Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen nói rằng Trung Quốc và Mỹ "nên ngồi xuống và cố gắng tìm một giải pháp cho vấn đề thương mại này."
Anh được gì, mất gì 2 năm sau quyết định Brexit
- Cập nhật : 28/06/2018
Kinh tế Anh chững lại, đầu tư giảm. Các doanh nghiệp lớn cho biết họ buộc phải rời đi và mang theo hàng nghìn việc làm.
Hai năm đã trôi qua kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, nhưng những hệ quả nặng nề từ việc từ bỏ mối quan hệ được xây dựng suốt hơn 40 năm vẫn chưa kết thúc.
Lời cảnh báo với Anh gần đây nhất đến từ Airbus. Airbus hôm 22/6 thông báo hãng có thể buộc phải rời khỏi Anh nếu nước này rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận về thương mại.
Brexit sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2019. Sự mơ hồ về những gì sẽ xảy ra sau đó đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Dưới đây là những gì Anh đã phải trải qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016.
Tăng trưởng trì trệ
Các nhà kinh tế học tại ngân hàng Berenberg ước tính kinh tế Anh thiệt hại tới 35 tỷ euro (46 tỷ USD) trong quý III/2016, giai đoạn ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, và trong quý I/2018.
“Trong hai năm qua, phần lớn các nước phát triển đã có dấu hiệu thoát khỏi thời kỳ hậu Lehman và tăng trưởng cái thiện”, Kallum Pickering, nhà kinh tế học cấp cao tại Berenberg, nói. “Do Brexit, tăng trưởng của Anh lại yếu đi”.
Đồng bảng Anh (GBP) mất giá ngay sau cuộc trưng cầu về Brexit, dẫn đến lạm phát tăng, chi tiêu tiêu dùng, vốn là động lực của kinh tế Anh, giảm. Các nhà bán lẻ hiện vẫn cảm thấy sự trì trệ. Nhiều lĩnh vực khác cũng chiu thiệt hại.
GDP Anh tăng chỉ 0,1% trong quý I/2018 do lĩnh vực sản xuất và xây dựng đi xuống. Viện Kinh tế Quốc gia và Nghiên cứu Xã hội kỳ vọng tăng trưởng GDP quý II là 0,2%.
Người ủng hộ EU, phản đối Brexit biểu tình gần Hạ viện Anh ở London hôm 20/6. Ảnh: AP.
Phòng Thương mại Anh dự báo Anh sẽ có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm thấp nhất kể từ năm 2009, khi thế giới chìm sâu trong khủng hoảng tài chính.
“Đầu tư kinh doanh chậm lại, nguyên nhân liên quan đến sự bất ổn và dự đoán về một nền kinh tế quy mô nhỏ hơn”, Yael Selgin, kinh tế trưởng về Anh tại KPMG, nói.
Thất nghiệp giảm, lương giảm
Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh đang thấp nhất kể từ năm 1975, ở mức 4,2%, bất chấp tình trạng bất ổn liên quan Brexit. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy vết nứt. Khi tính đến cả yếu tố lạm phát, lương mới chỉ bắt đầu tăng trở lại sau hơn một năm giảm.
“Do sự bất ổn, các chủ lao động khó có thể cam kết tăng lương bởi họ cũng không chắc tương lai sẽ như thế nào”, theo Selfin.
“Sau Brexit, giá cả chắc chắn tăng”, Nagesh Balusu, quản lý hệ thống nhà hàng và bar Salt Whisky Bar & Dining Room ở London, nói. “Chúng tôi gặp chút khó khăn hồi đầu năm. Chúng tôi đã tăng giá”.
Hệ thống này nằm cạnh công viên Hyde, điểm đến nổi tiếng với du khách nước ngoài. “Khách nước ngoài có thể chấp nhận trả cao hơn mức bình thường một chút nhưng người địa phương ít đến đây hơn. Họ bắt đầu nghĩ về số tiền phải chi”.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney ước tính thu nhập bình quân của một hộ gia đình Anh hiện thấp hơn 900 GBP so với dự báo từ trước thêm trưng cầu dân ý.
Kinh tế Anh vẫn đang tạo ra việc làm nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều. Số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy có thêm 451.000 việc làm trong năm đầu tiên sau trưng cầu dân ý nhưng con số này 9 tháng sau đó chỉ là 112.000 việc làm.
Hơn 70.000 việc làm lĩnh vực bán lẻ biến mất sau trưng cầu dân ý. Tốc độ biến mất gia tăng trong năm 2017. Lĩnh vực xây dựng cũng bị ảnh hưởng với 17.000 việc làm biến mất trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 3/2018.
Doanh nghiệp bắt đầu lo lắng
Airbus lo ngại Anh có thể rời EU vào tháng 3/2019 mà không có thỏa thuận nào để giữ London ở lại tạm thời trong thị trường chung và thuế quan chung của khối. Giống như nhiêu công ty khác, Airbus sẽ cần thời gian để điều chỉnh chuỗi cung ứng phức tạp của hãng.
Airbus ngày 22/6 cho biết đang rất cần sự minh bạch. “Chúng tôi phải có thể bảo vệ công nhân, khách hàng và các cổ đông của mình”, Tom Williams, giám đốc điều hành Airbus Commercial Aircraft, nói với đài BBC. “Và chúng tôi không thể thực hiện điều đó với tình hình hiện tại”.
Chính phủ Anh chưa chấp thuận thỏa thuận, đã được EU thông qua, về cách tránh kiểm tra hải quan tại biên giới mới giữa Anh và EU. Trong khi đó, lãnh đạo các doanh nghiệp cảnh báo về hậu quả thảm khốc cho lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là xe hơi.
“Ngành công nghiệp xe hơi tại Anh có nguy cơ biến mất nếu không có liên minh hải quan nào ra đời sau Brexit”, Paul Drechsler, chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Anh, cảnh báo hồi tuần trước.
Di cư trong EU giảm
Các công ty, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nông trại cũng gặp khó khan trong việc tìm nguồn lao động do có số công dân EU tới Anh tìm việc giảm.
Nhập cư là một vấn đề chính trong trưng cầu dân ý về Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May cam kết giảm số lượng người nhập cư đến Anh sau Brexit, quyền lợi của người dân châu Âu sống ở Anh là một vấn đề chính trong quá trình đàm phán với EU.
Dù các quy định về nhập cư của Anh vẫn chưa thay đổi, số lượng người châu Âu tới Anh đã giảm mạnh từ tháng 7/2016. Ước tính, hiện có khoảng 3,6 triệu người các quốc tịch trong EU đang sống ở Anh, trong đó có gần 600.000 trẻ em. Hôm 21/6, Anh thông báo kế hoạch có thể cho phép 4 triệu người các quốc tịch trong EU định cư tại Anh hậu Brexit.
Liên đoàn Công nghiệp Anh, một tổ chức vận động hành lang, cho biết các doanh nghiệp “đang gặp khó khăn trong việc tuyển người để có thể tạo thêm việc làm và tăng trưởng”.
Bất động sản London chịu thiệt hại
Thị trường bất động sản London đã bị ảnh hưởng bởi Brexit. Sau nhiều năm tăng mạnh, giá nhà cửa tại trung tâm tài chính toàn cầu này đã đảo chiều và dự kiến giảm hơn nữa trong năm 2019, theo Viện Giám định Hoàng gia.
London bị ảnh hưởng mạnh hơn những khu vực khác ở Anh, nơi giá nhà cửa tăng chậm nhưng chưa đảo chiều.
Như Tâm/Theo CNN Money, WP, Bản tin Dòng chảy của Tiền, NDH.VN