tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 26-06-2016: Anh rời EU-Brexit

  • Cập nhật : 26/06/2016

Hơn một triệu người đòi Anh trưng cầu dân ý lại

Hơn một triệu người ký vào đơn kiến nghị trên trang web của quốc hội Anh, kêu gọi tổ chức lại trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu.
nguoi dan hom 19/6 cam co eu va co anh tai mot su kien do nhom ung ho o lai eu to chuc o trung tam london. anh: afp

Người dân hôm 19/6 cầm cờ EU và cờ Anh tại một sự kiện do nhóm ủng hộ ở lại EU tổ chức ở trung tâm London. Ảnh: AFP

"Chúng tôi, những người ký dưới đây, kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh thực hiện quy định rằng nếu bên bỏ phiếu Đi hay Ở dưới 60% dựa trên tỷ lệ người đi bỏ phiếu ít hơn 75% dân số, cần có một cuộc trưng cầu dân ý khác", Independent dẫn đơn kiến nghị do William Oliver Healey lập ra cho biết.

Tính đến sáng nay, số người ký vào đơn kiến nghị cán mốc một triệu. Đề nghị này sáng qua có nhiều người ký đến nỗi trang web của chính phủ có lúc bị sập. Những người ký chủ yếu sống ở các thành phố London, Brighton, Oxford, Cambridge và Manchester.

Hiện chưa rõ nếu quy định này nếu được thiết lập và đưa vào luật của Anh có thể áp dụng với hiệu lực trở về trước hay không. 

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 của Anh cho cho thấy có 48% người ủng hộ ở lại, trong khi 52% người muốn ra khỏi EU, với tỷ lệ người đi bầu 72%. Kết quả làm đồng bảng Anh sụt giá xuống mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ và làm chao đảo Phố Wall cùng các thị trường chứng khoán trên thế giới. Kết quả cũng khiến Thủ tướng David Cameron từ chức trong một quyết định gây sốc. 


Chủ tịch Ủy ban châu Âu muốn ngay lập tức đàm phán với Anh về Brexit

Reuters đưa tin, ngày 24/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết ông muốn bắt đầu đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
chu tich uy ban chau au (ec) jean-claude juncker

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker

Đồng thời, ông khẳng định không có lý do gì để chờ tới tháng 10 - thời điểm Thủ tướng David Cameron dự kiến sẽ từ chức.

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình ARD của Đức, ông Juncker nói: "Người Anh ngày hôm qua đã quyết định họ muốn rời EU, vì thế không có lý do gì phải chờ tới tháng 10 để đàm phán các điều khoản về sự ra đi của họ. Tôi muốn được bắt đầu ngay lập tức."

Cũng theo ông Juncker, EU sẽ theo đuổi "cách tiếp cận có lý lẽ" khi đàm phán về việc Anh rời EU.

Ông nói: "Đó chẳng phải là một vụ ly dị êm thắm, nhưng cũng không phải là một mối tình khăng khít gì cho lắm".


Dân Anh bỏ phiếu rời EU: Liệu có đủ giá trị pháp lý?

Gần 52% người dân Anh đã bỏ phiếu chọn Brexit, nhưng thực ra chính phủ Anh hoàn toàn có quyền bỏ qua kết quả này và không làm gì cả.

Theo nhận định từ báo The Guardian, câu trả lời đơn giản nhất về tính hiệu lực pháp lý của cuộc trưng cầu dân ý là “không có”. Theo luật Anh, Quốc hội giữ chủ quyền tối cao, và các cuộc trưng cầu thường không mang tính ràng buộc về luật pháp.

Năm 2011, khi nước Anh trưng cầu dân ý về việc áp dụng hình thức bầu cử mới, đã có một điều luật ghi rõ rằng chính phủ phải sửa lại luật dựa theo kết quả của trưng cầu. Tuy nhiên, với cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU (còn gọi là Brexit) kỳ này lại không có một luật nào quy định như vậy cả.

Hồi năm 1975, nước Anh cũng từng tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên ở lại trong EEC (tiền thân của EU) hay không và đại đa số người dân chọn “ở lại”. Khi đó, nghị sĩ Enoch Powell, vốn ủng hộ việc rời EEC, đã tuyên bố rằng kết quả trưng cầu dân ý chỉ mang tính tạm thời vì không có tính ràng buộc pháp lý với Quốc hội.

Giờ đây, sau khi gần 52% người dân Anh đã chọn Brexit, Thủ tướng David Cameron có quyền vận dụng điều luật 50 trong Hiệp ước Lisbon của EU: “Bất kỳ một quốc gia thành viên nào cũng có thể quyết định rời EU dựa theo các quy định của hiến pháp nước đó”. Trước đó, ông Cameron đã nói ông sẽ phải ngay lập tức vận dụng điều luật này sau khi có kết quả trưng cầu, nhưng theo Guardian bình luận thì đó có thể chỉ là một cách để thuyết phục người dân chọn việc ở lại EU.

Dù sao đi nữa, cũng không có ràng buộc pháp lý nào về việc Thủ tướng Anh phải làm điều này. Về mặt lý thuyết, ông Cameron hoàn toàn có quyền bỏ qua kết quả trưng cầu và kêu gọi một cuộc bỏ phiếu mới trong Quốc hội, vốn chiếm đa số bởi các nghị sĩ ủng hộ EU. Một nhóm các nghị sĩ ủng hộ EU đã chuẩn bị trước cho một kế hoạch như vậy, theo những nguồn tin của BBC. Đây sẽ là một nghịch lý đầy thú vị, vì một trong những luận điểm được những người ủng hộ Brexit đưa ra là họ muốn bảo vệ chủ quyền của Quốc hội Anh khỏi những cơ quan lập pháp của EU.

Đó là mới nói chuyện pháp lý trong nội bộ nước Anh, còn nếu xét tới EU thì mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều nữa. Nước Anh sẽ phải tiến hành đàm phán với EU về các điều khoản của Brexit, và những điều khoản này cần phải được chấp nhận bởi cả Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu. Giáo sư Damian Chalmers ở Đại học Kinh tế London (LSE) bình luận: “Đây là một quá trình khó khăn, vì nó sẽ phải đi qua các khâu lập pháp của EU, nơi mà mỗi nước đều có động cơ chính trị riêng”.

Những người ủng hộ Brexit cho rằng quá trình này sẽ không dài quá 2 năm, vốn là thời gian tối đa để thực hiện đàm phán. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia luật đều tin rằng thời gian cần thiết sẽ dài hơn 2 năm rất nhiều, và phía EU có quyền kéo dài thời hạn 2 năm nếu cả hai bên cùng đồng ý.

Theo bình luận từ chuyên gia pháp lý David Allen Green của tờ The Financial Times, những gì xảy ra sau cuộc trưng cầu kỳ này sẽ là vấn đề mang tính chính trị nhiều hơn là pháp lý. Chính phủ Anh có nhiều lựa chọn: hoàn toàn bỏ qua kết quả trưng cầu; để cho Quốc hội bỏ phiếu nội bộ quyết định; đàm phán lại với EU để lấy các điều khoản có lợi cho nước Anh và tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ nhì. Dù sao đi nữa, việc các nước EU tiến hành trưng cầu nhiều lần liên tiếp cho đến khi nhận được kết quả “đúng” cũng đã từng diễn ra không ít lần.(NĐH)


Donald Trump lên tiếng vụ Brexit: “Tuyệt vời!”

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hoà Donald Trump đã lên tiếng về việc cử tri Anh lựa chọn ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU), nói rằng người dân nước này đã giành lại quyền kiểm soát đất nước bằng cách bỏ phiếu cho phương án Brexit - thuật ngữ ghép từ hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi), được dùng để chỉ việc Anh rời EU.
 
Theo tin từ Reuters, hiện đang có mặt ở Scotland để mở cửa trở lại một khu nghỉ dưỡng sân golf, vị tỷ phú bất động sản New York đã trả lời câu hỏi của báo giới về kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 của Anh: “Họ đã giành lại được quyền kiểm soát đất nước của họ. Đó là một điều tuyệt vời!”
 

 
“Người dân trên khắp thế giới đang giận dữ. Họ giận dữ về đường biên giới, về việc người đến từ nước khác chiếm mọi thứ của họ, về nhiều vấn đề khác nữa”, Trump, người chuẩn bị đón sinh nhật thứ 70 trong tháng 6 này, phát biểu.
 
Cách đây mấy tuần, Trump từng tuyên bố ông ủng hộ việc Anh rời EU.
 
Ngay khi đặt chân tới Scotland, Trump viết trên mạng xã hội Twitter: “Vừa đến Scotland. Nơi này đang phát điên lên vì cuộc bỏ phiếu. Họ đã giành lại quyền kiểm soát đất nước, cũng giống như chúng ta sẽ giành lại nước Mỹ. Không phải là chuyện chơi đâu!”
 
Theo kết quả bỏ phiếu, 62% cử tri Scotland chọn ở lại EU và 38% chọn Brexit, trái ngược với kết quả của toàn nước Anh với 52% chọn ra đi và 48% chọn ở lại.
 
Với kết quả như vậy, giới quan sát dự đoán Scotland có thể tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về việc tiếp tục ở lại hoặc độc lập khỏi Anh, sau cuộc trưng cầu dân ý chọn ở lại vào năm 2014.
 
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hoà của Mỹ đã cảnh báo rằng Trump, người hiện đang bị 70% người Mỹ “không ưa” theo như kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây, có thể mắc phải những sai lầm trong chính sách đối ngoại.
 
Các thủ lĩnh Cộng hoà cũng đã kêu gọi Trump cần có phong thái nghiêm túc hơn trong quá trình tranh cử Tổng thống.
 
Ứng cử viên Tổng thống gần đây nhất của Đảng Cộng hoà là ông Mitt Romney vào năm 2012 đã có một chuyến công du mắc nhiều sai lầm tới London, Jerusalem và Ba Lan.
 
Cách đây ít lâu, hơn nửa triệu người Anh đã ký vào một bản đề nghị cấm Trump nhập cảnh vào Anh, nơi Trump có nhiều lợi ích kinh doanh, nhằm đáp trả lời kêu gọi của Trump về cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Tuy nhiên, Quốc hội Anh đã bác bỏ đề nghị này vì cho rằng làm như vậy là vi phạm quyền tự do ngôn luận.
 
Trump cũng đã “lời qua tiếng lại” với Thủ tướng Anh David Cameron, người ủng hộ Anh ở lại EU và đã tuyên bố sẽ từ chức sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố. Ông Cameron cho rằng những ý tưởng của Trump về chống người nhập cư là gây chia rẽ và sai lầm.
 
Chuyến đi Scotland lần này của Trump đã khiến nhiều nhà lãnh đạo Cộng hoà không hài lòng. Họ cho rằng Trump nên tập trung vào việc tranh cử và đấu với đối thủ Hillary Clinton của Đảng Dân chủ.
 
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nói Trump sang Scotland vào thời điểm này là khôn ngoan.
 
“Tôi không nghĩ việc mở một khu nghỉ dưỡng sân golf sẽ đem lại cho ông ta nhiều lợi ích về chính sách đối ngoại”, ông Saul Anuzis, cựu Chủ tịch Đảng Cộng hoà tại Michigan nói trước khi Trump lên đường sang Scotland. “Nhưng việc ông ta đến đó đúng lúc cuộc trưng cầu dân ý của Anh có thể đem lại nhiều lợi ích về PR”.

Các thành viên EU hối thúc Anh đẩy nhanh thủ tục 'ly dị'

6 thành viên sáng lập Liên minh châu Âu muốn Anh nhanh chóng bắt đầu quá trình ra khỏi nhóm. 
nguoi cam co eu tai london. anh: ap

Người cầm cờ EU tại London. Ảnh: AP

"Chúng tôi cùng nhau nói ở đây rằng quá trình này cần diễn ra càng nhanh càng tốt để chúng tôi không ở trong tình trạng lấp lửng, thay vào đó tập trung vào tương lai của châu Âu", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm nay nói tại Berlin, sau khi chủ trì cuộc họp với ngoại trưởng 6 nước thành viên. 

Ngoại trưởng Pháp và Luxembourg cho rằng Anh không nên chơi trò mèo vờn chuột khi vẽ ra tiến trình. "Không có lý do gì để chơi trò mèo vờn chuột. Điều đó sẽ không thể hiện sự tôn trọng, sau khi quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này", Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói tại một cuộc họp báo chung.

"Người Anh và người châu Âu có lợi ích khi không có một giai đoạn bất định, có thể gây ra hậu quả về tài chính, hậu quả về kinh tế và chính trị", ông nói. 

Các thị trường chứng khoán hôm qua sụt giảm, và đồng bảng Anh trong một ngày sụt giá sâu nhất suốt hơn 30 năm qua, sau khi 52% số người Anh đi bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU. Anh gia nhập Liên minh cách đây hơn 40 năm.

Trong thông cáo, 6 ngoại trưởng cho rằng EU đang mất "không chỉ một nước thành viên, mà còn cả lịch sử, truyền thống và kinh nghiệm". 

Các bộ trưởng cũng nói họ sẽ phải đối mặt với nhiều mong muốn khác nhau về việc hội nhập ở châu Âu từ các nước thành viên, nhằm đáp ứng kỳ vọng của cử tri. 

Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande cũng thể hiện cảm xúc tương tự. "Sẽ rất đau đớn với Anh, nhưng cũng như mọi cuộc ly dị, những người ở lại đằng sau cũng sẽ gặp đau đớn".

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói Anh phải nói họ muốn quan hệ như thế nào với EU trước khi khối xem xét cách đáp lại. 

Ngoại trưởng Pháp Ayrault cho biết các lãnh đạo EU sẽ gây sức ép với Thủ tướng David Cameron tại một cuộc họp thượng đỉnh tuần tới để Anh hành động nhanh chóng. "Sẽ có rất nhiều áp lực lên ông Cameron để tiến về phía trước", ông nói. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục