Obama tránh câu hỏi về quá trình điều tra Hillary Clinton
IS bắn rơi trực thăng Mi-25, 2 phi công Nga thiệt mạng
Sở cảnh sát Dallas đóng cửa vì bị đe dọa
NATO củng cố sườn phía đông
Tin thế giới đọc nhanh chiều 31-07-2016
- Cập nhật : 31/07/2016
Singapore bắt giữ phần tử cực đoan kêu gọi lật đổ
Đài truyền hình ABC News (Úc) đưa tin Zulfikar đang là sinh viên năm cuối và chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ tại trường này.
Hôm trước đó, Bộ Nội vụ Singapore thông báo đã bắt giam Zulfikar Mohamad Shariff, 44 tuổi. Zulfikar cùng gia đình từ Singapore sang cư trú ở Úc 14 năm nay sau vài lần gây hấn với chính quyền và các lãnh đạo Hồi giáo tại Singapore. Zulfikar vẫn thường xuyên đi về Singapore.
Ngày 1-7, khi Zulfikar trở về Singapore thì bị bắt. Bộ Nội vụ Singapore cho biết Zulfikar đã nhập quốc tịch Úc và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Úc.
Bộ Nội vụ Singapore thông báo theo kết quả điều tra, Zulfikar đã lên kế hoạch tổ chức huấn luyện để chiêu dụ thanh niên Singapore tham gia kế hoạch thay đổi hệ thống dân chủ-thế tục Singapore bằng một nhà nước Hồi giáo và nếu cần thiết thì sử dụng vũ lực.
Bộ Nội vụ Singapore khẳng định: “Mục đích thật của Zulfikar là kích động tín đồ Hồi giáo Singapore lật đổ chế độ và sử dụng vũ khí tiến hành thánh chiến như ở Trung Đông, Palestine, Myanmar và Philippines”.
Zulfikar thường xuyên lên mạng Internet truyền bá tư tưởng cực đoan, kích động bạo lực, thường dùng Facebook để hô hào các hành động bạo lực của IS ở Iraq và Syria (như cắt cổ con tin), đồng thời lợi dụng tôn giáo để hợp thức hóa hành động khủng bố của IS.
Zulfikar Mohamad Shariff trở thành phần tử cực đoan từ năm 2001 sau khi đọc các tài liệu ủng hộ các tổ chức khủng bố như Al Qaeda và Jemaah Islamiah. Sau đó, Zulfikar kêu gọi tín đồ Hồi giáo Afghanistan gây chiến sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001.
Năm 2002, Zulfikar thách đố các thủ lĩnh Hồi giáo chính thống và đòi nữ sinh tiểu học được đội khăn che mặt ở trường công. Cùng năm này, gia đình Zulfikar sang Úc định cư.
Năm 2013, Zulfikar lập trang Facebook mang tên Al-Makhazin Singapore nhằm kích động vấn đề Hồi giáo ở Singapore, công kích các tín đồ nào không chia sẻ quan điểm của hắn.
Từ tuyên truyền của Zulfikar, ít nhất đã có hai công dân Singapore trở thành phần tử cực đoan. Người thứ nhất là nhân viên bảo vệ Muhammad Shamin Mohamed Sidek, 29 tuổi, đã bị bắt hồi tháng 7-2015. Kế đến là doanh nhân Mohamed Saiddhin Abdullah, 33 tuổi, bị cấm trong hai năm không được thay đổi chỗ ở, chỗ làm và không được xuất cảnh nếu chưa được phép.
Đêm 29-7, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã viết trên Facebook rằng may mắn khi các cơ quan chức năng đã bắt được Zulfikar trước khi hắn kịp gây thêm nguy hiểm.
Ông viết: “Các tư tưởng cực đoan, bạo lực không có chỗ tại đất nước đa sắc tộc và đa tôn giáo của chúng ta. Chính phủ sẽ luôn cảnh giác để phát hiện các phần tử xấu này nhưng chúng ta cần mọi người dân hỗ trợ để bảo vệ cuộc sống hòa điệu của chúng ta”.(PLO)
Trung Quốc, nguyên nhân khiến Anh dừng dự án điện hạt nhân
Việc chính phủ Anh quyết định tạm dừng phê chuẩn dự án xây nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C làm dấy lên nghi ngờ dự án này có thể dừng vĩnh viễn.
Một máy xúc làm việc ở gần khu vực dự kiến sẽ triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Somerset nếu được thông qua - Ảnh: PA
Theo Guardian, chính phủ của bà Theresa May quyết định dừng phê chuẩn và sẽ tiếp tục "ngâm cứu" thêm về dự án có tổng chi phí 18 tỉ bảng Anh này cho tới khi ra công bố chính thức vào đầu mùa thu năm nay.
Động thái này khiến tập đoàn EDF của Pháp, đối tác chính trong dự án, bất ngờ. Trên thực tế EDF thậm chí đã chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc lớn và một cuộc phỏng vấn với ông Vincent de Rivaz, giám đốc điều hành chi nhánh của EDF tại Anh sau khi dự án được ký kết.
Liên quan tới việc vì sao chính phủ Anh quyết định dừng phê chuẩn dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C vào phút chót, có thể có nhiều nguyên nhân.
Tuy nhiên, một nguyên nhân được giới truyền thông Anh lưu ý, đó là sự tham gia với vai trò đáng kể của phía Trung Quốc trong dự án quan trọng này.
Mặc dù dự án Hinkley Point C do đối tác chính nắm vai trò chỉ đạo là tập đoàn EDF của Pháp, nhưng Trung Quốc lại là đối tác hỗ trợ tài chính quan trọng. Tập đoàn điện nguyên tử Trung Quốc chiếm 33% cổ phần trong dự án này.
Và rõ ràng, bà Theresa May, trong cương vị tân thủ tướng Anh, có thể có những ngờ vực nhất định về sự tham gia của đối tác Trung Quốc trong dự án trọng điểm của Anh.
Năm ngoái ông Nick Timothy, một trợ thủ thân cận của bà Theresa May từng buộc tội bộ trưởng tài chính khi đó là ông George Osborne về việc "bán an ninh quốc gia cho Trung Quốc".
Trong một bài viết đăng tải trên trang web chính trị Conservative Home, ông Nick Timothy cáo buộc rằng người Trung Quốc đã mua chuộc sự im lặng của nước Anh trước những cáo buộc vi phạm nhân quyền trong nước họ.
Về dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, ông Timothy viết: "Các chuyên gia an ninh, theo ý kiến nhiều người ở cả trong và ngoài chính phủ (Anh) đều lo ngại rằng, Trung Quốc có thể lợi dụng vai trò của họ để tạo ra những lỗ hổng trong hệ thống máy tính, từ đó sẽ cho phép họ có thể đánh sập việc sản xuất năng lượng của Anh bất cứ lúc nào nếu muốn".
Tất nhiên, bên cạnh nguyên nhân lo ngại về sự tham gia của đối tác Trung Quốc trong dự án, chính phủ của bà Theresa May cũng muốn có thêm thời gian cân nhắc về dự án rất tốn kém. Họ cũng muốn thương thuyết lại về vấn đề chi phí bởi dự án nếu được phê chuẩn sẽ ngốn một lượng khổng lồ tiền thuế của dân.
Cũng có quan điểm cho rằng chính phủ Anh dừng dự án Hinkley Point C vì muốn "giữ miếng" trong các cuộc đàm phán rời EU tới đây. Nhưng với quan điểm của những người phản đối dự án này trong công luận Anh, Hinkley Point C là một dự án tốn kém, lạc hậu và không an toàn.
Một số người cho rằng, việc chính phủ quyết định dừng phê chuẩn vào phút chót rất có thể chỉ là cách khép lại dự án này một cách tế nhị nhất để với các bên liên quan, không ai phải mất mặt.(TT)
Bầu cử Mỹ và biển Đông
Mới đây Trung Quốc thông báo sẽ tập trận hải quân chung với Nga nhưng thời điểm là vào tháng 9 tới. Tại sao phải là tháng 9 mà không phải bây giờ?
Theo nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng Harry J. Kazianis tại Trung tâm Quyền lợi quốc gia (Mỹ) và là Tổng Biên tập tạp chí The National Interest (Mỹ), sự trì hoãn này có liên quan đến hai sự kiện chính trị lớn: hội nghị thượng đỉnh G20 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Kazianis nhận định từ giờ tới tháng 9 Trung Quốc vẫn sẽ kiềm chế ở biển Đông dù rất căm vụ phán quyết của Tòa Trọng tài xử Trung Quốc thua trong vụ kiện biển Đông với Philippines. Sau tháng 9, phản ứng của Trung Quốc mới thật sự bùng nổ và vào thời điểm có thể thế giới không ngờ đến.
Nhà phân tích Harry J. Kazianis nhận định Trung Quốc sẽ lợi dụng sự kiện bầu cử Mỹ để khuấy động biển Đông. (Ảnh: ALAMY)
Hay nói cách khác, hai sự kiện chính trị hội nghị thượng đỉnh G20 và bầu cử tổng thống Mỹ quyết định thái độ của Trung Quốc ở biển Đông.
Trung Quốc lần đầu tiên sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 4-5 tháng 9 tới ở Hàng Châu.
Trung Quốc luôn muốn xây dựng hình ảnh mình là một siêu cường đang lên, là một đối tác tốt, chứ không phải là kẻ đi gây chuyện.
Trung Quốc sẽ không muốn có rủi ro kịch tính nào trong dịp hội nghị quan trọng này, cho nên sẽ không khuấy động biển Đông để mất mặt vào thời điểm này. Nhà phân tích Kazianis tin chắc Trung Quốc sẽ kiềm chế cuộc tập trận chung với Nga đến sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc.
Mỹ là nước duy nhất có khả năng ngăn Trung Quốc gây chuyện. Tuy nhiên, thời điểm tháng 9, mức độ quan tâm ra bên ngoài của Mỹ sẽ giảm hẳn đi vì bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống - tổng tư lệnh quân đội mới. Truyền thông Mỹ và cả truyền thông toàn cầu cũng sẽ dồn sự chú ý vào cuộc chiến giữa hai đối thủ Hillary Clinton và Donald Trump, vào những cuộc tranh luận sắp đến.
Thời điểm này dù Trung Quốc có tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông hay bắt tay cải tạo bãi cạn Scarborough thì cũng không bị truyền thông thế giới chú ý nhiều bằng lúc trước. Vì cả thế giới đang bận theo dõi từng phát ngôn, từng tranh cãi của bà Clinton và ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Do đó với Trung Quốc, đây có thể là thời điểm tốt nhất để có phản ứng mạnh mẽ ở biển Đông, khi thế giới chuyển hướng chú ý về một nơi khác.
Từ tháng 9 trở đi đến hết năm là thời gian cuối nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Theo nhà phân tích Kazianis, chính phủ ông Obma có thể muốn thời gian này trôi qua suôn sẻ, không vướng vào rắc rối ở châu Á. Và đây là cơ hội cho Trung Quốc.
Thêm nữa việc chưa rõ ai sẽ nắm quyền lực ở Mỹ sắp tới và quan điểm của người đó đối với châu Á thế nào có thể sẽ khiến Trung Quốc tung đòn mạo hiểm, nắn gân lãnh đạo mới của Mỹ.(PLO)
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia nói nước này 'không thiên vị Trung Quốc về biển Đông'
"Campuchia không hề thiên vị Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Đông" - Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn khẳng định trong cuộc họp báo ngày 29-7 tại Phnom Penh, theo báo Campodia Daily(Campuchia).
Bộ trưởng Sokhonn khẳng định lập trường của Campuchia là luôn độc lập và trung lập trong vấn đề biển Đông.
Bộ trưởng Prak Sokhonn cũng cho rằng một số nước ASEAN và nhiều tổ chức truyền thông đã phán xét thiếu công bằng về thái độ và cách hành xử Campuchia với vấn đề biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn khẳng định Campuchia không thiên vị Trung Quốc về biển Đông trong cuộc họp báo tại Phnom Penh ngày 29-7. (Ảnh: CAMBODIA DAILY)
Theo ông, Campuchia không có lỗi trong việc phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở biển Đông không được đưa vào tuyên bố chung hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 25-7 ở Lào.
Theo ông Sokhonn, đưa phán quyết vào tuyên bố chung sẽ khiêu khích Trung Quốc tức giận không cần thiết.
“Tình hình biển Đông đang rất xấu, đặc biệt sau ngày 12-7 khi bên thì tuyên bố chiến thắng, bên thì tuyên bố phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài. Nếu chúng ta đưa phán quyết vào, phía Trung Quốc chắc chắn sẽ bác bỏ. Điều gì sẽ xảy ra? Tình hình sẽ càng thêm xấu, nguy hiểm trên biển sẽ càng tăng.”
“Tôi không muốn nói nhiều về các vấn đề nội tại của ASEAN, tuy nhiên Campuchia đã chịu nhiều bất công. Họ cáo buộc chúng tôi cản trở, vì họ có quyền lợi riêng của họ nhưng Campuchia cũng cần bảo vệ quyền lợi quốc gia mình.”
Bộ trưởng Sokhonn cũng chỉ trích một số tổ chức truyền thông nói về tuyên bố chung của ASEAN: “Có một tờ báo viết bài giật tít nói rằng Campuchia chỉ trích Philippines” - ám chỉ một bài báo "Bộ Ngoại giao chỉ trích Philippines" ngày 28-7 trên tờ The Phnom Penh Post, nội dung đề cập tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry rằng Philippines đã bị yêu cầu phải gỡ bỏ lời lẽ về phán quyết của Tòa Trọng tài trong tuyên bố chung ASEAN.
“Thực tế chúng tôi không chỉ trích Philippines. Chúng tôi cám ơn Philippines vì đã đóng góp vào việc duy trì đoàn kết và thống nhất của ASEAN.”
Ngày 26-7, hãng tin Kyodo (Nhật) dẫn lời một nhà ngoại giao Campuchia giấu tên có tham gia hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Lào nói rằng các thành viên ASEAN cần cảm ơn Campuchia vì đã “khiến Trung Quốc vui vẻ với ASEAN”.
Bộ trưởng Sokhonn phân trần việc Trung Quốc hỗ trợ hơn 500 triệu USD cho Campuchia sau khi có phán quyết không liên quan gì đến quan điểm của Campuchia về vấn đề biển Đông. “Campuchia không có lợi gì khi ủng hộ bất cứ bên nào. Chúng tôi chỉ muốn trung lập.”
Trong khi đó hãng tin Reuters (Mỹ) ngày 25-7 dẫn một số nguồn tin ngoại giao không nêu tên cho biết Trung Quốc đã cảm ơn Campuchia ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp biển Đông.
“Campuchia đã có lập trường đúng khi vừa bảo vệ được sự thống nhất của ASEAN vừa giữ được sự hợp tác với Trung Quốc”, trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
“Trung Quốc hoan nghênh Campuchia cũng như các nước ASEAN khác công bằng trong vấn đề biển Đông. Trung Quốc sẽ không để các thế lực bên ngoài lợi dụng phán quyết vụ kiện biển Đông của Philippines gây rối loạn tình hình khu vực” - theo ông Vương Nghị.
Vì sao Trung-Nga tập trận?
Liên quan đến cuộc tập trận hải quân Trung-Nga vào tháng 9 tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã kêu gọi Trung Quốc thể hiện minh bạch về các ý định và năng lực quân sự của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo ở Washington ngày 28-7 (giờ địa phương), ông John Kirby phát biểu: “Không cần làm thế để gia tăng căng thẳng. Chúng tôi đang chờ đợi các cuộc tập trận và các chiến dịch sẽ được thực hiện phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp”.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 29-7 cho biết theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc tập trận Trung-Nga trên biển Đông mang tên “Phối hợp hàng hải 2016” (“Joint Sea 2016”) diễn ra vừa trên đất liền vừa trên biển. Mục đích tập trận nhằm “củng cố năng lực của hải quân hai nước để phối hợp đối phó với các mối đe dọa an ninh hàng hải”.
Trong lần tập trận chung này, có thể hạm đội Nam Hải tham gia tập trận vì hạm đội này đảm trách phạm vi biển Đông. Đây là cuộc tập trận hải quân Trung-Nga thứ bảy từ năm 2005. Các cuộc tập trận mang tên “Phối hợp hàng hải” diễn ra từ năm 2012.
Các binh sĩ Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan hồi tháng 4 tại Philippines. Ảnh: YOUTUBE
Chi tiết “Phối hợp hàng hải 2016” chưa được công bố. Tuy nhiên, cuộc tập trận năm ngoái gồm hai phần: Tập trận trên Địa Trung Hải vào tháng 4-2015 và tập trận trên biển Nhật Bản vào tháng 8-2015.
Trong báo cáo năm 2016 về hoạt động quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận: “Giai đoạn đầu trên Địa Trung Hải tập trung bảo vệ các tuyến liên lạc hàng hải và đấu tranh chống khủng bố. Giai đoạn 2 trên biển Nhật Bản gồm đổ bộ thủy-bộ, phối hợp bảo vệ đường không và chống tàu mặt nước”.
Tạp chí The Diplomat nhận xét Trung Quốc chính là nước đã từng hung hăng chỉ trích Mỹ tập trận chung với Philippines hồi tháng 4 là “làm ảnh hưởng quan hệ các nước, dẫn đến xung đột, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định ở biển Đông”.
Đối với Nga, The Diplomat đánh giá dù đào sâu quan hệ an ninh với Trung Quốc nhưng Nga vẫn cố chứng tỏ trung lập về vấn đề biển Đông. Nga đã từng tỏ ra khó chịu khi Trung Quốc gây sức ép để Nga ủng hộ vấn đề biển Đông.
Chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận xét đây là phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của Tòa Trọng tài nhằm giảm sức ép từ dư luận và quân đội.
Báo New York Times dẫn lời chuyên gia Taylor Fravel ở Học viện Công nghệ Massachusetts nhận xét vấn đề then chốt là tập trận diễn ra ở đâu trên biển Đông.
Nếu tập trận diễn ra gần tỉnh Quảng Đông hay gần đảo Hải Nam thì ít bị chỉ trích. Bằng như tập trận diễn ra gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, chắc chắn các nước sẽ lên tiếng cảnh báo.