tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ngành nào ở Việt Nam sẽ chịu "đòn đau" nhất khi Anh rời EU?

  • Cập nhật : 25/06/2016

Thị trường Anh chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, song với mức tăng trưởng 17%/năm thì nhiều ngành hàng thế mạnh có thể sẽ phải chịu "đòn đau" khi Anh rời EU.

Người dân Anh đã lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày hôm nay. Không chỉ thị trường tài chính, chứng khoán, vàng, dầu mỏ thế giới bị tác động, mà ngay tại Việt Nam thị trường chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ.

Sự kiện nước Anh rời khỏi EU được đánh giá là chưa có tác động ngay tức khắc nền nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong quan hệ thương mại. Tuy nhiên, với cán cân thương mại hai chiều liên tục duy trì ở trạng thái xuất siêu, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh trong những năm gần đây luôn duy trì ở hai con số, điều này đang đặt ra không ít lo ngại.

Ngành nào ở Việt Nam sẽ chịu "đòn đau" nhất khi Anh rời EU?

Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2008 - 2015 lên tới gần 17%/năm, đạt mức kỷ lục lên tới 4,65 tỉ USD trong năm 2015, tức là tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU. Do đó, việc Anh rời EU lại được xem là "đòn đau" cho không ít ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực.

Dữ liệu thống kê của CafeF với 10 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Anh giai đoạn 2011 - 2016, phần lớn lượng xuất khẩu lớn nhất đều là các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam như thủy sản; nông sản; dệt may; da giày; gỗ và các sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị và phụ tùng; điện thoại và linh kiện các loại...

Trong đó, tăng mạnh nhất là các mặt hàng điện thoại và linh kiện các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; da giày; gỗ và sản phẩm gỗ... Những sản phẩm này đều là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nên nếu Anh rời EU, trước mắt sẽ chịu tác động không nhỏ đến việc xuất khẩu vào thị trường này.

Ngành nào ở Việt Nam sẽ chịu "đòn đau" nhất khi Anh rời EU?

Theo phân tích của ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế thế giới - Viện Kinh tế chính trị, nếu Anh rời khỏi EU, Brexit có thể khiến đồng bảng Anh xuống giá, dẫn đến những bất ổn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới.

Khi đồng bảng Anh mất giá thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn. Do đó, nếu những doanh nghiệp có lượng đơn hàng lớn xuất khẩu vào thị trường này, hoặc đang tập trung đơn hàng ở thị trường này có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Theo đó, một số chuyên gia cũng nhận định Anh không phải là đối tác quá lớn về phương diện xuất khẩu/thương mại nên tác động ở quy mô lớn là khó xảy ra. Chỉ những doanh nghiệp có đơn hàng phụ thuộc vào thị trường này trước mắt việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Mỗi năm, Anh nhập khẩu trên 1.000 tỉ USD, tương đương 700 tỉ bảng. Trong khi đó Việt Nam mới xuất khẩu vào thị trường Anh khoảng 5 tỉ, mới chiếm được khoảng 0,5%. Dư địa phát triển còn rất nhiều song đây có thể là rào cản cho hàng xuất khẩu Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Một vấn đề nữa cũng khiến các chuyên gia lo ngại, đó là hiện nay Việt Nam đang đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU. Do đó, nếu Anh rời EU thì việc thực thi hiệp định này có thể sẽ bị tác động khi mà hiện nay Nghị viện châu Âu chưa phê chuẩn, nên có thể những đàm phán và cam kết trước đây với Anh có thể bị tác động và có thể phải đàm phán lại.

Do đó, ông Nguyễn Văn Thải - Đại sứ quán Việt Nam tại Anh khuyến cáo, khi muốn vào một thị trường khó tính như thị trường Anh thì doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, đồng thời cần có một chiến lược dài hạn và một sự đầu tư hợp lý.


Theo An Ngọc
(Trí thức trẻ/Cafef)
Trở về

Bài cùng chuyên mục