc với chính quyền Đài Bắc- Trung Hoa. Theo phía Trung Quốc, quyết định được đưa ra do chính quyền mới tại Đài Bắc từ chối công nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”, hay “một nhà nước, hai chế độ”, hãng tin Reuters cho biết. Hiện vẫn chưa rõ cơ chế liên lạc bị ngưng hoạt động chính xác là kênh nào.
Theo hãng tin Reuters, chính quyền Bắc Kinh hiện đang có rất nhiều hoài nghi với nhà lãnh đạo mới của Đài Loan - bà Thái Anh Văn. Bà Thái đã nhậm chức vào tháng 5-2016. Phía Bắc Kinh lo ngại bà sẽ đẩy mạnh vấn đề độc lập của Đài Loan, vốn chỉ đươc Bắc Kinh xem như một tỉnh nằm ngoài Đại lục Trung Quốc và có thể chế đặc biệt.
Trong thời gian vận động tranh cử, với cương vị là lãnh đạo đảng Dân Tiến ủng hộ độc lập cho Đài Loan, bà Thái Anh Văn bày tỏ ý định duy trì tình trạng cân bằnh hiện nay với Trung Quốc. Đồng thời bà cũng đưa ra cam kết đảm bảo hòa bình.
Chính quyền của nữ lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn vẫn chưa tái công nhận tuyên bố "Đồng thuận 1992". Ảnh: DPP
Tuy nhiên, theo Reuters, phía Bắc Kinh khăng khăng muốn chính quyền mới tại Đài Bắc công nhận lại tuyên bố “Đồng thuận 1992”, đưa ra bởi Bắc Kinh và chính quyền Quốc dân đảng. Tuyên bố này ghi nhận cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều công nhận chỉ tồn tại “một Trung Quốc” nhưng mỗi bên sẽ diễn giải theo cách riêng của mình.
Trong bản tuyên cáo ngắn của hãngTân Hoa Xã, Phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc ngày 20-5 cho biết chính quyền mới của bà Thái đã không tái thừa nhận tuyên bố “đồng thuận” này. Phát ngôn viên của cơ quan này cho biết:
“Phía Đài Loan vẫn không thừa nhận đồng thuận 1992, một nền tảng chính trị chung về nguyên tắc một Trung Quốc, cơ chế liên lạc giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã bị tạm ngưng”.
Trước khi tuyên bố này được đưa ra, Đài Loan đã lên tiếng phản đối việc Campuchia trục xuất 25 người Đài Loan và gửi đến Trung Quốc, với cáo buộc lừa đảo tài sản. Chính quyền Đài Bắc - Trung Hoa trước đó đã nỗ lực thuyết phục Campuchia gửi người dân về Đài Loan nhưng không thành. Chính quyền Đài Bắc thời gian gần đây cáo buộc Bắc Kinh “bắt cóc” người dân Đài Loan, bằng cách ép các nước như Kenya và Malaysia trục xuất các nghi phạm bị cáo buộc lừa đảo sang Trung Quốc.
Cơ chế liên lạc giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã được đẩy mạnh trong thời gian ông Mã Anh Cửu làm lãnh đạo Đài Loan. Chính quyền của ông Mã đã ký kết nhiều hiệp định thương mại và du lịch quan trọng với Trung Quốc đại lục.
Ngày 24-6, kênh liên lạc này cũng đã được cơ quan Đài Loan sử dụng để liên hệ phía Trung Quốc đối với trường hợp 25 người dân bị trục xuất khỏi Campuchia thời gian qua.
Chiến lược đánh bại hạm đội pháo đài Trung Quốc của Mỹ và đồng minh
Nhật, Hàn Quốc và các lực lượng quân sự Mỹ tại Đông Bắc Á đang phải đối mặt với một mối đe dọa chung là tham vọng và sức mạnh hải quân ngày càng lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu phối hợp chặt chẽ các biện pháp quân sự và kinh tế, liên minh này hoàn toàn có thể chặn đứng ý đồ bẻ cong trật tự trên biển châu Á của Bắc Kinh, theo Diplomat.
Hạm đội pháo đài
Theo giáo sư James Holmes, đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, khái niệm "hạm đội pháo đài" thực chất là sự kết hợp giữa hỏa lực từ các căn cứ quân sự nằm dọc bờ biển với sức mạnh của các hạm đội tàu chiến trên biển, có uy lực tác chiến vượt trội so với các hạm đội đơn thuần. Nếu tàu chiến kẻ thù đi vào phạm vi pháo kích, hỏa lực từ các "pháo đài" trên đất liền có thể yểm trợ cho các tàu chiến trên biển tấn công tiêu diệt đối phương.
Hơn một thế kỷ trước, hải quân Nga đã áp dụng chiến lược này đề chống lại hải quân Nhật trong cuộc chiến tranh 1904-1905. Tuy nhiên, do tầm bắn hiệu quả của các khẩu pháo trên mặt đất hồi đó rất hạn chế nên phạm vi hoạt động của hạm đội Nga bị bó hẹp ở gần bờ biển. Mỗi khi tàu chiến Nga mạo hiểm ra ngoài phạm vi này đều phải hứng chịu tổn thất nặng nề từ hỏa lực của tàu chiến Nhật.
Công nghệ vũ khí hiện đại đã giúp cho hải quân Trung Quốc có được sự yểm trợ hỏa lực rất xa của các căn cứ trên đất liền. Các tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D và DF-26 có khả năng tạo ra lớp khiên chắn bảo vệ cho tàu chiến Trung Quốc hoạt động bên ngoài phạm vi chuỗi đảo thứ nhất, thậm chí là bên ngoài chuỗi đảo thứ hai nếu DF-26 đạt được tầm bắn tối đa trên lý thuyết.Nói cách khác, vũ khí của Trung Quốc có thể tấn công bất cứ hạm đội nào của đối phương trong vùng biển mà Bắc Kinh quan tâm, bao gồm tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Hơn nữa, các bệ phóng tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM) di động của Trung Quốc được đánh giá là có khả năng cơ động cao, giúp các "pháo đài" yểm trợ hỏa lực trên đất liền có thể di chuyển dọc đường bờ biển và bố trí tại những địa điểm có khả năng xung đột.
Trung Quốc luôn muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất" (đường đỏ), để tăng cường hoạt động quân sự ra đại dương. Đồ họa:Pentagon
Chiến lược đối phó
Hàn Quốc là một bán đảo giáp với lục địa châu Á còn Nhật Bản là một quần đảo nằm kế cận ở ngoài khơi. Do vậy, cả Nhật, Hàn Quốc cũng như Hạm đội 7 của hải quân Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương đều nằm trong tầm bắn của các "pháo đài" Trung Quốc.
Giáo sư Holmes cho rằng trong bất cứ nguy cơ xung đột nào, biện pháp ngoại giao luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để ngăn chặn ý đồ tăng cường kiểm soát biển của Bắc Kinh, Washington và hai nước đồng minh buộc phải phối hợp áp dụng các biện pháp trên lĩnh vực quân sự và kinh tế.
Trước hết, liên minh ba nước có thể tận dụng yếu tố địa lý dọc theo chuỗi đảo thứ nhất để triển khai các hệ thống phòng thủ di động có khả năng phóng tên lửa diệt hạm và máy bay. Các vũ khí trên đất liền có thể tấn công tàu chiến Trung Quốc cố di chuyển từ đông sang tây, từ Biển Đông vào Tây Thái Bình Dương và ngược lại.
Trong khi đó, các loại thủy lôi có thể hoàn thiện vòng phòng thủ ngoài khơi xa, còn tàu ngầm di chuyển phía sau các chuỗi đảo có thể là hàng rào di động ngăn không cho hải quân Trung Quốc triển khai ra Thái Bình Dương. Đồng thời, một số tàu ngầm có thể nhanh chóng đột kích vào biển Hoàng Hải hoặc biển Hoa Đông để thực hiện những cuộc tấn công bất ngờ từ dưới lòng biển.
Hai đồng minh của Mỹ có thể đàm phán về phạm vi địa lý để thực hiện chiến lược này. Nhật có thể triển khai lực lượng dọc theo trục phía tây nam, phụ trách các đảo và eo biển nằm giữa nước này và đảo Đài Loan. Hàn Quốc có thể giám sát phía đông và phía bắc, đóng cửa eo biển Tsushima và kiểm soát vùng biển Nhật trong trường hợp có xâm nhập. Sự phân chia theo địa lý như vậy có thể giúp mỗi nước tận dụng được lợi thế của mình trên lĩnh vực có khả năng nhất.
Ngoài ra, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn có thể sử dụng biện pháp kinh tế, bởiTrung Quốc phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu các nhiên liệu và xuất khẩu hàng hóa, nên việc phong tỏa từ xa có thể gây tổn thương cho họ về mặt kinh tế và quân sự.
Theo giáo sư Holmes, Nhật Bản và Hàn Quốc hỗ trợ Mỹ thực hiện chiến lược này cũng là đang tự giúp chính mình. Nếu Tokyo và Seoul có thể kiểm soát các vấn đề trong khu vực Đông Bắc Á, họ có thể tạo điều kiện cho Mỹ tập trung lực lượng cho các hoạt động ở phía nam, đặc biệt là tại Biển Đông, nơi Trung Quốc đang bộc lộ rõ tham vọng mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự của mình.
"Nếu các đồng minh của Mỹ thực hiện được chiến lược ngăn ngừa Trung Quốc, họ có thể tạo ra tâm lý do dự, lo ngại trong giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Liên minh này sẽ nhắc nhở Trung Quốc về một điều mà người Hy Lạp cổ đại thường nói: 'Chúa sẽ trừng phạt tính cao ngạo thái quá của con người'", Holmes nhấn mạnh. (VNEX)